Saturday, 18 July 2015

Muốn đi tù - chuyện thật như đùa (Nguyễn Xuân Nghĩa - Danlambao)






Ở bài trước tôi mạo muội nhận xét với tầm hoạt động như hiện nay các nhà đối kháng sẽ không bị bắt đi tù. Tôi nói điều này dựa trên các dự liệu. Từ năm 2014 đến nay, chưa ai ngồi tù vì viết hoặc đi biểu tình trong khuôn viên của XHDS. (Ta không nói đến một người tên là Nguyễn Đình Ngọc, được suy diễn là tác giả Nguyễn Ngọc Già, thường viết cho DLB. Suy diễn trên không chứng minh được vì viết mà ông Nguyễn Đình Ngọc bị bắt. Nếu hai cái tên trên chỉ thị một người thì ông bị bắt vì dùng tên ảo. Tất cả các tác giả đã đang viết bằng tên thật, kể như nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt chỉ 3 tháng rồi cũng được thả ra. Ngay như 8,9 năm trước cộng sản cũng hạn chế bắt tù người viết, chỉ tìm cách ngăn chặn phương tiện để trình bày bài viết là chính. Hầu như ông Nguyễn Thanh Giang cả đời đấu tranh bằng viết, nhưng tệ hại nhất với ông vẫn chỉ là 6 tháng tù không án. Ngược lại một chàng thanh niên chưa viết giòng nào nhưng chỉ vận bộ đồ quân lực VNCH phô ra chỗ đông người là bị bắt và kết án liền.

Trường hợp của tôi cũng vậy.

Trong cáo trạng dùng để kết án tôi tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” viện kiểm sát tối cao của đảng cộng sản liệt kê ra được 57 bài viết gồm bút ký, thơ, bình luận chính trị, xã hội... Vì họ không thấy những bài viết của tôi nguy hại cho họ, nên họ chỉ khống chế, khủng bố các hành vi mang tính hành động của tôi chứ không bắt. Chỉ khi tôi tổ chức treo biểu ngữ giữa phố, họ mới bắt tôi và bắt cả các đồng sự đi treo biểu ngữ của tôi, mặc dù trong đó vài người không viết một bài nào. Ròng rã hơn 2 năm trời, tôi viết một số lượng bài cũng không nhỏ và độ gay gắt cũng không ít nhưng tôi không bị bắt khiến có một đồng sự loan tin tôi là người của an ninh. Tôi đã phải đặt lại câu hỏi cho người đưa chuyện: - Nhiệm vụ đầu tiên của cơ quan an ninh là phải bịt mồm người nào dám nói đảng cộng sản thối tha... Vậy tại sao họ đưa một người của họ ra làm cái việc họ đang chống?

Ngay đến tôi cũng hoài nghi. Câu hỏi tại sao chúng không bắt mình luôn có trong đầu tôi thời gian này. Tôi đã nhìn thấy cánh cổng nhà tù từ bài viết đầu tiên mà viết mãi vẫn chưa đi đến. Càng viết và càng đọc của người đi trước tôi càng nhận ra trong các bài viết của tôi chỉ là sự lặp lại (bằng văn phong, cấu trúc khác) của các vị đã đi trước như Bùi Tín, Trần Khuê, Hà Sỹ Phu, Nguyễn Thanh Giang. Chỉ ra sai lầm của học thuyết Mác, các hành động tàn bạo của phe cộng sản? Tại sao phải có dân chủ, tại sao phải xa Trung Quốc để ngả về khối tự do... Chỉ cần kìm hãm cơn cảm hứng là tôi nhận ra tôi lặp lại người khác. Tôi nhận ra thêm một điều khác nữa: Máy tính gia đình thời ấy còn ít. Máy tính được nối mạng không nhiều; tường lửa bị chính quyền giăng liên miên, kiên trì và kiên cố. Cho nên các bài viết không được phổ biến, không gây nguy hiểm và đó là lý do tôi và nhiều người nữa không bị bắt. 

