Sat, 03/07/2015 - 09:32 — canhco
Cộng đồng mạng và ai quan tâm đến những lễ hội hay sự kiện
từ đầu năm tới giờ không khỏi băn khoăn với câu hỏi, tại sao người dân tôi hôm
nay lại như thế này?
Không ít ý kiến cho rằng do quản lý yếu kém, do dân trí
thấp và do chạy theo lợi nhuận nên kéo theo sự xuống cấp của lễ hội. Nhìn chung
dù lý do gì thì cái hại tiềm ẩn ngày một lan rộng sẽ đến một ngày nào đó khiến
cả nước sẽ bơi trong một chiếc ao khổng lồ ô nhiễm văn hóa. Ao chứ không phải
là sông vì sông thì còn chảy ra biển, được tái tạo lại sinh khí, nhưng bơi lội
trong ao thì chỉ tự mình ăn lấy mình, gậm nhấm thành quả do mình tạo ra và tiêu
hóa rồi bài tiết nó.
Không một phép lạ nào có thể cứu những sinh vật đang chết
lâm sàng trong chiếc ao tù văn hóa ấy, nơi mà tự thân mỗi cá nhân bơi uể oải
tìm kiếm chút thực phẩm văn hóa chưa bị ô nhiễm ngày càng hiếm hoi và đang mất
hẳn.
Văn hóa nếu không là thực phẩm cho người nghèo thì ít ra nó
cũng là sức sống tinh thần nuôi dưỡng tâm tính của tầng lớp dân chúng thấp kém
nhất qua các lễ hội dân gian. Văn hóa bị tổn thương chính là khởi đầu của ý thức
cộng đồng đang bị xâm hại. Tới một lúc nào đó khi phản ứng cộng đồng tê liệt
thì thành phần bần nông sẽ là vùng đất hoang hóa sơ khai dễ dàng nảy sinh nhanh
chóng bất cứ một hủ tục nào mà trước đây loài người nỗ lực tiêu diệt chúng.
Văn hóa giống như tất cả các chủ thể khác, luôn đi kèm và
dính liền với chính trị, nói gọn lại là chính thể của một nhà nước. Văn hóa
Việt Nam từ khi Đảng cầm quyền đến nay gần một thế kỷ, đã tạo nên một khuôn mặt
mới, khó thể nói là tốt hơn hay xấu hơn nhưng cái đáng nói là nó có kết quả
không thể chối cãi: Đảng đã rất thành
công trong công tác biến văn hóa thành công cụ phục vụ cho đảng và mọi hoạt động
văn hóa đều do đảng định hướng, điều hành và chỉ đạo.
Chỉ cần nhìn qua các hoạt động mang tính văn hóa đều thấy
nơi nào được tổ chức trọng thể, đông người nơi ấy không thể thiếu vắng các
khuôn mặt cộm cán trong chính quyền tham dự từ cắt băng khánh thành cho tới đọc
diễn văn khai mạc. Người dân không để ý tới vì đối với họ chờ thêm năm mười
phút nghe bài đọc ngớ ngẩn của một chủ tịch cũng đáng với cuộc vui mà họ chờ đợi.
Cái tác hại không phải ở bài diễn văn mà sự thả lỏng những hành vi nháp nhúa
đang làm băng hoại văn hóa.
Đầu năm là văn hóa cung đình của ông Nông Đức Mạnh.
Hàng ngàn bài viết phê phán chiếc ngai vua của ông cựu
TBT xem ra không đáng cho nhà nước để ý. Guồng máy đảng đang chạy tối đa lo bảo
vệ chính mình hơn là lên tiếng về cung cách xa hoa của một ông vua tập thể. Sự
im lặng ấy cho thấy giai cấp giữa người dân và vua chúa không thể san bằng như
nguyên tắc chống phong kiến mà nó được công khai tuyên truyền.
Nhà nước im lặng xem như không biết. Một mảnh vỡ văn hóa
về cung cách sống rơi ra có gì đáng nói?
Một ông Vũ Khiêu đại diện cho nền văn
hóa tiếm đoạt đang được chính quyền đỡ đầu không thể nói là bình thường. Những
huy hiệu cao quý, bằng khen tráng lệ, hay huân chương hoành tráng ông Khiêu nhận
được từ các lãnh đạo cao nhất của Đảng cho thấy Đảng đang lái chiếc xe kiến thức
Việt Nam vào đầm lầy ngu dốt. Những câu thơ trộm đạo, những hành vi nhố nhăng cộng
với thành tích bất hảo của ông ta được nhà nước sùng bái cho thấy trình độ của
hệ thống đã cán mức chịu đựng của người dân có học.
