Một lần tôi đi con xe gắn máy ghẻ vào đường ngược chiều,
đoạn đường đó đổi sang đường ngược chiều đã hai tháng, lâu không qua nên không
biết. Anh công an giao thông tuýt còi, tôi tấp xe vào hè. Anh ta thông báo cho
tôi biết đã đi vào đường ngược chiều. Nhìn lại mới biểt ra là có biển cấm. Sau
khi xem xét giấy tờ đầy đủ, anh công an bảo:
- Mức phạt của anh là 450 nghìn. Tôi ghi biên lai anh ra
kho bạc nộp phạt, giấy tờ để ở đây.
Tôi vui vẻ đồng ý, chỉ yêu cầu anh ghi rõ vi phạm vào
biên bản, từng mục, mức tiền phạt từng mục. Và vé phạt do bộ tài chính quy định.
Anh công an ngần ngừ, anh bảo thôi vì đường cũng mới cấm,
thấy tôi cũng là người không phải thường xuyên coi thường luật giao thông, anh
sẽ viết mức phạt 300.
Tôi cám ơn, và tiếp tục vẫn xin anh ghi rõ.
Anh ngần ngừ, rồi anh chưa viết , anh nói:
- Thôi anh cũng không xin xỏ gì, chấp hành cũng tốt, tôi
linh động viết phạt anh 200 thôi. Mà anh cứ cần rõ lý do làm gì, chỉ cần ghi lỗi
vi phạm là ra giá tiền phạt thôi mà.
Tôi cười hiền hoà, xin anh cứ làm đúng luật, lỗi tôi làm
tôi chịu. Anh ta tần ngần, có lẽ anh ta chưa bao giờ gặp người phạm lỗi giao
thông nào mà lại nhẹ nhàng nhận lỗi, xin chịu phạt theo quyết định của anh dễ
dàng như vậy. Không thanh minh, không tranh cãi. Anh ta cúi xuống ghi biên bản,
ghi vé phạt, 5 cái vé 20 nghìn. Đưa cho tôi anh bảo.
- Tôi ghi cho anh 100 nghìn, giá thấp nhất rồi đó.
Tôi cảm ơn, đút vé vào trong cặp, hỏi anh ta còn đứng đây
bao lâu để tôi có kịp quay lại lấy giấy tờ khi ra kho bạc nộp phạt rồi không.
Anh ta nhìn tôi đầy vẻ nghi hoặc. Anh ta cho tôi số điện, bảo bao giờ cứ nộp
xong gọi, anh ấy sẽ mang giấy tờ tôi theo, kể cả về nhà rồi tôi gọi anh cũng
báo địa chỉ mang trả. Giúp cho tôi thuận tiện.
Tôi ra kho bạc, nôp phạt, gọi anh. Anh nói vẫn ở chỗ cũ,
tôi đến đưa giấy chứng nhận nộp phạt, anh trả lại giấy tờ. Tôi cho vào cặp định
đi, anh giữ tay tôi lại hỏi:
- Sao anh không xin một câu, lúc đó anh nói đường mới cấm,
anh không biết, tôi sẽ để anh đi mà.
Tôi cười tươi:
- Các anh đứng đây, nghe người ta xin xỏ, phân trần nhiều
cũng mệt, đâm ra nhàm. Phải có người như tôi để anh thấy yêu nghề, thấy công việc
không đơn điệu chứ.
Anh công an nghĩ lúc nói:
- Lúc tôi viết, đã ngập ngừng để anh có lời tôi cho anh
đi. Vì mãi anh không nói mà cứ thúc viết vé phạt, tôi đành phải ghi. Chúng tôi
suốt ngày ngoài đường, nhìn người biết ai ra ai lắm chứ. Thôi , có gì anh thông
cảm bỏ qua tôi. Anh lúc nào qua đoạn đó, rảnh anh em mình làm cốc bia nhé.
Tôi chào anh ta rồi đi, thực ra lỗi của tôi chỉ là 100
nghìn. Anh ta lúc đầu hăng hái liệt kê cả một đống lỗi nào đó rồi phát giá 450
nghìn. Chính vì thế tôi bật cười rồi đồng ý ngay và xin anh viết biên bản từng
lỗi. Nhưng anh ta cũng cảnh giác và ghi đúng lỗi duy nhất với mức phạt đúng nhất
trong khung.
Lần thứ hai, bạn tôi đậu ô tô ngược đầu. Đường đó không cấm
ô tô đậu, nhưng bạn tôi đậu xe lại ngược đầu. Cảnh sát cơ động gọi kiểm tra giấy
tờ, bạn tôi đưa rồi đứng xin xỏ. Mấy anh cơ động không nghe, bảo đến trạm cảnh
sát cơ động đầu Lạc Long Quân làm việc. Bạn tôi mặt mũi xanh xám, luống cuống gọi
tôi đến bảo đi cùng vì anh sợ. Tôi bảo sai đâu thì nộp phạt đó, có gì mà sợ.
Anh ta nói nhưng anh ta nhìn công an là sợ. Tôi chửi, đm mày, cả đời đéo làm gì
phạm pháp, sao mà sợ công an. Anh ta thiểu não phân trần chính vì thế nên anh
ta nhìn thấy công an là sợ.
Tôi để anh ta bên ngoài, đi vào trạm cảnh sát cơ động, thấy
mấy ông chỉ huy đang ngồi đánh bài. Một ông quát:
- Có việc gì.
Tôi nói mình lên làm việc về xe đậu ngược đầu.
Một vị thượng tá bỏ bàn đánh bài, ra bàn làm việc, giở giấy
tờ ra hỏi:
- Có phải cái xe đậu chỗ quán Sen không?
Tôi gật đầu.
