Mở Hồ Sơ Tội Ác Hồ Chí Minh: Vấy Máu Cải Cách Ruộng Đất
Nguyễn Minh Cần
15-12-2002
Nhắc lại chuyện đau lòng của thời Cải Cách Ruộng
Ðất, có thể bạn đọc sẽ trách tôi : trong dịp đầu năm mà nhắc đến chuyện quá
buồn. Xin các bạn lượng thứ cho ! Nhưng chuyện này không thể không nói đến ! Nó
cũng khủng khiếp không kém gì chuyện Tết Mậu Thân (1968). Vậy mà chuyện Tết Mậu
Thân chúng ta vẫn phải đành lòng nhắc đến trong dịp Tết cơ mà !
Cần phải nhắc đến các tấn bi kịch, các thảm hoạ dân
tộc đã qua và hiện đang còn đang tiếp diễn dưới nền chuyên chính của Đảng cộng
sản Việt Nam (ĐCSVN), để mọi người yêu nước thương dân thắp một nén hương cho
vong linh biết bao người vô tội đã ngã xuống, để tưởng nhớ đến bao nhiêu người
oan ức đã chịu những cực hình man rợ phải ngậm hờn mãi mãi, để nhớ lại biết bao
bạo hành của một đảng độc tài đã gây ra trong quá khứ và trong hiện tại, để mọi
người hun đúc ý chí đấu tranh cho công cuộc dân chủ hoá đất nước. Âu cũng là
việc cần lắm thay! Hơn nữa, ngày nay tập đoàn cầm quyền đang cố xuyên tạc lịch
sử, cố làm mọi cách để dân tộc ta quên đi các tội ác tày trời của họ, nhất là
để các thế hệ mới lớn lên không hề hay biết gì đến các tội ác đó và những kẻ
tội phạm chính danh!
Chuyện tôi muốn nói đến hôm nay là cuộc CẢI CÁCH
RUỘNG ĐẤT (CCRĐ) đầy kinh hoàng ở miền Bắc Việt Nam, thảm hoạ khủng khiếp chưa
từng thấy trong lịch sử dân tộc. Cuộc CCRĐ đã thực tế bắt đầu diễn ra từ năm
1953, đúng 50 năm trước đây, và kết thúc năm 1956. Nhưng dư âm và hậu hoạ của
nó vẫn còn mãi cho đến tận ngày nay. Hồi đó, CCRĐ chẳng khác nào một trận bão
táp ác liệt đổ ập xuống miền Bắc Việt Nam gây ra biết bao tàn phá khủng khiếp,
biết bao đảo lộn kinh người, biết bao tang tóc, đau thương cho người dân lương
thiện.
Xuất phát từ đâu mà trận bão táp ghê rợn đó đã tràn
đến cái xứ sở đau thương này ? Số là trong chuyến đi bí mật của ông Hồ Chí Minh
từ chiến khu Việt Bắc (hồi cuối năm 1950) đến Moskva (đầu năm 1951), ông đã gặp
Stalin và Mao Trạch Đông (lúc đó đang có mặt tại Moskva). Hai ông này đã nhận
xét là Đảng Việt Nam coi nhẹ nhiệm vụ phản phong (ý nói hữu khuynh), và chỉ thị
phải tiến hành cách mạng phản phong để "bồi dưỡng động lực cách mạng là
nông dân lao động", nói cụ thể là phải làm CCRĐ ở các vùng gọi là
"giải phóng". Sau khi về nước, ông Hồ đã cùng Thường vụ Trung ương
(Bộ chính trị sau này) ĐCS trong hai năm trời bí mật và tích cực chuẩn bị tiến
hành CCRĐ. Chuẩn bị cả về mặt tư tưởng, cả về mặt chính sách, đường lối, lẫn về
mặt tổ chức. Theo sự phân công của Stalin, Trung Quốc sẽ giúp đỡ cho Việt Nam,
nên ông Hồ đã mời các đoàn cố vấn Trung Quốc đến miền Bắc Việt Nam - tổng cố vấn
là La Quý Ba đồng thời là đại sứ Bắc Kinh tại Việt Nam dân chủ cộng hoà
(VNDCCH). Vi Quốc Thanh đứng đầu đoàn cố vấn quân sự, còn đứng đầu đoàn cố vấn
CCRĐ là Kiều Hiểu Quang, vốn là phó bí thư tỉnh uỷ Quảng Tây. Đó là chưa kể đủ
loại cố vấn khác, như cố vấn chỉnh huấn, cố vấn công an, cố vấn tổ chức, cố vấn
tuyên truyền ...
Để chuẩn bị về mặt tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và
quân đội, năm 1952, Bộ chính trị (BCT) trung ương (TW) Đảng thực hiện "cuộc
chỉnh huấn" trong Đảng và "cuộc chỉnh quân" trong
quân đội, theo đúng mẫu mã "cuộc chỉnh phong" của ĐCS Trung
Quốc, chỉ có cái tên hơi khác một chút mà thôi. Chuẩn bị về mặt tổ chức, BCT TW
đã thành lập Uỷ ban CCRĐ Trung ương (UBCCRĐTW), gồm có Trường Chinh, Tổng bí
thư ĐLĐVN làm chủ nhiệm, hai phó chủ nhiệm là Hoàng Quốc Việt, uỷ viên BCT và
Lê Văn Lương, uỷ viên BCT, còn uỷ viên thường trực là Hồ Viết Thắng, uỷ viên TW
Đảng. Dưới UBCCRĐTW là các đoàn CCRĐ, dưới các đoàn là các đội CCRĐ. Cả một đạo
quân hùng hậu để làm "chiến dịch" đánh phong kiến!
ĐCS coi CCRĐ là "một cuộc cách mạng long
trời lở đất", cho nên cần phải "phóng tay phát động quần
chúng" để thực hiện, có nghĩa là phải làm hết sức mãnh liệt, thẳng
tay, không khoan nhượng, không thương xót, cho dù có những hành động quá trớn,
quá tả cũng không đáng sợ. Nhiều lãnh tụ cộng sản thường nhận mình, ĐCS là đảng
cách mạng thì nhất định phải làm CCRĐ theo tinh thần "cách mạng",
"cách mạng long trời lở đất" ! Họ cao ngạo phê phán các cuộc
CCRĐ hoà bình ở nhiều nước là cải lương chủ nghĩa, tư sản và phản cách mạng: vì
tại các nước đó, chính quyền hạn định mức ruộng đất tối đa cho điền chủ được
có, còn phần thừa thì nhà nước mua lại để chia cho người ít hay không có ruộng
đất. Còn khi giải thích cho cán bộ mấy chữ "phóng tay phát động quần
chúng" khó hiểu này, ông Hồ đã dùng hình ảnh dễ hiểu sau: khi uốn
thanh tre cong cho nó thẳng ra, phải uốn quá đi một tí và giữ lâu lâu, rồi thả
tay ra thì nó mới thẳng được. Hình như ông cũng khoái cái lối giải thích hóm
hỉnh ấy, không nghĩ rằng cái tinh thần "quá đi một tí" sau này
chính là mối hoạ lớn cho dân! Các đội, các đoàn CCRĐ được tung về nông thôn. Họ
tung hoành gần như với quyền hạn không hạn chế, họ cảm thấy mình nắm trong tay
quyền sinh quyền sát. Cấp trên đã "phóng tay" cho họ và họ
cũng tự "phóng tay" ... Vì thế trong dân gian thường nói "nhất
Đội, nhì Trời", và các "anh đội" cũng khoái tai khi
nghe như thế! Tôi còn nhớ một lần, thiếu tướng Vương Thừa Vũ, chủ tịch uỷ ban
quân quản thành phố Hà Nội, về quê thăm nhà ở làng Tó (Thanh Oai) thuộc ngoại
thành Hà Nội. Ông bị đội CCRĐ bắt giữ cùng với anh cần vụ (lính hầu) và xe ô
tô, van xin gì cũng không được thả ra. Về sau do một sự tình cờ, chính quyền Hà
Nội biết được mới cho người đến nhận ông về. Đại thần của chế độ mà còn bị như
thế huống hồ dân đen!
Trong năm 1952, BCT TW Đảng lao động Việt Nam
(ĐLĐVN), tức là ĐCS khoác tên mới từ năm 1951, cho làm thí điểm CCRĐ ở sáu xã
thuộc huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên. Trong lần thí điểm này có một sự kiện
"động trời": toà án CCRĐ xử tử hình bà Nguyễn Thị Năm, tức là Cát
Thành Long, người mà thời trước cách mạng đã từng che giấu, nuôi ăn, giúp đỡ
các ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh
Nghị, Lê Giản ... Còn trong Tuần lễ Vàng, gia đình bà đã hiến 100 lạng
vàng cho chính quyền mới. Bà đã hoạt động trong Hội Phụ nữ, lại có con trai đi
bộ đội làm trung đoàn trưởng. Thế mà bà đã bị quy là địa chủ cường hào ác bá,
bị đoàn CCRĐ xử án tử hình, UBCCRĐ TW duyệt y và BCT TW ĐLĐVN cũng chuẩn y!.
Những người lãnh đạo cộng sản trong BCT và đứng đầu chính phủ đã từng được bà
che giấu, nuôi ăn, tặng vàng, nay đang làm Chủ tịch nước, Tổng bí thư, uỷ viên
BCT, Thủ tướng, phó thủ tướng đã lạnh lùng chuẩn y một cái án tử hình như vậy!.
Phát súng đầu tiên của CCRĐ nổ vào đầu một người phụ nữ yêu nước đã từng giúp đỡ
cho những người cộng sản!. Phát súng đó tự nó đã nói lên nhiều điều về các lãnh
tụ cộng sản!. Nó báo hiệu trước những tai hoạ khôn lường cho toàn dân tộc!.