Từ đó, song song với viết, tôi lựa chọn các bài viết thích hợp để nhân bản phát tán. Khi các ông Nguyễn Thanh Giang, Linh mục Phan Văn Lợi, Chị H... liên hệ với tôi, tôi đã phô tô bán nguyệt san của các tổ chức đảng phái kể trên ra hàng trăm bản một lần. Một tháng 2 kỳ vợ chồng tôi bật máy phô tô vào lúc nửa đêm, phô tô, gim kẹp, bao gói chúng ra từng tập để sáng hôm sau, ông Vũ Cao Quận, ông Nguyễn Mạnh Sơn (HP), anh Nguyễn Văn Túc (Thái Bình) cho người đến nhận. Tôi nói không ngoa, một lần tôi đã phát tán các bài viết chống cộng sản rất rộng rãi và công khai trong đám cưới của một cô cháu là hội viên hội nhà văn Hải Phòng. Hôm sau công an Hải Phòng đi đến từng nhà văn, nhà thơ thu gom các bài viết kia và cảnh cáo người đọc, trong khi tôi, người phát tán, họ lại “để đấy”...

Tôi đồng tổ chức và tham dự các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, tôi ghi hình, trả lời PV, tường thuật trực tiếp diễn biến các cuộc biểu tình mặc máy quay của an ninh chĩa sấn sổ vào tận mặt. Đặc biệt cuộc biểu tình ngày 29/4 tại cổng chợ Đồng Xuân chống cuộc rước đuốc Olympic Bắc Kinh, tôi đưa 7 thanh niên từ Hải phòng lên Hà Nội tham gia. Cuộc biểu tình bị đàn áp ngay từ vài phút khởi phát. Chúng tôi bị bắt, bị đánh đập dã man trong đồn công an chợ Đồng Xuân... Bảy cháu đều khai tôi tổ chức, chi tiền, may áo, làm biểu ngữ, ăn, tàu xe... nhưng các cháu càng khai ra tôi sớm tôi càng được thả sớm.

Cuộc đàn áp biểu tình của công an HN tại chợ Đồng Xuân sáng ngày 29/4/2008

Từ đó tôi càng nung nấu ý tưởng: Nếu không gian dân chủ đã được nới rộng, tại sao mình không nhô đầu lên để chạm trần?

Tôi hăng say nghiên cứu để thực hiện các hành vi tuyên truyền chống cộng sản ngoài bàn phím. Tôi tổ chức thả bóng bay ngay tại cửa bưu điện Bờ Hồ trước ngày đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ tại Hà Nội. Hơn 10 chùm bóng bay từ từ lên cao mang theo các biểu ngữ nội dung đòi nhân quyền cho nhân dân Việt Nam (bằng tiếng Việt và tiếng Anh). Có những chùm bóng bị chặn lại bởi vòm cây xanh, biểu ngữ thả xuống tầm mắt người tham gia giao thông hàng chục phút. Ngày hôm sau báo An ninh thủ đô phải trấn an người đọc “không có chuyện bọn phản động thả bóng bay” giống như hôm qua chính quyền Hải Dương họp báo không có chuyện xe xúc cán qua người bà Lê Thị Châm... 

Những biểu ngữ treo dưới các chùm bóng được tán cây giữ lại sáng ngày 28/5/2008

Tôi tổ chức treo biểu ngữ, rải truyền đơn trên các cầu vượt tại Hải phòng và Hải Dương, đồng thời gian, tôi cùng cô Phạm Thanh Nghiên đệ đơn xin phép biểu tình chống lạm phát và kiện UBND Tp Hà Nội ra tòa vì không cấp phép biểu tình..

Xin nói rõ hơn, ý tưởng treo biểu ngữ trên cầu vượt không phải do tôi nghĩ ra. Trước tôi 10 ngày nhà giáo Vũ Hùng đã treo một tấm tại cầu vượt Nam Thăng Long - Hà Nội. Hiệu ứng của lần đó không cao. Tôi cũng không hiểu tại sao thầy giáo không thông tin về nó cho các cơ quan truyền thông? Riêng tôi, tôi đã làm tất cả để các hành vi chính nghĩa của nhóm tôi được phổ biến, lan truyền rộng rãi ở mức có thể. Tôi đưa ảnh, viết bài, làm thơ về nó. Cách của tôi là khi thực hiện thì bí mật để không bị cản trở. Thành công thì bất kể bị lộ, bị bắt...