Văn hóa trộm đạo ấy khi được vinh danh cũng là lúc người
dân cùng nhau bịt mặt biến thành cướp biển trước mắt nước ngoài, đặc biệt là
phương Bắc nơi bị ông Khiêu thẳng tay ẳm trọn thơ phú quý giá của họ.
Một cá nhân thì gọi là trộm có văn hóa, còn một tập thể thì chế độ có từ riêng ấn tượng
hơn: cướp có văn hóa!
Người phát biểu
câu ấy là đại diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Phó trưởng ban Tuyên giáo Hà
Nội Phan Đăng Long.
Khi cho rằng hàng ngàn người chen lấn để cướp cho bằng được
lộc thánh là cướp có văn hóa, Đảng đã khuyến khích mọi thành phần xã hội hãy
tham gia cướp bóc trong tất cả các lễ hội (Dĩ nhiên không ngoài phạm vi lễ hội)
thì ngay bản chất cái lễ hội được khoác chiếc áo văn hóa ấy đã có thêm phạm trù
cướp bóc. Giống như ông Vũ Khiêu và ông Nông Đức Mạnh, có gì khác nhau?
Đảng không những làm ngơ, im lặng trước các câu hỏi có
liên quan đến việc trộm cắp hay ăn cướp văn hóa công khai, mà còn âm thầm khuyến
khích một cách rất tự giác, những văn hóa âm tính mang nặng hủ tục từ Tàu. Nhà
nước đã lập hẳn ra những cơ quan nghiên cứu về bói toán mang danh phong thủy và
đổ tiền vào đấy không thương tiếc để cơ quan này tuyên truyền cho những điều mà
người dân ngu đang cùng với quan chức mỗi năm chờ có dịp thi hành chuyện cướp
bóc.
Các cơ quan bói toán ấy hiên ngang tư vấn cho người dân
cách đúng nhất khi may mắn xin, hay giật được ấn về nhà. Ông Nguyễn Mạnh Linh,
Trưởng phòng Phong thủy Kiến trúc Viện quy Hoạch và Kiến trúc đô thị chỉ dẫn
người dân: “Nếu muốn sử dụng hiệu quả hơn theo phong thủy, tùy theo mục đích
sử dụng mà dán ở các vị trí khác nhau, như năm 2015 để tăng tài lộc thì dán ấn ở
chính Bắc”.
Hướng chính Bắc nếu tính từ Hà Nội sẽ đâm thẳng sang
Trung Quốc, nơi mà câu chuyện phong thủy được nâng lên hàng quốc sách.
Định hướng văn hóa không phải chỉ trong lễ hội mà ngay cả
những hoạt động văn hóa khác mang tính quốc tế Đảng cũng không hề quên.
Cách đây hai ngày báo Dân Trí chạy tít: “Trong phần
thi trang phục dân tộc tại cuộc thi Nam vương toàn cầu 2015, thí sinh của Việt
Nam đã gây ấn tượng với bạn bè quốc tế khi mang đến trang phục bộ đội.”
Ai là người định hướng cho thí sinh Nguyễn Văn Sơn mặc áo
quần bộ đội ngoài những người trong đảng? Cậu thanh niên ấy có muốn mặc bộ quân
phục nghèo nàn, không ít thì nhiều đã nhuộm máu ấy trình diện trước mặt báo chí
quốc tế hay không là câu hỏi không khó trả lời.
Câu hỏi đặt ra quần áo bộ đội có thể được xem là trang phục
dân tộc hay không?
Không khó để nói rằng trang phục dân tộc không dính gì tới
quần áo quân đội, vật cốt giúp người lính giấu mình trước kẻ thù, ngược lại
hoàn toàn với trang phục dân tộc, vốn tôn vinh tính thẩm mỹ, văn hóa ăn mặc và
nhất là lòng yêu chuộng hòa bình của bất cứ quốc gia nào.
Lấy chiến tranh đi thi biểu tượng hòa bình và hữu nghị chỉ
có Đảng mới dám làm, bất kể cái nhìn rẻ rúng của cộng đồng quốc tế.
Đúng như báo Dân Trí đã xỏ xiên, “đây là một hành động
gây ấn tượng với bạn bè thế giới”.
Cái văn hóa bị nhuộm đỏ ấy của Việt Nam làm sao họ không ấn
tượng cho được vì chính nó đã làm cho cuộc thi nhơ nhuốc?
-----------------------------
No comments:
Post a Comment