Năm 1953, thực tế là năm bắt đầu tiến hành CCRĐ, năm
ĐCS chuẩn bị toàn bộ đường lối, chính sách và "luật pháp hoá" các
chính sách của Đảng bằng quyết nghị của Quốc hội, sắc lệnh và nghị định của
Chính phủ, thông tư của các bộ. Dựa trên tài liệu chính thức của ĐCS, tôi xin
ghi lại những cái mốc lịch sử đau thương của dân tộc ta trong cuộc CCRĐ đẵm máu
và nước mắt này:
- cuối tháng 01.1953 - hội nghị lần thứ tư của TW ĐLĐVN để thông qua bản Dự thảo cương lĩnh Đảng về chính sách ruộng đất. Tại hội nghị, ông Hồ đọc báo cáo đề ra nhiệm vụ triệt để giảm tô, tiến tới CCRĐ.
- đầu tháng 03.1953 - Hội đồng Chính phủ họp thảo luận báo cáo của Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng về mục đích, phương châm, kế hoạch phát động quần chúng. Hội đồng Chính phủ đã thông qua các văn bản về chính sách ruộng đất và phát động quần chúng, tức là đã "luật pháp hoá" nghị quyết của TW Đảng.
- 01 - 05.03.1953 - báo Nhân Dân đăng tải bài "Chỉnh đốn chi bộ" của uỷ viên Bộ chính trị ĐLĐVN, trưởng ban tổ chức TW Lê Văn Lương, người trực tiếp phụ trách cuộc Chỉnh đốn tổ chức trong CCRĐ, và ngày 16.03.1953 - Chính phủ VNDCCH ra thông tư về việc chỉnh đốn chính quyền cấp xã qua việc phát động quần chúng. Đây là những hướng dẫn cho việc gắn liền cuộc Chỉnh đốn tổ chức với CCRĐ, với tinh thần "không dựa vào (thực tế là đánh vào - Người viết) tổ chức cũ mà lập nên tổ chức mới" ở nông thôn!
- 12.04.1953 - Chính phủ VNDCCH ra ba sắc lệnh: 1/ sắc lệnh quy định chính sách ruộng đất, trong đó có việc tịch thu, trưng thu, trưng mua ruộng đất chia cho nông dân; 2/ sắc lệnh quy định việc thành lập Toà án nhân dân ở những nơi phát động quần chúng; 3/ sắc lệnh quy định việc trừng trị những địa chủ ở những nơi phát động quần chúng tiến hành CCRĐ.
- 01.06.1953 - báo Nhân Dân đăng bài về Chương trình CCRĐ.
- tháng 06.1953 - ĐLĐVN tổ chức cái gọi là "đợt chỉnh huấn chính trị" để nâng cao lập trường giai cấp cho cán bộ đảng viên trong cuộc đấu tranh CCRĐ.
- 14.11.1953 - hội nghị lần thứ năm TW và Hội nghị toàn quốc của ĐLĐVN để quyết định tiến hành CCRĐ. Ông Hồ đã phát biểu ý kiến tại hội nghị nhấn mạnh phải "phóng tay phát động quần chúng tiến hành CCRĐ".
- 01-04.12.1953 - kỳ họp thứ ba của Quốc hội khoá 1, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đọc báo cáo "Tình hình trước mắt và nhiệm vụ CCRĐ" và ngày
04.12.1953 - Quốc hội nhất trí thông qua Luật CCRĐ. Sau đó, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã ra sắc lệnh ban hành Luật CCRĐ do Quốc hội thông qua.
Từ đó, bắt đầu các đợt CCRĐ, mà đợt đầu tiến hành ở 47 xã tỉnh Thái Nguyên và 6 xã tỉnh Thanh Hoá, sau đó lan tràn trên khắp miền Bắc, trừ các vùng miền núi. Đợt năm là đợt cuối cùng, phần lớn diễn ra ở các xã đồng bằng Bắc bộ và các vùng bị Pháp chiếm trước đây. May mắn cho đồng bào miền núi, vì ĐLĐVN chủ trương sau khi hoàn thành CCRĐ ở vùng đồng bằng mới làm ở miền núi. Do sự phẫn nộ của quần chúng đã bùng lên dữ dội, nhiều cuộc nổi dậy của nông dân đã nổ ra ở Quỳnh Lưu, Phát Diệm, nên về sau, TW ĐLĐVN chỉ tiến hành cái gọi là "cải cách dân chủ" ở miền núi, nghĩa là dẹp bỏ phong kiến địa phương (tức là các phìa tạo) mà không dùng bạo lực quá mạnh vì sợ dân chúng chạy sang Trung Quốc, Lào ... Còn ở huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị, vì nằm sát giới tuyến, tiếp giáp Việt Nam Cộng hoà, nên cũng được chiếu cố, nghĩa là dùng bạo lực vừa phải "để không gây ảnh hưởng xấu đến miền Nam".
- tháng 09.1956 - hội nghị lần thứ 10 của TW ĐLĐVN kiểm điểm tình hình CCRĐ. Do ảnh hưởng của đại hội lần thứ 20 ĐCS Liên Xô vạch trần những tội ác của Stalin, do sự bất mãn trong dân chúng, cộng thêm sự phản ứng khá mạnh của cán bộ, TW Đảng buộc phải thừa nhận những sai lầm nghiêm trọng trong CCRĐ và chủ trương sửa sai. Tại hội nghị, TW đã thi hành kỷ luật như sau: Trường Chinh mất chức Tổng bí thư, chỉ còn làm uỷ viên BCT, còn Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương mất chức uỷ viên BCT, Hồ Viết Thắng bị đưa ra khỏi TW ĐLĐVN. Ông Hồ Chí Minh kiêm nhiệm Tổng bí thư, còn Lê Duẩn làm bí thư TW, thường trực BCT.
- 29.10.1956 - mít tinh lớn tại Nhà Hát Nhân dân Hà Nội, uỷ viên BCT đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh và TW ĐLĐVN chính thức công nhận những sai lầm nghiêm trọng trong CCRĐ. Nhân đây, xin nói rõ: một vài người viết không đúng là cuộc mít tinh tổ chức tại sân vận động Hàng Đẫy và ông Hồ đã đến dự và khóc trước dân chúng. Hà Nội được giao cho việc tổ chức mít tinh nên tôi biết rõ. Hồi đó, chúng tôi được giải thích: "Bác đến không tiện", nhưng chúng tôi đều hiểu là ông Hồ muốn đưa ông Giáp ra "chịu trận" thay mình, nên không hề có việc ông Hồ khóc trước dân chúng.
Ở hải ngoại, cho đến nay cũng đã có một số tài liệu
nói đến những bạo hành, những tội ác trong CCRĐ, cuốn sách nói về đề tài này
khá kỹ ra mắt sớm nhất (1964, bằng tiếng Anh) là cuốn "Từ Thực Dân Đến
Cộng Sản" của ông Hoàng Văn Chí. Còn ở trong nước thì đến nay, chưa có
một công trình nghiêm túc nào nghiên cứu, chưa ra một tiểu thuyết nào viết
riêng về đề tài CCRĐ. Tại sao ? Dễ hiểu là sau khi bị bắt buộc phải thừa nhận
những sai lầm trong CCRĐ, BCT TW Đảng ra lệnh miệng tuyệt đối cấm không được
nói đến đề tài này. Người đầu tiên "vi phạm" tabou thiêng liêng đó là
nhà văn Hà Minh Tuân - anh đã viết lướt qua rất nhẹ nhàng đến đề tài cấm kỵ đó
trong tác phẩm "Vào Đời". Tức thì Nguyễn Chí Thanh hô hoán lên
là "tư tưởng địa chủ ngóc đầu dậy", và anh bị hành hạ hết
nước. Từ đó mọi người ai cũng im re, "lo giữ cái đội nón của mình"
(nhóm từ thông dụng hồi đó có nghĩa là giữ đầu mình) ... Mãi sau này, chỉ có
vài nhà văn rụt rè mon men đến đề tài đó mà thôi. Hy vọng rồi đây sẽ có nhiều
nhà văn, nhà nghiên cứu trong nước vượt qua nỗi sợ "truyền kiếp", dám
đề cập đến đề tài đau thương này một cách nghiêm túc và toàn diện.
Nếu nói về những tội ác trong CCRĐ, theo tôi, cần
nêu bật mấy loại chính sau đây.
Thứ
nhất. Tội tàn sát thường dân vô tội - tội ác chống nhân loại.
Người nông dân Việt Nam hiền hoà, chất phác đang làm
ăn sinh sống và hết lòng đóng góp vào cuộc kháng chiến chống Pháp, bỗng dưng
ĐCS giáng cho họ một đòn chí mạng. ĐCS nói rằng CCRĐ là một cuộc cách mạng để
thực hiện ước mơ muôn đời của nông dân: "người cày có ruộng" -
nhưng thực tế thì không phải như vậy, thực tế là nông dân bị đánh đòn chí mạng!
Tầng lớp năng nổ, giỏi giang biết làm ăn nhất ở nông thôn thì bị quy là địa
chủ, phú nông, thậm chí cường hào ác bá, bị triệt hạ hết đường sinh sống, còn
một loạt cán bộ ở nông thôn đã từng chịu đựng gian khổ làm nhiệm vụ lãnh đạo
kháng chiến, sản xuất thì bỗng nhiên bị quy là phản động, gián điệp, Việt gian,
v.v ... bị trừng trị, nhiều người bị bắn giết vô cùng man rợ. Ngay cả nhiều
người trung nông, thậm chí một số bần nông cũng "bị kích lên" làm địa
chủ cho đủ cái tỷ lệ quái gở 5% địa chủ (so với dân số thôn xã!) và họ phải cam
chịu cái số phận mà ĐCS dành cho địa chủ. Cái tỷ lệ quái gở 5% đó lại kèm thêm
những "kết luận" quái đản khác: đã có địa chủ, tất phải có cường hào
ác bá! Thế là người dân chịu chết! Biết bao nỗi oan khuất không thể nào kể hết.
