Friday, 6 March 2015

TỪ “VĂN” ĐẾN “MIẾU” (FB Phạm Lưu Vũ)






Văn chương là sự nô đùa của những kẻ sĩ ngồi không lông bông trông rất chán. Đám này lơ lửng giữa cái bận rộn, âm mưu vì quyền lực, ghế ngồi, v.v… của chính trị và cái vất vả, hối hả vì miếng cơm, manh áo, v.v… của thợ thuyền. Tóm lại đó là những công cụ hạng bét trong tay Tạo hoá nhằm sản sinh ra những sản phẩm tuyệt chẳng có tí prôtêin hay chất đạm, chất béo nào mà có khi vẫn gây độc hại. Song chính vì sự nô, đùa ấy mà nó cũng chia những “kẻ sĩ” ra thành hai hạng theo đúng thứ tự của 2 từ đó. Chỉ tiếc rằng lịch sử đã chứng tỏ cái việc chia này vừa rõ ràng lại vừa mờ mịt, đặc biệt là cứ sau mỗi cuộc "đổi mới".

Đùa mà không nô. Thế mới đích thị là đùa. Song mấy ai giữ được như thế suốt đời, kể cả những bậc văn chương lừng lẫy, đã và đang là những pho tượng sống tượng chết cũng khó mà giữ được. Còn nô mà không đùa thì hạng sĩ ấy, thiên hạ thường vẫn lấy làm kinh lắm. Có lần, kẻ viết những dòng này từng ví cái sự “nô” mà không “đùa” ấy là “quạ mổ”. Song xem ra, sự ví ấy vẫn còn nhẹ lắm. Chính trị lưu manh vì có dao có súng, có nhà tù trong tay nên nếu cần thì sẵn sàng “ngậm máu phun người”. Thế còn những kẻ gọi là “sĩ” [nô], trí thức [nô], không có dao có súng trong tay thì “ngậm” cái gì mà phun? Nói thật nhé, nếu cần a dua thì [họ] cũng sẵn sàng… “ngậm cứt phun người” đấy. Khác nhau mỗi chữ đó thôi. Chẳng phải chỉ có cái thời “quạ mổ” ấy hay thời nay mới có chuyện vu cho một vị sư sắp xuống lỗ còn ăn tiền đâu đó để làm chuyện thị phi. Thời nào cũng có những chuyện tương tự. Ví dụ đời nhà Trần, có danh sĩ Trương Hán Siêu cậy được vua yêu, bèn đặt điều vu vạ cho người khác cốt nâng cao địa vị của mình lên. Đến khi đuối lý bị phạt 300 quan tiền, còn mặt dày mà nhơn nhơn nói rằng: “Tôi làm việc ở chính phủ, được Chúa thượng tin dùng, cho nên mới nói [bừa] thế, biết đâu lại có chuyện tra xét này!”. Một kẻ sĩ, thân làm đến chức Hành khiển mà nói câu ấy, chứng tỏ sự vô trách nhiệm trước số phận của người khác đã trở thành một thứ… phản xạ vô điều kiện mất rồi. Hán Siêu về sau chết được tòng tự ở Văn Miếu, ngang với cụ Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An là vì cái thời mạt đức nó thế. Việc này tuy có làm ô danh Văn Miếu chút ít, song vẫn còn chưa ăn thua gì.

