Trần Tiến Dũng/Người Việt
Friday,
January 30, 2015 4:05:21 PM
BÌNH
DƯƠNG (NV) - Người miền Nam, vào mỗi Tháng Chạp hàng năm đều nghĩ đến các bậc
anh linh, các danh nhân dân tộc và người thân đã khuất.
Ngôi mộ đơn sơ của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm ở lô
Mạc Đĩnh Chi, nghĩa trang Lái Thiêu B, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. (Hình: Trần
Tiến Dũng/Người Việt)
Bất kể
những biến động lịch sử, hiện nay, tục tảo mộ của người miền Nam vẫn là lễ hội
văn hóa dân gian nhân bản nhất dành cho người khuất bóng và cả cho người còn tại
thế.
Bà T.,
một người thân của chúng tôi, Việt kiều về từ Mỹ. Người phụ nữ Việt này đã
ngoài tuổi năm mươi, đến định cư ở Mỹ hơn mười năm, công việc ở quê hương mới
chỉ là thợ làm nail, nhưng bà nói, “Đây là lần thứ hai tôi về Việt Nam, ngày
tôi tuyên thệ vào quốc tịch Mỹ, trong cảm xúc biết ơn của tôi đối với nước Mỹ,
không hiểu sao lại có hình ảnh ông Ngô Tổng Thống, tôi có hứa với lòng mình là
tôi phải tìm thăm mộ ông Ngô Tổng thống. Tôi không quên hồi học tiểu học, ngày
nào thầy trò cũng hát bài vinh danh Ngô Tổng Thống. Cảm xúc đầu đời về tình yêu
nước, yêu tự do không bao giờ phai mờ.”
Nhận lời
hướng dẫn bà T., nhưng thật lòng chúng tôi cũng chưa lần nào đến nghĩa trang
Lái Thiêu, dù từ lâu đã có nghe qua chuyện hai ngôi mộ Huynh và Đệ. Chúng tôi
đi bằng xe gắn máy, với nhiều người đứng tuổi ít đi đây đi đó thì quốc lộ 13
ngày nay với các khu công nghiệp, siêu thị,... đúng là hoàn toàn xa lạ với ký ức
của họ.
Ngày
nay, Sài Gòn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, quần thể đô thị khó nhận biết ranh giới,
việc một người Sài Gòn không biết sử dụng “Goole Map” đành liên tục mở miệng hỏi
thăm đường thì có thể kết luận người đó thuộc típ cố cựu, lạc hậu không có đủ
phương tiện di động cá nhân để sống thích nghi với sự rối loạn giao thông và xã
hội.
Sau ba
lượt hỏi thăm các bác tài xe ôm, chúng tôi đến cái quán nước xập xệ trước cổng
nghĩa trang Lái Thiêu B.
Bà chủ
quán muốn chúng tôi xác định là tìm mộ ai, ở nghĩa trang Lái Thiêu của người Việt
hay của người Hoa. Như không thể dằn được cảm xúc, bất ngờ người đàn bà Việt kiều
nói, “Thưa chị, tôi không có người thân nào nằm ở nghĩa trang này, tôi đến đây
chỉ để thăm mộ ông Tổng Thống Ngô Đình Diệm thôi chị à.”
Sau một
thoáng im lặng, người chủ quán, một người đàn bà miền Nam dáng dấp gầy ốm, nói.
“Nhiều người đến thăm mộ ông không dám hỏi thẳng như bà. Thôi, bà chờ tôi lấy
xe đưa đi chớ nghĩa trang rộng lắm, mắc công kiếm.”
Ngôi
mộ của ông cố vấn Ngô Đinh Nhu. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Gần như
các nghĩa trang ven đô thị đều trở nên quang đãng vào tiết Tháng Chạp. Một phần
do ánh sáng và khí trời nhưng phần chính là nhờ dịch vụ làm cỏ, rửa mộ,
quét vôi các phần mộ. Thường thì các kiểu làm dịch vụ này do các người già, người
nghèo sống quanh nghĩa trang làm, nhưng cũng có khi do các tay đầu gấu thân cận
với các ban quản lý nghĩa trang “đấu thầu” chia chác.