Cái phương châm "thà sai hơn là bỏ sót", cộng thêm với việc "thi
đua lập thành tích đánh phong kiến" đã gây ra tình trạng "kích
thanh phần", "nống thành tích" cố tìm ra nhiều địa chủ, phản
động, xử tử nhiều ác bá ... để có được bằng khen, huân chương, để ngoi lên địa
vị cao hơn ... càng làm cho nỗi khổ đau của người dân tăng lên nhiều gấp bội!
Chỉ xin dẫn vài chuyện mà thôi.
Một anh bạn đi làm CCRĐ ở Khu Bốn kể lại. Ở Khu Bốn,
hồi đó ai cũng biết danh Chu Văn Biên, bí thư Khu uỷ, và Đặng Thí, phó bí thư
khu uỷ, khét tiếng hiếu sát trong CCRĐ, họ đều là trưởng và phó đoàn CCRĐ. Thậm
chí trong dân gian lưu truyền bài vè có câu "Giết người nổi tiếng gã
Chu Biên". Anh bạn tôi kể chuyện Đặng Thí ký hai án tử hình trên ghi
đông (guidon) xe đạp! Chuyện như sau: một đội tới làm CCRĐ ở một xã nghèo ở
Nghệ An, quê hương của ông Hồ Chí Minh và Hồ Viết Thắng, tìm mãi mà không thể
quy ai là địa chủ được (những ai đã từng đến tỉnh này đều biết cảnh nghèo chung
của dân chúng ở đây). Đặng Thí "đả thông tư tưởng" là cố vấn
Trung Quốc dạy rồi phải có 5% địa chủ. Đội sợ trên "đì", tính
ra cả làng từng này hộ, từng ấy nhân khẩu, thôi thì cũng buộc phải kiếm ra năm
địa chủ. Tưởng thế là xong, nào ngờ khi báo cáo lại cho Đặng Thí thì ... Liếc
mắt qua không thấy có danh sách "lên thớt", bực mình Thí mới xạc cho
"anh đội" một trận: "Có địa chủ mà không bắn thằng nào cả à
?" và ném cả tập giấy vào mặt đội trưởng. Cuối cùng thì đội cũng lọc
ra được "hai địa chủ để bắn" vội chạy lên đoàn báo cáo. Giữa
đường gặp Đặng Thí đang đi xe đạp, tay đội trưởng đưa báo cáo và danh sách bắn
hai người. Thí còn đang vội, vẫn ngồi trên yên xe, chẳng thèm xem hết nội dung,
đặt "đơn đề nghị bắn hai người" lên ghi đông xe đạp, mở vội xà
cột (sacoche), rút bút ký toẹt vào. Xong rồi Thí đạp xe đi thẳng.
Một ông bạn làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam đã đi
làm CCRĐ kể lại chuyện thương tâm này. Đội mà ông bạn có chân về một làng nghèo
ở Thái Bình, không thể nào tìm đâu ra đủ số địa chủ, và cũng không thể nào tìm
ra địa chủ ác bá để bắn. Họ lo lắm. Thế là họ đưa một ông chăn vịt vào danh
sách bị bắn!. Làng nào cũng thế thôi, mấy ông "gột vịt" (ấp trứng
nuôi vịt con) chẳng bao giờ được dân làng ưa cả, vì lùa vịt con xơi thóc lúa
của dân, thế mà lại hay to mồm cãi lại, gây gổ. Thế là "đủ yếu tố cấu
thành tội", trong đó có tội "bị dân làng ghét cay ghét
đắng". Địa chủ bóc lột thóc của nông dân, vịt cũng ăn cướp thóc của
nông dân, vịt không thể bắn được thì chủ nó phải chịu thay! Ai cũng vui vẻ cả.
Ông bạn biết là sai nhưng không dám mở miệng khi "cổ máy nghiền thịt"
của Đảng đã khởi động rồi!
Cho đến nay, không ai biết số người bị quy oan, bị
tù oan và bị giết oan là bao nhiêu vì ĐCS giấu tịt. Những con số mà nhiều người
đưa ra chỉ là ước đoán. Hồi cuối năm 1956, khi tôi được Thành uỷ Hà Nội giao
cho trách nhiệm sửa sai CCRĐ ở ngoại thành Hà Nội. Vì tính chất quan trọng của
việc đó ở thủ đô, nên ông Võ Nguyên Giáp được BCT phân công giúp đỡ việc sửa
sai ở Hà Nội. Vì thế, thỉnh thoảng tôi đến nhà ông Giáp làm việc. Đôi khi chúng
tôi cũng nói chuyện với nhau về những vấn đề chung. Một hôm tôi hỏi thẳng ông:
trong CCRĐ có bao nhiêu người bị oan. Ông Giáp nói hai vạn. Lúc đó tôi không
dám hỏi thêm cụ thể hơn - thế thì bao nhiêu người bị chết oan, vì tôi biết là
mình đã đụng đến vấn đề cấm kỵ nhất của Đảng. Cho đến nay, tôi không biết con
số mà ông Giáp nói với tôi có thật hay không, nhưng hôm đó ông trả lời tôi tức
thì, không nghĩ ngợi gì, nên tôi cũng có phần tin. Còn số người bị hành quyết
trong CCRĐ và Chỉnh đốn tổ chức thì tôi ước đoán là chừng năm-sáu nghìn người.
Đó là chưa kể nhiều người bị chết vì các lý do khác, như tự tử trước khi xét
xử, chết khi bị tra của hay bị giam cầm ở xã, chết trong tù, người nhà địa chủ
chết đói do bị bao vây, v.v ... Tại cuộc mít tinh tối 29.10.1956, ông Võ Nguyên
Giáp chỉ cho biết con số 12 nghìn cán bộ và đảng viên đã được trả tự do mà
thôi! Con số đó đúng hay không, ai mà biết được! Tóm lại, những con số về người
bị thiệt mạng trong CCRĐ vẫn chưa xác định được. Dù thế chăng nữa, với những
con số ước tính đã cho thấy đây là một tội ác tày trời. Tội ác này chính là tội
ác chống nhân loại!
Còn chuyện "sửa sai" thì cũng chỉ
là một lối "tung hoả mù" chủ yếu để làm dịu đi phần nào nỗi công phẫn
dữ dội của dân chúng, tránh những cuộc bùng nổ bất lợi cho Đảng mà thôi. Chúng
tôi đã từng đi làm sửa sai nên biết khá rõ. Có nhiều cái sai không thể nào
"sửa" được. Bắn giết người ta, làm què quặt thân thể, làm tổn hại tâm
thần người ta (có không ít người bị điên, bị mất trí, bị lẩn thẩn), làm gia
đình người ta tan vỡ ... thì chỉ có Trời mới sửa được! Ngay cả những việc tưởng
chừng không khó sửa lắm, nhưng cũng không thể sửa nổi, chẳng hạn, gia đình bị
quy là địa chủ, nhà cửa bị tịch thu chia cho mấy hộ nông dân, khi được xét là
quy oan phải trả lại nhà cho người chủ cũ. Nhưng, khi biết là phải trả lại nhà,
các ông bà nông dân bèn cạy gạch, cạy cửa, dở ngói, rút rui mè, cất giấu hết,
phá phách gần như tan nát cả ngôi nhà họ đang ở. Nên cái nhà được trả lại đâu
còn nguyên vẹn như trước. Còn các "quả thực" khác khi đã chia rồi thì
sửa sai làm sao được! Thóc lúa, nông dân ăn hết, bán hết rồi (hoặc khai như
thế), nông cụ bị tiêu tán hết (hoặc khai hư hỏng rồi), thì lấy gì mà trả lại
cho người ta. Đó là không nói đến những quan hệ tình cảm đã bị tổn thương, giữa
vợ chồng, giữa anh em, giữa họ hàng, giữa thầy trò, giữa hàng xóm, láng giềng
thì chẳng làm gì được, ngoài việc khuyên nhủ chung chung. Trong sửa sai chỉ có
việc này làm được là trả tự do cho những người bị tù oan. Còn việc khôi phục
lại chức vụ cho một số cán bộ đã bị đấu tố cũng đã thực hiện, nhưng cũng không
giản đơn vì quan hệ khá phức tạp giữa cán bộ mới với cán bộ cũ.
Nhân thể cũng xin nói thêm, khi hội nghị lần thứ 10
của TW ĐLĐVN hồi tháng 09.1956, TW buộc phải thừa nhận những sai lầm nghiêm
trọng trong CCRĐ, người ta cũng đổ lỗi một phần cho cấp dưới đã thi hành sai,
chứ TW Đảng không nghiêm khắc tự phê phán mình, họ vẫn coi "đường lối
của TW về cơ bản là đúng", chỉ có "việc tổ chức thực hiện
không đúng" mà thôi. Họ vẫn khư khư khẳng định: CCRĐ dù có sai lầm "nhưng
về cơ bản vẫn giành được thắng lợi lớn". Điều đó nói lên sự giả dối,
nguỵ biện, sự không thực lòng hối hận của họ. Thế thì làm sao mà Đảng sửa sai
được ?! Còn cái gọi là thi hành kỷ luật với các ông lãnh đạo CCRĐ cũng chỉ là
trò hề "giơ cao đánh khẽ" để lừa dối dư luận mà thôi. Trường Chinh
mất ghế Tổng bí thư, nhưng lại vẫn là uỷ viên BCT, chuyển sang ngồi ghế Chủ
tịch Quốc hội, lại phụ trách công tác tư tưởng, rồi chính ông ta đã cùng Tố Hữu
bày ra vụ Nhân Văn - Giai Phẩm đàn áp quyết liệt anh chị em trí thức ưu
tú, khao khát tự do, làm bao văn nghệ sĩ tài ba bị tù dày, bị đàn áp, bị treo
bút trong hàng mấy chục năm trời, đánh một đòn nặng nề vào nền văn học miền
Bắc, làm nó bị thui chột trong nhiều thập niên.
