Thursday, 12 March 2015

Màu Cờ, Biểu Tượng và Niềm Tin - Phần 3 (Bảo Giang - Danlambao)





3/13/2015       5 Comments

Ồ! Chẳng lẽ chỉ có bấy nhiêu người (tôi đã nêu tên) là sống chết vì cái Cờ Đỏ Phúc Kiến hay sao? Không, hẳn nhiên là không phải chỉ có bấy nhiêu người sống và chết cho sự gian trá và gây ra tội ác của cái Cờ Đỏ. Trái lại, chúng ta có con số lớn hơn thế nhiều. Nếu đem cân đo theo lời thề của họ thì ít nhất hiện nay ở Việt Nam có đến hơn ba triệu đảng viên và cựu đảng viên CS đã thề trung thành dưới cái lá cờ ấy. Theo nguyên tắc, họ được tính vào sổ những người sống chết với nó, nhưng trong thực tế có thể sẽ khác!

Cuộc kiểm thảo mà tác giả Đèn Cù, Trần Đĩnh đã viết là: "...trên cơ sở thành khẩn khai báo kia mà tuyên bố là căm thù bố mẹ, tỏ ra đã dứt khoát lập trường vô sản, đoạn tuyệt với kẻ thù giai cấp. Không đạt yêu cầu căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt với bố mẹ thì bản tổng kiểm thảo bị 'phá sản,' học viên đó phải ngồi học lại cho tới khi nào lập trường vô sản, lập trường nông dân thắng, anh ta công khai tuyên bố căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt với bố mẹ mình (mới thôi). Tố Hữu làm đúng lời Bác Hồ thôi".(trang 74-75). 

Xin nhớ, sau khi học viên đã "công khai tuyên bố căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt với bố mẹ", các đoàn đảng viên còn phải tự thể hiện mình theo bản điều lệ đảng, trong ấy có ghi rõ: "lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam""...Đảng Lao động (cộng sản) Việt Nam nguyện học tập Đảng Cộng Sản Trung Quốc, học tập tư tưởng Mao Trạch Đông, tư tưởng lãnh đạo nhân dân Trung Quốc" (tr. 49). Họ học tập và thực hành theo chủ trương đường lối chỉ đạo của CS như thế, Việt Nam không bị Hán hóa, không bị mất đất mất biển vào tay Trung cộng mới là chuyện lạ. Bởi lẽ cái lá Cờ Đỏ kia không phải là của Việt Nam. Hơn thế, họ phải học tập theo tư tưởng Mao và nhân dân Trung quốc!. 

Xin nhắc lại đôi dòng. Trần Đĩnh, đã thoát ly gia đình và vào khu từ những năm 1949. Sau mấy chục năm được ưu đãi trong lòng đảng, từng được đi cho du học, tập huấn ở Trung cộng và rất gần gũi với HCM. Trần Đĩnh đã nhận ra được con người của mình sau khi bỏ đảng. Những dòng chữ của Trần Đĩnh trong Đèn Cù rất đáng trân trọng, bản thân tác giả, đáng trân quý vì sự quay về trong lẽ thật. Trần Đĩnh viết: "Mấy chục năm sau, sống với đất nước đang dần dần nhận diện được kẻ đã đày ải mình, tôi bắt đầu cảm nhận thấy hạnh phúc. Ít nhất tôi đã nhận ra tội ác và lên án nó giữa lúc nó đang có bộ mặt huy hoàng nhất, có niềm tin gần như trọn vẹn của dân. Ít nhất tôi đã đương đầu, không quỳ gối trước nó. Cũng như đã ngay thẳng nhận mình từng đi theo nó, tội ác." 

II. Ai và những ai đã chiến đấu cho Cờ Vàng là lịch sử, là truyền thống, là văn hóa nhân bản, là ý chí Độc Lập của dân tộc Việt Nam? 

