Monday, 9 March 2015

Hồi ức 30/4 của người Việt tại Đông Âu (Tường An - RFA)





Tường An, thông tín viên RFA
2015-03-08

Người ngồi bên trái : ông Trần văn Trà, sau lưng ông Trần Văn Trà là nhà báo Trần Quang Thành. Người ngồi bên phải: ông Dương Văn Minh, sau lưng ông Dương Văn Minh là phóng viên đài truyền hình VN. Hình chụp chiều ngày 1/5/1975 tại dinh Độc Lập.
Hình do ông Trần Quang Thành gửi RFA

Miền Bắc Việt Nam, nơi những người đã từng môt thời cống hiến tuổi xuân của mình cho cuộc chiến được  gọi là thần thánh. Trước mặt họ và trong đầu họ chỉ có một con đường Nam tiến để diệt giặc Mỹ cứu đồng bào ruột thịt miền Nam. Với bầu tâm huyết đó, họ đã hiến tuổi trẻ của mình vào những năm tháng chiến tranh. Những người một thời đã yêu và đã chết cho lý tưởng đó, họ nghĩ gì khi hôm nay dòng sông Bến Hải giờ đã không còn chia cắt đôi bờ ?

Ông Phạm Hoàng, một văn nghệ sĩ, thời điểm 30/4/75 ông đang ở Quảng trị, trên đường tiến vào Nam cùng với đoàn văn công, sau 75, ông đi học tập ở Bungarie và di tản qua Đức sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, ở đó, ông chủ trương báo Cánh Én. Từ Munchen, ông Phạm Hoàng kể lại:

“Chúng tôi  nhớ là bắt đầu khi quân miền bắc tiến vào Huế thì chúng tôi cũng đi theo vào Huế. Và cái hiện trạng chiến tranh vẫn hiện rõ trước mắt tôi. Tôi lúc ấy là một chàng thanh niên Hà Nội, cho dù lúc đó chiến tranh trên cả đất nước Việt Nam đã mấy năm trước rồi mà tôi là một người lính Hà Nội mà mơ hồ về cuộc chiến. Chúng tôi nhìn về phía miền Nam, về phía Sài gòn như là một vùng đất tự do còn lại của Việt Nam để mà khi cuộc sống quá mức đến độ không chịu đựng được nữa thì có thể lấy nó như là một miền đất hứa.
Phần lớn những bạn bè của tôi trong giới văn nghệ sĩ đều thấy một sự tàn khốc của một cuộc chiến tranh. Hơn nữa là một sự thất vọng khi người ta thấy rằng cái mảnh đất hứa, cái mảnh đất tự do, lúc đó, khi mà cái chấm Sài gòn, cái chấm đỏ cuối cùng, cái màu đỏ nó cứ chiếm dần từng vùng đất một và cái vùng đất hứa của những chàng trai Hà Nội như chúng tôi ngày càng thu hẹp lại, thì lúc đó cũng là gần như sự thất vọng.»

Ngày 30/4/75 anh hãy còn là một đứa trẻ lên 10, chiến thắng năm nào chỉ là một ký ức khá mờ nhạt. Lớn lên, anh Đỗ Xuân Cang dần dần nhận ra, lý tưởng độc lập tự do chỉ là gương mặt trần trụi sau lớp phấn son khi màn kịch được khép lại. Hiện cư ngụ tại Praha, cộng hoà Sec, Anh Đỗ Xuân Cang chia sẻ:

«Cái hồi ức khá là mờ nhạt vì lúc đó tôi mới có 10 tuổi thôi. Thực ra, lúc đó chiến tranh kết thúc thì những gia đình có thân nhân là bộ đội trở về và những câu chuyện về chiến trường. Chỉ biết rằng sau đó miền Bắc có những sự thay đổi mà từ trước đến nay không có : như là những cái áo màu, vải mầu, những con búp-bê mà miền Nam đưa ra. Về phía nhà nước thì họ tạo ra một không khí mang tính chất kỷ niệm, thuyết trình, đài thì cũng lên những bài ca chiến thắng, về phía dân chúng thì gặp lại thân nhân, gia đình, đó là điều quan trọng .
Sau khi lớn lên, thì đến một lúc nào đó, tôi cảm nhận ngày 30/4 dù sao cũng là một ngày kết thúc chiến tranh, chấm dứt một cuộc chiến kéo dài khá mệt mỏi và kiệt quệ về nhân lực cũng như về vật chất. Sau đó thì tôi gặp gỡ, tiếp xúc và biết rất nhiều thông tin ngoài cái thông tin chính thống của nhà nước : hàng triệu người dân bỏ nước ra đi.
Khi biết được đời sống miền Nam trước 1975 về mọi mặt, vật chất cũng như tinh thần thì tôi có một cái nhận định khá khác với những gì ban đầu, đó là gì ? 30/4 như là bắt đầu một đại hoạ của một dân tộc chứ nó không còn mang ý nghĩa ban đầu mà tôi cảm nhận. Và khi biết rằng đến ngày nay đất nước chúng ta ngày nay vẫn còn bị xâm lấn, bị lệ thuộc thì rõ ràng những mục đích mà nhà nước đặt ra ban đầu đã không đạt được.»

