Saturday, 31 January 2015

Người Việt vs. Saigon Nhỏ: Lịch sử công ty Người Việt - Kỳ 9 (Hà Giang / Người Việt)





Hà Giang / Người Việt
Thursday, January 29, 2015 5:24:22 PM

LTS - Sự kiện công ty Người Việt được tòa xử thắng bà Hoàng Dược Thảo và hệ thống tuần báo Saigon Nhỏ trong vụ kiện phỉ báng là đề tài được dư luận đặc biệt chú ý trong những ngày qua. Ngay sau khi kết quả vụ kiện được công bố, hàng loạt ý kiến, bình phẩm, bình luận, ở nhiều hình thức khác nhau, được dư luận luân chuyển khắp nơi. Người Việt thực hiện loạt bài viết này nhằm trình bày các phương diện luật pháp đáng chú ý của hai vấn đề liên quan mật thiết với nhau: Quyền tự do ngôn luận và quyền được bảo vệ trước những lời vu khống làm tổn hại uy tín. Xin mời độc giả theo dõi.

***

WESTMINSTER (NV) - Trong phiên xử ngày 5 Tháng Mười Hai, 2014, qua lời khai của nhân chứng Hoàng Vĩnh, bồi thẩm đoàn được nghe kể, lần đầu tiên, về những lần vượt biên, không thành công, và phải vào tù của bà Hoàng Vĩnh và gia đình. Nhân chứng Ðinh Quang Anh Thái, tiếp theo, kể về thời gian ông bị biệt giam trong nhà tù Cộng Sản sau 1975. Tội của ông lúc đó: Những sinh hoạt đấu tranh cho một Việt Nam tự do, không Cộng Sản.

Tài liệu tòa lúc nhân chứng Phan Huy Ðạt kể về lịch sử công ty Người Việt. (Hình: Người Việt)

Trước đó, nhân chứng Ðinh Quang Anh Thái, phụ tá chủ nhiệm của nhật báo Người Việt cho biết, vào thập niên 1960s, ông sinh hoạt cùng ông Ðỗ Ngọc Yến trong phong trào sinh viên. Ông Ðỗ Ngọc Yến giữ vai trò chủ tịch, còn ông Ðinh Quang Anh Thái là tổng thư ký phong trào. Những sinh hoạt này, và hoạt động chống Cộng Sản sau 1975, khiến ông bị tù hơn 7 năm, trong đó có 23 tháng biệt giam.

Trong nguyên phiên xử buổi chiều ngày 12 Tháng Mười Hai, 2014, trong không khí có phần bớt căng thẳng hơn vài hôm trước, bồi thẩm đoàn chăm chú nghe nhân chứng Phan Huy Ðạt kể về lịch sử báo Người Việt.

Họ là những thanh thiếu niên sinh hoạt trong hướng đạo từ tuổi rất trẻ. Vào thập niên 60s, ở tuổi thanh niên, họ tìm đến nhau trong những tổ chức thanh niên, sinh viên của giới sinh viên miền Nam quan tâm đến đất nước. Họ cùng nhau về tận các làng mạc xa xôi để đào rãnh, vét mương, xây trường học, bệnh xá, sửa cầu, đường, khám bệnh, trong các công tác xã hội do sinh viên, thanh niên thực hiện năm 1965.

Như hàng triệu người Việt không chấp nhận chế độ Cộng Sản khác, sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, họ, người trước kẻ sau, rời bỏ tất cả, liều lĩnh đi tìm tự do. Như đa số người Việt tị nạn khác, họ là những người ra đi mang theo quê hương, nhưng may mắn hơn nhiều người khác, trên đường lưu lạc, họ tìm lại được nhau, mỗi người lúc ấy ai cũng phải cật lực với một đời sống mới khó khăn, nhưng lý tưởng phục vụ ngày xưa, trong họ vẫn còn đầy ắp.