Trước hết, cuộc chiến vì nền Độc Lập và sự trường tồn của nòi giống kéo dài suốt hơn bốn ngàn năm qua là công sức của tiền nhân và của tất cả mọi người Việt Nam qua mọi thời cùng góp sức tạo thành (trừ ra những kẻ công khai chối bỏ nó mà thôi). Tuy nhiên, người đầu tiên chúng ta phải nhắc đến là Hai Bà Trưng. Nhắc đến vì hai bà là những vị đầu tiên đã dùng sắc Cờ Vàng, làm cờ hiệu, biểu tượng cho một cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của ngoại bang. Từ đó, nó trở thành biểu tượng trong công cuộc cứu quốc và kiến quốc của con dân Việt Nam. Nếu tính theo thời gian, việc trị vì của hai bà khá ngắn ngủi, nhưng công nghiệp thì kéo dài mãi thiên thu. Bao lâu còn người Việt Nam thì bấy lâu lịch sử còn lưu truyền cuộc khởi nghĩa dành Độc Lập cho quê hương của hai bà. Bao lâu tiếng Việt còn, bấy lâu tiếng trống Mê Linh còn rền vang trong trời đất, dòng sông Hát vẫn chẳng lặng khói hương và người người còn nhắc đến ngọn cờ của dân tộc. 

Tại sao tôi gọi đây là Màu Cờ của dân tộc? Trước hết, ngọn cờ này đã phát xuất từ khát vọng Độc Lập cho tổ quốc và Tự Do cho dân tộc. Nên sau hai bà, qua các triều đại kế tiếp, việc bảo vệ nền Độc Lập và sự trường tồn của giống nòi trở thành một truyền thống, một lịch sử và thành nền văn hóa của Việt Nam. Để từ đó, tiếng kèn loa, tiếng trống vang trong các cuộc phá Tống, diệt Minh, dẹp Nguyên, đến những lần đuổi Hán, triệt Thanh. Hay tiếng đạn múa, bom rơi trong công cuộc diệt trừ cộng sản, giải ách thực dân, ngọn cờ Độc Lập luôn luôn vươn lên trên đỉnh cao, không áng mây mù nào có thể che khuất được. Cũng từ những cuộc tranh đấu ấy, lịch sử Việt còn ghi đậm nét hào hùng của những anh hùng dân tộc như Đức Ngô Quyền, Hưng đạo Vương, Lê Thái Tổ, Quang Trung, Hàm Nghi, đến những danh tướng làm rạng rỡ giang sơn như Trần bình Trọng, Lý thướng Kiệt, Nguyễn Trãi, Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản, Phan Đình Phùng, Cao Thắng, Hoàng Hoa Thám, Đinh Công Tráng... Có thể nói, những cuộc chiến đấu này trở thành triết lý sống cho nền văn hóa của Việt Nam. Tuy thế, lịch sử cũng không tránh khỏi những vết nhơ, vẫn đục vì sự xuất hiện của hàng thần lơ láo bán nước, phản bội dân tộc theo kiểu Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tác, Cù Thi, Minh Vương... 

Chuyện xưa là thế, đến nay, xem ra dòng lịch sử ấy là một chu kỳ tái quy rõ nét. Ở miền nam, dưới ngọn Cờ Vàng, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã nổi lên như một nhà lãnh đạo anh minh, liêm chính. Ông đã hết lòng hết sức phục vụ cho dân cho nước, bảo vệ chủ quyền và sự vẹn toàn của đất nước đến hơi thở cuối. Ông nói: "Thực ra, chính phủ do tôi lãnh đạo chỉ có một mục đích là bảo vệ nền độc lập của giang sơn và tăng gia hạnh phúc của toàn thể dân chúng. Về cuộc chiến... Chúng ta hiện nay đang tiếp tục cuộc chiến đấu lớn lao để hoàn thiện nền Độc Lập của quốc gia và bảo đảm tự do của nhân dân chúng ta. Cuộc đời của chúng ta, tự do của chúng ta, hạnh phúc của chúng ta và cuộc đời tự do, hạnh phúc của con cháu chúng ta đều phụ thuộc vào cuộc đấu tranh này. Nếu Việt Minh cộng sản thắng trong cuộc đấu tranh này, quốc gia thân yêu của chúng ta có thể biến mất và nước chúng ta sẽ chỉ được đề cập đến như là là một tỉnh phía Nam của Trung cộng. Hơn nữa, nhân dân Việt Nam sẽ mãi mãi sống dưới ách độc tài cộng sản và sẽ bị tước mất tôn giáo, tổ quốc và gia đình." (TT Diệm, 17-9-1955).

