Thứ
năm 04 Tháng Chín 2014
Tổng
thống Nga Putin đã công khai đòi thành lập “nhà nước" ở Đông Ukraina. Trên
chiến trường, hơn 2.000 quân Nga trực tiếp tham chiến. Liệu Nato và Liên Hiệp
Châu Âu sẽ bỏ rơi Kiev đổi lấy một giải pháp hòa bình tạm thời với Nga ở châu
Âu mặc cho lãnh thổ Ukraina bị xâu xé ? Hay là chính Putin vì tính lầm đang đi theo
vết xe đổ của Hitler ? Nhà báo NQS phân tích từ Matxcơva.
RFI
: Lợi dụng thời cơ nội bộ Kiev rối loạn, chính quyền Nga dùng thủ đoạn chính
trị phối hợp với can thiệp quân sự trá hình chiếm bán đảo Crimée của Ukraina.
Tiếp theo đó, tại sao Matxcơva vẫn còn gậm nhấm thêm lãnh thổ Ukraina bằng
chiến thuật tầm ăn dâu và Tổng thống Nga vào tuần trước lại lên giọng đe dọa
nhắc nhở quốc tế nên nhớ Nga là cường quốc nguyên tử ?
Nhà
báo NQS :
Để tìm hiểu vì sao Ukraina bỗng dưng trở thành một điểm nóng nguy hiểm
trên thế giới, tưởng cũng nên nhắc sơ qua vài sự kiện gần đây trong
năm nay 2014.
-
Cuối tháng 02 đầu tháng 03 năm 2014, trên bán đảo Crimê thuộc lãnh thổ
Ukraina, bỗng dưng xuất hiện những người lính che kín mặt, không đeo
phiên hiệu quân đội nước nào, mà thực ra ai cũng biết đó là quân Nga,
mặc dù Tổng thống Putin cố chống chế trong một cuộc họp báo: “bộ
đồ lính ấy thì bây giờ bán đầy trong chợ ai mà chẳng mua được!”…
Rồi “người ta” tổ chức cái gọi là “trưng cầu dân ý” ở Crimê để đòi
độc lập, đến ngày 11/03/2014, “người ta” cho ra đời cái gọi là “Cộng
hòa Tự trị Crimê và thành phố Sevastopol”, và mấy hôm sau thì cái
“Cộng hòa Tự trị” đó tuyên bố “tự nguyện” sáp nhập vào Liên bang
Nga. Nước Nga rầm rộ bắn pháo hoa ăn mừng có thêm một thành viên nữa
của Liên bang! Còn thế giới thì lên án nước Nga vì hành vi xâm lược
trắng trợn nước Ukraina và thôn tính Crimê.
-
Xét về mặt pháp lý thì đúng là nước Nga của ông Putin đã vi phạm
công pháp quốc tế thật và đã chà đạp lên chữ ký của mình dưới
Giác thư (memorandum) Budapest mà lãnh đạo Liên bang Nga đã từng trang
trọng ký tên với các vị lãnh đạo Ukraina, Hoa Kỳ, Anh… ngày
05/12/1994. Trong Giác thư đó nước Nga và các nước nói trên cam kết tôn
trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina theo như
đường biên giới đã có, không dùng lực lượng vũ trang đối với Ukraina.
Đổi lại Ukraina hứa từ bỏ vũ khí nguyên tử và giao lại toàn bộ kho
vũ khí nguyên tử cho nước Nga. Trên giấy trắng mực đen đã ghi rõ ràng
như vậy, nhưng Tổng thống Putin chẳng thèm đếm xỉa đến !