Hoàng Quốc Việt (một người nổi tiếng "ác liệt
nhất" chẳng những trong CCRĐ mà trong nhiều vụ trước nữa, chẳng hạn, vụ
H122 xảy ra trong kháng chiến chống Pháp, ông phụ trách xét vụ này, đã bắt giam
nhiều cán bộ, phần đông là cán bộ quân đội, và làm chết oan nhiều người), bị
đưa ra khỏi BCT thì lại trao chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao là chức
vụ nắm quyền sinh quyền sát con người.
Lê Văn Lương chịu trách nhiệm về Chỉnh đốn tổ chức
đã làm cho nhiều cán bộ đảng viên ở xã bị bắn giết, bị tù đày, phải ra khỏi BCT
thì sau này lại được đưa về làm bí thư Thành uỷ Hà Nội, còn Hồ Viết Thắng bị
đưa ra khỏi TW Đảng thì lại cho làm uỷ viên thường trực Uỷ ban Kế hoạch nhà
nước!
Trái lại, người ngoài Đảng mà dám thẳng thắn phát
biểu ý kiến với ĐCS, cho dù nhẹ nhàng chăng nữa, như trường hợp luật sư Nguyễn
Mạnh Tường đọc bài tham luận tại hội nghị Mặt trận Tổ quốc phê phán cuộc CCRĐ
và đưa ra những đề nghị hợp lý thì Đảng trù dập ông, dồn ông vào cảnh khốn cùng
cho đến chết! Và thử hỏi có bao giờ TW Đảng thành thực sám hối về những sai
lầm, những tội ác của mình hay không?
Chẳng những không sám hối mà cả cho đến ngày nay,
ĐCS vẫn cứ nói lấy được là CCRĐ đã giành được thắng lợi lớn: "thực hiện
ước mơ nghìn đời" của nông dân - đem lại ruộng đất cho người cày. Đây
là một sự dối trá trắng trợn. Vì ruộng đất nông dân được chia thì một phần đáng
kể là của những người bị quy oan, khi sửa sai cuối cùng phải trả lại. Phần
ruộng đất chia còn trong tay nông dân, họ chưa kịp được hưởng gì trên mảnh đất
được chia đó thì năm 1957-1958, ĐCS đã bắt đầu lùa họ vào hợp tác xã để tập thể
hoá nông nghiệp, nghĩa là họ không còn làm chủ ruộng đất của họ!. Vả lại, xét
cho cùng, "đem lại ruộng đất cho người cày" đâu có phải là mối
quan tâm chính yếu hay là mục đích tối hậu của Đảng?
Cho nên đến khi sửa đổi Hiến pháp sau ngày thống
nhất đất nước, bằng một điều khoản mới trong Hiến pháp, Đảng đã nhẹ nhàng quốc
hữu hoá toàn bộ ruộng đất trong cả nước!. Thế thì làm sao có thể nói là Đảng
"đem lại ruộng đất cho người cày" được ?! Quả thật là người
nông dân chịu bao nhiêu đau thương tang tóc cuối cùng chẳng được gì cả!
Thứ
hai. Tội phá hoại truyền thống tốt đẹp mấy nghìn năm của dân tộc.
Truyền thống hiếu hoà, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau
ở nông thôn Việt Nam được dân tộc ta xây dựng hàng nghìn năm đã bị ĐCS phá vỡ
trong vòng ba-bốn năm CCRĐ. Nếu ai đã từng sống ở nông thôn Việt Nam trước "cách
mạng", trước CCRĐ đều cảm nhận cái tinh thần "đùm bọc
nhau", "lá lành đùm lá rách" còn khá đậm đà trong mối
quan hệ giữa người với người. Cố nhiên, không ai nói là ở các làng quê không có
những kẻ bóc lột, nhưng tinh thần chung ở nông thôn ta là như vậy. Với cái
chính sách "phân định thành phần giai cấp", ĐCS chia cư dân
nông thôn thành cố nông, bần nông, trung nông (có ba loại, trung nông yếu,
trung nông vừa, trung nông cứng), phú nông (có hai loại, phú nông thường, phú
nông ngấp nghé địa chủ - đây là "sáng kiến" của người chấp hành để
khi cần thì dễ "kích" họ lên địa chủ, chứ trong chính sách thì không
chia ra), địa chủ (có mấy loại, địa chủ yêu nước và kháng chiến, địa chủ
thường, địa chủ cường hào ác bá, địa chủ phản động). Sự phân chia có vẻ
"khoa học" lắm, nhưng khi thực hiện thì tất cả đều do cảm tính chủ
quan, do nhu cầu của "đội" (khi trên bắt phải đủ 5% địa chủ, bắt phải
có ác bá, phản động để bắn, thì cứ phải "kích" lên cho đủ số), do ý
muốn chủ quan của "ông đội" (nhiều khi ý muốn đó rất quái đản, thấy
thái độ của đương sự có vẻ ngang bướng thì cứ "kích" lên cho bõ
ghét). Về nguyên tắc, muốn phân định thành phần thì phải "tố khổ",
phải "tố" nhau, vạch nhau ra để "xếp" thành phần. Với lối
xúi giục, cưỡng ép người dân tố giác lẫn nhau rất phổ biến trong CCRĐ, nên từ
đó họ chia rẽ nhau, thù ghét nhau.
Cũng có nhiều người lúc đầu không muốn
"tố" ai hết vì không muốn làm trái lương tâm, nhưng ai không chịu "tố"
thì bị đội CCRĐ coi là chưa "dứt khoát", "có liên
quan", v.v ... cuối cùng thì ai cũng tham gia vào cuộc "tố"
lẫn nhau để giữ mạng mình. Đây là số đông.
Nhưng cũng có không ít những kẻ hoặc vì tư thù, hoặc
vì muốn trục lợi, "tố điêu", "tố láo" để ngoi
lên làm "rễ", làm "cốt cán", làm cán bộ, để
được chia "quả thực" nhiều hơn. Mà thường cái đám người này
nghèo túng vì lười biếng, vì rượu chè, cờ bạc, có khi là những phần tử lưu
manh, nhưng thường lại được đội coi như là bần cố nông để dựa, o bế, sử dụng
nhằm ... hoàn thành nhiệm vụ của đội. Một điều kỳ quái cần nói nữa là: mọi lời "tố"
của nông dân đều không cần bằng chứng, hơn nữa mọi lời "tố"
của họ đều được coi là bằng chứng, đều được ghi vào hồ sơ tội trạng!. Không cần
có bất cứ một sự kiểm chứng nào hết! "Lý luận" chung hồi đó là
"phải tin tưởng ở quần chúng", "nông dân lao động đã
nói là đúng". Thế là không còn ai cãi được nữa!
Chính vì thế, khi đội cần "đánh vào"
bí thư hay chủ tịch uỷ ban kháng chiến trước ở vùng tạm bị chiếm, nay bị coi là
tổ chức cũ, mà có một ai đó "tố" là "chúng nó họp Quốc
Dân Đảng" thì bị "lên hồ sơ" ngay là "bí thư
Quốc Dân Đảng", và anh ta khó tránh khỏi cái án tử hình!. Một nông dân
"tố" một người bị "kích" lên địa chủ là "hồi
kháng chiến, khi máy bay địch tới, tôi thấy hắn nhìn lên trời và chỉ chỏ cái gì
đó", tức thì bị quy ngay là "gián điệp" và số phận
anh ta coi như là "đi đứt"! Có thể là thế hệ mới lớn lên, nhất
là những người đang sống ở các nước dân chủ tiên tiến, thì khó mà tin là đã có
những chuyện như thế. Khốn thay đó lại là sự thật đắng cay đã từng xảy ra trong
lịch sử nước nhà!
Tóm lại, CCRĐ làm cho nội bộ nông dân chia rẽ trầm
trọng, làng xóm đảo lộn lung tung! Đến khi ĐCS tuyên bố sửa sai thì tình hình
nông thôn lại cực kỳ hỗn loạn: những vụ ẩu đả, đâm chém, trả thù nhau giữa
những người bị "tố oan" với những kẻ "tố điêu",
giữa những người bị tước đoạt tài sản với những người được hưởng "quả
thực", giữa cán bộ cũ bị quy kết phản động và bị tù tội với cán bộ mới
"ngoi lên" trong CCRĐ ... Di sản nghìn năm rất đáng quý mà cha
ông ta đã để lại là tinh thần đùm bọc, hoà hiếu nhau của người dân nông thôn
miền Bắc đã bị phá huỷ từ ngày CCRĐ. Lẽ nào đó không phải là một tội ác ?
Thứ
ba. Tội phá hoại đạo lý, luân thường của dân tộc.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam chưa bao giờ đạo lý
làm người bị đảo điên một cách quái đản như trong CCRĐ. Các đội CCRĐ không từ
một cách nào hết để "tìm ra địa chủ", "tìm ra phản
động", "tìm ra của chìm", họ ép buộc con cái "đấu
tố" cha mẹ, con dâu "đấu tố" bố mẹ chồng, con rể "đấu
tố" bố mẹ vợ, vợ "đấu tố" chồng, anh em "đấu
tố" lẫn nhau, trò "đấu tố" thầy, kẻ hàm ơn "đấu
tố" người đã làm ơn, láng giềng hàng xóm "đấu tố" lẫn
nhau! (Cũng có trường hợp cha mẹ bấm bụng khuyên con cái "đấu tố"
mình để mong cứu mạng cho con cái). Thật là một tấn bi kịch hãi hùng!
