Blogger Phạm Viết Đào
Gửi cho BBC từ Hà Nội
13 tháng 3 2015
Sự kiện Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma
ngày 14/3/1988, xảy ra cách đây 27 năm. 74 chiến sĩ đa phần là công binh thuộc
Trung đoàn công binh 83 và Lữ đoàn 146 của Hải quân Việt Nam, được giao nhiệm vụ
triển khai chiến dịch mang tên CQ-88, xây dựng lại 3 hòn đảo Garma, Colin và
Len Đao nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc thềm lục địa, chủ quyền lãnh hải của
Việt Nam.
Khi xuất quân làm nhiệm vụ, 74 chiến sĩ công binh này đã
được cấp trên quán triệt “không được nổ súng bằng bất cứ giá nào”.
Do đó, họ chủ yếu mang theo lương thực, xi măng, cốt thép
và các cột bê tông đúc sẵn mà không mang theo bất cứ một loại vũ khí hạng nặng
nào, chỉ trừ vài ba khẩu súng AK. 74 chiến sĩ công binh của Trung đoàn công
binh 83 đã đến đảo Gạc Ma chiều ngày 13/3/1988. Sáng ngày 14/3/ họ đã bị 3 tàu
Trung Quốc tấn công, 64 chiến sĩ đã hy sinh và chỉ còn 9 chiến sĩ may mắn sống
sót trở về.
Đảo Gạc Ma, Colin và Len Đao là chùm đảo quan trọng: nằm
trên tuyến đường tiếp tế cho đảo Sinh Tồn, đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa
của Việt Nam và các hòn đảo khác trong chum đảo Trường Sa. Gạc Ma nằm ở vị trí
trung tâm chi phối toàn bộ khu vực Biển Đông.
Trong suốt chiều dài lịch sử kể từ khi thành lập nước
Trung Hoa 1/10/1949, chúng ta thấy đó là nhà quyết sách được lập trình, tính
toán kỹ lưỡng, nhất quán, không bao giờ có các quyết sách, hành vi ngẫu hứng.
Thế hệ lãnh đạo Trung Quốc tiền nhiệm đã chủ trương quyết định thế nào thì thế
hệ sau tiếp tục theo đuổi, kiên trì quyết sách đó. Khác với Việt Nam, các thế hệ
sau thường phải đứng ra nhận lãnh, giải quyết hậu quả của thế hệ trước.
Các thế hệ lãnh đạo kế tiếp Trung Quốc có thể trái quan
điểm nhau trong các quyết sách đối nội. Riêng đối ngoại thì họ luôn thống nhất
bởi những quyết sách đó luôn bám vào cái trục xoay, cái cốt lõi của chủ thuyết
đối ngoại nhất quán của Trung Quốc: Chủ nghĩa bành trướng, bá quyền nước lớn.
Sự kiện Trung Quốc cho tàu đánh chiếm Gạc Ma, tàn sát các
chiến sĩ công binh của Việt Nam vào sáng ngày 14/3/1988 là hành động được tính
toán, để nhằm làm cơ sở, tiền đề cho những tuyên bố ngày 8/3/2015 của Bộ trưởng
Bộ Ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc. Khi đó, ông giải thích với báo chí việc
Trung Quốc cho cơi nới, mở rộng đảo Gạc Ma thành căn cứ hải quân lớn trên Biển
Đông, vùng nằm trong chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Ông trắng trợn tuyên bố
Biển Đông là “sân nhà của Trung Quốc” và vì thế, “mọi công việc xây dựng, cải tạo
đảo do Bắc Kinh tiến hành đều hợp pháp”.
Có thể xâu chuỗi lại hàng loạt sự kiện xảy ra trong quan
hệ Việt-Trung giai đoạn thập kỷ 80 của thế kỷ trước để thấy rằng: Đánh chiếm Gạc
Ma là một hành động quân sự nhằm triển khai ý chí, tham vọng, mưu đồ chiến lược,
độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Chủ trương này được Mao Trạch Đông đề ra và
năm 1974 Trung Quôc triển khai bước 1: đánh chiếm Hoàng Sa; năm 1988 triển khai
bước tiếp theo: chiếm Gạc Ma.