-
Chiếm được Crimê, nhưng lãnh đạo nước Nga vẫn chưa yên. Họ cho mật vụ
và tay chân của họ đến vùng phía Đông Ukraina là nơi có đông dân Nga
để vận động “phong trào ly khai”, thành lập những đội “tự vệ” rồi
xúi giục dân nổi dậy lập “chính quyền”. Hai nơi đã tuyên bố thành
lập cái gọi là “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân
Lugansk” được Nga vũ trang và tài trợ, được các chuyên viên Nga tới
hướng dẫn. Chính phủ Ukraina nhiều lần đề nghị “quân ly khai” ngồi
lại thương lượng, nhưng không có kết quả. Cuối cùng phải cho quân đội
tấn công. Vào giữa tháng 08/2014, nhiều vùng quanh Lugansk và Donetsk
đã được dẹp yên, báo chí Ukraina đã vui mừng báo tin sắp dẹp được
“bọn ly khai” thì… nước Nga đã có kế hoạch “leo thang” mới ...
-
Trong lúc đó, để tiến tới một giải pháp hòa bình thương lượng, nữ
Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Angela Merkel đã vận động một cuộc
gặp mặt vào ngày 26/08 ở Minsk, thủ đô Belarus, giữa Tổng thống Liên
bang Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraina Piotr Poroshenko để bàn về
việc ngừng bắn ở miền Đông Ukraina. Thực ra cuộc gặp mặt chẳng đưa
đến kết quả cụ thể gì. Nhưng trước hôm gặp mặt đó (25/08), nước Nga
lại thực hiện một bước “leo thang” mới: những đội quân Nga và dân binh
Nga đã vượt qua biên giới Ukraina đánh chiếm thành phố Novoazovsk và
một số điểm dân cư thuộc tỉnh Donetsk của Ukraina.
Các
cuộc chiến đấu đã diễn ra. Quân Ukraina đã bắt được những lính đổ
bộ Nga trên đất Ukraina. Các nhà báo hỏi ông Putin về chuyện quân Nga
xâm nhập vào đất Ukraina thì ông trả lời tỉnh bơ: “Tôi chưa được báo
cáo của Bộ quốc phòng. Theo tôi biết thì họ tuần tra ở biên giới và
có thể vô tình ở trên đất Ukraina”. Ở Bộ quốc phòng Nga, người ta
cũng nói đúng như vậy là: họ vô tình ở trên đất Ukraina!
Trong
lúc đó thì ngày 26/08, báo chí đưa tin trên một nghìn quân Nga với
nhiều xe tăng, xe vận tải, trọng pháo đã xâm nhập vào lãnh thổ
Ukraina. Bộ chỉ huy NATO đã công bố các bức ảnh về đoàn xe tăng, xe
vận tải Nga và trọng pháo đang tiến vào đất Ukraina. Các vị nguyên
thủ các nước Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức, v.v… đều lên tiếng phản đối.
Các quan chức Nga chối bai bải là có thể đó là đội quân nào đấy
nhầm đường đi sâu vào biên giới đó thôi.
Kỳ
thật thì từ ngày 27/07 với sự tiếp ứng của quân Nga, quân “khủng bố”
của những cái “CHND” Donetsk và Lugansk đã chuyển sang phản công lại
quân Ukraina và cuộc chiến trở nên ác liệt. Nhiều thương vong cả ở hai
phía, và dân chúng cũng bị chết lây. Ngày 27/08 báo chí đưa tin và
đưa hình 10 quân nhân Nga thuộc sư đoàn không quân đổ bộ cận vệ số 98
đã bị bắt làm tù binh. Theo lời khai của họ trong nhóm họ có khoảng
350 đến 400 người.
Trong
ngày hôm đó đã diễn ra cuộc họp báo của các quân nhân tù binh này ở
Kiev. Ngày 28/08, báo chí “lề trái” Nga cho biết có hai người lính Nga
(có tên tuổi rõ ràng) bị tử trận ở Ukraina đã bí mật đưa về chôn
cất ở Pskov, thân nhân của họ không được tiết lộ bí mật, phóng viên
báo chí đi điều tra đều xác nhận sự thật. Sau đó nhiều địa phương
khác đã phát hiện thêm những ngôi mộ lính mới. Ngày 29/08, tin tức
về các trận đánh ác liệt giữa quân Ukraina và “quân ly khai” được sự
yểm trợ của quân Nga, một đơn vị quân Ukraina đã bị bao vây ở Ilovaisk
thuộc tỉnh Donetsk, cũng như tin tức về những tàn hại của chiến tranh
đã làm náo động dư luận của dân Nga và Ukraina.