Những người bị quy là địa chủ ngay lập tức bị tước
mọi quyền làm người, bị hạ nhục, bị chà đạp, ngay lập tức phải thay đổi cách
xưng hô trước nông dân, phải cúi đầu lễ phép "thưa các ông, các bà nông
dân", phải xưng "con" trước mặt nông dân, dù đó chỉ
là một đứa trẻ con. Còn nông dân thì tha hồ gọi người kia là "thằng
kia", "mụ kia", "con kia", là "mày",
"chúng bay" và tự xưng là "tao", "chúng
tao", thậm chí có thể chửi mắng, xỉ vả. Chẳng ai dám làm trái lại cái "lệ
mới" đó - đội tuyên bố phải đối xử như thế mới "nâng cao uy
thế nông dân", mới "đánh gục giai cấp địa chủ" được!
Không làm thế là "bênh địa chủ", "mất lập trường giai
cấp", thậm chí "có liên quan với địa chủ"! Ngay cả
đứa bé con cũng có thể mắng mỏ, sỉ nhục người lớn đã bị quy là địa chủ. Những
người này, dù là thứ bậc thế nào trong họ tộc cũng đều bị bà con họ tộc xa
lánh, để không "bị liên quan". Còn khi hành quyết người bị án
tử hình thì những người thân thích, ruột thịt của người ấy, từ già cả cho đến
trẻ con, đều bắt buộc phải có mặt để chứng kiến tận mắt cảnh tượng đó! Đúng là
sự khủng bố tinh thần cực kỳ vô nhân đạo!
Một tình trạng thương tâm nữa là nhiều gia đình ở
nông thôn (và cả ở thành phố có liên hệ với nông thôn) đã tan vỡ, con cái bơ
vơ, vì khi một trong hai người có gia đình bị quy (hoặc bị kích lên) thành phần
địa chủ, bị gán tội phản động, thì bên kia, tức là vợ hay chồng, sợ liên luỵ
phải bỏ nhau. Nhiều người đi lập gia đình khác, có con hoặc chưa có con với
chồng hay vợ mới. Đến sau này thấy sai, người bị bắt đi tù nay được trở về, thế
là bao nhiêu chuyện rắc rối xảy ra đến nỗi Bộ tư pháp VNDCCH phải ra thông tư
ngày 19.04.1956 để "giải quyết những vụ vợ chồng bỏ nhau".
Thật là mỉa mai, người ta cho rằng có thể hàn gắn được tình cảm yêu thương
trong gia đình đã bị thương tổn nặng nề bằng một tờ thông tư vô hồn của Bộ tư
pháp! Tình yêu của nam nữ cũng bị xâm phạm nghiêm trọng giống hệt như thế - để
giữ lập trường giai cấp ai cũng phải cắt đứt với người yêu thuộc thành phần địa
chủ, phản động!
Đây cũng là một nét về đạo đức nữa cần phải nói đến.
Chưa bao giờ sự giả dối trắng trợn được đề cao như trong CCRĐ. Chẳng cần phải
nói tới việc các "anh đội", "chị đội" báo cáo
láo cho đoàn, vì nó quá thường, mà cái cần vạch ra ở đây chính là người ta ép
buộc, khuyến khích người nông dân nói dối, làm láo. Dần dà rồi người nông dân
cũng thấy cần phải nói dối, làm láo để "qua khỏi cái đận CCRĐ",
họ cũng "tố bậy", "tố điêu" dù trong thâm tâm
biết mình đang nói dối, vu khống. Cũng có người cố giữ lương tâm trong sạch,
nhưng thường họ phải trả giá đắt cho điều đó. Cho nên cơn dịch dối trá cứ lan
tràn. Đội cũng dạy thêm cho nông dân quen làm những việc giả dối, chẳng hạn như
dặn họ: khi thấy trên màn ảnh xuất hiện hình địa chủ thì phải hô "đả
đảo", hay vừa hô vừa ném đá vào hình địa chủ để tỏ lòng uất hận của
mình. Thế là nông dân cũng làm theo. Tất nhiên, cũng không loại trừ cái hiện
tượng gọi là "tâm lý đám đông", khi người ta hành động như
trong một cơn lên đồng tập thể. Chẳng hạn, mỗi lần chiếu phim "Bạch Mao
Nữ" củaTrung Quốc, thì có nhiều người khóc nức nở, và khi xuất hiện
hình địa chủ là bên dưới ào ào ném đá vào màn ảnh. Chính vì thế, các diễn viên
kịch thường từ chối lên sân khấu đóng vai địa chủ vì sợ vỡ đầu sứt trán.
Chủ trương của UBCCRĐTW là trong các cuộc đấu địa
chủ, nhất là địa chủ cường hào ác bá đều phải chuẩn bị rất chu đáo để ra "đấu
trường" không được vấp váp. Thế là trước ngày đấu, mọi "rễ",
"chuỗi", dân quân, công an, toà án, chủ tịch đoàn ... đều phải
"diễn tập" như thật, ai lên "đấu" trước, ai
lên "đấu" sau, "tố" thế nào, xỉa xói ra sao,
nói gì, khi nào người "tố" phải cảm động khóc lóc, khi nào
người dân phải hô "đả đảo" (khi người bị "tố"
không nhận tội ...), lúc nào thì bắt địa chủ quỳ (quỳ là biểu hiện của sự "bị
đánh gục"!), lúc nào thì "hoan hô" (khi toà tuyên án
tử hình, tịch thu tài sản ...).
Chủ tịch đoàn những cuộc đấu lớn đều là "rễ",
"chuỗi", cốt cán mới đào tạo trong vài tháng, nói năng ngượng
nghịu, lúng ta lúng túng, điều khiển thế nào nổi, nên khi ra "đấu
trường", thường "anh đội", "chị đội"
phải ngồi sau lưng nhắc, như người nhắc tuồng (souffleur) ở rạp hát! Cũng có
khi nhắc mãi không được, chủ tịch đoàn cuống lên, thì "anh đội"
giật micro và điều khiển luôn. Tóm lại, một sự diễn kịch, một trò giả dối lố
bịch, trắng trợn, mà không hề không biết ngượng! Nhưng cái nguy hại chính là sự
giả dối đó cứ thấm dần vào tiềm thức cán bộ và người dân, tạo nên một nếp sống
giả dối vô đạo đức của nhiều người!
Thứ
tư. Tội phá huỷ truyền thống tâm linh và văn hoá của dân tộc.
Bằng cuộc CCRĐ, ĐCS cố tình triệt hạ các tôn giáo và
truyền thống tâm linh của dân tộc. Trước CCRĐ, các nhà thờ Thiên chúa giáo, các
tu viện, nhà cô nhi ... đều có ruộng đất riêng, các chùa có ruộng hậu do tín
chủ cúng cho chùa, các nhà thờ họ có ruộng họ, các đình có ruộng làng ... để lo
việc sửa sang, tu bổ nhà thờ, chùa, đình, cúng tế hàng năm, việc từ thiện, v.v
... và để nuôi sống các linh mục, tu sĩ, tăng ni và những người chuyên lo việc
trông nom, thờ phụng ... Nhờ thế hoạt động tôn giáo, tâm linh, từ thiện được
tiến hành bình thường không có trở ngại. Nhưng với chính sách CCRĐ của ĐCS, tất
cả các ruộng đất đó đều nhất loạt bị coi là ruộng đất phong kiến và bị trưng
thu để chia cho nông dân.
Với cái đòn độc địa đó, tất cả các nhà thờ, tu viện,
nhà cô nhi, chùa chiền, điện thờ, miếu mạo, nhà thờ họ, đình ... đều trở nên
điêu đứng và đần dần tàn tạ. Riêng đối với nhà thờ Thiên chúa giáo, do phong
trào giáo dân ồ ạt di cư vào Nam, nên về sau Đảng đã phải để lại cho các nhà
thờ một ít ruộng đất. Người ta công nhiên dùng các cơ sở thờ cúng vào việc họp
hành, đóng quân, làm hội trường, làm kho hợp tác xã mua bán, kho hợp tác xã sản
xuất, v.v ... Có nơi thậm chí người ta cho các tượng Phật trôi sông. Nhiều nơi
bà con tín đồ bí mật cứu các tượng Phật, đem chôn, đem giấu hầm kín, sau này
phần lớn các tượng gỗ đều mục nát, thế nhưng cũng có ít tượng còn giữ được, vào
thập niên 80 bà con mới đưa lại vào chùa. Tóm lại, cuộc sống tâm linh hoàn toàn
bị xoá bỏ. Chữ "thiện", chữ "nhân" một thời
gian dài chẳng ai dám nói đến, vì giữa lúc cái ác tràn đầy mà nói đến chữ
"thiện", chữ "nhân" thì có thể bị coi là biểu hiện sự phản
đối!
Trong lúc đó, người ta lại đề cao bạo lực, cổ vũ đấu
tranh giai cấp, khuyến khích điều ác, điều bất nhân, điều vô đạo. Một điều rất
quái dị trong CCRĐ mà ĐCS lại coi là tự nhiên hoặc là cần thiết: người ta
thường xuyên huy động các cháu thiếu niên từ 9-10 tuổi trở lên tham gia CCRĐ.