Tan tác và gặp lại

Trong đoạn hỏi đáp dưới đây, nhân chứng Phan Huy Ðạt, chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị kiêm tổng giám đốc công ty Người Việt, kể lại sự đoàn tụ ở trại tị nạn Camp Pendleton, sau thời gian rời khỏi Việt Nam (tài liệu tòa: Nhân chứng PHD, December 12, 2014, trang 88, line 14).

- “Và vì một lý do nào đó, chúng tôi lại gặp nhau ở trại tị nạn Camp Pendleton, thế là chúng tôi có ngay chương trình làm việc trong trại. Chúng tôi sắp xếp để có một căn lều thông tin. Và chúng tôi tìm cách để có một thư viện cho người tị nạn. Chúng tôi xin các hội đoàn đến thăm trại ủng hộ việc quyên góp sách. Sách về nước Mỹ. Rồi chúng tôi tìm cách cho ấn loát một bản tin, để phục vụ người tị nạn trong trại. Sau đó mọi người được bảo trợ đi khắp nơi. Ông Ðỗ Ngọc Yến [người sáng lập báo Người Việt - NV] được bảo trợ đến Sacramento, rồi sau đó ông dọn qua Texas.”

- “Vào năm 1978, ngay sau khi tôi học xong đại học và bắt đầu công việc của một giáo sư trung học ở Quận Cam, ông Ðỗ Ngọc Yến rời Texas về Quận Cam để mở một tờ báo. Ông Yến thời còn ở Việt Nam đã là một nhà báo và một nhà đấu tranh trong giới sinh viên. Vì thế, ở thời điểm đó năm 1978, chúng tôi ngồi xuống với nhau, rồi ông Yến nói, cộng đồng đang thành hình của chúng ta rất cần có thông tin. Chúng tôi thảo luận về nhu cầu đó, và đi đến kết luận cần phải có một tờ báo.”

- “Lúc đó cộng đồng người Việt ở Quận Cam chỉ có khoảng 10,000 người, một dân số rất nhỏ bé, nhưng chúng tôi vẫn nghĩ là cần phải có một tờ báo, và thế là tờ Người Việt ra đời.”

- “Thật ra, lúc đầu báo Người Việt thành lập ở San Diego, vì chúng tôi cần sự giúp đỡ của một người thành lập một tạp chí ở đó. Chúng tôi cần hạ tầng cơ sở, cần máy đánh chữ, v.v...”

Ông Phan Huy Ðạt kể tiếp:

- “Báo Người Việt khởi đi từ nhà bếp của ông Ðỗ Ngọc Yến, lúc đó chỉ là một tờ tuần báo 4 tờ mỗi kỳ. Ông Yến làm hầu như tất cả mọi việc, nhưng ông cũng không thể làm việc một mình, nên thỉnh thoảng cũng cần bạn bè giúp đỡ. Vì thế chúng tôi, bản thân tôi và một số người khác, mỗi người phụ ông một tay, làm những gì cần phải làm. Thỉnh thoảng có đề tài cần viết, ông Yến nhờ tôi viết. Rồi chúng tôi cần gửi báo đi những địa chỉ mà mình có để giới thiệu tờ báo đến mọi người. Lúc đó tôi là người mang báo đến bưu điện để gửi, tôi nghiên cứu các quy luật của bưu điện để có thể gửi báo đi với giá rẻ nhất, những việc đại loại như vậy. Nói tóm lại chúng tôi xúm vào, mỗi người một tay, làm những gì cần phải làm.”

- “Ông Yến cứ cặm cụi cai quản tờ báo hầu như một mình như vậy từ năm 1978 đến 1981. Sau ba năm thì ông mệt quá, vì công việc quá khó nhọc, quá vất vả, không phút nào rảnh tay, không đi được đến đâu.”

