Nguyễn Đạt Thịnh
(VienDongDaily.Com - 18/09/2014)
Bốn chữ "đảo ngược thuế vụ" dịch từ 2 chữ
tax inversions, mô tả phép phù thủy của giới triệu phú, tỉ phú Mỹ, đảo ngược
thương vụ của họ, để tránh thuế doanh nghiệp và thuế lợi tức tại Hoa Kỳ, hai thứ
thuế mà họ cho là quá nặng. Đảo ngược bằng cách dán nhãn ngoại quốc lên doanh
nghiệp của họ, bất chấp việc doanh nghiệp này tiến bộ và trường tồn được cho đến
ngày hôm nay được là nhờ óc sáng kiến, tài phát minh, và sức làm việc của người
Mỹ.
Một trong nhiều điển hình mới nhất về thuật đảo ngược thuế vụ, vừa diễn ra hôm thứ Hai mùng 8 tháng Chín 2014, biến hãng G.E. - General Electric - thành một hãng Thụy Điển. Từ 109 năm nay, G.E. trước sau vẫn là hãng Mỹ, với dàn kỹ sư Mỹ, thợ thuyền Mỹ cặm cụi làm việc để sản xuất đồ điện -từ cái bóng đèn đến mọi thứ máy móc gia dụng- và bán ra cho giới tiêu thụ tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.
Ông Jeffrey Immelt của GE
Nhưng từ ngày 9/8, một phần quan trọng của G.E. -toàn thể bộ phận sản xuất máy gia dụng- không còn là hãng Mỹ nữa, không phải đóng thuế Mỹ nữa; Hội Đồng Quản Trị G.E. đã biểu quyết bán toàn thể bộ phận đó cho hãng Electrolux của Thụy Điểm với giá $3.3 tỉ.
Trong sinh hoạt mới của thương trường Hoa Kỳ, bán cơ sở sản xuất trong lúc hãng đang làm ăn phát đạt không còn là một chuyện lạ đời, hay ngược đời nữa. Bán là chỉ bán trên danh nghĩa để trốn thuế, để vẫn thu lợi mà không phải đóng thuế.
Chỉ tính trong 6 năm mới rồi - từ 2008 đến 2013- GE lời $33.9 tỉ, đóng 9% thuế doanh nghiệp hết $3.05 tỉ, và được sở thế IRS hoàn lại $2.9 tỉ tax refund, chỉ còn đóng có $151 triệu tiền thuế. Đem số tiền thuế $151 triệu, chia cho $33,900 triệu tiền lời thì tỉ lệ thuế vụ của GE không tới nửa phần trăm; hãng GE giầu có, lời lớn, nhưng lại đóng thuế ít hơn người thợ, hay người gác cửa hãng. Năm 2012, GE để $108 tỉ ở quốc ngoại, tránh được $37.8 tỉ thuế lợi tức Liên Bang.
Trong những năm kinh tế khủng hoảng, GE nhận của chính phủ $16 tỉ tiền vay để có vốn hồi phục. Nhưng ngay sau khi sống lại nhờ tiền thuế của quần chúng người Mỹ, GE đem jobs Mỹ xuất cảng sang Tầu, sang Mexico, và sang nhiều quốc gia khác có công nhân giá rẻ, bỏ mặc công nhân Mỹ -những người vừa đóng thuế để Hoa Kỳ có tiền cho G.E. vay- mất việc, và thất nghiệp.
Năm ngoái, ông Jeffrey Immelt, CEO của GE lãnh $19 triệu, vừa tiền lương, vừa tiền thưởng; ngoài ra, tổng số tiền lương hưu của ông được ước tính khoảng $59 triệu.
Immelt là thành viên của tổ chức Bàn Tròn Doanh Nghiệp (Business Roundtable); hội này chủ trương nâng số tuổi người Mỹ được hưởng quyền lợi Medicare và Social Security đang từ 65 lên 70, chủ trương cắt tiền trợ cấp xã hội, cắt trợ cấp cựu chiến binh, cắt thuế doanh nghiệp, và tăng thuế lợi tức đánh vào những công nhân lãnh lương tháng.
James McNerney của Boeing
Immelt yêu thương Trung Cộng từ lâu; 12 năm trước,
ngày mùng 2 tháng Chạp 2002, trong một cuộc họp với những nhà đầu tư vào GE,
ông thuyết trình, “Tôi bảo những người managers của GE là họ chỉ cần biết một
chữ -chữ CHINA, CHINA, CHINA, VÀ CHINA. Tôi thích CHINA, tôi muốn sửa sai cách
người Mỹ nói về CHINA, viết về CHINA. GE sẽ đem $5 tỉ bạc doanh thương sang Tầu.