Ông Lã Đức Trung qua Ba Lan du học năm 1974 kể rằng ngày 30 tháng 4 được du sinh tại đó tiếp nhận một cách thờ ơ, vì họ nghĩ rằng sau khi Mỹ rời khỏi Việt Nam thì việc miền Nam thất thủ là một chuyện nằm trong tầm tay, một chuyện dĩ nhiên nên họ không ngạc nhiên lắm khi đón nhận tin này, ngày đó đối với hàng ngàn người Việt ở Ba Lan lúc đó cũng chỉ là một ngày bình thường như bao ngày khác. Ông Lã Đức Trung nhớ lại :

«Tôi nhớ lại thì tôi thấy tôi cũng không có cảm giác gì đặc biệt lắm. Hầu như ngày hôm ấy không có cái gì mang tính chất gọi là đặc biệt, tức là tin tức nó rất là bình thường, nó không có gì gọi là phấn khởi hoặc là mang ấn tượng gì cả về  một đất nước sau chiến tranh đã gọi là thống nhất.
Hồi đó tôi nhớ là những ngày đi học bình thường, những ngày làm việc bình thường. Tôi thấy đối với người dân ở Ba Lan cũng như học sinh ở đây, không thấy có cái gì gọi là hồ hởi lắm, chứ không có tổ chức, không có ăn mừng gì hết. Và thực sự từ trước đến nay, tôi cũng không có tổ chức ăn mừng ngày 3 tháng 4 bao giờ ( ý nói ngày 30/4 - RFA) Như tôi, tôi cảm thấy đấy không phải là một sự chiến thắng. Đất nước bao nhiêu năm chiến tranh, bao nhiêu sự mất mát  về mọi mặt của dân tộc Việt Nam mà người dân Việt Nam vẫn chưa được thực sự là một đất nước tự do nên bản thân tôi, tôi chưa thấy gì là vui mừng cả.»

Nhà báo Trần Quang Thành, cựu phóng viên đài phát thanhTiếng nói Việt Nam và đài Truyền hình Việt Nam, hiện định cư tại Bratisslava, thủ đô của Slovakia. Là nạn nhân của một sự trả thù tàn khốc dưới chế độ Cộng sản, cho nên ông đã sớm thấy đó là một chế độ dã man, những cũng phải đợi đến năm 2008, ông mới được đi đoàn tụ cùng con. Nhà báo Trần Quang Thành nhìn lại :

“Khi tôi nghe đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam đưa tin ông Dương văn Minh đầu hàng, lúc đó tôi đang ở trên cầu Phan Thanh Giản  Sài Gòn và chỉ ít phút sau là tôi có mặt ở dinh Độc Lập. Lúc đây mình nghĩ là mình đã hoàn thành một việc là tới được cái nơi mà người ta gọi là «hang ổ của Mỹ Nguỵ » lúc đó mình cứ tưởng là một cuộc chiến thắng giải phóng miền Nam dâng cho tổ quốc nhưng mà bây giờ nghĩ lại là mình bị lừa…
Nhìn lại 40 năm cuộc chiến gọi là chống Mỹ cứu nước nhưng thực tế nó lại là một cuộc chiến về ý thức hệ của những người Cộng sản lừa dối nhân dân ta, thực tế nó là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Những người chóp bu của Cộng sản đã lừa dối nhân dân Việt Nam và lừa dối cả nhân dân toàn thế giới. Họ kích động tinh thần dân tộc của người dân miền Bắc là : miền bắc là tiền đồn phía Đông Nam Á của phe Xã hội Chủ nghĩa. Nhưng thực chất bây giờ chúng ta mới hiểu đây là một cuộc chiến của những người Cộng sản Việt Nam tay sai cho 2 nước Cộng sản là Nga sô và Trung Cộng để mà thực hiện ý thức hệ Cộng sản bành trướng trên toàn thế giới  chứ không phải là một cuộc chiến tranh Vệ quốc như họ từng tuyền truyền là chống Mỹ xâm lược. Tôi thấy đó là một sự lừa dối và phản bội.»

Bốn mươi năm chỉ là một khoảnh khắc của lịch sử nhưng đủ dài để kẻ  Bắc người Nam ngậm ngùi nhìn lại cơn bể dâu của đất nước, góp nhặt ký ức để sắp xếp lại quá khứ. Hy vọng một ngày không xa,  lịch sử sẽ đem lại lẽ công bằng cho những người trong cuộc.

Tin, bài liên quan












No comments:

Post a Comment

View My Stats