Tuesday, 17 March 2015

Chỉ điểm và đạo đức, vấn đề nhức nhối thời hậu Cộng sản ở Đông Âu (Hoàng Nguyễn - RFI)





Hoàng Nguyễn  -  RFI
Đăng ngày 16-03-2015 Sửa đổi ngày 16-03-2015 17:53

Mới đây, một bộ phim tài liệu mang tựa đề "Trong tầm ngắm của Securitate" - Securitate là cơ quan mật vụ của chế độ Cộng sản Rumani trước đây - đã được công chiếu trên hai kênh truyền hình quốc gia của Hungary. Sự kiện này làm dấy lên trong công luận và truyền thông Hungary những vấn đề về đạo đức và tội ác trong quá khứ vẫn chưa bị trừng phạt.

Từ Budapest, thủ đô Hungary, Thông tín viên Hoàng Nguyễn trước hết nêu bật nội dung bộ phim :

NGHE  :  Thông tín viên Hoàng Nguyễn tại Budapest 16/03/2015   


« Bộ phim đã được quay tại những hiện trường gốc, với sự tham dự của các nhân vật đa phần đã can dự vào những sự kiện có thật xảy ra cách đây ba chục năm, dưới chính thể của thủ lĩnh cộng sản Ceausescu tại Rumani, khi cơ quan mật vụ chính trị Securitate làm mưa làm gió ở quốc gia này.

Chỉ điểm ngay trong gia đình

Bộ phim nói về tấn thảm kịch của một gia đình ở vùng Kolozvár, một mảnh đất từng thuộc Vương quốc Hungary, sau đó bị sáp nhập vào Rumani và vẫn còn một cộng đồng Hung kiều đông đảo sinh sống. Hai vợ chồng nọ, vợ là Tőkés Eszter, chồng là Barta Tibor đều là những bác sĩ, những nhân vật có uy tín và được trọng vọng trong vùng.

Cùng một số gương mặt của giới trí thức vùng Kolozvár, gia đình Tőkés Eszter có xu hướng đối lập rõ rệt. Đặc biệt, thành viên gia đình có mục sư Tin lành Tőkés László là người được coi như thủ lĩnh tinh thần của Hung kiều ở Rumani, và cuộc nổi dậy cuối năm 1989 tại nước này được coi là có cơ nguyên từ hoạt động bảo vệ nhân quyền và tín ngưỡng của ông.

Bản thân bác sĩ răng Tőkés Eszter nhiều lần làm các cuộc phỏng vấn bí mật về tình hình rất nghiêm trọng tại khu vực có đông kiều dân Hung sinh sống, và tìm cách tự mang sang Hungary, hoặc thông qua một người bạn. Nhưng những kế hoạch đó luôn thất bại: tại biên giới, các nhân viên mật vụ đã chờ sẵn để "bắt quả tang" họ.

Một số những bài viết quan trọng, hoặc truyền đơn, tờ rơi với nội dung đối lập mà Tőkés Eszter đã cẩn thận cất giấu kỹ lưỡng vì sợ bị khám nhà, không hiểu sao cũng đều đều lọt vào tay mật vụ chính trị Securitate, và trở thành những bằng cứ mà chính quyền sử dụng để chống lại gia đình bà.

Trong những năm tháng ấy, cố nhiên không ai nghi ngờ người chồng, vị bác sĩ chỉnh hình tài ba, đầy uy tín, một con chiên sùng đạo Công giáo, chơi dương cầm rất điệu nghệ, và sau giờ làm việc còn chữa chạy miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Ông Barta Tibor còn hết sức được lòng hai người con riêng của bà Eszter với người chồng thứ nhất.

Sau biến cố 1989, bác sĩ Barta Tibor sang Hung định cư. Vợ ông, bà Eszter không theo chồng, và tới năm 2004 hai người ly dị. Phải tới gần hai chục năm sau, năm 2007, bà mới nhận được một hồ sơ từ Viện CNSAS (cơ sở xử lý các hồ sơ của mật vụ chính trị Rumani thời kỳ cộng sản), và cay đắng khi được biết sự thật về người chồng trong quá khứ.

