Saturday, 31 January 2015

Barbie và McDo : giấc mơ Hoa Kỳ tan vỡ (Lê Vy - RFI)





Lê Vy  -  RFI
Đăng ngày 30-01-2015 Sửa đổi ngày 30-01-2015 15:30

Báo Libération số ra hôm nay 30/01/2015, bình luận trong một hồ sơ dài qua hàng tựa trên trang nhất : « Búp bê Barbie và McDo : giấc mơ Hoa Kỳ tan vỡ », kèm với ảnh búp bê Barbie bị kẹp giữa chiếc bánh hamburger, hai biểu tượng của Hoa Kỳ trong những thập niên 80. Hai ông chủ của Mattel và McDonald’s bị gạt khỏi ban điều hành vì những kết quả kinh doanh quá tệ gần đây. Những khó khăn mà hai hãng trên vừa gặp phải minh chứng cho việc khủng hoảng đã chạm đến các tập đoàn đa quốc gia đang dần bị lỗi thời.

Xã luận Libération nhận định, việc sa thải chủ hai tập đoàn trên cho thấy tập thể nhân viên hai hãng này muốn thực sự thay đổi để chống chọi trước khủng hoảng. Tuy nhiên, hành động trên vẫn chưa đủ, vì khó khăn của hai tập đoàn biểu tượng của thế kỷ XX có nguồn gốc sâu xa hơn. Đó là những chuyển biến sâu sắc về phương thức ăn uống, sử dụng và nguyện vọng của con người…

Mattel và McDo đã phải trả giá vì đã không bắt kịp thời đại mạng, kỹ thuật số, trong một thế giới mà các bé gái ngày càng ít chơi búp bê Barbie hơn. Từ 8-10 tuổi trở đi, các bé chuyển sang chơi máy tính bảng và điện tử. Bản quyền các trò chơi như Angry Birds hay Candy Crush được cha mẹ các em tải về lại vô cùng gần gũi với trẻ. Giá thành của búp bê Barbie vẫn còn khá cao nên phải chống chọi với sự cạnh tranh của các nhà sản xuất rẻ tiền khác vốn năng động hơn trước các trào lưu của xã hội. Kết quả là, tuy tăng trưởng của ngành sản xuất đồ chơi là 4% vào năm ngoái, nhưng tập đoàn Mattel chẳng thu lợi được gì vì sản phẩm Barbie được bán ra giảm, lợi nhuận cũng mất đi phân nửa trong vòng một năm.
Về phía McDo, nhãn hiệu thức ăn nhanh này trở thành biểu tượng toàn cầu của thức ăn dỏm. Bánh Big Mac và khoai tây chiên ngày càng ít được ưa chuộng. Trong khi lượng bán ra của MacDo giảm trên toàn thế giới thì tại Mỹ, đất nước sản sinh ra món ăn này lại chịu thiệt hại nặng hơn cả do chiến dịch chống béo phì và việc buộc hãng McDo phải ghi trên giá trị dinh dưỡng lên các món ăn.

Một số cửa hàng như Chipotle bán món tacos do các nhà nông sinh thái cung cấp. Với những chiếc hamburger được người tiêu dùng tự chọn và mua trên mạng, McDo đang cố đổi mới chính mình, nhưng, như chuyên gia Jean-Noel Kapferer trả lời với Libération như sau : « Một thương hiệu cũng giống như một tấm ván trượt trên biển, phải trượt trên đúng làn sóng. Nó còn thể hiện một lý tưởng và dường như Mattel và McDo ngày càng trở nên lỗi thời. Do đó, rất khó để họ vực dậy hình ảnh ».