- “Lúc đó, chúng tôi, những người bạn ngày xưa sinh hoạt chung, cùng góp sức cho tờ báo, quyết định là phải ngồi xuống suy nghĩ cho thấu đáo mọi việc. Chúng tôi tổ chức một buổi retreat (tịnh tâm) ở Costa Mesa, ở bên nhau trong suốt hai ngày để bàn luận xem phải phát triển tờ báo như thế nào. Chúng tôi kết luận rằng, với kinh nghiệm sinh hoạt phụng sự xã hội chung của mọi người, với lý tưởng phụng sự, chúng tôi cần quây quần lại để tiếp tục công việc của mình, và việc phụng sự này được cô đọng qua việc điều hành tờ báo.”

- “Ðến đây phải nói đến sự hào phóng của ông Ðỗ Ngọc Yến, khi ông nói, được rồi, hãy biến tờ báo thành một nỗ lực chung. Thế là chúng tôi quyết định biến báo Người Việt thành một công ty.”

- “Thoạt đầu chúng tôi định thiết lập một công ty vô vụ lợi, bởi vì bản chất của việc chúng tôi muốn làm không phải là vì lợi nhuận, mà tờ báo chỉ là một công cụ để phục vụ. Thảo luận mãi rồi quyết định thành lập công ty. Khi đã quyết định rồi, cũng phải một thời gian rất lâu sau mới thực hiện được, mãi mới tìm được một luật sư, chúng tôi làm xong thủ tục lập công ty vào năm 1983.”

Công ty Người Việt ra đời

“Thế là từ đó, tờ Người Việt vận hành như một công ty. Vào thời điểm thành lập công ty, chúng tôi làm bảng liệt kê tài sản, và giá trị lúc đó vào khoảng $8,000, trong đó tính cả cái ghế, cái bàn, vài cái máy đánh chữ, và khoảng vài trăm đồng trong nhà băng. Chúng tôi chia công ty thành tám cổ phần đồng đều cho tám người lúc đó, và tám người này là những cổ đông đầu tiên của công ty. Phần lớn trong số những người này là từ nhóm sinh viên sinh hoạt từ năm 1965.”

- “Trở lại với năm 1983, thành lập công ty rồi thì chúng tôi cứ đổ tiền vào đấy, bản thân tôi, và nhiều người trong nhóm làm việc ở bên ngoài, để nuôi hai, hay ba người, làm việc cho tờ báo, vì trong thời gian đó, tờ báo chưa có lời. Nhưng chúng tôi cố gắng để phát triển tờ báo, từ mỗi tuần một số, đến năm 1985, chúng tôi ra được mỗi tuần 5 số.”
......

- “Cũng trong thời gian đó, tám cổ đông đầu tiên đã biến thành 11 người. Vì lúc đó nhiều bạn bè trong nhóm chúng tôi ngày xưa đã trốn khỏi được Việt Nam và đến làm việc với chúng tôi sau khi ra khỏi trại tị nạn hay khỏi tù Cộng Sản. Nhóm 11 người này gồm ông Hoàng Ngọc Tuệ, ông Lê Ðình Ðiểu, người đã đoàn tụ với anh em sau những năm trong tù cải tạo, và ông Phạm Quốc Bảo, người đã được Cộng Sản thả ra khỏi tù, vì họ tin rằng ông sắp chết.”

- “Tuy đã có 11 cổ đông rồi, chúng tôi nghĩ vẫn còn rất nhiều anh em trong trại tù Cộng Sản, nên chúng tôi lại để ra 25% cổ phần của công ty, để dành cho những người bạn cũ. Thế là một thời gian sau, những anh em này rời nhà tù đến được Hoa Kỳ, và chúng tôi chia những cổ phần này cho họ, trong đó có ông Hà Tường Cát, mà mọi người đã thấy trong cuốn video [tại buổi tiệc kỷ niệm 10 năm thành lập Tập Thể Chiến Sĩ, mà nhân viên Người Việt bị đuổi - NV].