Sự thật cay đắng về người chồng điềm chỉ

Theo đó, gần như hàng ngày, chồng bà đã viết báo cáo về hoạt động của đối lập của bà trong 5 năm liền để gửi lên thượng cấp. Thậm chí, bác sĩ Barta Tibor sở dĩ kết hôn với bà năm 1985 cũng là để nhằm thông qua bà, có được mối quan hệ với cả gia đình bà, để thực hiện hoạt động chỉ điểm được Securitate giao phó.

Mang biệt danh "Stelian", Barta Tibor viết tường trình về tất cả mọi thứ có thể một cách hết sức kỹ lưỡng, kể cả về lễ thành hôn của hai vợ chồng. Ngay sau khi cưới, ông ta đưa vợ và hai con riêng của vợ đi nghỉ ở bờ biển để trong thời gian đó, mật vụ chính trị Securitate có thể đặt thiết bị nghe trộm vào ngôi nhà của họ.

Những bài viết, truyền đơn hoặc tư liệu gửi sang Hungary của bà vợ Tőkés Eszter cũng đều bị ông chồng chuyển tới cho Securitate. Là một kẻ chỉ điểm hết sức chuyên cần, Barta Tibor không bỏ qua bất cứ cuộc gặp mặt gia đình hay xã hội nào của gia đình Tőkés Eszter, để có được thông tin tức khắc cho mật vụ chính trị.

Không chỉ báo cáo về nhà vợ, Barta Tibor còn chỉ điểm rất nhiều nhân vật trí thức quan trọng vùng Kolozvár, trong đó có các chính khách, các nhân vật thuộc giới tăng lữ, các nhà nghiên cứu - nhiều người vẫn coi vị bác sĩ uy tín này là bạn thân có thể chia sẻ được.

Khi cuộc nổi dậy và chính biến 1989 ở Rumani xảy ra, Barta Tibor biến khỏi nhà và trong nhiều ngày ông ta ở lỳ trong trung tâm của mật vụ chính trị địa phương nằm ngay trên tầng trên của trụ sở giáo phận của Giáo hội Công giáo. Khả năng là trong thời gian đó, ông ta đã tìm cách tẩu tán hồ sơ tuyển dụng của mình với biệt danh "Stelian".

Quá khứ chỉ điểm, di chứng đau đớn của một thời

Dùng mạng lưới chỉ điểm dày đặc để duy trì chính quyền và khiến người dân luôn trong cảnh sợ hãi và phục tùng là một trong những đặc tính của các thể chế cộng sản tại Liên Xô (cũ) và vùng Đông Âu. Trong nhiều thập niên, Stasi của Đông Đức, Securitate của Rumani hay AVH của Hungary là những cái tên kinh hoàng đối với mọi người dân.

Tại Hungary, theo ước tính chưa đầy đủ, đã có chừng hai trăm ngàn “chỉ điểm viên” từng phục vụ thể chế độc tài cộng sản, trong số đó, có cả những “kiều nữ” trẻ thành thạo tiếng Ả Rập và không ngần ngại nếu phải sử dụng thân xác cho “việc lớn”, theo một lãnh đạo Cục Lưu trữ Lịch sử trực thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia nước này.

Trong một phần tư thế kỷ qua, không ít những nhân vật có uy tín - những chính khách, tăng lữ, văn nghệ sĩ, nhà thể thao... - của Đông Âu đã bị lộ diện là những kẻ chỉ điểm. Chỉ điểm trong nội bộ gia đình cũng không phải là quá mới mẻ, đặc biệt như trong trường hợp mât vụ chính trị Stasi của Cộng hòa Dân chủ Đức, hay KGB của Liên Xô.

Tuy nhiên, tại Rumani, phương pháp "nghiệp vụ" này không hay được cơ quan Securitate áp dụng. Trường hợp của Barta Tibor đặc biệt ở chỗ, nó được kiến tạo và tiến hành hết sức công phu, có chủ ý, đạt hiệu quả cao, và kết quả là đã làm tan nát cuộc đời của nhiều con người khi những giây phút, cảm xúc riêng tư nhất của họ cũng bị phản bội.

