Sunday, 19 July 2015

Tiếng Nói Việt Nam Cộng Hòa (Vi Anh)





17/07/2015

Sự kiện lịch sử là chân lý, chân lý Ông Trời cũng không đổi được. Niềm tin này có thể thấy rõ trong chánh nghĩa của Việt Nam Cộng Hòa, trong Chiến Tranh Việt Nam mà Mỹ đã tham dự nhưng bị những thành phần thiên tả, phản chiến Mỹ nắm truyền thông phủ lên một lớp bụi mờ làm cho công luận Mỹ chia rẽ, xã hội Mỹ phân hóa, và quần chúng Mỹ hiểu lầm, khiến Mỹ thua CS Bắc Việt ngay trên đồi Capitol tại thủ Đô của Mỹ. Nhưng không bao lâu sau những người Mỹ, những người Việt chánh trực, trung thực, công minh bằng cách này hay cách khác phủi lớp bụi mờ phản chiến, thiên tả, trả lại chánh nghĩa, chân lý cho Việt Nam Cộng Hoà và cho Quân Lực Mỹ tham chiến ở VN để bảo vệ lý tưởng tự do, dân chủ của Mỹ.

Một thời sự chánh trị mới nhứt chứng minh chánh nghĩa của Chiến tranh VN. Lần đầu tiên Mỹ tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm cuộc chiến Việt Nam tại Quốc hội Mỹ ngày 8/7/2015, sau Lễ Độc Lập của Mỹ mấy ngày. Có mặt đương kiêm Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner (Cộng Hoà) và Cựu Chủ Tich Hạ Viện Pelosi (Dân Chủ) nay là Trưởng Khối của Dân Chủ, đương kim Bộ trưởng Quốc Phòng Carter và Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Hagel cựu chiến binh từng tham chiến VN và nhiều nghị sĩ, dân biểu thế lực của hai đảng có mặt, dự từ đầu tới cuối.

Nhưng quan trọng nhứt là những cựu quân nhân, thân nhân của những quân nhân Mỹ đã hy sinh mạng sống, những thương phế binh đã bỏ một phần thân thể trong chiến tranh VN, có mặt. Quốc Hội và Bộ Quốc Phòng nhân danh chánh quyền Mỹ của dân, vì dân, do dân long trọng và chánh thức rửa cho họ niềm đau, nỗi khổ, cái tủi, cái nhục mà Phản Chiến và Thiên tả đã oan sai gán cho họ là những người đã tham chiến Chiến tranh VN, một cuộc chiến không chánh đáng. Trong Chiến tranh VN ở Mỹ, Phản Chiến, Thiên tả đã dùng truyền thông, dùng biểu tình, dùng bầu cử bó tay quốc hội, hành pháp. Buộc quân đội Mỹ rút khỏi VN như quân thất trận ra khỏi chiến trường. Quân nhân Mỹ tham chiến ở VN về nước Mỹ không được thừa nhận là cựu quân nhân, không được quyền lợi cựu quân nhân. Còn chánh quyền Mỹ thì phản bội đồng minh, cúp viện trợ Việt Nam Cộng hoà, gián tiếp bức tử VNCH cho CS Bắc Việt cưỡng chiếm.

Trong buổi lễ do Quốc Hội tổ chức, RFI ghi nhận, “mở đầu buổi lễ, chủ tịch Hạ viện DB John Boehner mời tất cả những cựu chiến binh hiện diện trong khán phòng đứng dậy. Trong tiếng vỗ tay vang dội của gần một ngàn người tham dự, ông John Boehner ngỏ lời tri ân những chiến sĩ mà nay tuổi đã xế chiều. Ông nhấn mạnh, đất nước và nhân dân Mỹ phải nhớ ơn một thế hệ trẻ đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho lý tưởng tự do mà giá trị của nó luôn được ghi nhận. Ông nói “Họ đã đi, đã vào sinh ra tử, đã nằm xuống trên miền đất xa xôi mà rất nhiều người Mỹ thời đó không biết tới. Và nếu không chết, không bị tù tội mà còn sống trở về thì họ đã phải chịu đựng những lời chê trách nặng nề hay là bị quên lãng đi. Những chuyện như thế ngày hôm nay không còn nữa, những chuyện không hay ho như thế phải chấm dứt, phải trả lại sự xứng đáng và công lý cho những cựu chiến binh Việt Nam”, dân biểu John Boehner kết luận.