Bắt chúng mang trống ếch đi cổ động, đi "đả đảo", "hoan
hô", tham dự các cuộc đấu tố, các phiên toà CCRĐ, các buổi hành quyết
công khai. Nhiều cháu, nhất là các cháu gái, vốn có tâm lý hiền lành bị bắt
buộc phải tham gia, đã không chịu nổi, run sợ, khiếp đảm, có cháu ngất xỉu
trước cảnh hãi hùng, súng bắn, máu đổ ... Còn các cháu vốn có tâm lý hung dữ
thì lại thích thú hoan hô, thậm chí sau khi "được" tham dự những cảnh
tượng đó, có nơi chúng lại bày trò chơi "đấu tố", bắt con cái
địa chủ quỳ để con cái nông dân lên đấu, cũng xỉa xói vào mặt, cũng xỉ vả, vạch
tội ... Chẳng biết có ai xúi giục không, nhưng nhiều nơi đã xảy ra những
"trò chơi" quái đản đó! Khi cái thiện bị nén xuống mà cái ác được cổ
vũ, thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên là đạo đức bị suy đồi, băng hoại dưới chế
độ của những người cộng sản. Tôi còn nhớ trong thời kỳ "cởi trói",
đã được đọc truyện ngắn "Bước Qua Lời Nguyền" của Tạ Duyên Anh
đăng trên tuần báo "Văn Nghệ" (1989) ở Hà Nội, truyện đó phản
ánh phần nào tấn bi kịch của giới trẻ nông thôn đã lớn lên trong và sau cuộc
CCRĐ đầy kinh hoàng. Không những CCRĐ đánh một đòn rất mạnh vào nền đạo lý và
truyền thống nhân bản, mà nền văn hoá dân tộc cũng vì nó mà bị tổn hại rất nặng
nề. Nhiều miếu đền uy nghiêm bề thế, nhiều bia đá là những di tích văn hoá lâu
đời của dân tộc đã bị huỷ hoại trong CCRĐ. ĐCS giấu kín những chuyện này, nhưng
cũng có thể nêu ra vài trường hợp. Mong rằng các bạn xa gần trong và ngoài nước
sưu tầm và bổ sung thêm.
Chẳng hạn, cụ Nguyễn Mai (1876-1954) là hậu duệ đời
thứ 14 của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, gọi thi hào Nguyễn Du (1765-1820) đời thứ
11 là bác. Đầu năm 1954, lúc 78 tuổi cụ bị đội và đoàn CCRĐ quy là địa chủ (vì
có vài mẫu cho phát canh để sống) lại bị "kích" lên thành phần
phong kiến cường hào (vì cụ từng đỗ cử nhân khoa Canh Tý (1900) lúc 24 tuổi,
lại đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1904) lúc 28 tuổi), mà thật ra cụ không hề nhận
chức tước, phẩm hàm gì, chỉ cam phận sống thanh nhàn ẩn dật.
Cụ bị đấu ba đêm liền, bị kết án 15 năm tù khổ sai,
bị giam ở trại Đâng, tỉnh Hà Tĩnh, là nơi nước rất độc, nên ngay mùa thu năm
ấy, cụ bị phù thũng chết trong trại tù, vùi xác ở ven rừng.
Cụ Nghè Nguyễn Mai từ trần trong uất hận là nỗi đau
lớn, nhưng nỗi đau còn lớn hơn nữa cho dân tộc là do cụ bị quy oan như vậy, mà
đội CCRĐ đã phá huỷ nhiều đền đài, bia, miếu thờ của các danh nhân họ Nguyễn
Tiên Điền và nghiêm trọng hơn nữa đã đốt cháy ngôi nhà năm gian chứa đầy thư
tịch quý giá của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, trong đó có di cảo của thi hào
Nguyễn Du. Một sự mất mát lớn lao về văn hoá không có gì bù lại được! (Xem sách
"Bể Dâu Trong Dòng Họ Nguyễn Du" của Đặng Cao Ruyện, NXB Miền
Đông Hoa Kỳ, 2002, tr. 200, 201).
Còn một chuyện này nữa. Trong cuộc hội nghị cán bộ
do TW Đảng triệu tập sau khi có nghị quyết sửa sai trong CCRĐ hồi tháng
09.1956, tôi được nghe ông Cù Huy Cận, lúc đó là thứ trưởng Bộ văn hoá, nói ở
cuộc họp tổ là tấm bia đá của Lê Lợi đã bị đội CCRĐ phá huỷ. Bộ văn hoá phải
cấp tốc thuê làm bia khác giống hệt bia cũ rồi đặt vào chỗ cũ và phải tuyệt đối
giữ bí mật để không ai biết là bia mới! Tôi không có điều kiện kiểm chứng,
nhưng chẳng lẽ ông thứ trưởng văn hoá lại nói sai?!
*
Như trên tôi đã viết, tuy là chuyện CCRĐ đã qua từ
lâu rồi, nhưng ngày nay, vẫn cần phải nói đến, vì ngày nay tập đoàn lãnh đạo
ĐCS đang cố viết lại lịch sử, đang cho bọn bồi bút xuyên tạc lịch sử để chạy
tội cho ông Hồ Chí Minh và cho ĐCSVN trong CCRĐ và cả trong nhiều việc khác
nữa.
Cần phải nói công bằng là trước năm 1950, ông Hồ và
ĐCSVN không nói đến CCRĐ, chỉ nói đến giảm tô, mà cũng chỉ trên giấy tờ và rất
coi nhẹ việc thực hiện. Chỉ từ năm 1952, vấn đề giảm tô và CCRĐ mới đặt ra một
cách gắt gao. Như vậy có thể nói là việc CCRĐ là do sức ép của Stalin và Mao
Trạch Đông. Nhưng khi ông Hồ đã nhận làm CCRĐ là ông và ĐCSVN đã làm một cách
tin tưởng và tích cực. Cũng có thể do yếu tố tâm lý của một người trước đây đã
từng bị Stalin và Quốc tế Cộng sản coi là hữu khuynh, thậm chí bị nghi ngờ,
không giao việc trong thời hạn dài, nay lại bị nhận xét là coi nhẹ nhiệm vụ
phản phong, thì ông càng phải cố tỏ rõ tinh thần mẫn cán, kiên quyết của mình.
Quả là hồi đó, ông Hồ và ĐCSVN cũng thật tình rất
tin tưởng vào Stalin và Mao Trạch Đông. Chẳng thế mà ông đã công khai nói trước
hội nghị cán bộ (1950) tại chiến khu Việt Bắc để chuẩn bị cho đại hội 2 của ĐCS
sẽ họp năm sau là: "Các cô các chú nên biết rằng: ai đó thì có thể sai,
chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể nào sai được".
Chính tôi có mặt trong cuộc hội nghị đó, tôi nghe rõ, nhiều người khác cũng
nghe rõ như thế, có điều bây giờ họ không muốn hay không dám nhắc lại mà thôi.
Đến đại hội 2 của Đảng (tháng 03.1951), ông Hồ lại
cũng nói đúng như thế, và cụ Nguyễn Văn Trấn cũng đã kể lại chuyện đó trong
sách của cụ "Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội". Cho nên ông Hồ làm CCRĐ
rõ ràng với sự tin tưởng và tích cực. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà cụ Vũ
Đình Huỳnh, người gần gũi ông nhất thời gian đó sau này đã "khẳng định
người chịu trách nhiệm chính trong sự gây ra những sai lầm trong CCRĐ là ông Hồ
Chí Minh, chứ không phải ông Trường Chinh, như đã có sự ngộ nhận kéo dài nhiều
năm. Trường Chinh là con dê tế thần cho sai lầm của ông Hồ" (xem "Đêm
Giữa Ban Ngày" của nhà văn Vũ Thư Hiên).
Theo tôi, đúng là ông Hồ phải chịu trách nhiệm
chính, như cụ Vũ đã nói, nhưng Trường Chinh chẳng phải là "con dê tế
thần" với cái nghĩa "oan dương" đâu, vì ông ta vừa là Tổng
bí thư, vừa là chủ nhiệm UBCCRĐTW, ông ta là người điều hành mọi việc CCRĐ hồi
đó, cho nên, nếu Trường Chinh không phải là thủ phạm số một thì cũng phải là
thủ phạm số hai. Cái ý của cụ Vũ, theo tôi hiểu, là TW Đảng trong hội nghị lần
thứ (09.1956) đã không đả động gì đến Hồ Chí Minh, đã không dám nói đến trách
nhiệm của ông Hồ (vì thi hành kỷ luật Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước thì ... ôi
thôi, ĐCS còn gì nữa!) mà chỉ đưa Trường Chinh và các ông khác ra "chịu
trận" mà thôi.
Sau này, trong giới thân cận với giai cấp cầm quyền,
có những người hay tung ra những câu chuyện về Hồ Chí Minh không tán thành chủ
trương CCRĐ, không tán thành việc xử tử bà Nguyễn Thị Năm, không tán thành làm
Chỉnh đốn tổ chức trong CCRRĐ, v.v ... Nhưng, xét cho cùng, loại chuyện đó chỉ
là những huyền thoại không hơn không kém. Những huyền thoại ấy nhằm đánh lừa
những người không biết tình hình thực tế hồi thập niên 50 ở miền Bắc và những
thế hệ trẻ hậu sinh, nhằm chạy tội cho ông Hồ để vớt vát cái gọi là "tư
tưởng Hồ Chí Minh" làm phao cứu mạng cho tập đoàn thống trị cộng sản.
Hoàng Tùng, nguyên tổng biên tập báo Nhân Dân,
nguyên bí thư TW ĐCSVN, nhiều năm làm tuyên huấn, v.v ... là một trong số những
"chuyên gia" sáng tác huyền thoại kiểu đó. Trong hồi ký "Những
Kỷ Niệm Về Bác Hồ", ông ta có kể lại về thái độ của ông Hồ đối với án
tử hình bà Nguyễn Thị Năm như sau: "Họp Bộ chính trị Bác nói: "Tôi
đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát
súng đầu tiên lại nổ vào người đàn bà, mà người ấy cũng giúp đỡ cho cách mạng.
Người Pháp nói không nên đánh đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa". Sau
cố vấn Trung Quốc La Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói: "Thôi tôi theo đa số,
chứ tôi vẫn cứ cho là không phải". Và họ cứ thế làm" (xem đoạn
trích, đăng trên tờ "Diễn Đàn Forum" ở Paris, số 123/11.2002, tr.15).