Như thế, ngay từ những năm đầu 1950, ông đã nhìn thấu suốt tâm tư của những kẻ bán nước ở phía bên kia vĩ tuyến 17. Nên ông đã ngày đêm ra sức đốc thúc toàn thể quân dân miền Nam, dưới ngọn Cờ Vàng, cương quyết bảo vệ sự vẹn toàn của nền văn hóa và lãnh thổ của tổ quốc. Đó cũng là lý do chính phủ miền Nam đã không ký tên vào bản hiệp định chia đôi đất nước. Tinh thần của ông như đèn trời đã làm nức lòng người dân đất bắc. Ở đó, không nhà nào, không người nào mà không chong đèn chờ ngày đoàn quân trong nam tiến ra giải phóng Thăng Long. Sự chờ đợi này đã biến hình ảnh Cờ Đỏ phe phẩy trên đất bắc thành một mảnh vải chết, lòng dân không hương về nó. Trái lại, căm thù nó, nhất là sau mùa đấu tố. Từ đó, họ chỉ trông chờ một cuộc đổi thay, ước vọng được đứng dưới ngọn cờ dân tộc để giải phóng quê hương ra khỏi ách nô lệ CS. 

Riêng ở trong Nam, dưới ánh Cờ Vàng, sức sống và lòng tự hào về truyền thống và văn hóa của dân tộc đã triển nở như ánh dương. Nhà nhà, người người nô nức góp bàn tay vào công cuộc xây dựng đất nước. Ở đó, dù nền Cộng Hòa còn non trẻ, cuộc sinh hoạt dân chủ chưa hoàn chỉnh, nhưng Sài Gòn thủ đô của miền Nam đã trở thành hòn ngọc của Viễn Đông, là niềm mơ ước của các lân bang. Phần người dân đã có một cuộc sống sung túc, có một ý thức chính trị văn hóa, sâu sắc. Hơn thế, họ hãnh diện, vì nơi ấy đã có hàng hàng lớp lớp người chiến binh nối theo công nghiệp của tiền nhân đi giữ nước. Họ hãnh diện vì ngay đến đứa trẻ còn bế ngửa trên tay cũng đã sớm ý thức về màu cờ của dân tộc, cũng như hiểu được cái họa ngàn đời từ phương Bắc. 

Sự hãnh diện của họ không phải là khoa trương, nhưng đầy dẫn chứng. Ở đó đã có những vì sao ngời sáng trên bầu trời không bao giờ lịm tắt mang tên Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Đăng Vĩ, Phạm Văn Phú, Hô Ngọc Cẩn, Trung tá Long... Họ là những con dân Việt Nam thà chết với thành dưới ngọn Cờ Vàng, chứ không để một tấc đất quê mẹ rơi vào tay cộng sản Nga Tàu. Cuộc chiến tàn, thắng bại của nó chẳng dễ luận anh hùng. Thua như Trần Bình Trọng là cái thắng vạn đời. Thắng như "đại tướng cầm quần chị em" nhận lệnh tướng tàu Trần Canh giết dân Việt hẳn là cái nhục vạn kiếp! Cũng thế, “thua” như Ngụy văn Thà và các chiến hữu, đồng bào của anh, máu nhuộm biển đông hay loang trên đồng cỏ, mà hồn thênh thang cùng tổ quốc. Ngàn sau không một áng mây mù nào có thể che khuất được! Bởi vì họ đã hiến thân mình vì sự trường tồn và độc lập của quê hương! 