GE đã xây dựng một trung tâm kỹ thuật tại CHINA. Tôi muốn mọi thảo luận của
chúng ta xoay quanh CHINA.
“Giá thành của sản phẩm làm tại CHINA là điều tuyệt vời nhất. Chúng ta sẽ sản xuất cái tủ lạnh 18 foot khối trong xưởng máy Trung Quốc, đem cái tủ lạnh đó về bán tại thị trường Hoa Kỳ để gia tăng số lời nhờ mua vào thì rẻ mà bán ra lại được giá; chính GE chúng ta sẽ làm việc đó.”
Chuyện đảo ngược thuế vụ của GE được kể trước nhất trong bài báo này, chỉ vì chuyện đó mới toanh, chuyện vừa xẩy ra trong tháng Chín này, trước đó còn có nhiều vụ thay tên, đổi chỗ, khác, như vụ Boeing chẳng hạn. Cũng trong thời gian 6 năm (2008-2013) Boeing lời $26.4 tỉ, đóng thuế doanh nghiệp, và thuế lợi tức, rồi được IRS refund $401 triệu, tính ra thì tiền thuế chỉ bằng 2% tiền lời, trong lúc một công dân nghèo có lợi tức hàng năm, từ $1 đến $8,925 phải đóng 10% thuế.
Boeing là một trong những đại công ty Hoa Kỳ lãnh “trợ cấp xã hội doanh nghiệp” -corporate welfare; được ưu đãi đến như vậy mà họ vẫn xuất cảng vài chục ngàn jobs sang Tầu, và sang nhiều quốc gia có giá mồ hôi rẻ hơn Hoa Kỳ.
Boeing còn có một ngân hàng riêng được tài trợ bằng tiền thuế của quần chúng -ngân hàng Xuất Nhập Cảng Hoa Kỳ. Giới doanh thương gọi ngân hàng này là “Bank of Boeing” vì Boeing nhận nhiều trợ cấp xã hội dành cho doanh nghiệp tại đó.
Năm ngoái CEO của Boeing, ông W. James McNerney, lãnh tổng cộng $23.3 triệu -vừa lương, vừa bổng; McNerney cũng là thành viên của Business Round table như Immelt, cũng đòi công nhân phải đi làm đến 70 tuổi mới được hưu trí, và cũng chủ trương cắt bớt nhiều trợ cấp cho người nghèo, người tàn tật, và trợ cấp cho học sinh, sinh viên.
McAdam của Verizon
Hãng thứ 3 biết phép “đảo ngược thuế vụ” là Verizon
Wireless, công ty điện tử phục vụ gần 1 triệu rưỡi thân chủ, chỉ riêng trên
mạng Google; cũng trong thời gian 6 năm vừa kể (2008-2013) hãng lời $42.4 tỉ,
chỉ tính riêng lợi tức thực hiện trong những thương vụ tại Hoa Kỳ, và cũng chỉ
đóng dưới 2% thuế. Năm 2012, Verizon “cất” $1.8 tỉ ở nước ngoài để tránh thuế lợi
tức; nếu không tránh được, thì số thuế đó lên đến $630 triệu.
Lương và bổng năm ngoái của ông Lowell McAdam -CEO Verizon- là $15.8 triệu; giống như 2 ông CEO kia - Jeffrey Immelt và James McNerney- ông McAdam cũng là thành viên Business Roundtable, cũng chống tuổi 65 hồi hưu, và chống mọi thứ trợ cấp cho dân nghèo.
Doanh nghiệp thứ tư đảo ngược thuế vụ để trốn thuế
là Bank of America (BoA); năm 2010 ngân hàng này nhận $1.9 tỉ tax
refund, với số lợi tức $4.4 tỉ; năm khủng hoảng kinh tế BoA mượn của chính phủ
$1.3 trillion (1,300 tỉ) để hồi sinh.
Năm 2012 BoA có 300 chi nhánh hoạt động ở quốc ngoại, không đóng thuế doanh nghiệp, cũng năm đó BoA giữ $17.2 tỉ tiền lời ở ngoại quốc để không phải đóng thuế lợi tức. Nếu ngay thẳng, đem tiền về Mỹ, họ sẽ phải đóng khoảng $4.3 tỉ tiền thuế.
Năm ngoái CEO của BoA, ông Brian Moynihan, lãnh $13.1 triệu lương + bổng lộc, và như 3 ông CEO vừa liệt kê trong đoạn trên, Moynihan cũng là thành viên của Business Roundtable, và cũng chủ trương cắt tối đa mọi trợ cấp cho người nghèo.