Tôi và các chiến hữu đã bị bắt...

Khi đã vào tù, chúng tôi mới có thời gian kiểm tra lại sự việc. Thầy giáo Vũ Hùng nói là “Chấn động địa cầu" và tin cộng sản sẽ đổ sớm. Tôi không lạc quan đến như vậy, nhưng rất tự hào với các hành vi nổi bật chúng tôi đã làm được. Tuy nhiên có người phê phán tôi chỉ treo một cái biểu ngữ mà huy động đến 6 người để bị vào tù ráo trọi, gây tổn thất về nhân sự cho phong trào... Tôi giải thích trở lại rằng đi tù cũng là một hành vi đấu tranh. Nếu không có người đi tù, truyền thông nào nói đến chúng ta, người dân nào không có internet biết đang có những người đấu tranh cho quyền làm người của họ? Ai chứng kiến được chúng ta đại diện cho những người hoạt động dân chủ đang đứng trước vành móng ngựa của chính quyền độc tài phản dân chủ?. Những ai nhận thấy họ tồn tại ngoài nhà tù có ích hơn cho phong trào dân chủ -cứ việc!. Ai thấy bản thân bị mất tự do sẽ cho nhiều người được tự do hơn-cứ tự nguyện. 

Tôi rất vui khi nghe tôi lập luận, anh Nguyễn Kim Nhàn đã thốt lên; “Nếu anh nói với em trước, em giới thiệu cho anh 10 người nữa để anh đưa họ vào tù..."

Tất cả những diễn giải và lập trên của tôi chỉ nhằm mục đích nói rằng: Lúc nào chúng ta cũng phải chiếm đủ không gian dân chủ. Cái trần độc tài lên cao tới đâu, là cơ hội cho đầu chúng ta phải chạm trần tới đó. Có thể chúng ta phiêu lưu mạo hiểm không đúng lúc. Nhưng hậu quả do nó gây ra tạo thành công cho những bước chân tiếp theo. Chắc chắn chúng tôi không phải là những tù nhân chính trị đầu tiên, càng không phải là cuối cùng; cũng chắc chắn là nỗi lo mất lực lượng không còn đặt ra vào lúc này. Càng nhiều người bị bỏ tù, lực lượng chúng ta càng đông hơn. Như đã thấy.

Tôi biết rất nhiều trong anh chị em chúng ta mong muốn dấn thêm những bước dài cho cuộc cách mạng dân chủ hóa đất nước. Nhiều anh chị em ao ước có các hành vi tổ chức biểu tình từ dân sinh đến chính trị, thành lập các đảng chính trị mới hoặc gia nhập các đảng chính trị đối lập với đảng cộng có sẵn. Nhiều người đã đề cử ai sẽ ra tranh cử tổng thống... Ước mơ là vô hình, bàn chân ta chuyển động mới hữu hình...

Chuyện thật như đùa

Thời gian gần đây tôi thấy hình như các nhà vận động dân chủ ôm bàn phím nằm chờ những cơ hội rơi từ trên trời xuống. Trước TPP chúng ta nằm chờ TPP sẽ đưa dân chủ nhân quyền cho người dân. TPP chưa ngã ngũ chúng ta tiếp tục nằm chờ và suy tưởng ra những đột phá về hướng dân chủ, bài tàu khi nghe tin một vài nhân vật quan trọng trong bộ máy cầm quyền ốm đau, đi nước ngoài chữa bệnh và một vài thay đổi nhân sự trong nội bộ đảng cầm quyền. Tiếp đấy chúng ta nằm chờ và hy vọng vào sức ép từ phía Hoa Kỳ trong chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng. Vài ba ngày gần đây, khi những hình ảnh xe tăng tàu bò di hành lan truyền trên mạng xã hội, chúng ta lại chuyển hy vọng sang chiến tranh và nghĩ chiến tranh với tàu sẽ làm thay đổi chế độ chính trị Việt Nam. Một vài bạn còn khẳng định đã cảm nhận được sự thay đổi từ việc chính quyền độc tài không bắt và kết án nhân vật hoạt động đối kháng nào thời gian gần đây.