Phân tích các "loại hình" chỉ điểm, các nhà nghiên cứu nhận thấy, không ít người bị cưỡng bức và làm công việc này một cách miễn cưỡng, "cho xong việc". Nhưng cũng có những kẻ làm một cách tích cực, nhiệt tình như thể họ tìm được khoái cảm trong việc chỉ điểm và ngầm làm hại cuộc đời người khác, kể cả đó là người gần gũi nhất với mình.

Một thể chể có thể hủy hoại con người

Thuật lại một câu chuyện ít nhiều đã được biết đến cách đây ít năm, bộ phim "Trong tầm ngắm của Securitate" khiến người xem sững sờ ở chỗ, nó cho thấy một thể chế có thể làm hỏng con người như thế nào. Hoặc giả, nó tạo điều kiện để những bản năng tệ hại nhất của con người được "thả nổi", trở thành hiện thực.

Về mặt đạo đức, rõ ràng bác sĩ Barta Tibor đã có thể lựa chọn cách khác, và không cần làm hại chính vợ ông ta - và gia đình nhà bà, cũng như những bạn hữu gần gũi và thân thiết - một cách chủ động và tích cực như vậy. Nhưng ông ta đã làm điều đó và ngay cả về sau này, khi bị phát hiện, cũng không hề cảm thấy cần phải sám hối.

Chỉ điểm đã từng được các lãnh đạo Xô-viết thời Stalin ở Liên Xô coi là một "bổn phận công dân", khi họ hô hào "mỗi người dân đều là một chiến sĩ an ninh", kỳ thực là những nhân viên mật vụ. Điều này cũng đúng với các nước Đông Âu thời kỳ 1945-1989, khi tất cả mọi công dân chỉ còn là một ốc vít trong cỗ máy vận hành.

Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều người ở các xứ Đông Âu thời hậu cộng sản, khi có cơ hội, đã không dám tìm hiểu những hồ sơ chỉ điểm được bạch hóa, sợ sẽ thấy trong đó những cái tên quen thuộc, hoặc là thành viên gia đình, bố mẹ con cái mình, hoặc bạn bè mình. Những biệt danh trong các hồ sơ mật vụ, nhiều khi vĩnh viễn sẽ không được biết đến.
Trường hợp của bà Tőkés Eszter, được sự hỗ trợ của thân nhân là ông Tőkés László, người hùng của cách mạng Rumani 1989, nay là dân biểu Nghị viện Châu Âu, nên đã được biết đến rộng rãi thông qua báo chí và phim ảnh. Tuy nhiên, người chồng Barta Tibor, hiện vẫn sống và làm việc trên cương vị một bác sĩ có tiếng tại Budapest, thì không hề phải chịu hậu quả gì.

Báo chí Hungary có đặt câu hỏi: đúng vào thời điểm bộ phim được công chiếu, ông Barta Tibor còn có một buổi hòa nhạc tại Vương cung thánh đường Budapest, nơi lẽ ra hàng ngày ông ta phải tới sám hối cho tội lỗi của mình. Tuy nhiên, ông ta đã không hề tỏ ra hối hận, và dùng giấy tờ giả để biện minh, chối bỏ và phủ nhận mọi hoạt động chỉ điểm của mình!

Tư pháp bất lực, dành chỗ cho phán xử đạo đức

Tại các quốc gia cựu cộng sản vùng Đông - Trung Âu, kể từ sau biến cố dân chủ 1989-1990, nhu cầu thiết lập công lý, trừng phạt những tội ác trong quá khứ, để kẻ gieo gió phải gặp bão - nói rộng ra là trong sạch và trực diện triệt để với quá khứ - luôn là ý nguyện của số đông cư dân từng là nạn nhân bị đàn áp, tù đày, hoặc bị theo dõi, chỉ điểm bởi các thể chế độc tài toàn trị.

Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm sau ngần ấy năm không đơn giản, khi rất nhiều nhân chứng không còn sống, những hồ sơ, tư liệu tiêu hủy và thiếu sót, sự buộc tội và chứng tỏ tội trạng rất khó khăn. Nhiều kẻ thủ ác - trong giai tầng lãnh đạo, hoặc đơn thuần là những kẻ thừa hành của bộ máy mật vụ - không hề bị trừng phạt, và có thể sinh sống và ra đi êm thấm.

Báo chí Đông Âu hay nhắc tới ba cái tên Csatáry László, Képíró Sándor và Biszku Béla, ba kẻ thủ ác trong thập niên 40 và 50 thế kỷ trước tại Hungary, cũng chỉ bị xem xét tội trạng trong những năm cuối đời. Hai người đầu, phải chịu trách nhiệm trong những cuộc thảm sát dân Do Thái trong Đệ nhị Thế chiến - rốt cục đều đã thoát tội, và qua đời trong chăn ấm đệm êm ở tuổi 97.

Chỉ có Biszku Béla, Bộ trưởng Nội vụ thời sau cách mạng 1956, kẻ được coi là “nắm đấm cứng nhất” của thể chế độc tài cộng sản ở Hungary, là bị kết án ở tuổi 83 sau mấy chục năm sống yên lành và sung túc tại một biệt thự khu “thượng lưu” ở Budapest, với mức lương bổng gấp bốn lần lương hưu của một người bình thường.

Không chỉ thế, tại Cộng hòa Slovakia, mới đây chính quyền địa phương còn đưa ra một quyết định hết sức bị phản đối nhằm vinh danh một nhân vật cộng sản cộm cán - ông Vasil Bilak, đã mất cách đây một năm ở tuổi 95 - bằng cách phong ông ta làm công dân danh dự và dựng bảng ghi danh tại làng nơi ông ta chào đời.

Giữ chức Bí thư Trung ương đảng trong vòng hai chục năm, ông Bilak từng là một yếu nhân của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, đồng thời là nhân vật quan trọng nhất trong số năm quan chức cao cấp đã ký vào bức thư “mời” Mátxcơva và quân đội khối Hiệp ước Vácxava vào đàn áp Mùa xuân Praha tại Tiệp Khắc năm 1968.

Những năm cuối đời, Vasii Bilak sống tại một biệt thự vào hàng sang trọng nhất ở thủ đô Bratislava. Hành vi "cõng rắn cắn gà nhà" của ông từng bị điều tra vì tội danh "bán nước", nhưng hồ sơ điều tra của vụ án - lên tới hơn 23 ngàn trang - đã bị khép lại năm 2011. Luôn chối tội, Bilak đã ra đi mà không hề phải đối diện với hành động của mình trước vành móng ngựa.

Tuy nhiên, một khi công lý đến bởi cơ quan tư pháp tạm bất lực, thì người dân đã có cách khác để bày tỏ sự phán xử đạo đức của họ. Những tấm biểu ngữ được giăng trước nhà những nghi can trên, hoặc trong phiên xử của họ, kêu gọi tội ác phải bị trừng phạt, kẻ sát nhân không thể ngủ yên, v.v... chính là bản án của người dân, của những nạn nhân dành cho kẻ thủ ác.

Đối với Barta Tibor, tuy không bị truy tố nhưng tờ nhật báo lớn nhất của Hungary "Tự do Nhân dân" (Népszabadság) đã có bài bình luận về ông ta với những lời phê phán rất nặng. Tác giả đặt câu hỏi, là một bác sĩ chỉnh hình, thường xuyên phẫu thuật cột sống, nhưng chính ông ta lại là kẻ không hề có xương sống khi chỉ điểm chính vợ mình, gia đình mình trong nhiều năm...

Như thế, khi nền tư pháp bất lực, công luận và người dân sẽ có sự phán xét đạo đức riêng của họ, cho những kẻ đáng bị trừng phạt, và đây là hình phạt cao nhất...






No comments:

Post a Comment

View My Stats