AFR Dân Nguyễn
Posted by admin on March 13th, 2015
Tôi không phải là cha của cháu bé bị bạn học cùng lớp
đánh tập thể, nhưng sự phẫn nộ và đau xót cũng không kém gì cha cháu bé. Tôi
cũng may mắn không phải là cha của 7 cháu đánh bạn tàn nhẫn kia, vì nếu không,
tôi sẽ không biết phải xử trí thế nào với những măng non thời đại HCM này. Tôi
lại là người quá may mắn, vì cả ba con tôi đã thoát khỏi quãng đời học sinh dưới
mái trường xã hội chủ nghĩa. Không phải may mắn vì thoát cảnh mỗi đầu năm cha mẹ
phải gồng mình đóng bao thứ tiền, mà chủ yếu may vì con em mình không phải đầm
mình trong môi trường xú uế đó nữa. Thật hạnh phúc biết bao cho những phụ huynh
hôm nay không còn thấy cảnh con mình phải chứng kiến và đằm mình trong cái môi
trường giáo dục tồi tệ khó mà diễn tả, cho dù hiện chúng đang phải đằm mình
trong một môi trường khác- cái xã hội xã hội chủ nghĩa, cũng đầy dẫy xấu xa và
cạm bẫy giăng mắc…
Quãng đời niên thiếu là quãng đời đẹp nhất của đời người.
Ai cũng chỉ có chừng ấy năm và một lần. Nó đã qua thì không thể làm lại, cũng
không thể lấy lại được nữa. Mái trường, nơi không chỉ trang bị cho các em kiến
thức cho cuộc sống mai sau, mà còn là nơi hình thành nên nhân cách, nơi cung cấp
cho các em hành trang đi vào tương lai; mà những hành trang đó đôi khi còn quý
giá hơn cả kiến thức.
Hành trang đó là gì? Là tình bạn trong trắng thơ ngây, là
tình thầy trò kính trọng và yêu thương. Là những buổi cắm trại, những chuyến
picnic lý thú. Ai trong chúng ta cũng đều ít nhất một lần nghe những bài hát đẫm
màu tím học trò của cố nhạc sỹ Thanh Sơn: Nỗi buồn hoa phượng, Lưu bút ngày
xanh, Trả lại thời gian, Nhật ký đời tôi…Trong series những ca khúc sống mãi với
thời gian đó nói về thuở học trò đầy luyến nhớ và đẹp đẽ vô cùng, bởi tâm hồn học
trò trong trắng như tờ giấy, bởi những kỷ niệm đẹp in đậm trong tâm trí của mỗi
người khó mà nhạt phai.
Khi những kỷ niệm đẹp được tạo ra, được đóng ấn trong
trái tim, thì con người ta khó có thể trở nên một con người xấu xa. Ngược lại,
khi một tâm hồn đã bị tổn thương, để lại vết sẹo trong tâm khảm, con người đó
khó có thể trở thành người tốt trong xã hội trong tương lai, nếu không muốn nói
rằng rất có thể con người đó sẽ trở thành tội phạm. Mức độ gây án cho xã hội
trong tương lai tỷ lệ với những thương tổn mà con người đó phải trải qua trong
đầu đời.
Chúng ta từng nghe bên Mỹ hay một vài nước tây Phương đôi
khi có vụ xả súng vào lớp học, làm cả chục thầy cô và học trò chết thảm. Nhưng
tôi dám khẳng định, nỗi đau đó chóng qua hơn, để lại ít di chứng hơn cho phụ
huynh cũng như cho xã hội. Bởi vì nguyên nhân của các vụ xả súng đó dễ lý giải,
và dễ xử lý, làm trong sạch lại môi trường cũng dễ hơn. Kẻ xả súng rõ ràng mắc
chứng tâm thần. Vấn đề còn lại là ở chỗ quản lý xã hội và cơ quan chức năng cần
điều chỉnh. Hậu quả vụ xả súng nặng nề hơn so với vụ học sinh đánh bạn tập thể.
Nhưng cái nặng nề đó là xét ở góc độ thiệt thòi về nhân mạng. Còn nếu xét ở phạm
vi khác, phạm trù đạo lý, ở những tiền lệ mà những vụ đánh bạn tập thể như vừa
xảy ra sẽ để lại, là nặng nề gấp bội, là khôn lường.
Không những người bị đánh có thể là tội phạm, mà ngay những
kẻ đã tham gia vào trò chơi đánh bạn hội đồng cũng khó mà trở thành người tốt
trong tương lai. Khi cái ác nảy nở quá sớm, nó làm cho con người ta chai lỳ. Nó
không khác gì khối ung thư, ban đầu còn rất nhỏ, sau tế bào bệnh phát tán rất
nhanh. Khi đánh một người khác không vì mối thù, thậm chí không vì một lý do gì
cả, chỉ đơn thuần là thấy người khác đánh thì mình cũng đánh, đã có thể cho đáp
số không phải số phận một vài cuộc đời, mà có thể cho cả một xã hội.