Ngày
30/08, được tin quân Nga tiến gần đến thành phố nửa triệu dân Mariupol,
phần lớn dân chúng đã tản cư, quân Ukraina đào hào, đắp lũy để chuẩn
bị chiến đấu. Hôm 02/09 có tin quân Ukraina đã phải rút lui khỏi sân
bay ở Lugansk và 100 quân nhân Ukraina đã bị giết. Liên Hiệp Quốc cho
biết: do xung đột vũ trang mà đã có trên một triệu người dân miền
Đông Ukraina phải đi sơ tán. Hội đồng Liên Âu kêu gọi Nga rút quân đội
và kỹ thuật ngay ra khỏi Ukraina, nhưng Nga dường như bỏ ngoài tai mọi
lời nói phải mà vẫn làm theo ý mình ....
RFI
: Về tương quan lực lượng, quân đội Nga mạnh hơn, trang bị tốt hơn Ukraina.
Chính quyền Nga kiểm soát thông tin, tuyên truyền một chiều. Nhưng phái người
dân Nga, tâm trạng của họ ra sao?
Nhà
báo NQS : Dân
chúng Nga xôn xao lo ngại chiến tranh, nhất là các gia đình có con em
ở trong quân đội. Các hoạt động viên của Hội các bà mẹ lính ở Nga
đến các đơn vị có con em đang tại ngũ để đòi biết được con em mình
hiện đang ở đâu, đòi được liên lạc với con em mình. Các nhà hoạt động
dân chủ và nhân quyền đều lên tiếng phản đối chiến tranh, họ tổ chức
“Diễu hành Hòa bình” ở các thành phố lớn. Thậm chí có những người
dân bình thường cũng tự động đứng biểu tình một mình với tấm khẩu
hiệu chống chiến tranh.
Cô
gái đứng cạnh Quảng trường Đỏ với khẩu hiệu “Phản đối chiến tranh
với Ukraina”
-
Ông Mikhail Khodorkovski, người cựu tù nhân lương tâm tuyên bố: “Nước ta
đang đánh nhau với Ukraina. Đánh nhau thật sự. Nước ta đưa lính và kỹ
thuật đến đấy. Người Ukraina chiến đấu giỏi nhưng phải rút lui. Tất
nhiên, lực lượng không bằng nhau. Trong lúc đó những kẻ cầm quyền
nước ta thường xuyên nói dối. Hồi những năm 80 – chiến tranh ở
Afganistan đã nói dối, hồi những năm 90 – ở Chechnia đã nói dối.
Ngày
nay – ở Ukraina cũng thế. Chúng ta biết như vậy, nhưng cứ lặng câm chôn
cất các đồng nghiệp của mình ngày hôm qua, chôn cất bạn bè và người
thân của mình cả ở hai phía, họ chém giết lẫn nhau, không phải vì
họ muốn như vậy, mà vì những kẻ cầm quyền nước này bao giờ cũng
muốn đổ máu. Chúng ta câm lặng và làm như tuồng chúng ta tin vào cái
chính quyền này”.
Rồi
ông kêu gọi: “Mà thật ra chúng ta có thể bắt dừng lại điều đó. Chỉ
cần xuống đường, đe dọa bãi công. Chính quyền sẽ lập tức co vòi, vì
nó sợ. Thế thì tại sao chúng ta cứ lặng câm? Hèn nhát ư?! Thậm chí
suy nghĩ cũng sợ à? Thế mất con cái mà không sợ ư?! Bắn vào anh em
mình ư? Rồi sau này chúng ta sẽ sống với nhau ra sao? Chính vì thế
tôi không muốn và sẽ không cam chịu câm lặng!”