Chính trị cũng thích “nô đùa” như văn chương. Nhưng là những sự “nô đùa” chết người. Nói ra điều này cũng chẳng mới mẻ gì. Kinh Dịch từ “bát quái” (tám quẻ), biến ra sáu mươi tư quẻ, chỉ độc mỗi quẻ “Sư” là nói về việc “võ”. Còn lại sáu mươi ba quẻ toàn nói về “văn”. Ấy là bởi thánh nhân mong đời có đạo lý nên mới phải làm như vậy. Thế nhưng cả sáu mươi ba quẻ “văn” kia cũng không át nổi một quẻ “võ”. Vì thế lịch sử chẳng qua chỉ là sự nối tiếp giữa các “triều đại”, cũng là sự nối tiếp các cuộc chiến tranh. Nói cách khác, chiến tranh làm nên lịch sử. Vệ là một nước nhỏ bé, hèn mạt vào loại nhất nhì trong số “liệt quốc” thời Xuân Thu. Vậy mà khi gặp Khổng Tử, vua Vệ không hỏi điều gì khác, lại hỏi ngay đến việc chiến tranh. Thì ra vua chúa vì có quyền tiêu xài vận mạng của hàng triệu triệu sinh linh nên chỉ thích quẻ “Sư”, luôn nghĩ đến quẻ “Sư”. Còn trong dân gian, ai bói Dịch mà chẳng thích gặp được chữ “cát” (cát tường, may mắn). Song trước chữ “cát”, thường có chữ “trinh”, nghĩa là phải giữ mình kiên trinh, ngay ngắn lắm thì mới mong gặp cát. Nếu không bói được chữ “cát” thì cũng cầu cho bằng được chữ “vô cựu” (vô sự, không gặp hiểm họa). Song trước chữ “vô cựu” thường có chữ “hối”, nghĩa là phải biết hối hận, ăn năn thì mới mong được vô sự. Té ra “may mắn” với “vô sự” đâu phải tự nhiên mà gặp được. Thế nghĩa là Dịch khuyên răn mọi người là chính đấy chứ? Nào có phải đạo điếc của riêng một vài hạng mà thôi đâu.

Nhân bàn đến “vô sự”. Than ôi, để mong đạt được điều này, con người ta thường không thích dùng chữ “hối”, mà ưa dùng chữ “hèn” hơn. Cái chữ bất hủ này nó không tha ai cả, từ dân ngu khu đen cho đến những quan cực phẩm, từ anh binh nhì cho đến ngài đại tướng,v.v... Đến như quan Đại Tư Đồ là Băng Hồ tướng công Trần Nguyên Đán, ông ngoại Ức Trai tiên sinh Nguyễn Trãi kia. Tướng công là cháu 4 đời của Thái Sư Trần Quang Khải, con vua Trần Thái Tông. Một hôm bà vợ nằm mơ thấy một con quạ trắng khổng lồ nhảy lên bàn thờ đập cánh 7 cái. Rồi thì nước lạnh tràn vào nhà, trôi hết cả sách vở, đồ đạc, trôi luôn cả bàn thờ. Ngoài vườn đầy tiếng quạ kêu, lại thấy trong bụng có gì chuyển động, hình như có thai. Đến sáng kể chuyện cho tướng công nghe. Trần Nguyên Đán giật mình, biết vận nhà Trần sắp hết. Từ đó mỗi khi vào chầu vua không dám bày mưu kế gì, chỉ lo con cháu sau này khó còn chốn dung thân. Khi bà vợ sinh đứa con trai, tướng công bèn đặt tên là Mộng Dữ. Lại đem Mộng Dữ gửi gắm Hồ Quý Ly. Tận trước khi chết, vua thân hành đến nhà hỏi chuyện về sau, tướng công vẫn không dám nói đến cái nỗi nguy kề kề bên cạnh, chỉ tâu [lảng] rằng: “Xin bệ hạ kính nước Minh (nước Tàu) như cha, yêu Chiêm Thành như con, thì nước nhà vô sự, tôi dẫu chết cũng được bất hủ”. Té ra tướng công chỉ lo chuyện “bất hủ” của riêng mình, còn việc nước nhà có thật được “vô sự” hay không thì không cần quan tâm. Than ôi! chính cái "nước Minh" mà tướng công khuyên vua Trần "kính" như cha ấy sau đó không lâu đã xua quân dày xéo Tổ quốc, dày xéo mồ mả tổ tiên của tướng công suốt hai chục năm trời. Song câu nói đó của tướng công chỉ mới thấy “đen” mà chưa thấy "nhục".

Câu thơ sau đây của tướng công thì hỡi ôi, mới nói lên cái nỗi nhục muôn đời của những kẻ thức giả, những kẻ (tuy) biết đấy mà không làm gì được:

“Đem con mà gửi cho loài quạ
Chẳng biết quạ già có xót thương?”

