Sunday, 12 July 2015

Kịch bản Grexit – Hy Lạp rời vùng euro – qua 10 câu hỏi (RFI)





Đăng ngày 11-07-2015 

Kể từ ngày 10/07/2015, các quan chức thuộc Ủy ban Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã họp lại để xem xét kế hoạch cải cách do Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras chuyển đến vào hôm trước. Theo dự trù, ngày 12/07, sẽ mở ra một Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu được cho là sẽ quyết định số phận của Hy Lạp trong vùng euro.

Hiện giờ chưa biết kết quả sẽ ra sao, nhưng trong những ngày qua, vấn đề Grexit – Hy Lạp thoát ly khỏi khối đồng euro – đã được gợi lên rất nhiều. Khả năng xấu đó, nếu phải thực hiện, sẽ diễn ra như thế nào ? Báo kinh tế Les Echos ngày 10/07/2015 đã đặt ra 10 câu hỏi-đáp bao quát kịch bản này.

1- Việc Hy Lạp ra khỏi vùng sử dụng đồng euro có thể diễn ra trong trật tự hay không ?
Việc ra khỏi vùng euro không được dự trù trong các hiệp ước châu Âu vốn quy định là tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền riêng của các nước đã gia nhập khối euro với đồng euro được ấn định từ đầu và « không thể đảo ngược ». Trong trường hợp này, và do việc chính phủ Hy Lạp không muốn bỏ đồng euro, khối euro sẽ khó có thể trục xuất một thành viên bất chấp ý muốn ở lại của thành viên này. Sự chia tay như vậy sẽ diễn ra một cách hết sức thô bạo, và Hy Lạp có rất nhiều lý do để kiện khối euro.
Trong thực tế, tiến trình gọi là Grexit có thể diễn ra một cách ít nhiều trật tự. Trong kịch bản dã man nhất, Ngân hàng Trung ương Châu Âu cúp ngay lập tức nguồn cung cấp thanh khoản cuối cùng cho các ngân hàng Hy Lạp. Hành động này sẽ tạo ra một sự sụp đổ tức thời của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế Hy Lạp.
Tuy nhiên, rất có khả năng là các cơ quan tiền tệ châu Âu sẽ tìm kiếm một giải pháp chuyển tiếp nhẹ nhàng hơn, vừa viện trợ nhân đạo, vừa tiếp tục cung cấp thanh khoản tài chính cho Hy Lạp trong suốt thời gian nước này thiết lập một đồng tiền mới. Châu Âu cũng có thể xem xét khả năng hình thành một tỷ giá cố định hay những biên độ tăng giảm hợp lý giữa đồng euro với đồng tiền mới của Hy Lạp nhằm tạo uy tín cho đơn vị tiền tệ mới này.
Tuy nhiên các giải pháp nhẹ nhàng đó sẽ không thể thực hiện được nếu chính quyền Hy Lạp khăng khăng muốn ở lại trong vùng euro một cách hợp pháp, và khi đó có khả năng là tại Hy Lạp sẽ có hai loại tiền tệ được lưu hành.

2 - Điều gì sẽ xảy ra cho các ngân hàng Hy Lạp ?
Nếu không có thỏa thuận chính trị với Hy Lạp trên chương trình cải cách từ nay đến Chủ nhật, Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ ngừng hỗ trợ các ngân hàng Hy Lạp, với nguy cơ hỗn loạn bùng lên. Thống đốc Ngân hàng Pháp quốc Christian Noyer đã cảnh báo như trên hôm thứ Tư 08/07.
Một cách cụ thể, nguồn euro giúp cho các ngân hàng Hy Lạp hoạt động sẽ bị đóng lại với sự chấm dứt của chương trình trợ giúp khẩn cấp "ELA" đến từ Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, một chương trình lên đến 89 tỷ euro, do Ngân hàng Trung ương Châu Âu cung ứng với một số bảo đảm thích hợp và đặt dưới sự giám sát của định chế này.
Để giúp các ngân hàng của mình tồn tại, Hy Lạp khi đó có thể tài trợ bằng cách phát hành một loại tiền tệ song song với đồng euro. Điều này sẽ cho pháp các ngân hàng Hy Lạp tái cơ cấu vốn - điều kiện tiên quyết cho họ mở cửa hoạt động trở lại. Công việc đó của chính phủ sẽ được tiến hành song song với việc quốc hữu hóa bốn ngân hàng lớn của Hy Lạp (Alpha Bank, Piraeus Bank, Ngân hàng Quốc gia Hy Lạp và Eurobank).
Bốn ngân hàng này đã bị đặt dưới quyền kiểm soát của Quỹ Ổn định Tài chính Hy Lạp (FHSF) và bộ ba chủ nợ của Hy Lạp vào năm 2012.

