Thursday, 12 March 2015

Con người ngày càng hoài nghi khoa học (Hà Tường Cát / Người Việt)





Hà Tường Cát / Người Việt (tóm lược)
Monday, March 09, 2015 5:50:08 PM

Tạp chí National Geographic số Tháng Ba 2015 có bài chủ đề trình bày về một hiện tượng tâm lý xã hội ngày nay là hoài nghi đối với khoa học.

Bài viết “The War on Science” (Chiến Tranh với Khoa Học) dẫn chứng rằng một phần ba dân Mỹ không tin ở thuyết tiến hóa, cho là con người bây giờ vẫn như vậy từ thuở khai thiên lập địa. Và chỉ có không tới phân nửa mọi người đồng ý về tình trạng khí hậu địa cầu ấm dần là hậu quả của việc nhân loại đốt các loại nhiên liệu khai thác từ lòng đất.

Điều kiện để truyền bá và phát triển những tư tưởng hoài nghi ấy chính là Internet, Wep pages, sự phổ biền sử dụng e-mail, các mạng xã hội và các bloggers. Tiến bộ kỹ thuật thông tin có những tác động tích cực và đồng thời không ít hiệu quả tiêu cực. Tự do thông tin giúp nhân loại mở rộng kiến thức về mọi lãnh vực, nhưng cũng tiếp nhận nhiều quan điểm chủ quan thiếu căn bản luận lý, chưa kể những thông tin sai lạc hay bịa đặt theo ý của một hay nhiều cá nhân muốn phổ biến.

* Nghi ngờ từ chinh phục không gian

Từ lâu đã có những nghi ngờ là chính phủ Hoa Kỳ muốn chứng tỏ thắng Liên Xô trong cuộc chạy đua không gian thời kỳ Chiến Tranh Lạnh nên dàn dựng ra những chuyến đổ bộ Mặt Trăng của các phi hành gia NASA cuối thập niên 1960 và đầu 1970.  Sự hoài nghi của công chúng ngày càng gia tăng qua những lập luận có thể tìm thấy tên nhiều trang Web. Cũng nên lưu ý rằng sự phủ nhận sự kiện khoa học ấy dựa trên những lý luận về chính trị nhưng cũng có chỗ phải dùng đến giải thích theo khoa học.

Trang Listverse.com ngày 28 tháng 12, 2014 đưa ta “10 lý lẽ chứng tỏ đổ bộ mặt Trăng là chuyện gạt”. Bài này nói rằng người Mỹ chưa bao giờ đặt chân lên Mặt Trăng. Trước hết, các phi vụ Apollo chấm dứt từ những năm 1970, bốn chục năm rồi đến nay sao chưa trở lại?  Như vậy chẳng qua các chuyến đổ bộ chỉ có trong nhiệm kỳ của Tổng Thống Richchard Nixon, và chấm dứt cùng với vụ tai tiếng Watergate khiến ông cuối cùng phải từ chức.

Những lý lẽ khác bao gồm: Lá cờ do phi hành gia Neil Armstrong cắm trên Mặt Trăng không có không khí làm sao có thể bay? Nơi phi thuyền Eagle đáp sao không có một hố lõm do động cơ hỏa tiễn thổi xuống làm tung bay bụi đất? Để tới Mặt Trăng, Appoloo phải đi ngang Van Allen radiation belt, các phi hành gia không thể sống sót vì phóng xạ ở vành đai này. Bầu trời trên Mặt Trăng tối đen nhưng hình chụp không cho thấy có những vì sao. Hai tấm hình các phi hành gia Apollo 15 chụp có hậu cảnh giống hệt nhau dù theo NASA là ở hai nơi cách xa nhau nhiều dặm, và một trong hai hình có phi thuyền đổ bộ, hình kia không, làm thế nào các phi hành gia có thể chụp trước khi đến hoặc sau khi đã rời Mặt Trăng? vv và vv...

Theo những giới hoài nghi, chính quyền Hoa Kỳ đã nhờ đạo diễn Stanley Kubrick sử dụng những xảo thuật điện ảnh để tạo ra  việc đổ bộ Mặt Trăng của NASA và các phi hành gia Apollo.

Những nghi vấn kiểu ấy, NASA đã từng nhiều lần giải thích đầy đủ nhưng theo Listverse.com, thăm dò dư luận hiện nay cho biết có 20% dân Mỹ nghi ngờ rằng những chuyến đổ bộ Mặt Trăng là chuyện lừa bịp.

* Đến lãnh vực y tế

Một chuyện khác mới xảy ra đầu năm nay khi một số nhân vật có thể là ứng cử viên Tổng Thống năm 2016 như Thượng Nghị Sĩ Rand Paul, Thống Đốc Chris Christie, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton cũng nhảy vào tranh luận. Ai cũng hiểu chủng ngừa chống dịch bệnh là cần thiết, tuy nhiên vẫn có một số phụ huynh tin tưởng rằng trẻ con chích ngừa có thể bị gia tăng rủi ro mắc chứng tự kỷ.