Dù nhiều
lần chúng tôi được nhìn hình ảnh mộ phần cố tổng thống của nền Đệ Nhất Cộng Hòa
qua các thông tin từ Internet, nhưng chúng tôi không kiềm được xúc động khi đứng
đối diện với ngôi một tô bằng đá mài xưa và tấm mộ bia đơn sơ với dòng chữ nhỏ
đề tên thánh và một chữ Việt là: Huynh. Kề bên mộ Tổng Thống Ngô Đình Diệm là mộ
phần của thân mẫu ông. Ngay bên cạnh, mộ của ông cố vấn Ngô Đình Nhu trên bia
cũng chỉ có một chữ: Đệ, đơn sơ.
Bằng ý
thức, chúng tôi hiểu: Cái chết là sự bình đẳng tuyệt đối. Phần mộ hôm nay của
ông Ngô Đình Diệm, vị cố tổng thống của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, một chính thể được
Liên Hiệp Quốc công nhận, không phải là đơn sơ bình dị theo ý nghĩa tôn giáo
hay văn hóa mà chính là sự bỏ phế đáng xấu hổ, bạc bẽo đáng sợ của những người
cùng thời, cùng ý thức với ông và của cả thể chế đang cầm quyền hiện nay.
Lịch sử
dân tộc và thế giới đã có những chuyện quật mộ kẻ thù của các vương quyền trong
thời phong kiến để làm bài học về sự nhỏ nhen hèn hạ đến cùng cực, nhưng lịch sử
cũng nêu nhiều tấm gương từ nhân vật quyền lực và thể chế cầm quyền quang minh
đã đối xử cao thượng, hỉ xả với những người lúc sống từng là kẻ thù chính trị.
Ông D.,
người bạn đi cùng chúng tôi, đi từ hướng mộ ông Ngô Đình Cẩn, ông đến gần chúng
tôi nói giọng nghẹn ngào. “Sao mà mấy bậc vị này lại chịu nghiệt ngã quá. Tôi
thấy trước sau gì nghĩa trang này cũng giải tỏa, không biết lần này các ông đi
đâu!”
Ông D.,
trên đường đến đây kể cho chúng tôi nghe chuyện hồi ông còn bé, có lần ba ông,
một quân nhân VNCH dẫn ông đi vô nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, trong ký ức ông,
nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi giống như một công viên lớn. Sau khi ba ông dẫn ông
chiêm ngưỡng các công trình mộ phần to và đẹp của các ông tướng tá, chính khách
rồi đưa ông đến bên hai ngôi một thấp lè tè không có mộ bia chỉ thấy có bốn cột
trụ thấp nối nhau bởi cọng dây thừng.
Ba ông
không nói gì, chỉ kính cẩn thắp hương, ông lấy làm lạ vì ông biết hai ngôi mộ
này đâu phải của thân tộc. Thắc mắc, ông hỏi ba, nhưng trước sau ba ông không
nói gì, trước khi bước đi, ba ông nắm tay ông biểu lạy đi con, rồi chỉ vào miếng
giấy trắng trên có dằn một cục đá. Ông tò mò cầm cục đá lên và thấy trên miếng
giấy trắng người ta có ghi dòng chữ: Nơi yên nghỉ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Hôm
nay, chúng tôi, những người đến viếng mộ cụ Ngô Đình Diệm, không ai dưới 55 tuổi.
Ở cái tuổi đó ít nhiều cũng còn nhớ về các sự kiện dưới thời VNCH. Nhưng nếu có
ai đó cố hết sức để quên thì cũng không thể xóa trong trí nhớ được tên và sự
nghiệp vinh quang cùng bi kịch gắn liền với cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và gia
đình ông.
Tuy rằng
chúng tôi đến viếng mộ ông lần này không dẫn theo con, cháu hay người bạn trẻ
tuổi nào, nhất là những người sinh sau 1975; nhưng chúng tôi biết chắc chắn lịch
sử không bao giờ già và chết.
Lịch sử
về sự nghiệp, với công và tội, của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm chính là phần mộ
uy nghiêm, minh bạch nhất sẽ trường tồn cùng dân tộc Việt Nam.
thermage
ReplyDeletenew thermage
thermage 2020
new thermage 2020
thermage nâng cơ mặt
thermage nang co mat
thermage nâng cơ
thermage nang co
thermage xoa nhan
thermage xóa nhăn nọng cằm