Trong bảng liệt kê những tổ chức khổng lồ trốn thuế còn có Citigroup, lời $4 tỉ trong năm 2010, nhưng không đóng một đồng thuế lợi tức nào cả; hãng có thành tích nhận $2.500 tỉ tiền bailout để hồi sinh; ngoài ra còn có hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer, lời $43 tỉ trong 3 năm từ 2010 đến 2012, giấu tổng cộng $73 tỉ lợi tức ở ngoại quốc để trốn thuế.
Một tay yêng hùng trốn thuế nữa là Fed Ex; năm ngoài ông Frederick W. Smith CEO của hãng nhận $12.6 triệu lương, và bổng lộc. Hãng thứ 8 được truyền thông ghi tên trên bảng trốn thuế là Honeywell; hãng giấu $11.6 tỉ ở nước ngoài để trốn một số thuế khoảng $4.06 tỉ đánh trên lợi tức.
Năm ngoái CEO David Cote của Honeywell lãnh $25.4 triệu lương, bổng, và cũng là thành viên của Business Roundtable, cũng chủ trương cắt mọi trợ cấp cho người nghèo.
Cái apple iwatch trốn thuế
Gói cheese burger cũng chạy theo ra ngoại quốc.
Danh sách các hãng lớn trốn thuế còn rất dài, và trải rất rộng trên mọi sinh hoạt của Hoa Kỳ -từ hãng khổng lồ điện tử Apple, đến hệ thống fastfood không lấy gì làm ngon Burger King, mọi hãng đều tưng bừng kéo nhau ra ngoại quốc trốn thuế.
Tháng Bẩy vừa rồi, tổng thống Obama tố cáo việc trốn thuế là “unpatriotic” - là không yêu nước; lời tố cáo của ông không làm một vị CEO, cũng không làm một cái iPad, iPod, cái Apple Iwatch, hoặc một cái cheeseburger nào đỏ mặt ngượng ngùng vì tax inversions.
Mọi người, mọi cái bánh dành mọi thứ khổ cho ông ton ton; nếu ông biết văn hóa số tử vi của Á Châu và đã đi xin một lá số này, thì số của ông chỉ có 2 chữ “xúi quẩy”, vì ông cầm tinh con rệp. Là khôi nguyên hòa bình của Nobel, ông ghê sợ chiến tranh, nhưng lại đang vô cùng khó xử trong cái thế không muốn mà cũng không thể không gây chiến với giáo phái Sunny, vì giáo phái này đang nhắm mắt chấp nhận để mặc nhóm IS (những giáo đồ Sunny) tàn bạo giết người Iraq, đóng thánh giá vào cổ họng tín đồ Thiên Chúa Giáo, rồi cắt cổ cả người Mỹ lẫn người Anh.
Đó mới chỉ là nửa phần khó xử, cái phần quốc ngoại; phần quốc nội cũng không dễ hơn tí nào, ông đang chết đứng trước cảnh tỉ phú, triệu phú Mỹ, cùng với tài sản của họ, đội nón ra đi.
Hai
mâu thuẫn trong sinh hoạt kinh tế Hoa Kỳ hiện nay là (1) tư bản đem hàng Hoa Kỳ
ra làm tại ngoại quốc, đem tiền lời của công ty Mỹ Giấu ở nước ngoài; và (2) Quốc
Hội làm luật để hợp pháp hóa những việc đó.
Người Mỹ biết, tổng thống Mỹ biết việc thất thu thuế vụ là nguyên nhân của tình trạng thâm thủng ngân sách, tình trạng nợ nần tứ tung, nhưng không ai làm gì được để thay đổi, vì đảo ngược thuế vụ để trốn thuế đang là hành động vô cùng hợp pháp.
Tệ nạn đảo ngược thuế vụ chỉ mỗi ngày một trầm trọng hơn, chứ không cải thiện được vì những đạo luật cho phép xuất cảng jobs và cho phép trốn thuế được viết và được thông qua tại Quốc Hội, mà quốc hội lại do tiền tư bản bầu ra.
Chờ 2 tháng nữa cho đến ngày bầu cử tháng 11 này, để xem cảnh cử tri nghèo bỏ phiếu mua lưỡi dao Cộng Hòa đặt vào cả 2 viện Quốc Hội, lẫn phủ đầu rồng Bạch Cung; những lưỡi dao bén ngót đó sẽ ngọt lịm cắt đầu nạn nhân ngọt không kém lưỡi dao của tên đao phủ IS.
Nguyễn đạt Thịnh
No comments:
Post a Comment