Có khi vì quá lo sợ người ta không tin được lời giải thích của các khoa học gia. Như trường hợp dịch bệnh Ebola, mặc dầu được xác định đường lây nhiễm duy nhất là qua tiếp cận với các dung dịch, chất lòng từ  người bệnh, chứ không thể bởi vi khuẩn bay trong không khí, nhưng giải thích ấy không làm dân chúng an tâm. Theo các khoa học gia, không một siêu vi khuẩn nào có khả năng thay đổi cách xâm nhập cơ thể con người, Ebola không ra ngoài quy luật đó. Nhưng nếu thử đánh chữ “airborne Ebola” vào một bộ dò tìm Internet, chúng ta sẽ thấy vô số websites và blogs  theo đó siêu khuẩn này có thể có năng lực siêu phàm tiêu diệt toàn thể nhân loại!

Cũng có những hoàn cảnh khoa học chưa thể hội đủ bằng chứng cụ thể để có kết luận khẳng quyết. Trong ngành nông nghiệp và công nghiệp chăn nuôi, kỹ thuật biến đổi gen ngày nay rất thông dụng để rút ngắn thời gian và gia tăng sản lượng. Các nhà khoa học nói rằng không hề có bằng chứng nào là các sản phẩm này phương hại đến sức khỏe của người tiêu thụ. Nhưng vì không có phương cách chứng minh cụ thể, công chúng vẫn lo ngại, đưa tới việc 64 quốc gia trên thế giới và 3 tiểu bang Hoa Kỳ có luật đòi hỏi những thực phẩm có chứa loại này phải dán nhãn “GMO” (genetically modified organism),  để người tiêu thụ biết và chấp nhận hay không là tùy ý.

* Đâu là căn nguyên?

Bái báo National Geographc không chỉ trích dân chúng vì sự mất tin tưởng vào khoa học mà tìm cách giải thích căn nguyên của tâm lý ấy. Theo tờ báo khoa học  không phải là cái được tiếp thu bằng trực giác và chính các nhà khoa học đôi khi cũng bị bối rối. Tất cả chúng ta đều hiểu rằng Trái Đất chuyển động xung quanh Mặt Trời, nhưng ai cũng thấy mỗi ngày Mặt Trời mọc ở phương Đông và lặn ở phương Tây. Phải mất hàng ngàn năm cùng rất nhiếu cố gắng quan sát bầu trời đêm con người mới nhận định ra điều ấy và tìm được lời giải thích, đồng thời dần dần hiểu được vị trí cùng vai trò chẳng có bao nhiêu ý nghĩa của mình trong vũ trụ bao la.

Charles Darwin (1809-1882) đã đề ra thuyết vạn vật biến hóa và cho rằng tất cả mọi sinh vật đều chung một gốc. Hàng trăm năm sau lý thuyết của ông vẫn bị chống đối mạnh mẽ vì vấn đề tín ngưỡng,  cho đến khi người ta chưa có một ý thức gì về DNA và RNA, để rồi sau đó nhận ra là như vậy phủ nhận vật lý, hóa học, thiên văn và tất cả mọi ngành khoa học.

Khoa học không phải là sự thâu góp một chuỗi những sự kiện mà là một phương pháp để cuối cùng đi đến sự thật. Nhà địa cầu vật lý Marcia McNutt, cựu giám đốc cơ quan địa chất Hoa Kỳ và bây giờ là chủ biên tạp chí khoa học Science, nói: “Khoa học là một phương pháp để quyết định cái mà chúng ta chọn để tin tưởng có căn bản của luật thiên nhiên hay không. Phương pháp ấy không tự nhiên đến với nhiều người chúng ta, và vì thế chúng ta luôn luôn gặp hết rắc rối này đền rắc rối khác”.

Sự thật nhiều khi có vẻ trái với điều hiển nhiên như trường hợp Trái Đất xoay xung quanh trục Nam-Bắc và chuyển động quanh Mặt Trời. Đầu thế kỷ thứ 17 khi Galileo Galilei nói ra điều ấy, ông bị Giáo Hội Vatican xét xử, buộc phải phủ nhận luận điểm ấy và bị quản thúc tại gia, nhưng ông không rút lại kết luận.

Bây giờ, chúng ta đang sống ở thời đại mà khoa học chi phối hầu hết mọi sinh hoạt và trở thành văn hóa của toàn thể nhân loại.  Mỗi ai  đều cùng lúc có đầy đủ phương tiện kỹ thuật để tham gia, chấp nhận hay chối bỏ, những gì đồng ý hoặc không đồng ý. Bằng những nguồn thông tin và theo cách lý giải riêng, những phái hoài nghi mạnh mẽ chống lại nhiều luận điềm được các nhà khoa học đồng thuận. Dân tộc, tín ngưỡng, quyền lợi cá nhân hay tập thể đứng đằng sau sự phân cực ấy. Nhưng nếu phân cực là không tốt thì ngược lại đó vừa là trở lực vừa là động lực cho loài người luôn luôn nỗ lực vượt qua để  tiến đến những mục tiêu tốt đẹp hơn.  (HC)







No comments:

Post a Comment

View My Stats