Thursday 29 January 2015

Human Rights Watch : Nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2014 vẫn tồi tệ (RFI / VOA)





Thanh Phương  -  RFI
Đăng ngày 29-01-2015 Sửa đổi ngày 29-01-2015 14:38

Trong báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới 2015, được công bố hôm nay, 29/01/2015, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch cho rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2014 « vẫn ở mức báo động ». Dù con số các nhà hoạt động và các blogger bị bắt có ít hơn so với năm 2013, nhưng lực lượng an ninh gia tăng sách nhiễu và đe dọa những người chỉ trích chính phủ dưới nhiều hình thức.

Cảnh sát và dân phòng bao vây những người biểu tình chống Trung Quốc tại Sài Gòn, ngày 18/05/2014.  Reuters

Trong báo cáo năm nay, HRW nhắc lại rằng Việt Nam đã chấp thuận 182 trong số 227 khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong kiểm điểm đánh giá định kỳ về tình hình nhân quyền của Việt Nam vào tháng 06/2014, nhưng lại từ chối thi hành các khuyến nghị thiết yếu, như phóng thích tù chính trị và những người bị bắt mà không có cáo buộc hay phiên tòa xét xử, cải tổ pháp luật để chấm dứt các án tù có động cơ chính trị nhắm vào những người chỉ thực thi các quyền con người cơ bản một cách ôn hòa, thành lập một cơ quan nhân quyền độc lập cấp quốc gia, và các bước đi khác để thúc đẩy người dân tham gia vào chính trị.

Báo cáo của HRW cũng nhấn mạnh là chính quyền Việt Nam vẫn thường sử dụng các điều luật về “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” để đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Các cây bút độc lập, blogger độc lập và các nhà hoạt động nhân quyền thường xuyên bị công an dọa nạt và sách nhiễu, bị bắt giữ tùy tiện, giam giữ nhiều ngày mà không được trợ giúp pháp lý hay được gia đình vào thăm.

HRW nhắc lại một số vụ điển hình như vào tháng 02/2014, nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh bị bắt trên đường tới nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển, với tội danh ngụy tạo là gây cản trở giao thông. Ba người bị kết án vào tháng 08/2014 về tội « gây rối trật tự công cộng », với các mức án từ hai đến ba năm tù.

Theo HRW, xu hướng đàn áp các blogger vẫn tiếp diễn, nổi bật là các phiên tòa trong tháng 03/ 2014 xử Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, chiếu theo điều 258 bộ Luật Hình sự. Trương Duy Nhất bị kết án tới hai năm tù và Phạm Viết Đào tới 15 tháng. Đến tháng 05/2014, chính quyền bắt giữ blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh (thường được biết với bút danh Anh Ba Sàm) và cộng sự viên Nguyễn Thị Minh Thúy, cũng với cáo buộc là vi phạm điều 258. Tổng cộng có tới ít nhất là 10 người đã bị kết án theo điều 258 trong năm 2014.

HWR cũng lưu ý là tình trạng những nhà hoạt động nhân quyền bị hành hung rất phổ biến. Chẳng hạn như vụ xảy ra vào tháng 02/2014, một nhóm côn đồ tấn công và đánh đập blogger Huỳnh Ngọc Tuấn và con trai ông, Huỳnh Trọng Hiếu, ở tỉnh Quảng Nam. Hai tháng trước đó, ông Huỳnh Ngọc Tuấn đã bị đánh gẫy xương trong một vụ tấn công khác, khi ông đang đi vận động cho các cựu tù nhân chính trị. Một vụ đáng chú ý khác là vụ côn đồ tấn công và đánh trọng thương cựu tù nhân chính trị và blogger Trương Minh Đức vào tháng 11/2014.

Báo cáo của HRW cũng đặc biệt nêu lên nạn bạo hành, thậm chí gây chết người trong khi bị công an giam giữ. Trong năm 2014, ngay cả báo chí do chính phủ kiểm soát gắt gao cũng thường đưa tin về các vụ bạo hành này.