Cảm nghĩ của “Cựu chiến binh Ben Petrone ngồi trên xe lăn do vợ đẩy, chừng như không dấu được nỗi xúc động: “Thật tuyệt vời, cảm ơn rất nhiều, không gì có thể so sánh được. Sau một thời gian dài thì bây giờ tôi chỉ có thể nói được rằng trước kia nhiều người Mỹ đã hiểu sai về cuộc chiến Việt Nam mà chúng tôi là những người từng tham chiến. Đáng tiếc những người phản chiến đó đã bị hướng dẫn thông tin một cách sai lạc.”

Và người Việt ở Mỹ trong 40 năm qua cũng làm tất cả những gì có thể làm được để nói lên tiếng nói chánh nghĩa, tinh thần xây dựng tự do dân chủ của chánh quyền và quyết tâm vì dân chiến đấu vì nước hy sinh của quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hoà. Nhiều, nhiều những việc làm ấy lắm.

Quân thì cùng các tướng lãnh Mỹ tham chiến ở VN và các nhà phân tích chiến lược, sưu khảo, nghiên cứu, đối chiếu nhận thấy nếu Quân lực Mỹ bị cúp quân viện như Quân Lực VNCH thì chỉ có thể chịu đựng ba tháng chớ không phải gần ba năm như VNCH.

Dân thì nhận thấy suốt trong hai thời kỳ đệ nhứt và đệ nhị VNCH, hễ nói chạy giặc là chạy ra vùng người Việt Quốc gia, có đồn bót treo cờ nền vàng ba sọc dỏ, chớ không chạy vào vùng CS. Qua Mỹ người gốc Việt tiếp tục một cuộc “chiến tranh khác”, chiến tranh chánh trị, đấu tranh cho tự do, dân chủ nhân quyền VN, đưa nhân quyền VN vào Quốc Hội Mỹ, biến thành “trở ngại trung tâm” trong bang giao giữa Mỹ và CSVN. Giương cao ngọn cờ chánh nghĩa nền vàng ba sọc đỏ di sản của VNCH, được cả chục tiểu bang hàng trăm thành phố thừa nhân

Chánh quyền thì mới đây Đại Hoc Cornell (Cornell University) ở New York vốn là căn cứ địa của một số trí thức thiên tả, phản chiến chống Chiến Tranh VN. Nay gió đã đổi chiều. Đặc biệt là khoa truyền thông, xuất bản của Đại Học này gần đây được một một số trí thức, khoa bản công minh, chánh trực nắm. Nên có những hoạt động hội luận, nghiên cứu, sưu khảo trả lại chân lý, chánh nghĩa cho Chiến tranh VN, cho VNCH. Trong đó có nhưng người chánh trực như Chủ Nhiệm K.W. Taylor, thuộc bộ phận Cornell Southeast Asia Program Publications.

Mới đây đích thân vị này tự tay viết và gởi tặng cho toà soạn Việt Báo. Và hai tác giả quen biết với người viết bài này là Bác sĩ Mã Xái có gởi biếu, và Đốc sự Phan công Tâm có gọi điện thoại giới thiệu quyển “Voices from the Second Republic of South Việt Nam (1967- 1975)”.

Hình thức bên ngoài của cuốn sách lịch sử chánh trị này rất bắt mắt. Bìa màu xanh lá cây êm dịu, với hình quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà nền vàng ba sọc đỏ chiếm gần 1/3 trang. Toàn tiếng Anh rất thích hợp với lớp trẻ Mỹ gốc Việt bây giờ đã đông hơn lớp cao niên. Nhưng chữ in hơi nhỏ so với người lớn tuổi, có lẽ vì nội dung nhiều bài và nhiều sự kiện không thể rút ngắn, tóm gọn được

Nội dung bên trong. Lời cảm tạ của nhà xuất bản đối với Ô. Phan công Tâm đã đưa ý kiến tiên khỏi và giúp hoàn thành tác phẩm này và cám ơn những vị đóng góp bài vở và in ấn, phát hành.