Băng Hồ tiên sinh sau đấy chắc cũng được yên lòng nơi chín suối, bởi con “quạ già” Hồ Quý Ly kia về sau đã đem con hờ của mình là công chúa Hoàng Trung mà gả cho Mộng Dữ. Sau khi cướp ngôi nhà Trần, Quý Ly còn phong Mộng Dữ làm Đông cung phán thủ. Hai em là Thúc Dao và Thúc Quỳnh cũng được làm tướng. Đại loại các con tiên sinh quả nhiên đều tránh được nạn (quả nhiên "vô sự") song chỉ được đời con thôi. Còn đời cháu chắt của tiên sinh bi thảm thế nào thì nhiều người đã biết. Những việc "hèn" như tiên sinh sử chép kĩ lắm. Không hiểu có hàm ý “răn đe” hay “giáo dục” gì đối với các đời sau hay không mà ngẫm ra đời nào cũng có khối người bắt chước?

Chuyện xưa ấy muốn quên mà không sao quên nổi. Còn chuyện nay thì sao? Sau một hồi dóng trống, dóng chiêng hô xóa bỏ những “tàn tích” của “phong kiến thối nát” để xây dựng lại từ đầu một nền “văn hiến” – “ngàn lần tươi đẹp hơn” theo những cái khuôn đúc sẵn, những ý tưởng định sẵn, v.v... người ta bỗng giật mình nhận thấy có gì không ổn trong những thứ “ngàn lần tươi đẹp” ấy, kể cả trong văn chương. Thế là các làng, xã đua nhau quyên góp tiền dựng lại đình chùa. Những ngôi đình, ngôi chùa giả cổ lởm khởm loè loẹt nom đến nhức mắt. Song dù sao thì tín ngưỡng sau một thời gian dài mất nơi nương tựa nay dần dần lại có nơi, có chốn. Thế còn văn chương? May quá, Văn Miếu vẫn còn đó. Văn Miếu là tầm cỡ quốc gia, còn Văn Chỉ với Văn Thánh chỉ là tầm cỡ làng xã với cả vùng, miền, nếu trót phá rồi thì từ từ sẽ tính. Văn Miếu cổ kính thuở nào nay như một xóm nhà quê nhỏ bé lọt thỏm giữa những tân kì, nguy nga, ngày càng nguy nga của đất kinh thành. Tưởng sẽ mãi mãi hoang phế hoặc mất tăm mất tích, ngờ đâu bỗng trở thành nơi nương tựa thiêng liêng của văn chương thời "Đổi Mới". Văn nhân tài tử bốn phương hàng năm lại hẹn nhau lũ lượt kéo về mở hội, cúng tế sì sụp, rồi bình thơ bình văn, khoe sách, khoe danh rầm rĩ… Những gương mặt phởn chí, hớn hở, cố làm ra vẻ ta đây rất trọng cái sự học muôn đời của ông cha. Đã thế phục trang, cờ quạt… lại cố làm sao cho… giống hệt với ngày xưa. Học sinh thì đến kì thi lại nô nức kéo đến sờ đầu, vỗ đít các “cụ” rùa đội bia để cầu thi đỗ… Đúng là đã đến lúc phải nói lời tri ân các cụ “phong kiến” ngày xưa nhiều, nhiều lắm.

Song không cần phải đợi đến tận bây giờ. Văn Miếu từ rất lâu vốn đã bị ô danh mất rồi.
Đại Việt sử kí toàn thư chép việc mùa đông, tháng 11 năm Canh Thân (1380) thuộc đời vua Trần Phế Đế (niên hiệu Xương Phù, năm thứ 4), có kẻ họ Đỗ tên Tử Bình được bổ làm Nhập nội hành khiển tả tham tri chính sự, lĩnh chức Kinh lược sứ tỉnh Lạng Giang, vài năm sau chết được cho tòng tự (thờ cúng) ở Văn Miếu. Sách có dẫn lời nói cay đắng của sử gia Phan Phu Tiên:

“Bậc danh nho các đời có bài trừ được dị đoan, truyền giữ được đạo thống thì mới được tòng tự ở Văn Miếu, thế là để tỏ rõ đạo học có ngọn nguồn. [Thượng hoàng] Nghệ Tông cho Chu [Văn] An, Trương Hán Siêu, Đỗ Tử Bình được dự vào đó, thì Hán Siêu là người cứng cỏi, bài xích đạo Phật. An sửa mình trong sạch, bền giữ khí tiết, không cầu hiển đạt, thì cũng tạm được. Đến như Tử Bình là hạng học nhảm chiều người, tham lam bòn vét, là kẻ gian thần hại nước, sao lại được len vào chỗ đó?”