Thủ tướng Valls đến Trung Quốc với tư cách « đại diện thương nhân » của Pháp
Liên quan đến Châu Á, nhật báo Le Monde và Les Echos phân tích chuyến công du của Thủ tướng Pháp Manuel Valls đến Trung Quốc qua hai bài viết : "Thủ tướng Valls đến Trung Quốc với tư cách 'đại diện thương mại' của Pháp" và : « Không có những hợp đồng khổng lồ cho Thủ tướng Valls tại Trung Quốc ».
Theo tờ Le Monde phát hành vào chiều hôm trước, trọng tâm của chuyến công du của Thủ tướng Manuel Valls là kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc đến Pháp nhằm tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng, trong một buổi hội thảo về kinh tế xanh. Đồng thời, ông cũng cho biết là nước Pháp mở rộng vòng tay đón sinh viên và du khách Trung Quốc. Trước các con số u ám về thất nghiệp, tăng trưởng, Thủ tướng Valls muốn giải thích về những cải cách đầy cao vọng của chính phủ Pháp nhằm củng cố tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Pháp và sự hấp dẫn của nước Pháp.
Tuy nỗ lực khá nhiều nhưng chuyến công du không mang lại nhiều hợp đồng lớn như phía Pháp mong đợi, theo nhận định sáng nay trên báo Les Echos. Tờ báo kinh tế cho biết, tình hữu nghị thấy rõ trong mối quan hệ Pháp-Trung. Thủ tướng Lý Khắc Cường khá cởi mở trước đồng nhiệm Pháp, trước các phóng viên và ca ngợi ẩm thực Pháp. Có một điều hiếm thấy là những từ ngữ được Thủ tướng Trung Quốc dùng để tóm tắt buổi nói chuyện với Thủ tướng Valls liên quan đến « nhân quyền, nhà nước Pháp quyền và internet ».
Le Monde cho biết, theo lời giải thích của một chủ nhà hàng Pháp tại Bắc Kinh, tên tuổi của Thủ tướng Valls vẫn còn khá mờ nhạt và những nhân vật như François Hollande hay Nicolas Sarkozy không hề được dân chúng Trung Quốc biết đến. Tổng thống Jacques Chirac là nhân vật được yêu mến nhất tại đây vì ông am hiểu về nghệ thuật Châu Á. Ngoài ra còn có danh thủ Zidane.

Ukraina : Nga lấn lướt, Châu Âu bối rối
Hồ sơ Ukraina vài ngày gần đây lại khá nóng trên các trang báo Pháp. La Croix đăng bài : « Nga và phương Tây cứng giọng về hồ sơ Ukraina ». Châu Âu và Hoa Kỳ « chuẩn bị » đưa ra những biện pháp trừng phạt mới dành cho Mátxcơva. Nga bị cáo buộc là tác nhân gây bất ổn Ukraina.
Về chủ đề này, nhật báo Le Figaro nhấn mạnh, phải nói rằng, giao tranh đang diễn ra tại Ukraina ngày càng « khốc liệt » hơn, kể từ khi Ukraina và phe ky khai ký kết hiệp định đình chiến vào tháng Chín vừa rồi. Tờ báo nhận xét, đây là lần thứ ba phương Tây dự định các trừng phạt nhằm vào phe ly khai tại miền đông Ukraina và chắc chắn là Nga, người đỡ đầu cho quân ly khai. Đó là lý do vì sao, Châu Âu đã triệu tập một cuộc họp bất thường tại Bruxelles để nghiên cứu tình hình tại miền đông Ukraina. Như một nhà thơ đã viết, « đến một giờ chỉ để công kích là không đủ : sau khi đưa ra triết lý cần phải hành động ». Cả Libération cũng thừa nhận là hành động vào lúc này rất khó vì người Châu Âu « ngày càng chia rẽ » trên hồ sơ này.
Hơn nữa, trong những người « chống đối » tập hợp tại Bruxelles, có nhân vật mới nổi là Alexis Tsipras của Hy Lạp. Vừa đắc cử vào chủ Nhật 25/01 vừa rồi, tân chính phủ cực tả mà người Hy Lạp bầu ra không hề che dấu « sự đối lập » với việc siết chặt trừng phạt, theo lời của Libération, Athènes muốn báo trước « một rạn nứt » giữa Châu Âu và Nga.
Tờ Le Figaro tự hỏi, liệu Hy Lạp có trở thành « con ngựa thành Troie mới »  của Nga tại Châu Âu. Vì sao lại sử dụng hình ảnh con ngựa thành Troie ? Có lẽ hình ảnh trong thần thoại Hy Lạp trên sẽ có sức thuyết phục hơn nếu như chỉ có mình Hy Lạp không tán thành với những trừng phạt mới dành cho Nga, trong khi một số nước Châu Âu khác như Áo, Cộng hòa Séc, Slovaquia cũng tỏ ra ngờ vực, theo Libération. Do đó, tờ báo tiên đoán các cuộc tranh luận tại Bruxelles về chủ đề này khá là « gay go ».