Phần nhập đề “Voices From the South” (Tiếng Nói từ Miền Nam) do chủ biên K. W. Taylor viết. Đây có thể nói là một lượt sử của hai thời đệ nhứt và đệ nhị VNCH trong bối cảnh chánh trị liên quan đến Pháp, Mỹ, CS Liên xô và TQ. Sự hình thành, trưởng thành của VNCH. Đặc biệt VNCH vừa chiến đấu tự vệ chánh đáng, bảo vệ chánh nghĩa quốc gia kiên trì, và bờ cõi chống CS Bắc Việt xâm lăng, và vừa xây dựng chánh tri tự do, dân chủ, và kinh tế phát triển kỹ nghệ, nông nghiệp. Hình thành quốc hội lập hiến, làm ra hiến pháp, bầu quốc hội lập pháp. Xây dựng chánh quyền tam lập, cải cách ruộng đất, thăng tiến cần lao đồng tiến xã hội. Phát huy giáo dục phổ thông tối đa, mở đại học tổng hợp, chuyên môn như đại học bách khoa, quốc gia hành chánh, võ bị, học viện cảnh sát. Phát triển quân đội, lực lượng bán quân sự, an ninh tình báo. Càng biết càng tiếc VNCH.

Ít có một quyển sách về Việt Nam nào cô động, đi sâu chỉ vào Đệ Nhị VNCH từ 1967-75 như cuốn “Voices from the Second Republic of South Viet Nam (1967- 1975). Và cũng ít có quyển sách nào dưa ra những lời của những nhân chứng trong cuộc, của thời ấy như vậy. “Voices from the Second Republic of South Viet Nam (1967- 1975) có 171 trang bên trong, chứa 10 bài của 10 nhân chứng sống, làm việc trong thời Đệ Nhị VNCH. Có tiểu sử của những nhân vật này ở phần sau cùng của tác phẩm.

Thiết nghĩ không có ai, không có bài điểm sách nào đúng đắn và đầy đủ như suy nghĩ và câu viết, lời nói của tác giả. Nhứt là nội dung của nhưng bài viết này liên quan đến lịch sử, kinh tế, chánh trị, hành chánh, quân sự của một đất nước, trong một thời đại khó khăn mà chánh quyền VNCH đệ nhị làm tất cả những gì có thể làm được cho quốc gia dân tộc mình. Nên người viết bài này xin phép chỉ ghi ra đây tựa bài và tên tác giả hầu giới thiệu cho bà con cô bác đọc và nhận định, nhứt là lớp trẻ sanh sau Chiến Tranh VN có dịp ôn cố tri tân.

Dẫn nhập là K.W Talor. Đây là những bài luận thuyết đọc trong dịp Đaị Học Cornell tổ chức hội luận. Tiêu sử của tác giả ở trang 169. Bài “Cái Nhìn của người Việt về Việc Tham Gia của Mỹ, do Bùi Diễm [thường được biết là Đại sứ VNCH viết]. “Chứng lý của Viên Chức Trung Ương Tình Báo Nam VN,” Phan công Tâm [là một trong những thành phần lãnh đạo chỉ huy cao cấp và thâm niên trong cơ quan Trung Ương Tình Báo/ VNCH]. “Từ việc Chống biểu tình Phản Chiến Đến việc Xây dựng Quốc gia”, Nguyễn ngọc Bích [Nhân sĩ hoạt động truyền thông và chánh trị]. “Một Thập Niên Công vụ: Xây dựng Quốc gia Trong Thời kỳ chuyển tiếp và Đệ Nhị Cộng Hoà, Trần quang Minh [Tiền sĩ Canh Nông]. “Xây dựng Kinh tế Thị Trường Trong Thời Chiến, Nguyễn đức Cương [Cựu Thứ Trưởng Thương Mại, Kỹ Nghệ]. “Từ Đệ nhứt đến Đệ Nhị Cộng Hoà: Từ Scylla đến Charybdis,” Phan quang Tuệ [Thẩm Phán Di Trú Mỹ]. “Lời chứng của một Cựu Dân Biểu của Quốc Hội Nam VN (1971-75),” Trần văn Sơn. “Đảng Tân Dại Việt và Sự Đóng Góp vài Công trình Xây Dựng Dân Chủ Đệ Nhị Cộng Hoà,” Mã Xái [Bác sĩ ở VN và MD ở Mỹ]. “Hải Chiến Hoàng sa,” Hồ văn Kỳ Thoại [Tướng Hải Quân VNCH]. “Quân sự và An Ninh,” Lữ Lan [Tưóng Lục Quân VNCH].

Xin trân trọng giới thiệu cùng bà con cô bác, nhứt là lớp trẻ gốc Việt của Việt Nam hải ngoại./. (Vi Anh)





No comments:

Post a Comment

View My Stats