III. Ai và những ai đã lợi dụng Cờ Đỏ buôn dân bán nước? 

Trong khi quân dân miền Nam nỗ lực hy sinh để bảo vệ màu cờ Độc Lập của đất nước, không để di sản của tiền nhân rơi vào tay kẻ thù phương bắc, thì phía bắc bờ vĩ tuyến 17. Nơi từ xưa được coi là thành trì của đất nước. Nơi từng vun đắp thành cái nôi Việt Nam cho con cháu hưởng nhờ. Nơi phát sinh nền văn hóa tự chủ Độc Lập của quê hương từ thời lập quốc. Nay dưới ngọn Cờ Đỏ Phúc Kiến do Hồ Quang đem sang, bỗng có đầy những kẻ bán nước cầu vinh. Trước hết, tập đoàn CS đem mảnh cờ Tầu về phỉ báng tiền nhân, rồi thay nhau giày xéo quê hương. Nhân danh Cờ Đỏ, CS tiêu diệt nghĩa đồng bào và truyền thống dân tộc. Đẩy đồng bào vào cuộc đấu tố, chém giết, gian dối. Kế đến, CS tiêu diệt đạo hạnh, luân lý, văn hóa Việt Nam. Khi theo Cờ Đỏ, CS dùng súng đạn Tàu, đánh giết người dân Việt cho Tàu mở rộng bờ cõi về phương nam. Kết quả, nhờ lá Cờ Đỏ, cộng sản đã tạo nên được những cái tên làm rợn lòng để người dân không bao giờ có được giấc ngủ ngon, không có được bát cơn hạnh phúc. Đó là những cái tên đem đến sự chết, sự kinh hoàng cho dân tộc. Khởi đầu là Minh (Hồ Quang), Duẩn, Đồng, Chinh, Giáp, Dũng, Thọ... kế đến là những kẻ đem biên cương, đất đai trong nội địa dâng cho Tàu cộng để giữ lầy quyền hành như Mười, Linh, Phiêu, Mạnh. Kiệt, Cầm... và nhóm cầm quyền hiện nay như Trọng, Sang, Hùng, Dũng, Hải, Thanh, Nghị, Rứa...

Tất cả những "oanh liệt, hào hùng" ấy chưa bao giờ có trong lịch sử hơn bốn ngàn năm qua. Nên khi Việt Nam mất không những vùng đất Nam Quan, Bản Giốc, Lão Sơn, Tục Lãm, Hoàng Sa, Trường Sa... không có lấy một "danh hề tướng" nào chết theo đất mẹ. Trái lại, chỉ thấy những ly rượu Tàu-Việt cộng cụng nhau, mừng cho mối tình "môi hở răng lạnh" không bao giờ vơi cạn. Chỉ có những môi hôn như những hàm răng bừa, nặng mùi 'bán nước cầu vinh' của lãnh đạo Tàu-Việt cộng chẳng mùa nào chấm dứt! Ngoài những bàn tiệc của lãnh đạo ra, người dân chỉ thấy những bức tranh vân cẩu kéo lên, với trọn hình hài bất hạnh của những người chiến binh Việt Nam từ 1945-79 vẽ trên đó. Người còn sống thì lê lết theo ca dao thời đại: "đầu đường đại tá vá xe. Cuối hè thiếu tá cụt, què xin ăn". Phần những người đã về với non sông thì bị đọa đày như những tội đồ của phương Bắc, nằm dưới những nấm mồ hoang, với nhang tàn, bia đỏ. Bên cạnh đó là những nghĩa trang liệt sĩ Trung quốc với đài cao, mộ bia hoành tráng và có các cấp lãnh đạo Việt cộng thay nhau xếp hàng đến nhang khói, cúng tế đủ bốn mùa! Ôi! Việt Nam tôi dưới màu Cờ Đỏ là thế đấy. Đủ oanh liệt chưa nào? 

Tôi có thể trả lời rằng: Bài ca như tiếng ca nát lòng của muôn thế kỷ hòa lại dưới bóng Cờ Đỏ "Đầu đường đại tá vá xe, Cuối hè thiếu tá cụt què xin ăn" là bài ca nói lên trọn vẹn hình ảnh của một bức tranh ảm đạm và tủi hận cho những người chiến binh Việt Nam. Tủi hận vì xương máu của họ trong hai cuộc chiến kéo dài từ 1946-1979 đã bị cộng sản lợi dụng để đánh đổi lấy việc được làm nô lệ cho Tầu cộng. Người còn sống đã thế, đến người đã ra đi vì lý tưởng bảo vệ biên cương tổ quốc còn thê lương đến cùng tận. Hỏi xem, hàng trăm ngàn người, binh lính cũng như đồng bào trở thành "xương trắng Trường Sơn". Rồi hàng trăm ngàn ngàn khác bỏ mình trên các cánh đồng hay máu hòa lòng biển xanh, có bao nhiêu người được yên nghỉ dưới nấm mồ có bia tên, có nhang đèn cúng tế như "đại tướng" thờ Tàu? Hay hầu như tất cả đều theo diện nhang tàn, bia đổ? 