Ðến đây, Luật Sư Hoyt Hart, đại diện cho Người Việt, cắt dòng hồi tưởng của nhân chứng.

- “Vào thời điểm nào thì cơ sở của báo Người Việt dọn được ra khỏi nhà xe của ông Ðỗ Ngọc Yến?” Luật Sư Hoyt Hart hỏi.
- “Khoảng năm 1981.” Ông Phan Huy Ðạt trả lời.
- “Trước khi lập công ty?” Luật Sư Hoyt Hart hỏi.
- “Ðúng vậy, tại buổi họp mà chúng tôi quyết định cùng nhau làm việc, chúng tôi quyết định dọn ra.” Phan Huy Ðạt trả lời.
- “Tới năm 1989 thì tình hình của báo Người Việt ra sao?” Luật Sư Hoyt Hart hỏi.
- “Ðến năm 1989 thì chúng tôi mướn được một nhà kho lớn hơn ở đường Moran, cùng đường với trụ sở chúng tôi bây giờ, nhưng ở một tòa nhà khác.” Phan Huy Ðạt trả lời.
......

- “Ở thời điểm nào thì ông quyết định tham gia sinh hoạt với tờ báo nhiều hơn?” Luật Sư Hoyt Hart hỏi.
- “Như tôi đã trình bày, tôi tham gia với sinh hoạt của tờ báo từ những ngày đầu tiên, nhưng có khoảng thời gian vì bận rộn quá, tôi không tham gia trực tiếp. Vào năm 1984 tôi được bầu làm chủ tịch hội đồng quản trị, nhưng theo thời gian, chúng tôi thay phiên nhau giữ trách nhiệm này, ông Hoàng Ngọc Tuệ và một vài người khác có thời gian giữ trách vụ này. Nhưng trong thời gian gần đây, từ năm 2002 hay 2003, tôi liên tục giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị.” Phan Huy Ðạt trả lời.
......

- “Ông là tổng giám đốc của báo Người Việt từ năm 2008?” Luật Sư Hoyt Hart hỏi.
- “Vâng, từ năm 2008.” Phan Huy Ðạt trả lời.

Chuyển giao cho thế hệ mới

Sau khi tóm tắt những cuộc biểu tình vì những sơ sót của tờ báo như in tấm hình chậu rửa chân với cờ vàng ba sọc đỏ, trong số báo Xuân năm 2008, mà công ty Người Việt nhanh chóng nhận lỗi và xin lỗi, ông Phan Huy Ðạt kể tiếp về sinh hoạt của tờ báo.

- “Vào năm 2009, có một biến cố lịch sử cho tờ báo. Ðó là quỹ ESOP, phải không?” Luật Sư Hoyt Hart hỏi.
- “Vâng, đúng thế.” Phan Huy Ðạt trả lời.

- “Xin ông vui lòng giải thích về ESOP?”
- “Vâng, nhớ rằng nhóm chúng tôi thành lập năm 1978, lúc đó mọi người còn đang ở tuổi 30. Ðến lúc đó [2009 - NV] hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua, chúng tôi bấy giờ ở độ tuổi 60. Vì thế chúng tôi phải nghĩ đến một cách nào đó, để chuyển nhượng. Và sau khi nghiên cứu, chúng tôi nghĩ rằng nên thực hiện ý muốn đó qua quỹ Hưu Bổng Nhân Viên (Người Việt Employees Stocks Ownership Plan - NV ESOP).”

- “Ðó là một một dạng quỹ hưu bổng của nhân viên được làm thành lập do đạo luật liên bang Employee Retirement Income Security Act 1974 (ERISA) (Ðạo luật An Toàn Lợi Tức Hưu Bổng của Nhân Viên năm 1974) định chế hóa chặt chẽ dạng quỹ hưu bổng này.”

