March 19, 2015
Khi Thủ tướng Úc Tony Abbott gặp gỡ người đồng nhiệm Nguyễn Tấn Dũng ở
Canberra vào tuần này, liệu ông ta sẽ chỉ khen ngợi các tiến bộ kinh tế của Việt
Nam mà lờ đi tình trạng nhân quyền tồi tệ của quốc gia này không? Điều này rất
có thể xảy ra. Rốt cuộc, chính quyền Úc đã có thói quen trọng thị các quốc gia
như Cambodia, Sri Lanka và Trung Quốc như những người “bạn tốt” của Úc mà lờ đi
thành tích nghèo nàn của những quốc gia này về nhân quyền.
Không nên để những “người bạn” của chúng ta qua mặt dễ
dàng như vậy. Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia cộng sản độc đảng trên
thế giới. Trong suốt chín năm qua, ông Dũng là người chỉ đạo đàn áp các quyền tự
do cơ bản, kiểm duyệt tràn lan và kiểm soát tôn giáo. Hơn 100 tù nhân chính trị
hiện còn đang bị giam giữ sau song sắt ở Việt Nam.
Trong số các tù nhân có những người phụ nữ như bà Hồ Thị Bích Khương, 48 tuổi, một blogger và nhà vận động
quyền lợi đất đai, từng tố cáo nỗi khổ cực của những người nông dân bị mất đất,
phơi bày cái giá rất lớn mà người dân phải trả, thường ít ai nhìn thấy, của mức
tăng trưởng kinh tế nhanh ở Việt Nam. Chính quyền Việt Nam đã đáp lại những nỗ
lực của bà Khương bằng những hành động đàn áp và truy tố: bà đã phải ra tù vào
tội, và hiện đang phải thụ án năm năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước Xã
hội Chủ nghĩa Việt Nam.”
Cũng trong số người đang phải ngồi tù còn có bà
Mai
Thị Dung, một nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo. Chính quyền Việt
Nam thường xuyên giám sát và sách nhiễu các nhóm tôn giáo hoạt động ngoài các
giáo hội được đăng ký với nhà nước. Nhóm Phật Giáo Hòa Hảo độc lập của bà bị
công an theo dõi gắt gao và đe dọa. Tòa án xử bà tổng cộng 11 năm tù về vai trò
của bà trong các cuộc biểu tình của nhóm.
Chính quyền Úc biết rõ các vấn đề những nhà hoạt động như
trên đang phải đối mặt. Úc có vẻ như đã nêu các vụ tù nhân chính trị tại các diễn
đàn, ví dụ như tại cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Việt – Úc. Nhưng
những cuộc đối thoại kín giữa các quan chức cấp trung của hai nước như thế thường
chỉ là những buổi diễn kịch mà thôi.
Thực chất, với một động thái coi thường và nhạo báng đối
với chính tinh thần đối thoại nhân quyền, năm ngoái chính quyền Việt Nam đã cản
trở một số nhà hoạt động tham dự một hội thảo về tự do truyền thông, mà chính
quyền Úc cũng tham gia tổ chức.
Cuộc đối thoại này, cũng như các cuộc đối thoại nhân quyền
khác của Úc với Trung Quốc và Lào, bị cho là chưa đủ mức độ đáng tin, vì thiếu
minh bạch về nội dung được thảo luận, và không đưa ra được những mốc công khai
rõ ràng để đo mức độ tiến bộ về nhân quyền.
Sự tồn tại của cơ chế đối thoại song phương không có
nghĩa là Abbott và Julie Bishop, bộ trưởng ngoại giao, có thể tránh đề cập đến
những trường hợp trên trong chuyến thăm của ông Dũng. Abbott đã nói nhiều về tầm
quan trọng của tự do ngôn luận và tự do chính kiến ở Úc. Những quyền tự
do đó, đang bị chính quyền chà đạp, là hết sức cấp thiết đối với người dân Việt
Nam.
Xét mọi phương diện, Việt Nam không hề đạt được, hay đạt
rất ít tiến bộ trong các vấn đề như tự do ngôn luận và tự do tôn giáo, khi những
người chỉ trích chính quyền không thể tránh khỏi kết cục vào tù vì chính kiến bất
đồng. Nếu ngoài việc thảo luận kín, các nhà lãnh đạo Úc không đưa ra được những
tuyên bố công khai bày tỏ quan ngại sâu sắc, thì không những họ đã lỡ mất một
cơ hội mà còn thất bại trong việc công khai đứng về phía những người dân Việt
Nam bị áp bức.
Đương nhiên, nước Úc nên tìm kiếm quan hệ tốt với các
láng giềng của mình. Điều đó cũng có nghĩa là cần bày tỏ mối quan tâm về nhân
quyền – tức là, kết bạn với toàn thể người dân Việt Nam, chứ không phải chỉ với
những nhà cầm quyền.
Những tuyên bố tốt đẹp về tình hữu nghị với các chính quyền
độc tài sẽ gây ra hậu quả đối với người dân sống dưới các chế độ đó. Khi chính
quyền Úc khen ngợi cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa của Sri Lanka mà xem nhẹ
các vụ thảm sát do chính quyền ông ta gây ra trong cuộc nội chiến ở nước này,
điều này đã tạo cho ông ta một hậu thuẫn chính trị bao che cho các hành vi đàn
áp những người lên tiếng phê phán chính phủ, và bất chấp sức ép quốc tế đòi hỏi
Liên hiệp quốc về điều tra tội ác chiến tranh ở Sri Lanka.
Sau khi Rajapaksa bị đánh bại trong cuộc bầu cử gần đây,
và một chính phủ Sri Lanka mới đã lên tiếng phản đối sự im lặng của Úc về các
vi phạm nhân quyền, Úc giờ đây bị coi là chọn nhầm phía của lịch sử. “Khi quyền con người bị chà đạp, và dân chủ
còn bị ức chế, thì các nước này đã im lặng. Đó là vấn đề đối với Sri Lanka,”
thủ tướng mới Ranil Wickremesinghe nói vào tháng Hai vừa qua.
Tất nhiên, bản thân Úc cũng mắc những lỗi nghiêm trọng về nhân quyền, trong đó có chính sách đối xử với người nhập
cư và thổ dân bản xứ. Nhưng những vấn đề về nhân quyền của một quốc gia này
không phải là cái cớ để lờ đi những vi phạm về nhân quyền ở các nơi khác.
Những thông điệp, cả kín lẫn công khai, chuyển tới ông
Dũng trong chuyến thăm này đều có ý nghĩa rất lớn – đối với cả người dân lẫn
chính quyền Việt Nam. Nêu quan ngại về nhân quyền không phải là “rao giảng,”
như ông Abbott hẳn sẽ nói. Đó là duy trì quan điểm nhất quán và phù hợp với
nguyên tắc về các quyền con người cơ bản mà tất cả các quốc gia, trong đó có Việt
Nam, đã đồng ý tôn trọng.
No comments:
Post a Comment