Đây đã là một biểu hiện khôn lường rồi đấy. Những con người
bị đánh, được đánh sẽ có thể trở thành tội phạm trong tương lai với xác suất rất
cao. Những kẻ chứng kiến không động lòng, hay có động lòng trắc ẩn nhưng không
đủ can đảm can thiệp, thì cũng trở thành những kẻ vô cảm, thiếu trách nhiệm với
xã hội trong tương lai. Một người bị đánh. Bảy người tham gia đánh với sự thích
thú của dã thú. Bao nhiêu người chứng kiến mà không can thiệp. Tất cả sẽ là chất
men kích thích làm dậy nên tội ác trong xã hội tương lai.
Hãy tưởng tượng, nếu xã hội VN cũng tự do như nước Mỹ,
súng bán tự do, thì những vụ xả súng sẽ nhiều đến mức nào. Phải nhiều như cơm bữa.
Để thấy hết được mức độ nghiêm trọng của vụ việc vừa qua, không thể căn cứ vào
vài vết bầm tím trên người cháu bé nạn nhân, vài vết bầm dập trên đầu… mà phải
phân tích sự tổn thương tâm lý học sinh bị đánh, sự hoảng loạn tinh thần mà
cháu đang gánh chịu.
Hàng ngày nhìn thấy giáo viên, hàng ngày đi học về được gặp
cha mẹ, thấy cả xã hội với dòng đời ngược xuôi nhộn nhạo…ấy vậy mà cháu như
đang sống giữa sa mạc, giữa đại dương dông tố, giữa bãi tha ma… Cháu muốn la lên
“help, help…cứu cứu…” mà không dám!!! Những ngày đến trường sau ngày bị đánh,
cháu còn đầu óc nào học bài. Những giờ trên lớp là cực hình. Những giờ đến trường
là giờ lê bước vào trại giam…
Đã ai từng nghe nói tới đòn của đầu gấu trong tù đánh phạm
nhân đến chết. Dù nhìn thấy quản giáo nhưng nạn nhân không dám hé răng?! Tại
sao, tại sao cháu bé bị đánh hội đồng kia phải gánh chịu tổn thất nặng nề khôn
tả về tâm thần như thế? Xã hội này băng hoại đến mức này rồi sao? Xử lý những kẻ
đánh bạn mình vô cớ đến tàn nhẫn là cần thiết; nhưng đó là xử lý phần ngọn. Dù
mấy kẻ vừa đánh bạn bị đưa đi trại giáo dưỡng, hay đuổi học, hay có vào tù đi
chăng nữa, ai dám chắc sẽ không còn hay ít còn những vụ việc tương tự trong
tương lai?
Một lớp trưởng, một đứa trẻ ranh nhãi nhép mà đã có hành
động sử sự như những trù úm đến mốc đầu kẻ bị trù mà nhiều quan chức trong xã hội
đang hành xử với nhân viên dưới quyền, hay như các thế lực cường quyền cư xử với
dân đen, thử hỏi sau này, lớn tý nữa nó vào đoàn thanh niên cs HCM, rồi theo
cái trật tự ấy, nó vào đảng, tuyên thệ dưới cờ búa liềm, rồi theo thang bậc
logic của quyền lực độc tôn, cái mà nó dùng đánh người khác sẽ không phải bằng
ghế nhựa nữa…
Dù một đứa trẻ được cô giáo nuông chiều, khiến nó tự cảm
thấy có quyền uy để thích hành hạ bạn, huy động “sức mạnh tập thể” vi phạm
nghiêm trọng pháp luật, hay những vụ đánh ghen tuổi học trò, mà mức độ tàn bạo
cũng không kém… tất cả đều bắt nguồn từ một nguyên nhân. Nguyên nhân ấy chính
là môi trường sống của các em. Tuyệt đại các em học sinh là con em người lao động,
nên môi trường gia đình có thể không đáng lo. Nhưng môi trường xú uế mà các em
đang đằm mình hàng ngày chính là môi trường ở nhà trường, và cái môi trường rộng
lớn hơn, là xã hội.
Môi trường nhà trường hiện nay là môi trường xã hội thu
nhỏ. Ở đó đừng tưởng những xấu xa ti tiện như tham nhũng, lừa đảo ngoài xã hội
không có. Ở đó đừng tưởng không có những biểu hiện của hách dịch, lạm quyền, khổ
hình không có. Gọi môi trường nhà trường là xú uế cũng không sai, cả nghĩa đen
lẫn nghĩa bóng. Các phụ huynh đã từng nghe con em mình phàn nàn rằng phải nhịn
đi vệ sinh vì vào nhà vệ sinh là khổ hình vì nó quá mất vệ sinh. Các phụ huynh
biết. Tất nhiên, các thầy cô, các hiệu trưởng, hiệu phó còn biết hơn. Họ đã làm
gì? Họ không làm gì cả, trong khi tiền, mọi thứ tiền, tất nhiên có cả tiền dọn
vệ sinh nhà vệ sinh quý phụ huynh phải đóng đầu năm- một trong vô số khoản tiền
phải đóng cho năm học. Nhà trường biết nhưng làm ngơ vì có lý do. Tiền chi cho
khâu dọn vệ sinh đã không phải chi. Nó sẽ vào túi người khác, vì người dọn vệ
sinh, nếu không là người nhà giáo viên, người nhà hiệu trưởng, hiệu phó, thì ít
nhất nó cũng là bạn bè, họ hàng được ai đó “tiến cử”.