Hy Lạp muốn xích lại gần với Nga
Trong các quốc gia thành viên Châu Âu, Nga lại tìm thêm được một đồng minh. Nhật báo Le Figaro có bài viết : « Hy Lạp muốn xích lại gần với Nga để gây ảnh hưởng lên Châu Âu ». Tờ báo nhận định, giữa Athènes và Mátxcơva, hai thủ đô lớn của thế giới về Cơ đốc giáo, mối quan hệ đã có từ rất xưa và vững chắc, không chỉ là mối quan hệ về văn hóa mà còn về tài chính.
Nhật báo Le Monde cũng chia sẻ ý kiến trên qua hàng tựa trên mục kinh tế : « Nợ, Nga, Đức : Tsispras trên mọi chiến trường ». Le Monde cho biết, Berlin đang lo ngại về những « khiêu khích » gần đây của Athènes. Theo đó, Hy Lạp đòi Đức phải đền bù thiệt hại về những chính sách hà khắc của nước này và muốn thương lượng về khoản nợ. Tờ báo còn cho biết, cả chính phủ lẫn công luận Hy Lạp đều thân Nga nên đây sẽ là một cản trở lớn trong việc trừng phạt sự lấn lướt của Nga tại miền đông Ukraina.

Pháp : cổ xúy khủng bố, lời nói trẻ con nhưng dùng biện pháp người lớn
Đề tài « hậu Charlie » vẫn còn khiến nhiều báo băn khoăn. Libération hôm nay điều tra về vụ một đứa trẻ 8 tuổi tại Nice đã có những lời lẽ được cho là « cổ xúy khủng bố ». Vụ việc trên gây nhiều phản ứng trái chiều.
Libération tường thuật những câu nói của cậu học sinh tiểu học như sau : « Tôi không là Charlie, tôi đứng về phía những kẻ khủng bố ». Vài phút trước đó, cậu bé đã từ chối mặc niệm những nạn nhân của vụ khủng bố. Hai tuần sau, cha của cậu bé cho rằng cậu con trai bị trẻ em và giáo viên của trường bắt nạt và đến trình bày với hiệu trưởng. Hai bên lớn tiếng trước cổng trường. Hiệu trưởng quyết định kiện cha cậu bé vì xâm phạm đến học đường và có hành vi đe dọa cán bộ nhân viên nhà trường. Hồ sơ của cậu bé 8 tuổi trên có những biểu hiện cổ xúy khủng bố sẽ được chuyển lên viện công tố để xét xử sắp tới.
Một phụ huynh là Nadia cho rằng vô cùng sốc trước quyết định trên vì đó chỉ là một đứa trẻ. Nó chỉ nói những gì nó nghe được. Do đó, việc can thiệp của cảnh sát gây sốc. Về phía Bộ trưởng Giáo dục Najat Vallaud-Belkacem, bà hoan nghênh quyết định nhà trường, về thái độ cũng như về việc giám sát hành vi của các em học sinh. 

Trang nhất báo Pháp và một số tin khác
Thời sự trên các trang báo Pháp hôm nay (30/01/2015) khá phong phú. Trang nhất nhật báo Le Monde quan tâm đến cuộc điều tra về nhân vật có ảnh hưởng đến những tay súng trong vụ khủng bố tại tòa soạn Charlie Hebdo và siêu thị của người Do Thái. Tờ báo cũng đưa tít nhận định khá nóng về chính phủ mới của Hy Lạp  : « Syriza, những bước đầu, những xung đột đầu tiên ».
Nhật báo La Croix cũng chia sẻ cùng mối quan tâm : « Châu Âu, Hy Lạp : bức tường của món nợ » và đặt câu hỏi : « Liệu có thể xóa nợ cho Hy Lạp ? ». Le Figaro tập trung khá nhiều về thời sự trong nước. Theo đó, Tổng thống Pháp khơi lên tranh luận về nghĩa vụ công dân kèm tựa : « Tội phạm : con số kỷ lục về các vụ tấn công vào năm 2014 ». Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa : « Nhà ở : một kế hoạch sốc được trình lên chính phủ ». Về thời sự Châu Á, chủ đề thu hút bình luận của các tờ báo là chuyến công du của Thủ tướng Pháp Manuel Valls đang diễn ra tại Trung Quốc.
Về các chủ đề khác, trong chuyên mục hành tinh, một tin vui được báo Le Monde đưa hôm nay là sức khỏe của trẻ sinh thiếu tháng được cải thiện thông qua một cuộc nghiên cứu của Pháp trên 7000 trẻ em. Tại Ấn Độ, hổ không bị đe dọa tiệt chủng nữa là đề tài được nhật báo Le Figaro quan tâm trong chuyên mục khoa học.





1 comment:

View My Stats