Tuesday, 10 March 2015

Tính đảng và bạo lực (Kính Hòa - RFA)





Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-03-09

Một tâm linh bạo lực

Bạo lực, và… bạo lực!

Đó là hai từ tràn ngập báo chí trong những ngày Ra Giêng xuân Ất Mùi. Người ta đếm được có cả ngàn trường hợp nhập viện vì bạo lực. Người ta đánh nhau vì giành nhau những điều tưởng tượng ở các lễ hội. Bạo lực trộn lẫn với mê tính dị đoan như được nhân lên nhiều lần bằng những lời bình nhẹ như không của các quan chức, rằng đấy là văn hóa!

Blogger Viêt Từ Sài Gòn mô tả những khung cảnh hỗn độn đó trong một đoạn văn súc tích sau đây :
Lễ hội tâm linh do nhà nước khởi xướng càng nhiều thì con người càng trở nên máu lạnh, tham lam, sẵn sàng đánh đập nhau, vác dao chém nhau chỉ vì một miếng giẻ rách gọi là “ấn” trong lễ hội Đền Gióng, lễ hội đến Trần… Mọi sự giằng xé, giành giật, đánh cướp được diễn ra công khai, tàn bạo ngay trước mặt cái điều gọi là thần linh.

Đây không phải là lần đầu mà câu chuyện gọi là Tâm linh trong xã hội Việt Nam đương đại đã được nói đến. Nhưng dường như mùa xuân Ất Mùi này nó đã vượt qua cái ngưỡng chịu đựng của nhiều người.

Khi quan sát các lễ hội năm nay cây bút Nguyễn Đình Bổn viết rằng Thấy dân Hà Nội nói riêng và dân Việt nói chung không muốn lao động, học tập, đấu tranh để tự nắm lấy được số phận của mình, mà thích bỏ vài trăm mua mâm lễ để giải được hạn của số phận hơn !

Blogger Nguyễn Hữu Vinh viết liền hai kỳ phóng sự mang tựa đề Lễ Hội, Tín Ngưỡng và chuyện bát nháo thời Sản mạt, trong đó ông rút ra hai điều. Điều đầu tiên là các đền chùa khắp nơi trên cả nước đã trở thành một nơi làm ăn kinh doanh, và sự kinh doanh đó đang rất khấm khá.
Điều thứ hai ông rút ra là để trả lời cho câu hỏi rằng tại sao, đảng cộng sản vốn cho mình là vô thần lại để cho không khí gọi là tâm linh bát nháo ấy tràn lan đến như vậy? Nguyễn Hữu Vinh trả lời rằng đó là một Liên minh tiêu diệt. Trong liên minh này những người cộng sản dùng mê tín dị đoan, tín ngưỡng tôn giáo để xóa đi khoảng trống lòng tin trong xã hội Việt Nam đương đại, sau bao nhiêu năm của việc tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản. Và mục đích của việc lấp khoảng trống này là để mở ra một giai đoạn mới cho các lễ hội, các đình đền, các chủa chiền cũng như nhà thờ (nếu có thể "quản lý") được tha hồ mở "hội", miễn lôi kéo được quần chúng, ru ngủ được người dân xa rời các sự quan tâm đến những vấn đề cốt lõi của cuộc sống như Tự do tín ngưỡng, quyền con người, lãnh thổ đất đai, chế độ độc tài toàn trị, đời sống bấp bênh và xã hội nhũng lạm nặng nề bất ổn.
Ông kết luận rằng Khi một xã hội được xây dựng bằng bạo lực và lừa dối, thì mọi biến tướng của lễ, hội, tín ngưỡng theo hướng đó chỉ là sự sa đọa, suy đồi về văn hóa mà thôi.

Từ hải ngoại, Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc gọi cái cảnh mà Viêt Từ Sài gòn mô tả bên trên là một thứ Văn hóa bạo động. Theo ông thì có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc hình thành nó. Đó là không có thói quen giải quyết các xung đột bằng cách thương lượng với nhau. Điều thứ hai là chẳng ai còn tin luật pháp sẽ làm tròn trách nhiệm phân xử xã hội của mình nữa.

Chỉ có một nguyên nhân

"Tính đảng" là từ mà blogger Tưởng Năng Tiến dùng trong bài viết mới trong tuần lễ đầy lễ hội và bạo lực này. Ông đau buồn trước cái thứ hạng về sự tử tế của Việt nam đang đi xuống. Ông cho rằng sự tử tế kém cỏi của người Việt chính là trách nhiệm của đám tiểu tâm, ti tiện, bạc ác của đám côn đồ đang lãnh đạo đất nước này, chứ không phải của những lương dân đất Việt.

Những lương dân đó nhà khoa học Tô Văn Trường cho là đã bị quên lãng khi mới đây một cán bộ cao cấp nào đó viết trên báo chí chính thống của đảng rằng trong các văn kiện của họ, chữ nhân dân nên viết hoa. Nhà khoa học nhìn thấy đó là một sự mỉa mai và hốt hoảng của những người tự xưng mình là đại diện của nhân dân!

Tuy vậy Tưởng Năng Tiến thì lại cho rằng cái nhân dân đó phải tự hỏi là tại sao lại cam chịu những người không lương thiện hoành hành trên quê hương đất nước mình trong từng ấy thời gian mà chẳng có phản kháng nào đáng kể!

Không biết là vô tình hay hữu ý mà ngày 27 tháng 2- 2015, Hội đồng lý luận TW của đảng cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng xây dựng giá trị con người, giá trị văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.”

