Sunday 8 March 2015

Công an có quyền đánh chửi dân khi làm nhiệm vụ không? (FB Lê Công Đinh)






Sáng nay tôi lên phường trình diện, lòng thấy thư thả hơn mọi lần, có lẽ do vừa trải qua một dịp Tết bình an với những lời cầu chúc tốt đẹp từ bạn hữu trên Facebook, nhiều hơn các năm trước. Tiếp tôi vẫn những gương mặt quen thuộc, trừ một anh nhân viên an ninh mới, cởi mở và thân tình (mà theo anh, chúng tôi đã gặp nhau từ khi tôi còn chưa … tà ru!).

Mối bận tâm đầu tiên của các anh an ninh liên quan đến hai cuộc gặp giữa tôi với bác Trần Văn Huỳnh và sau đó với cô Đỗ Thị Minh Hạnh, bởi theo các anh đây là hai nhân vật “nhạy cảm”. Lý do cuộc gặp và đề tài trò chuyện với hai vị khách này là những câu hỏi quen thuộc. Dĩ nhiên, các anh ấy cũng nhận được câu trả lời quen thuộc luôn, rằng mọi người đến thăm vì quý mến tôi, chứ nếu bàn chuyện đại sự thì dại gì gặp mặt nhau, thời đại internet mà (!).

Kế đến, một anh hỏi tôi nghĩ gì về Đảng Cộng Sản Việt Nam khi từng tuyên bố “thích Đảng Cộng Sản giải thể”. Tôi đáp, đã đến lúc ĐCS nên nghĩ đến việc giải thể và đổi tên thành “Đảng Lao Động” chẳng hạn, như hồi năm 1951, vì thời cuộc nay đã chuyển biến và điều đó sẽ có lợi cho ĐCS và dân tộc. Các anh an ninh nói, “đổi tên nhưng vẫn giữ nguyên đường lối như cũ thì cũng vậy thôi.” Tôi bảo, “chuyện bình mới rượu cũ ngày xưa còn có thể làm được, chứ thời nay chắc khó, vì dân chúng bây giờ khác trước kia, do vậy khi đổi tên phải đổi cả cương lĩnh và đường lối, mà tốt nhất là giải thể rồi tổ chức lại.” Mọi người im lặng, không đối đáp tiếp.

Một anh an ninh bỗng hỏi tôi sao không đến dự tiệc sinh nhật của Hoàng Vi (nick FB “An Đỗ Nguyễn”), tổ chức tại quán bún đậu của cô Trang Trần gần đây. Thế là câu chuyện chuyển sang vấn đề #ĐMCS. Anh an ninh ấy nhận xét, trong một status mới tôi đã bênh vực cô Trang Trần về hành vi chống người thi hành công vụ. Tôi trả lời rằng, tôi chưa có một lời nào can dự vào chuyện đó, bởi tôi quan tâm đề tài khác. Tuy nhiên, do báo trong nước sau đấy đưa tin công an đánh chửi người dân trong một sự việc khác, nên tôi đã nhận định về hậu quả của sự áp dụng luật pháp thiếu công bằng nếu không trừng trị đích đáng nhân viên công lực ấy.

Anh an ninh cho rằng tôi không thể so sánh hai trường hợp đánh chửi đó với nhau, vì phía công an đang thi hành công vụ nên có quyền như vậy, ý là trong vụ Trang Trần nếu bị chửi mắng sẽ có quyền bắt, còn trong vụ kia nếu bị cản trở thì có quyền chửi mắng. Tôi hỏi lại, "luật nào cho phép các anh có quyền đánh chửi người dân hay các anh tự cho mình quyền đó? nếu người dân cản trở công an thi hành công vụ, các anh có quyền xử lý theo pháp luật, nhưng trong mọi trường hợp không có quyền đánh đập hoặc chửi mắng họ, nếu không đó sẽ là hành vi phạm pháp."

Anh an ninh vẫn khăng khăng rằng, "người đang thi hành công vụ có quyền cao hơn người dân, nên được phép làm như vậy và cần tìm hiểu rõ nguyên nhân tại sao anh ta đánh chửi, bởi chắc chắn người dân đó có lỗi." Tôi đành phải thuyết giảng một chút về thế nào là quyền hiến định và quyền luật định cho mọi người nghe để mong các anh suy nghĩ khác đi.

Quyền được bảo vệ danh dự và nhân phẩm của công dân là một quyền hiến định, mà hiến pháp công nhận, chứ không ban cấp, vì đó là quyền con người. Còn thẩm quyền của cơ quan và nhân viên công quyền là quyền luật định, do các đạo luật và bản văn pháp lý khác ban cấp và ấn định trong một phạm vi nhất định. Hiến pháp có giá trị pháp lý cao hơn các đạo luật và bản văn pháp lý khác. Vì vậy, trong mọi trường hợp thi hành công vụ, nhân viên công quyền trước tiên phải tôn trọng quyền con người nói chung và quyền được bảo vệ danh dự và nhân phẩm của công dân nói riêng, chứ không được viện dẫn thẩm quyền luật định của mình mà xâm phạm quyền hiến định của công dân. Điều này không có ngoại lệ, nên đừng viện lẽ an ninh quốc gia, trật tự công cộng hay nghĩa vụ công dân, v.v… để biện minh.

