Friday, 20 March 2015

Trung Quốc: Ngân hàng thế giới tương lai ? (Minh Anh - RFI)





Minh Anh  -  RFI
Đăng ngày 19-03-2015 Sửa đổi ngày 19-03-2015 17:44

Pháp, Đức, Ý nối gót Anh quốc, quyết định tham gia vào dự án thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng AIIB do Trung Quốc chủ xướng. Phụ trang kinh tế của Le Monde chạy tựa : "Trung Quốc lôi kéo các nước Châu Âu vào Ngân hàng của mình".

Với quan điểm thực dụng, cả ba nước Pháp, Đức và Ý, cho rằng "tốt nhất nên tham gia làm thành viên sáng lập ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á AIIB (Asian Infrastructure Investment Bank) như ý muốn của Trung Quốc để có thể gây áp lực trên hiệp ước hình thành định chế mới hơn là cứ phải lo hoài nghi ".

Nhưng thông báo trên của ba nền kinh tế đầu tàu trong Liên Hiệp Châu Âu và của Anh quốc đã làm cho Hoa Kỳ tức giận. Theo nhận định của Le Monde, dự án này cho thấy ý định của Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc là một nước lớn và Bắc Kinh muốn cả thế giới phải công nhận điều đó. Một quan điểm cũng được Le Figaro đồng chia sẻ qua bài phân tích "Trung Quốc tự xem mình như là ngân hàng thế giới tương lai" của tác giả Fabrice Nodé-Langlois.

AIIB : công cụ để Trung Quốc phô trương ảnh hưởng

Câu hỏi đặt ra: "Vậy thì AIIB có điều gì làm cho Hoa Kỳ phải lo lắng?". "Trung Quốc theo đuổi những mục tiêu gì khi lôi kéo thêm các nước phương Tây?". Bài viết nhắc lại ý tưởng này đã được ông Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013 nhân chuyến công du Indonesia. Theo đó, trong thời gian đầu, ngân hàng này sẽ được cấp một nguồn vốn 50 tỷ đô-la, cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như xây cầu đường, hệ thống đường sắt, mạng lưới điện và điện thoại tại Châu Á.

Ngay trong buổi khai trương hồi tháng 10/2014, AIIB đã thu hút khoảng 20 nước tham gia. Đó là những quốc gia lân bang với Trung Quốc và cũng là những nước có nhu cầu vay tiền của Bắc Kinh như Cam Bốt, Lào, Việt Nam, Malaysia, Miến Điện hay Philippines. AIIB còn lôi kéo được các nước giàu có như Kazakhstan hay các nước dầu hỏa vùng Vịnh như Oman và Qatar.

Đối với ông Tập Cận Bình, AIIB sẽ là một công cụ phục vụ cho "sự hội nhập kinh tế khu vực".  Tác giả bài viết nhận định : Một sự hội nhập sẽ được hình thành và cần phải được thực hiện dưới tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. 

AIIB của Trung Quốc sẽ được kết nối với dự án Ngân hàng khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), với "con đường tơ lụa mới" được triển khai sang Trung Á và "con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ XXI" trong tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, bài phân tích cho rằng tất cả những điều đó không đánh lừa được Hoa Kỳ. Washington đưa ra các luận điểm đạo đức : Liệu các dự án do AIIB tài trợ có tôn trọng các chuẩn mực xã hội, sự minh bạch, nhân quyền và môi trường hay không? Châu Âu biện giải rằng chỉ có tham gia vào dự án mới có thể  bảo đảm là những giá trị nói trên sẽ được tôn trọng.

AIIB, đối thủ cạnh tranh của WB và ADB

Thế nhưng, trên thực tế, Washington xem AIIB như là một đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của Ngân hàng Thế giới, (WB) gần như bị xem là dưới sự điều phối của Hoa Kỳ. Tương tự, Tokyo cũng có cùng chung mối bận tâm như Hoa Kỳ cho Ngân hàng Phát triển Á châu mà Nhật Bản điều hành liên tục từ nửa thế kỷ nay.

Theo bài viết, trên bình diện quốc tế, một cuộc tranh giành ảnh hưởng hấp dẫn đang diễn ra, mà vũ khí tối tân là sức mạnh tài chính. Bị xem như là xưởng gia công lớn nhất hành tinh trong nhiều thập niên qua, nay Trung Quốc đang chuẩn bị một cách rất có phương pháp cho vai trò tiếp theo của mình: trở thành ông chủ nợ của thế giới. Với 4000 tỷ ngoại tệ dự trữ trong tay, có thể nói Trung Quốc có thừa sức để thực hiện tham vọng đó.

Úc và Hàn Quốc, các đồng minh khác của Hoa Kỳ cũng đã vội vã lên chiếc thuyền AIIB cùng với hai trung tâm tài chính lớn của Châu Âu như Luxembourg và Thụy Sĩ. Trong con mắt thực dụng, Châu Âu xem dự án này như là một phương tiện bổ sung để tiếp cận các thị trường Châu Á. Chính trong mục tiêu đó mà Châu Âu cũng không muốn bị gạt ra ngoài cuộc chơi.






No comments:

Post a Comment

View My Stats