Đừng tưởng đó là chuyện nhỏ. Một học sinh chịu hơn mười
năm đi học khát không dám uống nước, nhất là mùa hè, vì sợ uống rồi mót đi tiểu,
sợ phải vào cái nơi nồng nặc xú uế. Hậu quả là nhiều em, rất nhiều em có những
quả thận yếu sau này. Nhưng đó chưa phải hậu quả duy nhất. Hệ quả đi sau cũng nặng
nề không kém, là việc ý thức giữ gìn vệ sinh chung của các em gần bằng số
không. Rác hả, cứ thản nhiên vứt ở sân trường, thản nhiên rơi trên lối đi. Bã kẹo
cao su thản nhiên đen kít nơi hành lang, cầu thang, thậm chí trong cả ngăn bàn,
trên mặt bàn…
Rồi cái sự thiếu tôn trọng học sinh, trù úm học sinh, cái
sự nói một đàng làm một nẻo của giáo viên xảy như cơm bữa. Mấy thầy cô vào lớp
muộn, có khi tới cả mươi, mười lăm phút mà không biết cất lời xin lỗi học sinh.
Thay vì phải xin lỗi, thầy cô lại đe nẹt, quát tháo học sinh đang quậy phá vì
tưởng trống giờ không người quản.
“Hội chứng” ngày 20/11, ngày 8/3, ngày lễ tết…với biểu hiện
“đi” thầy chủ nhiệm này bao nhiêu, “đi” cô bộ môn kia bao nhiêu… phụ huynh còn
phải lấy ý kiến “tư vấn” của học sinh- con em mình. Đấy là hối lộ, là tham
nhũng của ngoài xã hội mang bộ mặt nhà trường với mặt nạ ngày hiến chương nhà
giáo, ngày quốc tế phụ nữ chứ còn gì nữa. Đừng ai nói đó là cá biệt xảy ra chỉ ở
đâu đó. Đừng ai nói giáo viên không muốn nhận những phong bì được gài trên những
bó hoa. Cũng đừng ai bảo tại phụ huynh họ muốn thế. Mà hãy đặt câu hỏi, nếu họ
không làm thế, con em họ có được giáo viên để yên không. Những bó hoa, bông hoa
kia, nếu là biểu hiện của lòng tôn trọng, thì cũng rất khiêm tốn, vì cái phong
bì đã thổi bay đi cái giá trị nhân văn của ngày hiến chương, ngày phụ nữ đi rồi…
Trình độ giáo viên yếu kém, sự thiếu tận tâm trong giảng
dạy, nạn dạy thêm bắt học sinh học thêm, mà lại bắt phụ huynh viết đơn, trong
khi bản chất của sự việc dạy thêm là hình thức thu nhập thêm của giáo viên hay nhà
trường (nếu nhà trường tổ chức dạy thêm)… Việc ban hành quy định cấm dạy thêm
chỉ là hình thức đối phó với công luận, sự bức xúc của xã hội. Nó biến tướng dưới
những hình thức khác. Tất cả, tất cả những biểu hiện đó là nét rất chung, nổi bật
mà ai cũng có thể thấy, cả xã hội đều thấy, không riêng một ai, không riêng một
trường nào. Nhưng thừa nhận nó thì không mấy ai chịu.
Đó, học sinh của ta hàng ngày hàng giờ sống trong cái môi
trường rất thiếu dân chủ, sống trong môi trường lừa lọc đó, làm sao chúng có thể
làm theo những gì mà các bài học trong giáo trình “giáo dục công dân” dạy dỗ?
Những em học sinh phạm tội hành hạ bạn mình, xét đến cùng
cũng đáng thương hơn đáng trách, vì cũng lại xét đến cùng, các em cũng là nạn
nhân của môi trường giáo dục xú uế này. Mà trường học không tách rời xã hội.
Nhà trường là không gian thu nhỏ của xã hội, chịu tác động trực tiếp của của những
biến thiên xã hội. Lại cũng chịu tác động trực tiếp của nền chính trị và sự điều
hành của thể chế.
Chúng ta còn phải chứng kiến nhiều nhiều những cảnh tương
tự như thế trong tương lai, cho dù có bỏ tù 7 học sinh vi phạm thì cũng không
vì thế mà môi trường giáo dục được trong sạch.
Xin chia buồn với cháu học sinh bị các bạn cùng lớp hành
hung. Xin cháu sớm vượt qua cơn chấn động tinh thần quá sức này. Mong tương lai
không ngoảnh mặt đi với cháu.
Bác thành thật xin lỗi vì đã không làm được gì!
No comments:
Post a Comment