Tuesday, 17 March 2015

Bầu cử Israel: Netanyahu sẽ phải rời chính trường? (Nguyễn Văn Khanh)





Nguyễn Văn Khanh
Sunday, March 15, 2015 2:27:47 PM

Thứ Ba, 17 Tháng Ba 2015, cử tri Israel đi bầu Quốc Hội.

Mặc dù được cả thế giới chú ý đến sau bài diễn văn nảy lửa mới đọc trước Quốc Hội Liên Bang Mỹ 2 tuần trước đây, nhưng những cuộc thăm dò do giới truyền thông và các tổ chức quan sát bầu cử thực hiện cho thấy người dân Israel có vẻ “muốn buông” Thủ Tướng Benjamin Netanyahu thay vì để ông tiếp tục lãnh đạo quốc gia trong những năm tới. Lý do: vị Thủ Tướng nổi tiếng với lập trường cứng rắn bị dân chúng chỉ trích là quá chú ý tới mối đe dọa an ninh đến từ Iran, không chú trọng nhiều đến kinh tế và những vấn đề khác mà ông phải giải quyết cho đất nước.

Hầu hết các bản tin được phổ biến đi kèm với những lời bình luận của giới quan sát trước ngày cuộc bầu cử đều chứa đựng nội dung tương tự, báo trước thời đại chính trị khởi đầu từ năm 2009 của ông Netanyahu và Đảng Likud do ông lãnh đạo sẽ kết thúc, nhường chỗ cho liên minh Zionist Union và người lãnh đạo là ông Isaac Herzog. Vài hàng về nhân vật đang được dự đoán sẽ nhận lãnh vai trò thủ tướng Israel: năm nay 54 tuổi, hành nghề luật sư, là đại biểu quốc hội, thủ lãnh phe đối lập, thân phụ ông từng là đại sứ ở Hoa Kỳ và 2 lần được chọn làm Tổng Thống Israel. Ông Isaac Herzog không có tài hùng biện như ông Netanyahu, nhưng các nhà quan sát chính trị tin rằng cánh cửa thành công của ông Herzog đang mở rộng nhờ vào kế hoạch cứu nguy kinh tế mà ông đưa ra khi tranh cử.

“Tình hình cuộc bầu cử Israel năm nay thay đổi quá nhanh,” theo nhận xét của Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ Martin Indyk, từng làm việc tại Jerusalem và đảm trách những vai trò quan trọng khác để thực hiện chính sách của Hoa Kỳ ở Trung Đông. “Chỉ một vài tuần trước, ai ai cũng tin ông Netanyahu sẽ tái đắc cử rất dễ dàng, nhưng vài ngày trước bầu cử mọi chuyện lại thay đổi quá nhanh,” bằng chứng là những dự đoán được đưa ra cho thấy số ghế đại biểu liên minh Zionist Union của ông Herzog có được sẽ hơn Đảng Likud của vị thủ tướng đương nhiệm tới 3 hoặc 4 ghế. Không vội vã đưa ra kết luận Thủ Tướng Netanyahu sẽ thua cuộc, nhưng Đại Sứ Indyk tin rằng, “Ông ta (Netanyahu) đang gặp khó khăn,” nêu thắc mắc không biết giờ chót “có thể thay đổi được tình hình hoặc có thể thu phục được những đảng nhỏ khác đứng chung lập chính phủ liên minh hay không.”

Sự kiện Thủ Tướng Israel “gặp khó khăn chính trị” cũng được ông Neri Zilber của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Cận Đông (The Near East Policy) nói đến trong cuộc hội thảo về tình hình bầu cử Israel cuối tuần vừa rồi. Là người được cắt cử quan sát cuộc bầu cử này, ông Zilber cho rằng người dân Israel không thể quên nguy cơ Iran và Palestine có thể gây nên, nhưng “chuyện then chốt vẫn là kinh tế và những gì thiết thực của đời sống hàng ngày,” chẳng hạn như “mức sinh hoạt gia tăng, giá nhà tăng vọt đến mức chóng mặt” trong suốt thời gian ông Netanyahu cầm quyền. Vẫn theo nhận xét của học giả Zilber, “Ông Herzog thu hút được sự chú ý của cử tri vì ông ta đánh mạnh vào những điều người dân Israel đang lo ngại, “những điều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của họ.” Vì thế có thể xem cuộc bầu cử là cơ hội cho “cử tri Israel sẽ dùng là phiếu của họ để trình bày quan điểm đối với cá nhân ông Netanyahu và với chính sách của chính phủ đương thời.”