Vị thượng ta đanh giọng kể từng lỗi, tổng lại là 2,5 triệu.
Ông nhấn mạnh lỗi này là rất nghiêm trọng, lỗi kia là rất nặng. Tôi để ông nói
xong, rồi thì thầm:
- Từng ấy tội đã bằng tội tiêu thụ tiền giả chưa?
Vị thượng tá giật nẩy mình, ông ta nhìn tôi như một thằng
điên hay thằng ở hành tinh khác đến. Trong lúc ông ta còn ngạc nhiên, tôi rút tờ
500 đưa cho ông ta nói.
- Đây này, anh xem luôn, tiền giả đấy, giống y chang tiền
thật 99 phần trăm, mắt thường nhìn hay sờ cũng không biết được.
Theo bản năng, ông ta cầm tờ tiền ngắm nghía, giơ lên
ngang mặt, vuốt vuốt, sờ sờ. Tôi vớ luôn giấy tờ xe của thằng bạn ở trước mặt
ông ta rồi đứng dậy đi mấy bước, ngoái cổ lại nói:
- Tiền thật đấy.
Tôi ra đến cửa, ông ta gọi:
- Này này, quay lại đã.
Tôi dừng lại bảo:
- Gì nữa anh, tiền trao cháo múc rồi mà.
Ông ta cười sằng sặc:
- Anh khoái mày quá, cho anh cái số điện, lúc nào anh em
mình nhậu một bữa. Mày chơi được đấy. Mẹ đã vào đây chỉ có mất tiền triệu, mà
mày bản lĩnh đấy, tao kết mày thật sự.
Tôi vui vẻ bảo sẽ có dịp qua anh, giờ phải mang giấy tờ
cho thằng bạn nó còn đậu xe chỗ đó chờ. Ông ta nhắc vài lần nói nhớ qua thì ghé
vào với ông chơi nhé.
Tôi dám khẳng định 90 % những người dân đang sử dụng mọi
phương tiện lưu thông trên đường không ai biết hết các mức phạt cho các lỗi mà
mình có thể phạm phải. Tôi cũng nằm trong số đó, nhưng tôi luôn áng chừng được
mức phạt được. Đơn giản là tôi căn cứ theo cách thông báo mức phạt của công an.
Họ cũng nói thách y hệt những con buôn ngoài chợ giời. Tuỳ vào thái độ từng người
họ sẽ đưa ra mức giá phạt khác nhau. Chỉ có điều họ thượng phong hơn bọn con
buôn là mặt hàng của họ khách hàng buộc phải trả tiền.
Vừa xong có đề xuất tịch thu phương tiện của người say rượu.
Dư luận khá bức xúc. Xin thưa luôn là không có chuyện đấy đâu. Chỉ là một cách
phát giá thôi, sau đó sẽ có người khác đề xuất mức nhẹ hơn, ví dụ như giam xe 3
tháng, hoặc phạt mức tiền lớn hơn trước kia.
Tất cả chỉ gói gọn trong hai từ "làm giá".
Cái chuyện luật lệ ở đất nước này chung quy chỉ xoay
quanh chuyện tiền, làm luật để sao có nhiều tiền cho nhà nước hoặc rơi rớt thì
cho lực lượng còn đảng còn mình có lý do để kiếm chác thêm.
Nếu các bạn phản đối chuyện tịch thu phương tiện người
say rượu, là chính các bạn đã mắc bẫy nhà nước. Tâm lý phản đối đó nhà nước thừa
biết sẽ xuất hiện, thậm chí còn có cò mồi của nhà nước phê phán, chỉ trích đề
xuất ấy. Lúc cao trào sẽ có một vị lãnh đạo anh minh quyết định không làm thế,
mà chỉ xử phạt năng thêm mức này, mức kia. Rồi cò mồi sẽ ra vẻ hoan hỉ là nhà
nước lắng nghe nguyện vọng nhân dân, đã giải quyết thoả đáng, hợp tình, hợp lý.
Cái chuyện tịch thu phương tiện người say rượu là ba xạo
nhất trên đời, xe đắt tiền, xe rẻ tiền, xe đồng nát hay xe của tư nhân, doanh
nghiệp, xe nhà nước, xe khách, tàu hoả, máy bay, tàu thuỷ... thu xong giải quyết
thế nào với cái tàu hoả chẳng hạn. hoặc xe của các ông lãnh đạo nữa. Ba xạo như
chuyện trên sao Kim mà vẫn nói, chẳng qua là một nghệ thuật buôn bán phát giá
mà thôi.
Khi các bạn phản đối, các bạn góp ý, các bạn khuyên nhủ,
trình bày... đều là phản ứng chả khác gì những phản ứng mà cảnh sát giao thông
gặp ngoài đường. Đừng nghĩ lớn lao gì tầm cỡ vĩ mô, cứ cúi xuống nhìn chuyện lề
đường giải quyết thế nào thì luật của nhà nước này sẽ được giải quyết như thế.
Theo tôi các bạn không những đồng ý với chuyện tịch thu
phương tiện của người say rượu điều khiển, mà còn khuyến khích làm mạnh hơn nữa
như tich thu những nhà nào có người say rượu, những khách sạn nhà hàng nào có
người say rượu. Tịch thu luôn công ty, trụ sở nào có người say rượu. Máy bay,
tàu hoả, tàu thuỷ... gì đó có người say rượu điều khiển cũng tịch thu luôn.
Thích nghiêm luật cho nghiêm đến tận cùng xem, liệu nhà
nước có dám không?
Tất nhiên họ chả dám, già néo đứt dây, chung quy chỉ là
chuyện làm tiền mà thôi. Đâu phải chuyện kiến nghị thế để mong mỏi người dân thực
hiện nghiêm minh pháp luật.
No comments:
Post a Comment