Trong các vị trí chiến lược về quân sự, kinh tế, chính trị,
Trung Quốc đã lựa chọn đánh chiếm Biển Đông là một quyết sách đầy tham vọng và
thâm hiểm. Sau cuộc chiến tranh đánh 6 tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam thất bại,
Trung Quốc nhận ra nếu chỉ gây sự với Việt Nam trên khu vực biên giới thì không
đạt được những tham vọng chiến lược bành trướng và rất tốn kém cả về nhân tài,
vật lực.
Tôi đã hàng chục lần lên Vị Xuyên Hà Giang. Tôi đã đặt
chân tới chân ngọn núi 1509 mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn nghiên cứu, điều tra
nguyên nhân vì sao từ 1981-1989 Trung Quốc đã tập trung tại địa bàn này, một lực
lượng 27 sư đoàn của 5 đại quân khu, đánh dữ dội, công kiên với quân đội Việt
Nam trong gần 10 năm và cũng đã phải chịu tổn thất nặng nề.
Nếu tính cả lực lượng tiếp tế, dân binh thì Trung Quốc đã
tập trung tại đây, chủ yếu khu vực cửa khẩu Thanh Thuỷ, một vùng đất với diện
tích chưa tới 100 km2, lực lượng khoảng 50-60 vạn quân trong 10 năm, bằng lực
lượng quân viễn chinh Mỹ đưa vào miền Nam giai đoạn 1965-1975.
Trong lịch sử, Trung Quốc chỉ một lần duy nhất đưa quân
vào Việt Nam từ hướng Côn Minh, đó là đội quân của Mộc Thạnh thời nhà Minh được
đưa vào cùng với Liễu Thăng để cứu Vương Thông bị vây hãm ở Đông Đô. Các triều
đại phong kiến Trung Hoa triển khai, tấn công xâm lược Việt Nam từ hướng Lạng
Sơn và vùng biển Vân Đồn Quảng Ninh.
Tôi cho rằng Trung Quốc dồn binh lực tập trung mở mặt trận
Vị Xuyên 1981-1989 là nhằm thu hút sự chú ý của Việt Nam vào chiến trường này để
rồi bất thần đánh úp Gạc Ma vào ngày 14/3/1988. Như vậy, Trung Quốc đã đạt được
mục đích chiến lược bằng sự nghi binh và sự che giấu ý đồ chiến lược thâm hiểm
giống với cách Việt Nam đánh úp Buôn Ma Thuột mùa xuân 1975.
Sau khi đã chiếm được Gạc Ma, một trong những yết hầu
quan trọng của Biển Đông, Trung Quốc chuyển sang chiến lược hoà hoãn, ru ngủ Việt
Nam. Trung Quốc chìa bàn tay “nhung” ra cho Việt Nam bắt bằng thoả thuận Thành
Đô năm 1990. Còn nhớ bước vào giai đoạn những năm 90, Giang Trạch Dân, Tổng Bí
thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra phương châm “16 chữ vàng”, “quan hệ 4 tốt”.
Có thể coi việc Trung Quốc chiếm Gạc Ma trong trận ngày
14/3/1988 giống hành vi của “chó sói” đã đặt được một chân trong ngôi nhà của
các chú “dê con” trong khi mẹ vắng nhà. Sau khi sói ta đã đặt được 2 chân rồi
thì bước tiếp theo chắc chắn sẽ là những cú nhảy bổ vào căn nhà của những chú
dê con cuồng tín và ngu tín tội nghiệp.
Liệu Trung Quốc có đạt được tham vọng độc chiểm Biển Đông
hay không, điều này không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí, tham vọng của những
cái đầu nóng Trung Hoa đang nung nấu tham vọng bá quyền, nước lớn.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, blogger và
nhà văn đang sống ở Hà Nội.
No comments:
Post a Comment