RFI
: Câu hỏi đặt ra là với một nhân vật khó lường như Putin, nắm trong tay một
quân đội hùng mạnh hạng nhì thế giới liệu có thể xảy ra thế chiến hay không?
Nhìn từ Matxcơva, các biện pháp trừng phạt của Tây phương sẽ có hiệu quả về lâu
về dài như nhiều người dự báo ?
Nhà
báo NQS : Chiến
tranh đã là một điều hiện thực rồi ! Nhưng vấn đề đặt ra là có thể
có chiến tranh lớn hay không? Cuộc chiến tranh cục bộ này có thể dẫn
đến cuộc thế chiến thứ ba không? Đó là điều dân chúng và cả những
nhà chính trị học đang quan tâm. Sự xâm nhập của quân Nga vào lãnh
thổ Ukraina với xe tăng, trọng pháo… bắt buộc chính phủ Ukraina phải
cầu viện đến NATO và các chính phủ trong Liên hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ
giúp cho họ vũ khí để chống lại quân Nga! Tổng thống Obama của Hoa
Kỳ đã tuyên bố rõ là ông lên án hành động xâm lăng của Nga và sẽ mở
rộng thêm biện pháp trừng phạt Nga, nhưng Washington “không dùng hành
động quân sự để giải quyết vấn đề Ukraina”; và ông cũng đã định gặp
Tổng thống Ukraina vào ngày 18/09 sắp tới.
Nữ
Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Angela Merkel cũng tuyên bố: lãnh đạo
các nước châu Âu cũng sẽ có những biện pháp mới chống lại nước Nga
trong cuộc họp ngày 30/08 sắp tới. Chúng ta thấy rõ rằng lãnh đạo
các nước không ai muốn chiến tranh, nhất là chiến tranh với một nước
có nhiều bom nguyên tử, như nước Nga. Biết rõ điều đó nên ngày 29/08
khi gặp các đại biểu của tổ chức thanh niên thân chính quyền, Putin
tuyên bố: “May thay, không ai nghĩ đến chuyện gây ra xung đột lớn.
Tôi
muốn nhắc cho các người nhớ rằng nước Nga là một trong những cường
quốc nguyên tử chủ yếu”. Cho nên, theo nhiều nhà phân tích, chiến tranh
ở Ukraina sẽ không dẫn đến thế chiến thứ ba, nhưng có thể là một
cuộc chiến tranh kéo dài, giằng co. Vì cái bản tính lì lợm, hiếu
thắng của ông Putin, ông rất ngoan cố theo đuổi đến cùng ý định của
ông. Còn dân Ukraina thì rất kiên cường không dễ dàng gì khuất phục
được họ.
Cho
nên biện pháp chủ yếu của Phương Tây vẫn là dùng đường ngoại giao và
dùng những trừng phạt nhất là về kinh tế đối với nước Nga, dồn Nga
vào thế cực kỳ khó khăn để cuối cùng nước Nga phải chịu “xuống
thang”. Nhưng trừng phạt kinh tế thì cũng là con dao hai lưỡi, nghĩa
là có thể gây hại cho nước Nga là chính, mà đồng thời phần nào đó
cũng gây thiệt hại cho các nước ra lệnh trừng phạt.
Từ
khi nước Nga thôn tính bán đảo Crimê cho đến nay, Nga đã bị Hoa Kỳ,
các nước Liên Âu, Canada, Úc, v.v… ngày càng siết chặt thêm các biện
pháp trừng phạt về kinh tế, tài chính, ngân hàng, và những cá nhân
bị trừng phạt dần dần càng đông và càng lên đến cấp cao hơn trong chính
quyền và giới thân cận của lãnh đạo Nga.