Rồi có bao nhiêu chiến sĩ Việt Nam đã ra đi vì lý tưởng độc lập tự do cho dân tộc, nhưng nhờ "tài" của lãnh đạo Nguyễn văn Linh, Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, Nguyễn phú Trọng... sau thời Xương Trắng phơi trên Trường Sơn, nay chiến chinh tàn, được cải táng về nằm trong những nghĩa trang được tô son điểm phấn gọi là "nghĩa trang liệt sĩ", Nhưng hỡi ôi! Hỏi xem có bao nhiêu phần trăm số tử sĩ có tên trên bia mộ, có xương cốt thật với ngày tháng hy sinh của họ? Hay đa phần với bia tên của họ, ngày tháng là giả tạo và hài cốt ở dưới mộ sâu kia lại là núm xương trâu, xương bò, xương nai, xương voi, xương chó... lấy từ trên rừng hoang, do những kẻ làm ma tinh (ngoại cảm, đồng bóng) của chế độ, được Cờ Đỏ hỗ trợ vẽ vời ra, đem về thành xương chiến sĩ, thành xương của người có tên có tuổi! Vẽ với ra với những mỹ từ để lừa gạt, buôn xương bán cốt súc vật cho các gia đình tử sĩ để sỉ nhục người đã ra đi, và vơ vét thêm những đồng tiền trong nước mắt của thân nhân còn sống? Đủ man rợ chưa? Đã sợ CS chưa? Chúng đã không từ bỏ bất cứ phương cách nào để buôn xương bán máu người chiến binh Việt Nam! 

Tôi rơi nước mắt khi viết đến những dòng này. Tôi khóc vì sinh linh của người chiến binh, của đồng bào Việt Nam đã bị tập đoàn CSVS lợi dụng. Khi còn sống, họ bị đưa ra làm bia đỡ đạn cho chúng trong chiêu bài "độc lập - thống nhất" để mở rộng biên cương cho Tàu. Kết quả cả nước rơi vào vòng nô lệ cho Tàu và tập đoàn buôn xương bán máu người Việt kia được chủ nhân Tàu cộng ban cho cái cấp hàm thái thú như Tô Định để chia nhau quyền lợi. Khi chết, lại bị chúng lợi dụng chuyện cải táng, lập thành những nghĩa trang liệt sĩ nhằm lừa người sống với những dãy mộ bia mang tên tuổi người đã hy sinh. Nhưng thực tế, trong mộ chỉ toàn là xương trâu, xương bò, xương thú vật hay là xương của người khác! Tôi không muốn viết về chuyện này, nhưng buộc lòng phải viết! Hỡi ơi, cho đến bao giời dân tôi mới được một giấc bình an. Bình an cho người còn sống và bình an cho những người đã hy sinh? Cho đến bao giờ mới chấm dứt cảnh dân tôi bị chúng lừa gạt đây? 

Hỏi vậy thôi, chứ ai cũng biết. Bao lâu còn cái Cờ Đỏ phe phẩy ở nơi đây thì bấy lâu dân tộc Việt Nam còn bị đọa đày bởi những chiêu bài do chúng giăng ra lừa phỉnh gạt gẫm. Giăng ra để chúng an tâm làm nô lệ cho Tàu cộng. Bao lâu cái cờ đỏ còn phe phẩy ở đó là bấy lâu đất nước còn bị lệ thuộc, gia phong bị phá, đạo đức luân lý và nền văn hóa của dân tộc còn bị bào mòn, triệt hạ, Và bao lâu cái Cờ Đỏ còn hiện diện nơi đó thì bấy lâu vong linh những người hy sinh vì sự Tự Do, Độc Lập của dân tộc còn bị tập đoàn cộng sản Hồ chí Minh lợi dụng và sỉ nhục. 

Ai có thể giải nỗi oan khiên cho những người đã khuất? Theo tôi, chỉ có ngọn Cờ Vàng mang theo hồn nước là biểu tượng và ý chí Độc Lập Tự Quyết của dân tộc Việt Nam mới có thể hóa giải được tất cả những nỗi lòng oan khiên cho những người đã bị Cờ Đỏ lợi dụng mà thôi. Nghĩa là, khi màu cờ của dân tộc trở về trên quê hương, có hai nhiệm vụ phải làm trước là. Hàn gắn lại nỗi đau của dân tộc bằng cách xây dựng lại các nghĩa trang cho các chiến binh Việt Nam, không kể Bắc không kể Nam. Phải san bằng và giải thể ngay lập tức tất cả các nghĩa trang mà tập đoàn cộng sản đề là 'nghĩa trang liệt Sĩ Trung cộng' nằm trên phần đất của Việt Nam. Không làm được hai công tác này, chúng ta sẽ đắc tội vời tiền nhân và những thế hệ mai sau. 