Bốn mươi tám giờ trước bầu cử, nhật báo The Jerusalem Post cho chạy bài phóng sự nói về thị trường địa ốc, quy lỗi cho “chính sách của chính phủ Netanyahu khiến trong 5 năm qua giá nhà đất tăng tới 55%.” Bài phóng sự trích dẫn ngay báo cáo của Phòng Thanh Tra Chính Phủ cho biết “nhiều chung cư phải mất 12 năm mới xây xong” chỉ vì hệ thống hành chánh rườm rà, điều ông Netanyahu đã hứa sẽ sửa đổi khi mới nhậm chức “nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện được.”

Về mặt ngoại giao, lối làm việc của ông Netanyahu và ông Herzog cũng khác nhau. Vài ngày trước khi vị Thủ Tướng Israel sang Hoa Kỳ đọc bài diễn văn lên án Iran, ông Herzog viết bài gửi cho nhật báo The New York Times để trình bày quan điểm của mình. Trong bài viết đó, ông Herzog nói rõ “lập trường của tôi và của ông Netanyahu về Iran và an ninh quốc gia hoàn toàn chẳng khác gì nhau” nhưng chỉ trích ông Netanyahu đã “sai lầm lớn” khi nhận lời mời của Đảng Cộng Hòa Mỹ mà không tham khảo ý kiến với Tòa Bạch Ốc. Bài viết có đoạn cho rằng lối làm việc của ông Netanyahu “rất nguy hiểm” vì “tạo nên hiểu lầm là Israel chỉ bắt tay làm việc chung với một đảng phái chính trị ở Mỹ, trong khi chúng ta phải bắt tay với tất cả mọi người dân Hoa Kỳ, với Đảng Dân Chủ cũng như Cộng Hòa, cánh cấp tiến cũng như phe bảo thủ, với thành phần diều hâu cũng như phe bồ câu.”

Trước những khó khăn phải đương đầu, nước cờ chính trị mới nhất ông Netanyahu cho thực hiện là báo trước sẽ mời ông Moshe Kahlon đang lãnh đạo đảng Kulanu tham gia tân chính phủ. Lên tiếng trên Đài Phát Thanh Quốc Gia, vị thủ tướng đương nhiệm cho hay, “Nếu tôi là người đứng ra thành lập chính phủ liên minh (sau ngày bầu cử), ông Kahlon sẽ giữ vai trò điều hành bộ tài chánh, bất kể đảng của ông ta (Kulanu) lấy được bao nhiêu ghế.” Loan báo này tức khắc được các nhà quan sát chính trị Israel xem là “nỗ lực cuối cùng” của ông Netanyahu nhằm thu hút sự đồng ý của những đảng chính trị nhỏ, để tránh thất bại trước ngày cuộc bầu cử diễn ra.



Bầu cử Quốc Hội Israel và những con số

Thứ Ba, người dân Israel sẽ đi bầu chọn 120 đại biểu Quốc Hội. Tổng cộng có hơn 10 đảng ghi tên tranh cử, và tính đến tối Chủ Nhật, 2 cuộc thăm dò do Đài Phát Thanh Quân Đội và Đài Truyền Hình Quốc Hội cho biết tình hình bầu cử như sau:
Liên Minh Zionist Union (ông Isaac Herzog): 24 ghế
Đảng Likud (ông Benjamin Netanyahu): 21 ghế
Đảng Yesh Atid: 13 ghế
Đảng Bayit Yehudi: 13 ghế
Liên Hiệp Ả Rập: 12 ghế
Đảng Kulanu: 10 ghế
Những đảng nhỏ khác chia nhau số ghế còn lại.

Nguồn: Migdam/Army Poll/Panels/Knesset Channel Poll






No comments:

Post a Comment

View My Stats