Tác
động của biện pháp trừng phạt đó về mặt chính trị là làm cho nước
Nga ngày càng bị cô lập trên thế giới, còn đối với kinh tế Nga thì
hậu quả rõ rệt trước mắt là đồng rúp ngày càng mất giá, trước
tháng 03/2014, một đôla = 34 rúp, nay một đôla = 37,11 rúp, do đó giá
hàng lên chừng 15-20%; số ngoại tệ/tư bản chạy ra nước ngoài rất
nhiều: chỉ tính trong quý 1 năm 2014, các nhà đầu tư đưa ra khỏi nước
Nga 70 tỷ đôla – tức là nhiều hơn tổng số ngoại tệ đưa ra khỏi nước
Nga trong cả năm 2013, do đó mức tăng trưởng kinh tế của Nga chậm lại
dưới 0,8%; các chương trình đầu tư, cải tiến kỹ thuật, hiện đại hóa
sản xuất của Nga đều bị ảnh hưởng nặng nề; số lượng các nhà kinh
doanh, các kỹ thuật viên, các nhà trí thức… bỏ ra nước ngoài ngày
càng nhiều… Các chương trình hiện đại hóa kinh tế, cũng như cải
thiện dân sinh … đều bị phá vỡ.
Nước
Nga trả đũa lại các biện pháp trừng phạt đó bằng cách ra lệnh cấm
vận, không cho các hàng thực phẩm, như thịt, sữa, sản phẩm từ sữa,
rau, hoa quả… từ các nước Liên Âu, Mỹ, Canada, Úc, v.v… được nhập vào
Nga. Đối với một số nước xuất rau, quả ở châu Âu sang Nga thì tạm
thời bị khó khăn vì đang mùa thu hoạch, nhưng nói chung, xuất khẩu
thực phẩm của châu Âu sang Nga năm 2013 bằng 12,2 tỷ euro, tức là dưới
1% tổng số xuất khẩu của Liên Âu. Đối với Mỹ thì năm 2013, xuất khẩu
nông sản sang Nga bằng 1,2 tỷ đôla, trong đó thịt và gia cầm 310 triệu,
các loại hạt 172 triệu, đậu tương 157 triệu, như vậy xuất khẩu nông
sản sang Nga cũng chỉ dưới 1% tổng số xuất khẩu nông sản của Mỹ. Nên
họ không bị thiệt thòi gì mấy.
Trong
lúc đó lệnh cấm vận của Nga cũng gây khó khăn cho chính nước Nga và
dân Nga, vì theo số liệu năm 2013 thì 40% nông phẩm nhập vào Nga là từ
các nước Liên Âu, 4% từ Mỹ, cho nên thiếu một lượng hàng lớn như vậy
sẽ là một khó khăn lớn cho cuộc sống của người dân, khi chưa kịp
thời có được những nguồn hàng mới để bù vào. Cũng có ý kiến cho
rằng việc cấm vận của Nga cũng sẽ thúc đẩy nước Nga tăng gia sản
xuất nông nghiệp. Cũng có thể là như vậy, nhưng cần phải có thời
gian và cần phải đầu tư nhiều về mặt kỹ thuật thì mới nâng nền nông
nghiệp của Nga trỗi dậy được sau 20 năm không quan tâm đến nó. Nhưng
điều chắc chắn là giá cả sẽ tăng lên, trong những năm đầu tiên sẽ
thiếu hàng, và cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng nặng
nề.
RFI
: Nhưng vì những nguyên nhân sâu xa nào mà Tổng thống Nga bất chấp cái giá kinh
tế và tài chính phải trả, để lấn chiếm phần còn lại của Ukraina sau khi đã kiểm
soát bán đảo chiến lược Crimée? Luật pháp Nga có cho phép tổng thống âm
thầm đưa quân sang đánh một nước láng giềng không thù nghịch?