3 – Chính quyền Hy Lạp sẽ có những công cụ tiền tệ nào ?
Để đảm bảo các dịch vụ thanh toán trong nước, Nhà nước Hy Lạp hiện đang thiếu tiền mặt, có thể tính đến việc cho lưu hành ngay một loại tiền tệ tạm thời song song với đồng euro. Loại tiền « tạm » này, còn được gọi là "IOU" (Tôi nợ bạn"), sẽ được sử dụng như một loại giấy nợ để thay thế khối lượng euro sẽ tất yếu giảm dần.
Một cách cụ thể, một cá nhân sẽ được Nhà nước hứa trả cho một món tiền nào đó vào một thời hạn nhất định, và loại tiền tạm IOU sẽ được trả lãi. Công chức chẳng hạn sẽ được trả lương bằng tiền tạm, và dùng nó để trả thuế, vì Nhà nước bị bắt buộc phải nhận phương tiện thanh toán đó.
Các tờ « giấy nợ » cũng có thể được sử dụng cho các khoản chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như mua xăng, nhưng có lẽ với giá thấp hơn nhiều so với mệnh giá. Do việc loại tiền tạm này sẽ nhanh chóng bị mất giá, Nhà nước sẽ phải ngày càng in thêm.
Để thoát khỏi tình trạng nói trên, Athens sẽ phải quay trở lại chế độ 100% euro hay là, và đây là khả năng cao nhất, phát hành một đồng tiền quốc gia đúng nghĩa.

4 – Đến bao giờ thì đồng drachma vốn có của Hy Lạp sẽ được tái lưu hành ?
Liệu có khả năng sớm thấy lại tờ 1000 drachma in hình thần Apollo hay không ? Có lẽ là không vì khuôn in tiền đã bị phá hủy vào lúc Hy Lạp gia nhập vùng euro rồi.
Nhưng nếu Hy Lạp cắt đứt với đồng euro, Athens sẽ phải tìm một đồng tiền thay thế cho đồng euro. Điều này có thể mất thời gian vì cần phải vẽ lại mẫu tiền giấy và tiền kim loại, làm sao cho loại tiền này không thể làm giả được, rồi sau đó in ra.
Theo chuyên gia Alain Pitous, thuộc hãng Talence Gestion : « Điều đó có thể mất ít nhất là ba tháng, nhưng có thể sớm hơn nếu được các cơ quan in tiền châu Âu hỗ trợ ». Trong khi chờ đợi, Nhà nước sẽ phải in tiền tạm IOU (xem câu hỏi 3), để cho các doanh nghiệp trả lương cho nhân viên, hay để chính quyền trả tiền hưu bổng hay tiền lương cho công chức. Khi đồng tiền quốc gia mới được lưu hành, người Hy Lạp có thể đổi tiền tạm để lấy tiền thực mới toanh.
Cũng có khả năng hai loại « tiền tệ » cùng tồn tại ở Hy Lạp, đồng euro, vẫn sẽ là đồng tiền có giá trị ổn định để tham khảo và đồng IOU hoặc đồng drachma dùng để trả lương, nhưng sẽ tiếp tục mất giá.