Một anh an ninh bảo rằng, “chúng tôi sẽ xử lý kỷ luật người công an đánh chửi dân theo quy định nội bộ của ngành và anh sẽ thấy.” Tôi đáp, “như vậy chưa đủ, mà cần phải xử lý theo luật pháp, bởi nếu các anh bắt khẩn cấp cô Trang Trần được, thì cũng phải bắt nhân viên công lực kia, đó mới là sự công bằng trong áp dụng luật pháp; tất nhiên, quý vị có quyền xử lý sự việc theo ý riêng của mình, nội bộ hay công khai, và chẳng ai có thể can thiệp được, nhưng điều đó sẽ gửi một thông điệp nghiêm trọng rằng sự trừng phạt của luật pháp chỉ áp dụng cho dân, chứ không cho ngành công an; và sự phẫn uất của dân chúng sẽ chất chứa theo ngày tháng, mà hậu quả ra sao tôi thấy đáng lo ngại cho quý vị về sau hơn, chứ không phải cho từng người dân bị ức hiếp hôm nay!”

Để chứng minh sự công minh của chính quyền, anh an ninh đang tranh luận với tôi đã nêu vụ một quan chức công an cao cấp, và đặc biệt vụ ông Trần Văn Truyền, cả hai từng bị xử lý kỷ luật và phải dỡ bỏ phần xây dựng nhà trái phép hoặc trả lại nhà khi phát hiện có sai phạm. Tôi nói, việc xử lý nội bộ như vậy chưa đủ và không có giá trị, bởi tất cả phải đối diện với luật pháp, nếu có dấu hiệu tham nhũng thì phải khởi tố và điều tra ngay lập tức. Anh an ninh chống chế rằng chưa có bằng chứng cụ thể về tham nhũng trong hai trường hợp đó. Tôi hỏi, "nếu chưa có bằng chứng thì làm sao có thể xử lý về mặt tổ chức đảng được (?), chính tiền đề đó là cơ sở để bắt đầu cuộc điều tra hình sự về dấu hiệu tham nhũng."

Anh an ninh ấy quy kết rằng tôi đã thay mặt tòa án phán hai vị nói trên tham nhũng trong khi chưa có bằng chứng gì cả. Tôi phải giải thích rằng tôi không xác quyết gì ở đây, nhưng đề nghị cần khởi tố mới có thể điều tra xem có hay không hành vi tham nhũng từ đầu mối là khối tài sản khổng lồ và căn cứ vào đồng lương ít ỏi mà họ lãnh sau hàng chục năm làm việc cho nhà nước. Anh an ninh lắc đầu, “đó là do cha mẹ họ để lại di sản cho con cái.” Tôi bật cười trước ý nghĩ về di sản của tổ tiên và quà tặng của ông anh, bà chị dành cho những vị quan chức thanh liêm của chúng ta. Hay thiệt!

Tôi chấm dứt cuộc tranh luận một cách thẳng thắn rằng, “các anh muốn truy tố các quan chức có dấu hiệu phạm pháp hay không thì tùy, nhưng đừng nên để dân chúng nghĩ đảng của các anh bao che bọn tham nhũng bằng xử lý nội bộ!”

Anh an ninh khác chuyển đề tài, quay sang hỏi tôi, “anh viết bài về lão đãng là muốn ám chỉ ai?” Tôi bật cười hỏi lại, “vậy anh nghĩ tôi ám chỉ ai?” Anh ấy nói, “thì anh đăng bài đó vào ngày 3 tháng 2 là muốn ám chỉ ai rồi!” Tôi đáp, “vậy anh biết rồi, hỏi tôi làm gì nữa!” Cả hai cùng cười xòa, hết chuyện.

Trong suốt buổi đối đáp, tôi ngồi giữa chiếc bàn to, phía trước và hai cạnh bàn đều kín người. Một chiếc ghế để trống bên cạnh, mà lúc đầu các anh an ninh nói sẽ ưu tiên dành cho cô Phó Chủ tịch Phường ngồi bên tôi nếu nàng sớm kết thúc một cuộc họp khác để kịp cùng tham dự. Tuy nhiên, tôi đã trông đợi trong vô vọng cả buổi dài, mà đến lúc ra về nàng vẫn bặt tăm.

Chợt nhớ đến lời nhắn vào điện thoại nhân dịp lễ Valentine từ một người xa lạ, rằng theo truyền thuyết đôi tình nhân phải lên lầu 14 cùng nhảy xuống để mãi bên nhau, mà tôi lỡ nhẫn tâm nhắn lại mời người ấy nhảy xuống trước vì thói quen “lady first”. Một nỗi hoang mang vô hình đã bàng bạc xâm chiếm lấy tôi trong phút chốc. Phải chăng chính là nàng và vì sự vô tâm ấy mà nàng nhảy lầu thật sao (?). Trời ạ, nếu thế chắc con bị “ám” cả đời!








No comments:

Post a Comment

View My Stats