IV. Ai và những ai đã lợi dụng cờ vàng để tiếp tay cho Cờ Đỏ bán nước hại dân? 

Nếu ở phía bên kia bờ vĩ tuyến 17, Cờ Đỏ được kéo lên tại các trụ sở từ trung ương cho đến địa phương, tại các cơ sở của quân đội, cũng như công an là biểu tượng cho tội ác và gian trá cho các cấp lãnh đạo lợi dụng quyền lực để buôn xương bán máu đồng loại, vơ vét tài sản của đất nước, rồi chà đạp văn hóa dân tộc và nhân phẩm của con người. Thì tại miền Nam, bất cứ nơi nào có ngọn Cờ Vàng được kéo lên thì nơi đó có biểu tượng của luật pháp bảo vệ con người và quyền con người, bảo vệ nền văn hóa, đạo lý dân tộc và bảo vệ chủ quyền của đất nước. Không có một nơi nào Cờ Vàng được kéo lên để làm biểu hiệu cho các cấp quyền lãnh đạo lợi dụng bóc lột, áp bức và phá hoại cuộc sống của người dân. Trái lại, dưới ngọn Cờ Vàng tung bay, có nhiều kẻ đã lợi dụng sự tôn trọng tự do và quyền của con người do luật pháp công bố, đã dị lòng, làm tay sai cho Cờ Đỏ nhằm phá hoại đời sống yên hàn của người dân. 

Thành phần này dĩ nhiên không nhiều, nhưng chúng đã chui, luồn, len lỏi vào tất cả mọi nơi có thể với chủ đích phá hoại, gây ra tai họa cho con người và cho đất nước Việt. Trong ngành truyền thông thì có những Trần Xuân Ẩn, ban ngày làm việc cho cơ quan thông tin lành mạnh của nước tự do lấy tiền, cơm áo, đêm đêm thì đi bán những tin tức nhận được cho cộng sản lấp ló nơi bìa rừng, ven đô, giết hại đồng bào. Trong ngành hành chánh thì như Huỳnh Văn Trọng, Vũ Ngọc Nhạ... Trong tập thể sinh viên, công tư chức được hưởng những ưu đãi tạm thi hành quân sự đê tiếp tục học trình thì có Ngô Bá Thành, Huỳnh Tấn Mẫm, Lên Văn Nuôi, Lê Hiếu Đằng... hoặc bọn sát nhân ở Huế như Tường, Phan, Xuân, Trinh.... Tất cả là cái họa cho nước. 

Tệ hơn, có kẻ ngoài việc lạm dụng sự tự do mà Cờ Vàng bảo vệ cho người công dân, còn lạm dụng cả những đặc quyền mà chính quyền dành cho các tôn giáo để gây ra những cuộc xáo trộn lớn ở miền Nam, ngõ hầu tiếp tay cho cộng sản cướp chính quyền như Phạm văn Bồng, (Thích trí Quang), Đỗ Xuân Hoàng, (Thích Thiện Minh)... là những người đã khuấy động từ miền Trung vào đến Sài Gòn dưới chiêu bài bảo vệ Phật pháp. Rồi đưa hàng trăm đoàn đảng viên CS mặc giả áo nhà tu hành ra đón CS vào Sài Gòn vào chiều ngày 30-4-1975. Kết quả, một người bị Việt cộng giết sau đó, Một người khác thì bị cộng sản quản thúc? Mấy chục năm qua không hề được phép xuất hiện trước công chúng, dù chỉ một lần vẫy tay chào. Một vài kẻ khác, cũng lén lút làm những việc tồi tệ này, nhưng không gây ảnh hưởng lớn trong sinh hoạt của xã hội cũng như trong tôn giáo là Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ... là những linh mục bên phía Công giáo. Tóm lại, chỉ có một số kẻ lợi dụng sự tín nhiệm của Cờ Vàng dành cho người dân để gây họa cho nước. Không có một cơ quan chức năng nào của Cờ Vàng đứng ra buôn xương bán máu đồng bào hay bán nước cầu vinh. 