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống gọi đây là một cuộc hội thảo Đèn Cù. Ý ông muốn nói rằng nó chẳng đi tới đâu vì chỉ mới động đến phần nổi của tảng băng, đánh tráo khái niệm giữa nguyên nhân và hậu quả. Đèn Cù cũng là tên một tác phẩm của nhà văn Trần Đĩnh, người từng chấp bút viết tiểu sử cho ông Hồ Chí Minh. Trong Đèn Cù Trần Đĩnh mô tả số phận con người trong chế độ cộng sản.

Ông Nguyễn Đình Cống vốn xuất thân từ một gia đình cách mạng cộng sản. Gần đây ông có nhiều bài viết nói rằng chủ nghĩa Mác Le Nin mà đảng cộng sản lấy làm ý thức hệ của mình là một tư tưởng sai lầm. Ông đã nhận được nhiều câu hỏi, thậm chí chất vấn về hành động đó. Ông viết một bài dài trên blog Bauxite Việt nam, trong đó ông giải thích nguyên nhân vì sao ông có những phê phán như vậy. Còn trong bài Hội thảo Đèn Cù mà ông viết trong cùng một tuần lễ thì ông đưa ra cái nguyên nhân ý thức hệ của những thói hư tật xấu trong xã hội hiện nay như sau:
Để làm chiến tranh cách mạng (đặc biệt là chiến tranh du kích) cần khuyến khích bạo lực, mưu mô để tiêu diệt kẻ thù. Trong đấu tranh giai cấp quá đề cao lòng thù hận và tranh đoạt vật chất mà nhẹ về đạo lý bao dung. Chuyên chính vô sản thực thi sự toàn trị, tạo ra giai cấp mới đặc quyền đặc lợi, tham nhũng, mua bán quan chức. Sự tuyên truyền về một xã hội tốt đẹp không tưởng buộc phải dùng thủ đoạn dối trá, lừa bịp. Tất cả những thứ đó và nhiều thứ khác nữa từ Chủ nghĩa Mác Lênin đã không làm giảm nhẹ hoặc ngăn chặn thói hư tật xấu của nền văn hóa mà còn làm nặng thêm.

Một câu chuyện khác thoạt đầu tưởng đâu chẳng có liên quan gì đến đảng cộng sản xảy ra trong tuần qua. Đó là chuyện cô người mẫu Trang Trần bị công an bắt giam với lý do là cô đã chửi bới công an. Trong sự việc đó cô lại chửi luôn đảng cộng sản.

Dư luận dấy lên làm hai luồng. Một bênh vực cho cô Trang, cho là những dồn nén vì một xã hội lộn xộn làm cho có có hành động sai quấy như thế. Bên kia thì cho là cô đáng bị bỏ tù. Những người có quan tâm đến luật pháp thì mổ xẻ đến tính hợp pháp hay không của sự bắt bớ, mức độ phạm tội tới đâu của cô Trang, v.v…  Tranh luận  dường như không thấy lối ra như lời Luật gia Trịnh Hữu Long nhận xét :
Vậy nên nói gì thì nói, câu chuyện cuối cùng vẫn quay về với cái vòng kim cô chính trị mà Việt Nam đang đeo trên đầu. Có cố tình lảng tránh đến đâu, viện dẫn kiến thức bác học nào và biện minh bằng tinh thần bác ái cao đến đâu đi chăng nữa, câu trả lời cuối cùng chỉ có một. Loại bỏ Đảng ra khỏi các tranh luận pháp luật chỉ thể hiện hoặc là đánh giá không đúng mức vai trò của Đảng trong đời sống pháp luật, hoặc là cố tình lảng tránh. Tôi không hứng thú với những tranh cãi lặt vặt về luật thực định lắm, vì đó không phải cái cần nói.

Nhà báo, blogger Đoan Trang thì viết rằng Nói đến luật pháp, đến cái gọi là “nhà nước pháp quyền” ở Việt Nam mà lại không nói đến vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản thì khác nào tảng lờ một  “con voi trong phòng khách”.

Một blogger viết trên trang Tu Zo bài so sánh nước Việt nam đầu thế kỷ 21 này với nước Việt nam thời truyện Kiều của Nguyễn Du. Tác giả thấy rằng những nhân vật Thúy Kiều, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến, Thúc Sinh,… vẫn còn rất sống động trong xã hội Việt nam với tất cả dị tật lẫn số phận bi kịch của họ. Tác giả nhớ tới lời văn hào Nguyễn Du trước khi mất viết trong nước mắt rằng không biết ba thế kỷ sau ông có ai còn khóc ông hay không!
Tác giả kết luận:
Câu chuyện đoạn trường của ông về nàng Kiều như một thứ tiên tri định mệnh đeo đuổi đám con cháu ông làm cạn khô nước mắt vì cái vận mệnh nổi trôi dai dẵng.

Nhưng đồng thời tác giả cũng hy vọng về một ngày mới, khi người Việt nam thay đổi, thay đổi nhiều thứ để có được. Chúng tôi xin mượn hy vọng đó để kết thúc bài điểm blog hôm nay.
Một ngày khác, một ngày mới không giống hôm nay và ngày hôm qua, ngày mà con cháu ông sẽ tưởng nhớ tới ông bằng những cành hoa và nụ cười thay cho giọt nước mắt và những nén nhang tàn !

Tin, bài liên quan








No comments:

Post a Comment

View My Stats