---------------------

VOA
29.01.2015

Thành tích nhân quyền của Việt Nam trong các lĩnh vực chủ yếu vẫn rất yếu kém, theo phúc trình về Tình hình Nhân quyền Toàn cầu năm 2014, do Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch công bố hôm nay.
Human Rights Watch nói Việt Nam vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ những người ủng hộ dân chủ, hay chỉ trích chính quyền trong năm 2014.
Tổ chức bênh vực nhân quyền quốc tế này nói Hà Nội trấn áp hầu hết mọi hình thức bất đồng chính kiến. Quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tụ họp ở nơi công cộng bị theo dõi chặt chẽ.
Giới hoạt động tôn giáo, các blogger, những người bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động bênh vực quyền người lao động và đất đai, cũng như các nhà vận động cho dân chủ bị sách nhiễu, đe dọa, hành hung và bắt bớ.
Vẫn theo Human Rights Watch, các trại viên trong các trung tâm cai nghiện của nhà nước bị bóc lột sức lao động thông qua các chương trình cưỡng ép lao động để làm sản phẩm bán ra thị trường nội địa và để xuất khẩu.
Hệ thống tư pháp của Việt Nam bị HRW đánh giá là thiếu tính độc lập và hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nhà nước và đảng CSVN.

Trong năm qua, Việt Nam đã phóng thích một số tù nhân chính trị nhưng lại bắt giam nhiều người hơn nữa, mà phần lớn là những nhà hoạt động ôn hòa.
Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của HRW nói những vụ thả tù là có mục đích. Ông nói:
“Nhiều vụ phóng thích được thực hiện vì những lợi ích ngoại giao, nhưng thực tế là số người bị kết án còn cao hơn gấp đôi số người được phóng thích, khiến cho nỗ lực của Việt Nam trình làng một bộ mặt cải cách bị tác động nghiêm trọng.”  

Bản phúc trình toàn cầu dài 65 trang là phúc trình thứ 25 của HRW, tổng kết tình hình nhân quyền tại hơn 90 quốc gia. Phúc trình này nói trong năm 2014, chính quyền Việt Nam đã đưa ít nhất 29 nhà hoạt động và bất đồng chính kiến ra xét xử, kết án họ tổng cộng 129 năm tù giam.
Phúc trình nêu trường hợp các blogger được nhiều người biết tiếng như Trương Duy Nhất và Bùi Thị Minh Hằng. Ít nhất 13 nhà hoạt động nhân quyền khác đang chờ điều tra hoặc xét xử, trong đó có các ông Nguyễn Hữu Vinh (tức blogger Anh Ba Sàm), Hồng Lê Thọ (tức blogger Người Lót Gạch) và Nguyễn Quang Lập (tức blogger Bọ Lập).

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng liệt kê các hình thức sách nhiễu đối với một số nhà hoạt động khác, kể cả các cựu tù nhân chính trị như: Huỳnh Ngọc Tuấn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Đài và Nguyễn Hoàng Vi, mà HRW nói thường xuyên là mục tiêu bị côn đồ tấn công và hành hung. Những vụ hành hung đã trở nên trầm trọng hơn trong năm 2014, theo HRW, trong khi không có bất cứ ai bị truy tố về những hành động này.

Phúc trình của HRW còn nêu các trường hợp công an cản trở sự đi lại để ngăn không cho người dân tham gia các sự kiện liên quan đến nhân quyền và tiếp tục theo dõi các nhóm tôn giáo không được công nhận, như đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, các nhà thờ Tin lành và các nhóm Mennonite thờ phượng tại gia, cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN).  

Ông Adams nói “Tự do tôn giáo không có nghĩa là tự do thờ cúng theo cách được chính quyền phê chuẩn, mà Việt Nam phải chấm dứt việc theo dõi và can thiệp vào cách người dân thực hành tín ngưỡng theo sự chọn lựa của họ.”

Tình trạng công an bạo hành, kể cả gây chết người trong khi bị giam giữ, đã đến mức gần như tràn lan, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.  
Trong bức tranh u ám đó, Human Rights Watch nêu ra môt điểm sáng duy nhất, là việc thông qua Công ước Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc (CUCTT) hồi tháng 11.




No comments:

Post a Comment

View My Stats