V. Một vài trường hợp đặc biệt

Phong trào chống cộng, bảo vệ nền tự chủ Độc Lập của dân tộc, cũng như các phong trào tranh đấu đòi Dân Chủ, Tự Do, Công Lý và Nhân Quyền cho Việt Nam càng lúc càng nở rộ trên quê hương Việt Nam. Cho đến nay, những phong trào này, từ cá nhân cho đến đoàn thể, còn ở trong nước hay đã ra hải ngoại, chưa một ai công khai tuyên bố đứng dưới ngọn Cờ Vàng để tranh dấu cho lý tưởng mà họ theo đuổi. Tuy nhiên, có thể nói rằng, lý tưởng của họ cũng chính là lý tưởng mà ngọn Cờ Vàng của dân tộc có lịch sử từ thời Hai Bà Trưng luôn nêu cao. Đây cũng chính là lý tưởng mà người Việt Quốc Gia hằng trung thành theo đuổi. Cả hai, xem ra cũng gặp nhau trong một khát vọng chung. Quyết bảo vệ nền Độc Lập của giang sơn. Quyết bảo vệ Tự Do, Nhân Quyền, Công Lý, và đời sống ổn định cho nhân dân trong một thể chế Dân Chủ đa nguyên. Theo đó, tôi cho rằng, nếu chúng ta, những người Việt Nam Quốc Gia đã luôn đứng dưới ngọn Cờ Vàng để tranh đấu cho lý tưởng của dân tộc, cũng chẳng nên đặt vấn đề này ra với từng cá nhân làm gì. Bởi lẽ, chỉ thêm phúc tạp và không cần thiết. Thay vào đó là một hướng đi đơn giản hơn. Hãy vì màu cờ của dân tộc, vì nền Dộc Lập và sự trường tồn của đất nước mà sát cánh bên nhau. Sát cánh bên nhau vì cùng chung một lý tưởng, một cuộc tranh dấu. Hơn thế, chúng ta đều biết rõ ràng về nhau là: 

- Chắc chắn những cuộc tranh đấu của họ không nhằm bảo vệ Cờ Đỏ, và càng không bao giờ họ tranh đấu để bảo vệ tập đoàn lợi dụng ngọn cờ Phúc Kiến đã gây ra tai họa cho nhân dân (nếu có trường hợp nào bị suy luận sai, xin quý vị tự lên tiếng cho biết để tôi tránh ra trường hợp ngộ nhận). Trái lại, có thể nói, mục đích chính của những cuộc tranh đấu này là loại trừ tập đoàn cộng sản ra khỏi đất nước Việt Nam. Cờ Tàu thì trả về cho Tàu. Cờ của Tổ Quốc phải được dựng lên cao trong phần đất Việt Nam. 

- Chỉ có Cờ Vàng của dân tộc, và những người luôn đứng dưới ngọn cờ này vì lý tưởng của quê hương, là những người sẵn sàng sát cánh và chung, chia nỗi niềm ân ưu, gian khổ với họ. Điều này thực tế đã chứng minh trong những tháng năm qua. Tất cả những người lên tiếng bênh vực và bảo vệ họ đều là những người đứng dưới ngọn Cờ Vàng của dân tộc. Chẳng có một kẻ nào cầm cái Cờ Đỏ trong tay đã lên tiếng bảo vệ hay ủng hộ những cuộc tranh đấu của họ! 

- Chúng ta bảo trợ nhau, sát cánh bên nhau không phải vì một mục đích duy nhất là đạp đổ cộng sản để phục quốc, phục quyền. Nhưng chính là xây dựng một đất nước có chủ quyền, có Độc Lập trong một thể chế Dân Chủ. Ở đó, người dân có quyền dân. Người người hưởng đầy đủ những quyền hạn được quy định trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền. Ở đó, mọi người dân đều có cơ hội đồng đều để xây dựng đời sống và kiếm tìm hạnh phúc cho mình trong tinh thần phục vụ tổ quốc. 

Có ý thức được như thế, Màu Cờ của Dân Tộc mới trải rộng được ý nghĩa tất cả là vì hạnh phúc của toàn dân, và tất cả vì nền Độc Lập tự chủ của giang sơn Việt Nam. 

3-2015 


______________________________________

Bài đã đăng: 











No comments:

Post a Comment

View My Stats