Sử thần là Ngô Sĩ Liên còn quyết liệt và cụ thể hơn:

“Tử Bình lén đánh cắp vàng cống của [Chế] Bồng Nga, tâu bày lừa vua, để đến nỗi Duệ Tông đi tuần phương nam [chết trận] không trở về nữa, nước nhà từ đó liên tiếp có tai họa Chiêm Thành vào cướp, tội ấy giết cũng chưa đáng, còn học nhảm chiều người thì chê trách làm gì”

Trước đó, cũng bộ sử ấy chép việc Chế Bồng Nga dâng lên vua Trần 10 mâm vàng. Gã họ Đỗ lúc ấy được sai làm tướng đánh Chế Bồng Nga thấy vàng đã tối mắt mà ỉm đi, cướp lấy làm của riêng, lại tâu lời xằng bậy khiến Trần Duệ Tông tức giận mang quân chinh phạt Chiêm Thành. Ông vua này hữu dũng vô mưu. Đánh đấm gì mà xua quân đi cứ như xâu cá, lại cố chấp, không biết nghe lời nói phải. Đúng là cái thời mạt nó thế. Đến khi nghe tin Trần Duệ Tông chết trận, Tử Bình bèn bỏ trốn về nước. Đỗ Tử Bình sau đó bị đóng cũi chở về kinh trị tội, dọc đường, dân chúng lấy gạch ngói (chắc phải có cả cứt trâu, cứt bò nữa) ném vào cũi mà thi nhau chửi rủa. Vậy mà về đến kinh sư, chẳng hiểu lo lót thế nào gã lại được tha, lại leo dần lên đến chức tể tướng?. Gã họ Đỗ ấy có tài gì? Có tài vơ vét của dân cho thật nhiều. Phép thu thuế thân, bất kể người có ruộng hay không có ruộng bắt đầu có từ thời này, do Tử Bình bắt chước thời nhà Đường bên Tàu mà lập ra.

Xét những việc ấy thì Đỗ Tử Bình đúng là loại quan tướng thuộc vào hàng chó lợn. Vậy mà gã nghiễm nhiên được ngự ở Văn Miếu thì có phải là chốn ấy đã bị ô uế quá rồi hay không? Giờ người ta nói đến Văn Miếu với lòng tự hào, thường chỉ nhắc đến Khổng Tử và cụ Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An mà lờ tịt Đỗ Tử Bình đi. Khổng Tử thì ở tận bên Tàu. Văn Miếu lừng lẫy của Ngài còn có trước Văn Miếu này hàng nghìn năm. Đời nào Ngài chịu lặn lội sang tận cái chốn di, địch này mà ngự cho phí danh. Còn cụ Tiểu Ẩn Chu Văn An, người ta có biết đâu rằng ngay từ khi Đỗ Tử Bình được đưa vào tòng tự ở đó, thì chắc cụ Chu đã lại một lần nữa bỏ về quê ở Thanh Đàm rồi. Cụ đã từng rũ áo từ quan khi dâng “thất trảm sớ” mà không được vua Trần chấp thuận. Nghĩa là lúc sống, Cụ còn không chịu ngồi chung với những hạng tham quan ô lại để giữ khí tiết thì khi chết, đời nào Cụ lại chịu ngự chung một nơi thờ cúng với hạng người như gã họ Đỗ kia nữa?

Cụ đã không còn ở đó, vậy thì các văn nhân tài tử kia đang vái ai đấy nhỉ?




No comments:

Post a Comment

View My Stats