Khi kể chuyện này, Hoàng Tùng đã cố lờ đi mấy điều
thực tế lịch sử rất quan trọng: 1/ vào thời điểm nửa đầu thập niên 50, uy thế
của ông Hồ trong Đảng là tuyệt đối, một lời của ông đã nói ra thì không một ai,
kể cả các ông trong BCT, dám làm trái ý ông hết; 2/ tất cả các ông trong BCT
TW, không trừ một ai hết, đều răm rắp giữ đúng tư cách một người học trò khiêm
tốn, không bao giờ được phép quyết định những chủ trương lớn mà không có ý kiến
ông, huống hồ là việc làm trái ý ông. Hồi 1952-1953 thì không thể nào có chuyện
"Thôi tôi theo đa số" và "Và họ cứ thế làm"
được! Nếu thật sự ý thức được là "không nên đánh đàn bà, dù chỉ đánh
bằng một cành hoa", mà ông Hồ chỉ lắc đầu một cái thôi, chứ không cần
phải nói nhiều lời như Hoàng Tùng kể, thì chắc chắn là ông đã cứu được bà
Nguyễn Thị Năm! Mà không chỉ một mình bà Năm! Thêm nữa, cái chữ "họ"
trong câu của Hoàng Tùng "Và họ cứ thế làm" rất mập mờ: "họ"
là ai? Các ông trong BCT hay các cố vấn ?. Các ông trong BCT thì chắc chắn là
không. Còn các ông cố vấn có thể họ trái ý với ông Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng
của Việt Nam, nhưng họ không thể bắt ép ông được, họ chỉ là cố vấn, chứ không
có quyền biểu quyết, quyết định. Những cơ quan nào đã từng làm việc với cố vấn
Trung Quốc hồi đó đều biết cái nguyên tắc đó. Cho nên có thể khẳng định rằng:
Trong vụ án Nguyễn Thị Năm, đúng là ông Hồ đã không cứu bà Năm. Cũng như sau
này, trong vụ án Xét lại - chống Đảng, ông đã không cứu ông Vũ Đình
Huỳnh. Dù rằng ông biết rõ về họ.
Hơn nữa, một câu hỏi hoàn toàn chính đáng được đặt
ra: trong suốt ba-bốn năm đằng đẵng lẽ nào ông Hồ và BCT không hề hay biết gì
hết đến những thảm hoạ của người dân ở nông thôn mà họ cai trị hay sao ? Lẽ nào
ông Hồ, Trường Chinh và các ông khác trong BCT không biết rằng ở quê hương mình
những người đồng hương của họ đang khốn khổ ra sao ? Lẽ nào trong giới thân cận
của ông Hồ và các uỷ viên BCT không có một ai dám phản ánh tình trạng bi đát
của người dân cho họ biết hay sao ? Câu trả lời dứt khoát là: các ông ấy đều có
biết, nhưng các ông đều im lặng!. Im lặng đến nỗi ông Vũ Đình Huỳnh một lần
đang ốm cũng cố chống gậy lên Chủ tịch phủ gặp ông Hồ và nói toạc vào mặt ông: "Máu
đồng bào, đồng chí đã đổ mà Bác ngồi yên được à ? Chúng ta tuy không có học,
chúng ta dốt, chúng ta phải vừa làm vừa xây dựng chính quyền, vì dốt nát chúng
ta mắc mọi sai lầm, nhưng chúng ta không có quyền để tay chúng ta nhuốm máu
đồng bào, đồng chí!" (Xem "Đêm Giữa Ban Ngày").
Hoàng Tùng cũng đã lờ tịt cái thực tế lịch sử phũ
phàng này: Trong suốt thời gian CCRĐ, ông Hồ, với tư cách là Chủ tịch nước,
chưa hề ký một lệnh ân xá nào cho một ai bị án tử hình. Chỉ từ sau Đại hội lần
thứ 20 ĐCS Liên Xô và nhất là sau hội nghị cán bộ cao cấp và trung cấp của Đảng
(từ 28.04 đến 03.05.1956), do phản ứng rất mạnh của cán bộ thì mới có lệnh tạm
thời chưa thi hành các án tử hình. Nhưng, than ôi, lúc đó thì ... CCRĐ về cơ
bản đã gần xong rồi! Lúc đó các đoàn và UBCCRĐTW đang bắt tay làm báo cáo tổng
kết để chuẩn bị cho hội nghị TW Đảng kiểm điểm CCRĐ (tháng 09.1956).
Ngay cả việc Chỉnh đốn tổ chức trong CCRĐ, Hoàng
Tùng cũng cố tình đổ lỗi cho cố vấn Trung Quốc là chính, chứ không phải lỗi của
ông Hồ và ĐCSVN. Ông Tùng viết: "Thuyết của họ là không dựa vào tổ chức
cũ mà tổ chức lại một số tổ chức của Đảng, họ phủ nhận hết các tổ chức khác,
như chính quyền, các đoàn thể. Ai lãnh đạo cách mạng tháng tám thành công, ai
lãnh đạo cuộc kháng chiến từ năm 1945 đến năm 1953. Thế mà họ thẳng tay bỏ hết,
trong đó có mấy ngàn người bị xử tử. Mục đích của họ không phải là CCRĐ mà là
đánh vào Đảng ta. May mà dến năm 1956 ta kịp dừng lại (bao nhiêu đầu rơi,
máu đổ và CCRĐ cũng đã gần xong, thế mà bảo là "kịp"! - Người viết), nếu
không thì tan nát hết". Một đoạn khác: "Đánh thuế công thương
nghiệp, cải tạo tư sản cũng là do Trung Quốc đề ra. Hậu quả là hơn một triệu
người di cư vào Nam. Ta đổ tội cho Pháp, Mỹ, điều đó chỉ đúng phần nào, còn là
do ta vội, làm ẩu, đánh tràn hết. Không phải địa chủ mà phú nông, thậm chí
trung nông cũng đánh. Đảng viên tốt cũng bị đánh. Kết quả của những chính sách,
cải cách lúc đó là như thế" (xem tờ "Diễn Đàn Forum" nói
trên). Đúng là các cố vấn Trung Quốc chỉ biết có kinh nghiệm CCRĐ ở Hoa Nam,
khi Hồng quân tiến xuống phía Nam, hầu như không có cơ sở tổ chức của ĐCS, nên
có nhiều người không phải cộng sản cũng đã đứng ra lập tổ chức, lập chính
quyền, vì thế khi làm CCRĐ thì ĐCS Trung Quốc cố tình nhân cơ hội ấy quét sạch
các tổ chức đó đi lập những tổ chức mới của họ. Còn ở miền Bắc Việt Nam, tình
hình hoàn toàn khác hẳn. Không thể làm rập khuôn theo kinh nghiệm Hoa Nam được.
Tôi cũng chẳng thích gì các cố vấn Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ rằng cần phải xét
vấn đề khách quan theo đúng sự thật lịch sử, chứ không thể đổ lỗi, đổ tội tùm
lum cho họ tất cả được. Ông Hồ và BCT TW ĐLĐVN sống và làm việc ở Việt Nam, có
phải là trẻ con đâu mà bảo các ông cố vấn Trung Quốc xúi gì là làm nấy ? Chẳng
qua chỉ vì khi đã say men "lập trường giai cấp đấu tranh", say
men Marxisme-Leninisme, Stalinisme, Maoisme ... trong cuộc lên đồng tập thể,
thì chính các ông lãnh tụ cộng sản Việt Nam cũng "hăng hái" không kém
gì người ta. Tôi còn nhớ, có lần đọc bài nói chuyện của ông Hồ với cán bộ CCRĐ
đăng trên tờ nội san "Cải cách Ruộng đất" (tạp chí lưu hành
trong nội bộ), trong đó ông giải thích rất mộc mạc chủ trương không được dựa
vào tổ chức cũ như sau: "Tổ chức cũ là "tổ kén", các cô, các
chú không được dựa vào ...". Lại cũng cái lối dùng hình ảnh như việc
uốn tre đã nói trên! Năm 1962, khi nói chuyện về Tuyển tập Hồ Chí Minh với anh
Nguyễn Kiến Giang, lúc đó là phó giám đốc Nhà xuất bản Sự Thật, anh kể rằng: "Làm
tuyển tập đó chúng tôi mệt lắm, phải rà soát lại cả, bao nhiêu bài nói của ông
cụ trong CCRĐ phải loại bỏ hay thu gọn lại". Tôi hỏi anh có nhớ bài
ông cụ nói "Tổ chức cũ là "tổ kén" không ? Anh trả lời: "Có
chứ! Bài đó phải loại bỏ. Cán bộ đảng viên nông thôn người ta đang oán giận
đùng đùng, đưa vào tuyển tập thế nào được!". Nếu ông Hồ không tán
thành chủ trương của các cố vấn đối với tổ chức cũ ở nông thôn thì có ai bắt
ông phải nói thế đâu ?
Tôi
kể lại những chuyện đó chỉ để đi đến kết luận này: ĐCSVN chớ nên đổ lỗi, đổ tội cho ai cả, mà cần thấy hết cái trách nhiệm
lớn lao của mình trong CCRĐ. Chừng nào ĐCSVN chưa sám hối được về những tội ác
đã gây ra, thì người dân chớ có hy vọng là Đảng sẽ sửa đổi, sẽ đổi mới và sẽ
không tái diễn lại những tội ác trước đây.