Nhà
báo NQS : Nhiều
nhà phân tích đặt vấn đề: thế thì Tổng thống Putin muốn gì khi gây
ra cuộc chiến tranh với Ukraina? Giáo sư Vladimir Ryzhkov, thành viên chủ
tịch đoàn Hội đồng chính sách quốc phòng đối ngoại nói: đối với
ông, “dù trong cơn ác mộng, tôi cũng không thể nào hình dung được các
chàng trai Nga sẽ bắn các chàng trai Ukraina” (hai dân tộc anh em cùng
giống người Slavơ, cùng theo Chính thống giáo) “và không thể nghĩ
rằng trên truyền hình người ta cứ tháng này qua tháng khác tạo hình
dáng kẻ thù cho nước Ukraina anh em, cho dân tộc Ukraina anh em, gieo rắc
hận thù giữa hai dân tộc chúng ta, và mọi sự kiện đã diễn ra theo
kịch bản ác mộng kinh khủng như vậy”.
Theo
giáo sư thì về mặt pháp lý, việc dùng lực lượng vũ trang ở nước
ngoài phải có quyết định công khai của Hội đồng Liên bang, điều đó
được định rõ trong điều 102 phần 1 của Hiến pháp. Thực tế đã không
có sự cho phép đó của Hội đồng Liên bang. Như vậy lệnh của ai đó,
của Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh hay của Bộ trưởng Quốc phòng cũng
đều vi hiến và phi pháp cả. Ông Boris Nemtsov, cựu phó thủ tướng thời
Tổng thống Yeltsin, cũng nói: “Putin đã nói dối một cách bỉ ổi là
không có quân Nga ở Ukraina, vì ông ta biết rằng đó là điều phạm pháp
nghiêm trọng – ông đã vi phạm Hiến pháp của Liên bang Nga.
Ở
đâu đấy có một Quốc hội bình thường thì người ta đưa ông ra hạch tội
và phế truất Tổng thống được. Còn ở Nga thì Duma Quốc gia (Quốc
hội) gồm toàn những con rối trong tay Putin nên chẳng ai dám nói gì
cả”. Ông nhắc lại rằng: “Ngày 25/06/2014, Hội đồng Liên bang đã hủy
bỏ quyền của Putin đưa quân vào Ukraina”.
Về
cuộc chiến tranh ở Ukraina, ông Vladimir Ryzhkov cho biết thêm rằng Putin
đã có một kế hoạch rõ rệt và đang thực hiện kế hoạch đó. Tại một
cuộc họp cấp cao của nhà nước, chính Putin đã nói lên cái thuật ngữ
Novorossia (nước Nga mới), và chính ông đã luận chứng cho sự tồn tại
của Novorossia. Chính ông, trong nhiều năm đã nói rằng Ukraina là một
tạo thành gượng gạo. Vì thế lúc đầu ông nói lên chữ Novorossia, rồi
sau đó ở Donetsk, CHND Donetsk và CHND Lugansk đã ký một thỏa thuận
thành lập Novorossia.
Như
thế là đã có một kế hoạch chính trị rõ rệt. Vì thế, khi các CHND
này lâm nguy trước sức tấn công của quân đội Ukraina, thì ông phải đưa
quân Nga đến giúp để cho hai cái “CHND” đó không bị thất bại, vì thế
mới có sự “leo thang” xâm lược. Có cảm giác như tuồng là người ta
muốn Ukraina phải quỳ gối đầu hàng vì nước này không thể chịu nổi
một cuộc chiến tranh lâu dài do tình hình kinh tế rất trầm trọng,
rồi cuối cùng phải chấp nhận mọi điều kiện của Nga.
Mà
điều kiện đầu tiên là dứt khoát phải quên đi Crimê, nghĩa là de jure
Crimê cứ là bộ phận của Ukraina, còn de facto Crimê không phải là bộ
phận của Ukraina, mà đó là Novorossia. Ngoài hai tỉnh Donetsk và
Lugansk, còn có thể có nhiều tỉnh khác nữa ở trong cái gọi là
Novorossia. Theo ông Oleg Lyashko,người đứng đầu Đảng Cấp tiến, cựu ứng
viên Tổng thống Ukraina, thì Novorossia – ngoài hai tỉnh nói trên còn
gồm các tỉnh này nữa: Odessa, Kharkov, Nikolaev, Zaporozhie, Kherson,
Pridnestrovie (của Cộng hòa Moldova). Như vậy, ta thấy ý đồ của ông
Putin thật là “lớn”: chia xẽ một phần lớn đất nước Ukraina để đặt
dưới quyền “chăm sóc” của nước Nga. Phải chăng Novorossia sẽ là bậc
thang đầu tiên trong giấc mộng… Đại Nga của ông Putin?