5 – Còn Nhà nước Hy Lạp sẽ vận hành ra sao ?
Câu hỏi đặt ra là Nhà nước Hy Lạp làm thế nào để trả lương công công chức và chi phí cho các dịch vụ công cộng khi không còn được hỗ trợ tài chính từ bên ngoài, cũng như không thể bù đắp thâm hụt ngân sách bằng cách phát hành trái phiếu, khi ngay cả hệ thống ngân hàng của mình bị phá sản ?
Vào cuối năm 2014, Hy Lạp đã trầy trật lắm mới có được một thặng dư ngân sách sơ đẳng (tức là không tính đến các chi phí trả nợ) khoảng 1,5% GDP. Điều đó có nghĩa là Nhà nước đã có thể hoạt động mà không cần đi vay. Thế nhưng sau đó, tình trạng bất ổn định chính trị và thay đổi chính phủ đã phá vỡ đà phục hồi kinh tế vừa manh nha, khiến cho Hy Lạp vào cuối năm nay, sẽ lại bị thiếu hụt ngân sách và cần đến tài trợ.
Giải pháp duy nhất là in loại tiền tạm "IOU", một loại giấy nợ cho phép Nhà nước « bù đắp » thâm hụt.

6 - Những hậu quả xã hội có thể ra sao ?
Cơn chấn động của việc Hy Lạp rời khỏi vùng euro đối với dân chúng còn tệ hại hơn những gì mà họ đã chịu đụng trong những năm qua với các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà các chính phủ trước phải áp đặt để chỉnh đốn kinh tế, xóa những điều thái quá trước kia. Kinh tế Hy Lạp có thể bị suy thoái với mức hơn 10% trong nhiều năm.
Đã có gần 4 triệu người Hy Lạp, tức là một phần ba dân số, sống dưới ngưỡng nghèo khó vào năm 2013. Họ đã phải liệu cơm gắp mắm với thu nhập dưới 4.068 euro/năm.
Chính sách kiểm soát vốn bắt đầu gây xáo trộn không ít trong đời sống kinh tế Hy Lạp do việc giảm nhập khẩu, từ thuốc men cho nhà thương, thức ăn gia súc cho nông dân, cho đến các sản phẩm tiêu dùng trong các cửa hiệu. Ngay cả báo cũng phải giảm trang vì thiếu giấy.

7 - Hy Lạp có cần trợ giúp "nhân đạo" hay không ?
Trước khi có thể tái lập một thế cân bằng nào với một đồng tiền mới bị mất giá, Hy Lạp, nước vốn nhập khẩu phần lớn các loại nhu yếu phẩm (thuốc men, năng lượng), với cán cân thương mại luôn thiếu hụt, sẽ cần được trợ giúp để đáp ứng những nhu cầu sơ đẳng.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã tuyên bố tối thứ Ba (07/07) vừa qua là Bruxelles đã dự kiến mốt số khả năng, nhưng Châu Âu cho đến giờ không muốn nói rõ chi tiết.
Các loại quỹ gọi là « cơ cấu » dành cho Hy Lạp có thể lên đến 35 tỷ từ đây đến 2020, và có thể trở thành nguồn ngân sách trong trường hợp khẩn cấp do việc Ủy ban Châu Âu có thể huy động vốn khẩn cấp trong trường hợp nguy kịch.
Nếu tình hình xấu đi, 28 nước Liên Hiệp Châu Âu vào ngày mai có thể được kêu gọi cố gắng thêm để giúp đỡ người dân Hy Lạp.

8 - Hậu quả trên mặt địa chính trị ra sao ?
Hy Lạp không đơn thuần là những con số về nợ công và tăng trưởng. Giới lãnh đạo Châu Âu cũng dư biết điều này. Châu Âu sẽ giải thích thế nào với các đối tác quốc tế của mình khi bỏ rơi Hy Lạp trong lúc lại đấu tranh cho Ukraina trên sườn phía đông ? Đó là một nghịch lý khó thể bảo vệ, và sẽ làm Châu Âu yếu đi trước Nga chẳng hạn.
Một hồ sơ quan trọng khác liên quan đến Hy Lạp : Vấn đề di dân, nhập cư bất hợp pháp vào các quốc gia Châu Âu. Theo một báo cáo của Phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc vừa được công bố, thì ngày càng có nhiều người vượt Địa Trung Hải chọn ngã Hy Lạp thay vì chọn đường ở chính giữa và qua ngã nước Ý. Hơn bao giờ hết Châu Âu cần đến Hy Lạp để quản lý vấn đề người xin tỵ nạn.
Một vấn đề khác nữa là trước tình hình bất ổn ở khu vực bờ biển phía Nam Địa Trung Hải, Hy Lạp là trọng tâm trong hệ thống bố phòng của NATO, cũng như của Mỹ, nước có một căn cứ cho hạm đội 6 ở Souda, Hy Lạp, không xa bờ biển Syria.
Nếu cộng thêm vào yếu tố ổn định của Athens trước các láng giềng vùng Balkan luôn bất ổn, thì việc cần phải duy trì Hy Lạp trong Liên Hiệp Châu Âu là tất yếu.