Tôi tự hỏi chúng ta có ảo tưởng không?

- Việc không ai bị bắt và bị kết án các tội danh liên quan đến chính trị trong thời gian vừa qua, không phải vì chính quyền độc tài nới rộng không gian dân chủ cho chúng ta mà bởi vì các hoạt động của chúng ta không nguy hiểm cho họ. Các cuộc thăm viếng nhau, đưa đón, trợ giúp gia đình các tù nhân lương tâm, các dân oan... chắc chắn là chỉ ngưa ngứa cho cho họ thôi. Các cuộc biểu tình phản đối chặt hạ cây xanh cũng thế. Cuộc tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh cho chủ quyền lãnh thổ quốc gia rõ là chẳng có gì phải bàn cãi, có chăng là một đám trẻ con ngu si đần độn tổ chức phá quấy. Các hoạt động này đúng rõ ràng, yêu nước rõ ràng, dù đánh lận con đen tài tình cỡ nào cũng không lẫn được. Cho nên nhà độc tài cũng chỉ cần đưa ra vài hành vi ngăn trở, phiền nhiễu, đánh trộm để răn đe là đủ. Các phát ngôn, lý luận từ bàn phím là những phát ngôn cũ kỹ, mười lăm, mười năm trước đã có người viết ra, nói ra. Bài nào không lặp lại ý này cũng lặp lại ý kia của các vị Hà Sỹ Phu, Bùi Tín Nguyễn Gia Kiểng, Nguyễn Thanh Giang và nữa... nữa. Vả lại chính quyền cũng đã bắt bớ bỏ tù vài chục người đầu tiên viết ra, nói ra rồi. Nói nhiều, nhiều người nói thành chuyện bình thường. Hiện tại tôi nghĩ chỉ có thể bị bắt khi ai đó đi treo băng rôn khẩu hiệu tại nơi công cộng nhưng phải với yêu sách đòi đa đảng, đòi giải tán đảng cộng sản hoặc công khai tổ chức thành lập đảng đối lập với đảng cộng sản, có cương lĩnh hẳn hoi, tên tuổi các thành viên của đảng hẳn hoi, có địa chỉ hẳn hoi và nếu an ninh triệu tập thì phải vui vẻ thừa nhận...

Chưa làm được nhiều mà chúng ta đã nghĩ đến một chính quyền mới cho hệ thống chính trị dân cử. Chỉ một vài lá thư gửi cho các nhân vật cầm quyền độc tài chúng ta đã đề cử ai làm tổng thống, ai làm Quốc hội trong hệ thống cầm quyền mới. Tôi nghĩ ai đó thích đùa. Nếu người nào cho rằng nghiêm túc thì tôi, xin phép vẫn cứ bảo lưu suy nghĩ cá nhân.

Vậy đến khi nào chúng ta mới cần nghĩ đến viễn cảnh đề cử người của mình ra tranh cử tổng thống?

Đó là lúc một cuộc biểu tình khởi phát từ yêu sách giảm giá điện năng hoặc xăng dầu, hoặc chống lạm phát v.v... có hàng vạn người tham gia chuyển thành cuộc biểu tình chính trị. Tức là từ chống hậu quả chuyển sang chống nguyên nhân. Cuộc biểu tình đó có khi kéo dài hàng tuần, hàng tháng. người biểu tình phải ăn nằm vạ vật ngoài đường phố thay vì ăn trong phòng ăn, ngủ trong phòng ngủ. Có thể phải có máu đổ, có thể Trung Quốc chuyển quân đến sát biên giới chờ tín hiệu can thiệp và Phương Tây đưa tàu chiến sát bờ biển nước ta sau khi hai ông lớn đã đấu đá nhau, đe dọa nhau liên miên bằng mồm trên các diễn đàn khu vực và quốc tế...

Đến ngày ấy, nhiều nhà hoạt động không muốn đi tù cũng vào tù.

Chúng ta đã chuẩn bị cho kịch bản này chưa?

18/07/2015






No comments:

Post a Comment

View My Stats