RFI
: Giấc mộng “đại Nga” với kế hoạch “nước Nga mới” mà nạn nhân đầu tiên là
Ukraina có lẽ hấp dẫn với một bộ phận dân chúng mang tinh thần hoài niệm liên
xô cũ hay các đế chế Nga hoàng. Tuy nhiên, ở Nga có ai nghĩ rằng giấc mơ này có
thể là "cơn ác mộng cho kẻ nằm mơ" mà châu Âu đã có kinh nghiệm qua
đại chiến 1939-1945?
Nhà
báo NQS : Nhiều
nhà phân tích nêu lên rằng ông Putin đánh giá quá thấp tinh thần yêu
nước của người dân Ukraina. Chính là do sự xâm lăng của quân Nga mà dân
Ukraina đoàn kết với nhau càng ngày càng chặt chẽ. Hơn nữa, nước Nga
nếu kéo dài cuộc chiến tranh thì cũng càng ngày càng gặp khó khăn
lớn về mọi mặt.
Thực
tế là hiện nay chỉ có 5% dân chúng Nga ủng hộ cuộc chiến tranh với
Ukraina mà thôi. Với thời gian dân chúng sẽ phản đối cuộc chiến tranh
mạnh mẽ hơn khi cuộc sống của họ ngày càng sa sút, khi con em họ
chết trên chiến trường ngày càng nhiều. Cho nên, theo ý kiến của một
số nhà phân tích, cái “kế hoạch chính trị” Novorossia của ông Putin
sẽ là không tưởng. Và cuối cùng ông sẽ thảm bại và chế độ toàn
trị của ông sẽ sụp đổ.
Theo
tin tức ngày hôm nay (31/08), Nga và Ukraina đã trao đổi tù binh – 10
quân nhân Nga đổi lấy 63 quân nhân Ukraina, nhưng phía Nga nói rằng đây
không là “trao đổi tù binh”, vì giữa Nga và Ukraina không có chiến
tranh! Cũng hôm nay, lần đầu tiên, ông Putin đặt vấn đề “cần phải bàn
bạc ngay những vấn đề thực chất liên quan đến việc tổ chức chính
trị của xã hội và thành lập một nhà nước cho miền Đông-Nam của
Ukraina để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người dân sống ở
đó”.
Cần
lưu ý rằng trước đây ông chỉ đòi hỏi miền Đông Ukraina, nơi có nhiều
dân nói tiếng Nga, phải có một chế độ tự trị rộng hơn trong một chế
độ liên bang ít tính tập trung, còn bây giờ ông nói đến “tổ chức
chính trị của xã hội” và “cơ cấu nhà nước”. Nhiều người tự hỏi:
không biết đó có phải là cái gọi là “Novorossia” không?
Theo
Thông tấn xã Itar-Tass, người phát ngôn của Tổng thống Nga, Dmitri Peskov,
khi được hỏi về ý nghĩa của câu đó của ông Putin, ông Peskov trấn an
rằng Tổng thống Nga không có ý nói một nhà nước độc lập ở miền
Đông-Nam của Ukraina. Được yêu cầu nói về Novorossia có phải là một
phần gắn kết của Ukraina không? Thì ông ta trả lời: “Chắc chắn là như
thế!” Nhiều người cho rằng khó tin lời nói của ông Peskov được vì ông
ta phải giấu kín cái “kế hoạch chính trị” của Tổng thống mà ông
Vladimir Ryzhkov đã nói ở trên.
RFI xin
thành thật cảm ơn nhà báo NQS.
No comments:
Post a Comment