9 - Liệu Hy Lạp sẽ trả nợ sau khi bị đẩy ra khỏi vùng euro ?
Nếu bị đuổi ra khỏi vùng euro, khó có khả năng là Hy Lạp sẽ thanh toán các món nợ mà 80% là nợ công. Chỉ riêng các nước thành viên của khu vực đồng euro và Quỹ Ổn định châu Âu (EFSF) hoạt động dưới sự bảo đảm của chính các nước này, hiện đang nắm giữ 131 tỷ euro công trái Hy Lạp, tức là một nửa trên tổng số nợ. Phần còn lại ở trong tay Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, vốn cho đến nay rất ít khi bị quỵt nợ.
Các ngân hàng tư hầu như không còn bị tác động từ các món nợ của Hy Lạp, ngoại trừ chính các ngân hàng Hy Lạp. Từ một vài tháng nay, các định chế này đã trở thành nguồn tài trợ chủ yếu cho Nhà nước Hy Lạp.
Điều tốt nhất là chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ có thể đạt được một thỏa thuận về việc xóa nợ. Gilles Moec, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tuộc chi nhánh Châu Âu của ngân hàng Mỹ Bank of America Merrill Lynch giải thích : « Nếu xẩy ra tình trạng vỡ nợ toàn diện đối với Hy Lạp, thì các bên sẽ phải đối mặt với nhiều năm tranh cãi pháp lý ».
Do đó, có rất nhiều khả năng là ngay sau ngày Hy Lạp rời bỏ vùng euro, các chủ nợ và con nợ sẽ lại ngồi vào bàn để thương lượng một kế hoạch tái triển hạn món nợ Hy Lạp. Đây quả là một điều oái oăm !

10 – Việc Hy Lạp rời vùng euro sẽ gây tốn kém như thế nào cho các thành viên còn lại trong khối  ?
Nếu Hy Lạp bị buộc phải rời khỏi khu vực đồng euro, chí phí sẽ cực kỳ nặng nề cho các nước còn lại. Một nghiên cứu gần đây của ngân hàng RBS cho thấy là phí tổn của việc này có thể lên đến 237 tỷ euro, tương đương với 2,3% GDP của khu vực đồng euro. Để so sánh, việc giảm nợ cho Hy Lạp từ mức 180% GDP hiện nay xuống còn 100% GDP sẽ « chỉ » tốn 140 tỷ euro mà thôi.
Cho đến nay, Đức đã từ chối mọi khả năng giảm nợ cho Hy Lạp với lý do người dân Đức sẽ phải trả giá nặng nề vì nước Đức sẽ mất đi hơn 55 tỷ euro trên các khoản vay song phương và thông qua Quỹ Cứu trợ Châu Âu (EFSF). Về phần mình, Pháp cũng sẽ bị mất 42,3 tỷ euro.
Ngoài các món nợ trong tay các nước thành viên của khu vực đồng euro, còn phải kể đến các khoản công trái Hy Lạp đang nằm trong tay cơ chế Eurosytème, tập hợp Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Trung ương các nước trong khối sử dụng đồng euro. Cơ chế này đã bỏ ra tổng cộng 27,2 tỷ euro để mua công trái Hy Lạp trong hai chương trình mua lại công trái Hy Lạp SMP và ANFA, được thiết lập trong những năm 2011-2012 để giúp đỡ Hy Lạp.




No comments:

Post a Comment

View My Stats