Cũng
xin mọi người đừng quên: CCRĐ không phải là thảm hoạ
đầu tiên, cũng chẳng phải là thảm hoạ cuối cùng mà tập đoàn thống trị cộng sản
Việt Nam đã gây ra cho dân tộc ta!. Tôi không kể những thảm hoạ trước CCRĐ, mà
chỉ nói ngay liền sau CCRĐ là vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm, vụ án Xét
lại - chống Đảng, rồi Cải tạo công thương nghiệp, đánh đổ tư sản ở
miền Bắc, rồi cái nghị quyết số 49/NQ/TVQH của Thường vụ Quốc hội do Trường
Chinh ký ngày 20.06.1961, nhốt hàng chục vạn người vô tội ở miền Bắc vào các
trại tập trung khủng khiếp, rồi Tết Mậu Thân, v.v ... và v.v ... Nếu kể hết thì
ta thấy cả một chuỗi dài tội ác khủng khiếp đã qua và đang tiếp tục mãi cho đến
tận ngày nay. Cố nhiên, ngày nay người ta dùng thủ đoạn tinh vi hơn, nhưng bản
chất tội ác vẫn thế.
Tội ác mới gần đây nhất là vụ án Lê Chí Quang, xử
một nhà yêu nước chân thành, một chí sĩ đáng kính dù chỉ mới ngoài ba mươi
tuổi! Cái "tội" của anh là đã dũng cảm dấn thân vì nước, đã dám kêu
gọi đám cầm quyền hiện nay hãy cảnh giác kẻo mang tội bán nước cho Bắc triều,
đã dám đứng chân vào "Hội Nhân Dân Chống Tham Nhũng" những
mong trừ được quốc nạn cho dân tộc. Tập đoàn thống trị cộng sản Việt Nam đã
trắng trợn bày trò xử án để tống người thanh niên yêu nước vào tù, người thanh
niên đã từng tuyên bố đanh thép chí hướng của anh trong bài tiểu luận nổi tiếng
"Hãy Cảnh Giác Với Bắc Triều": "Tôi viết bài này khi
đang bị kìm kẹp trong vòng nghiệt ngã của các lực lượng bảo thủ và tay sai cho
Bắc Triều. Biết rằng, bài viết này không làm cho hào quang lấp lánh trên đầu
tôi mà trái lại, càng đẩy tôi sâu thêm vào vòng nguy hiểm. Ngay như đối với một
công thần của cách mạng, mà họ còn ngang nhiên tuyên bố xanh rờn: "...Sẵn
sàng hy sinh Hoàng Minh Chính để bảo vệ chế độ". Huống chi tôi chỉ là con
tốt đen dễ dàng bị biến thành vật tế thần cho bàn thờ Bắc Triều. Dẫu sao trước
hiểm hoạ khôn lường của tồn vong đất nước, tôi đâu dám nề hà xả thân, bởi tôi
tâm niệm câu nói của Hàn Phi Tử: "Nước mất, mà không biết là bất tri. Biết
mà không lo liệu, là bất trung. Lo liệu, mà không liều chết là bất dũng".
Chỉ mong sao tấc lòng nhỏ mọn này, được lương tri dân tộc trong và ngoài nước
soi thấu, và hết lòng, hết sức chỉ giáo" (01.10.2001).
Rất mong rằng trong dịp nhớ lại thảm hoạ CCRĐ,
"lương tri dân tộc trong và ngoài nước", nhất là lương tri giới trẻ
nhận thức rõ rằng chế độ độc tài đảng trị mà còn thì những thảm hoạ tương tự
vẫn sẽ còn tiếp tục, vì tập đoàn thống trị cộng sản không tôn trọng con người,
không tôn trọng sinh mạng và quyền tự do của con người, không tôn trọng luật
pháp mà chỉ coi trọng quyền lực của họ là tối thượng mà thôi. Nhắc lại thảm hoạ
CCRĐ, chúng tôi rất mong mọi người, nhất là giới trẻ noi gương Lê Chí Quang,
thêm quyết tâm tranh đấu sớm xoá bỏ chế độ độc tài nhằm chuyển hoá đất nước ta
thành một xã hội dân chủ đích thực, tạo điều kiện cho sự phát triển và phồn
vinh của Tổ quốc chúng ta.
15.12.2002
Nguyễn Minh Cần
Nguyễn Minh Cần
Giới
thiệu về tác giả
Ông Nguyễn Minh Cần sinh năm 1928 tại Huế. Ông vào
đảng Cộng sản Ðông Dương năm 1928;
Từ năm 1954 đến 1962 ông làm Ủy viên thường vụ Thành
ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, chủ nhiệm báo Thủ
đô Hà Nội.
Năm 1962 ông Nguyễn Minh Cần được đảng Lao động Việt
Nam (nay là đảng CSViệt Nam) cử đi học trường Ðảng Cao cấp tại Liên Xô.
Trong thời gian này, phe Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ, lúc
đó ngả theo đường lối chống Liên Xô của đảng CS Trung Quốc, đã mở một chiến
dịch truy bức quy mô nhằm thanh toán những người mà họ cho là có tư tưởng theo
chủ nghĩa xét lại của Liên Xô. Nhiều đảng viên và ngay cả những trí thức không
dính dáng gì đến đảng Lao động Việt Nam cũng bị hãm hại một cách đê tiện. Trước
tình hình đó, ông Nguyễn Minh Cần và một số đảng viên cao cấp khác của đảng Lao
động Việt Nam đã quyết định xin cư trú chính trị tại Liên Xô. Mặc dù Liên Xô đã
từ chối lời yêu cầu của Việt Nam và không giao trả ông cho Việt Nam nhưng đã
bắt ông không được phép hoạt động chính trị nữa và phải đổi cả tên họ (thành
tên Nga) để bảo toàn an ninh. Vợ và các con của ông ở Việt Nam bỗng nhiên trở
thành nạn nhân của chính sách trả thù hèn hạ của tập đoàn thống trị CS Việt
Nam.
Từ năm 1989 ông Nguyễn Minh Cần đã tham gia tích cực
vào "Phong trào nước Nga Dân chủ", một phong trào vận động dân chủ
lớn tại Nga. Cùng với người vợ Nga, ông Nguyễn Minh Cần đã tham gia vào chiến
dịch bảo vệ Tòa Nhà trắng của Phong trào và phá vỡ cuộc đảo chánh của phe nhóm
CS tại Nga vào tháng 8 năm 1991. Ông Nguyện Minh Cần hiện đã về hưu. Phần lớn
thời giờ ông dành để nghiên cứu Phật học và viết các bài nghiên cứu chính trị.
Ông hiện là một nhân sĩ và là một cây bút quen thuộc và được quí mến ở Mỹ và Âu
Châu. Quyển sách "Công lý đòi hỏi" (nhà xuất bản Văn Nghệ,
California, 1998) là tập hợp những bài viết của ông từ 1992 đến 1998.
Tác phẩm thứ hai sắp được xuất bản tác giả Nguyễn
Minh cần là quyển sách "Ðảng Cộng sản Việt Nam qua những biến động trong
phong trào cộng sản quốc tế". Ðiểm đặc biệt là quyển sách được viết dựa
trên những nhận thức mới, nhờ tác giả được vào tham khảo tại Kho Lưu trữ của
Quốc tế Cộng sản tại Moskva, nay là Trung tâm Lưu trữ Văn kiện Lịch sử Hiện đại
(RSKHIDNI).
-------------------------------
Em
Bé Lên Sáu Tuổi
Hoàng Cầm
Em bé lên sáu tuổi
Lủi thủi tìm miếng ăn
Bố: cường hào nơ. máu
Đã trả trước nông dân
Mẹ bỏ con lay lất
Đi tuột vào trong Nam
Từ khi lọt lòng mẹ
Ăn sữa, ngủ giường êm
Áo hoa lót áo mềm
Nào biết mình sung sướng
Ngọn sóng đang trào lên
Ai nghĩ thân bèo bọt
Nhưng người với con người
Vẫn sẵn lòng thương xót
Có cụ già đói khổ
Lập cập đi mò cua :
Bố mẹ nó không còn
Bỗng thương tình côi cút
Cụ nhường cho miếng cơm
Chân tay như cái que
Bụng phình lại ngẳng cổ
Mắt tròn đỏ hoe hoe
Đứng nhìn đời bỡ ngỡ :
- “Lạy bà xin bát cháo
Cháu miếng cơm, thầy ơi!”
Có một chị cán bộ
Đang phát động thôn ngoài
Chợt nhìn ra phía ngõ
Nghe tiếng kêu lạc loài
Chị rùng mình nhớ lại
Năm đói kém từ lâu
Chỉ mới năm tuổi đầu
Liếm lá khoai giữa chợ
Chạy vùng ra phía ngõ
Dắt em bé vào nhà
Nắm cơm dành chiều qua
Bẻ cho em một nửa
Chị bần cố nông cốt cán
Ứa nước mắt quay đi :
- ”Nó là con địa chủ
Bé bỏng đã biết gì
Hôm em cho bát cháo
Chịu ba ngày hỏi truy “
Chị đội bỗng lùi lại
Nhìn đứa bé mồ côi
Cố tìm vết thù địch
Chỉ thấy một con người
Em bé đã ăn no
Nằm lăn ra đất ngủ
Chị nghĩ : “Sau lấy chồng
Sinh con bồng bụ sữa”
Chị phải đình công tác
Vì câu chuyện trên kia
Buồng tối lạnh đêm khuya
Thắp đèn lên kiểm thảo
Do cái lưỡi không xương
Nên nhiều đường lắt léo
Do con mắt bé tẻo
Chẳng nhìn xa chân trời
Do bộ óc chây lười
Chỉ một màu sắt rỉ
Đã lâu nằm ngủ kỹ
Trên trang sách im lìm
Do mấy con người máy
Đầy gân thiếu trái tim
Nào “liên quan phản động”
“Mất cảnh giác lập trường”
Mấy đêm khóc ròng rã
Ngọn đèn soi tù mù
Lòng vặn hỏi câu hỏi :
“Sao thương con kẻ thù?
Giá ghét được đứa bé
Lòng thảnh thơi bao nhiêu!”
Hoàng
Cầm
No comments:
Post a Comment