- “Quỹ ESOP đặc biệt ở chỗ, nó cho phép những cổ đông nguyên thủ của công ty chuyển nhượng cổ phần của họ cho một quỹ hưu bổng có lợi cho nhân viên, vì thế những nhân viên lâu đời của Người Việt, giờ muốn chuyển nhượng công ty này cho một thế hệ nhân viên mới, nhất là một công ty như công ty của chúng tôi, được thành lập bởi những người cùng bắt tay vào việc, và chính nhân viên làm chủ.”

- “Vì thế báo Người Việt là do các nhân viên của Người Việt làm chủ. Giờ đây chúng tôi đã sắp đến tuổi già, chuẩn bị về hưu, và chúng tôi muốn chuyển nhượng cổ phần của mình cho nhân viên, qua quỹ ESOP.”

- “Vào đầu năm 2009, chúng tôi thành lập quỹ ESOP và thuyết phục các cổ đông chuyển nhượng cổ phần của họ cho quỹ này. Và vì ban đầu quỹ chưa có tiền, các cổ đông bán cổ phần của họ cho ESOP trong một chương trình trả góp kéo dài 15 năm.”

- “Từ 2009 đến nay đã được gần năm năm, chúng tôi đã chuyển nhượng được hơn 20% cổ phần của công ty vào quỹ này. Tiền trong quỹ này sẽ là tiền hưu bổng của nhân viên Người Việt. Vì thế nhân viên Người Việt làm chủ tờ báo qua quỹ này. Trong trường hợp một nhân viên về hưu hay nghỉ việc, sau một vài năm lo thủ tục giấy tờ, họ có thể bán cổ phần của họ lại cho công ty, và rút tiền ra để về hưu. Ðó là cách vận hành của ESOP.” Phan Huy Ðạt trả lời.

- “Có thành viên nào của quỹ ESOP mà không phải nhân viên Người Việt không?”

- “Không. Theo luật định, tất cả thành viên của ESOP phải là nhân viên của công ty. Và khi thôi việc, họ phải bán lại cổ phần của mình cho công ty, và rút tiền ra để về hưu.” Phan Huy Ðạt trả lời.

- “Có thành viên nào của quỹ này là Cộng Sản không?” Luật Sư Hart hỏi.

- “Không thể nào!” Phan Huy Ðạt trả lời.

Kỳ cuối: Nhân chứng của Saigon Nhỏ là ai? Nói gì?

––
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com

---------------------------------

Người Việt vs. Saigon Nhỏ
.
.
.
.
.
.
.
.
.
----------------------
.
TIN LIÊN QUAN :
Bà Hoàng Thụy Châu, bút danh Đào nương Hoàng Dược Thảo
.
Bia Miệng      January 22, 2015 
.
Vụ báo Người Việt ở California thắng kiện được đưa lên báo Mỹ:
.
.
Lữ Giang      15.1.2015
.
Người Việt  -  January 14, 2015
.
Bà Hoàng Dược Thảo vu khống báo Người Việt là 'cộng sản' 
NGƯỜI VIỆT ONLINE    Published on Sep 30, 2013
.
Họp Báo Vụ Mã Thị Chu: Hoàng Dược Thảo Lên Án Báo Người Việt (Phần 3)
TDBroadcasting   -   Published on Feb 10, 2014
.
Hỏi về chuyện bà Hoàng Dược Thảo kháng cáo.
Lữ Giang - Việt Vùng Vịnh   13 Jan 2015
.
Viet Vung Vinh    11-1-2015
.
.
TẠP CHÍ THẾ GIỚI NGÀY NAY  Thứ Bẩy 10 tháng 01, 2015
.
Hoàng Lan Chi phỏng vấn Cô Lữ Anh Thư về vụ kiện của báo Người Việt
Monday, 12 January 2015
.
.
nguoivietboston   -   January 7, 2015 4:36 PM
.
Michael Do (Đỗ Văn Phúc)     1/06/2015
.
Posted by: Viet VungVinh Posted date: 9:13 PM
.





1 comment:

View My Stats