Wednesday, 17 September 2014

TRƯNG CẦU DÂN Ý : LUÂN ĐÔN HỨA ƯU ĐÃI TÀI CHÁNH CHO SCOTLAND (Anh Vũ - RFI)




Anh Vũ  -  R F I
Đăng ngày 16-09-2014 Sửa đổi ngày 16-09-2014 16:02

Trước viễn ảnh Scotland tách ra khỏi Vương quốc Anh, sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 18/09 tới đây, các lãnh đạo chính trị tại Luân Đôn liên tục đưa ra những cam kết bảo đảm nếu ở lại Scotland sẽ được thêm nhiều ưu đãi về ngân sách cũng như độc lập hơn về tài chính.

Trong chuyến đi tới Scotland hôm qua 15/09/2014, Thủ tướng Anh David Cameron một lần nữa tìm hết cách để giữ cho được vùng đất này trong Vương quốc Anh.

Trong các phát biểu của mình hôm qua tại Scotland sau khi dùng mọi lời lẽ thuyết phục, cảnh báo người dân Scotland ở lại trong Vương quốc Anh, ông Cameron khẩn khoản đề nghị : « Tôi xin các vị đừng phá vỡ gia đình này ». Thủ tướng Anh một lần nữa hứa hẹn sẽ trao thêm quyền cho nghị viện Scotland trong trường nếu phe không ủng hộ độc lập thắng trong cuộc trưng cầu dân ý.

Càng gần đến ngày trưng cầu dân ý, các đảng phái chính trị tại Anh càng hối hả hoạt động tìm cách thuyết phục người dân Scotland bỏ phiếu không. Trong khuôn khổ một thỏa thuận dưới sự chủ trì của cựu Thủ tướng Anh người gốc Scotland, Gordon Brown, lãnh đạo ba đảng chính trị lớn của Anh Quốc cho biết họ mong muốn sẽ dành cho Scotland mức ngân sách cao hơn các vùng khác của Vương quốc Anh.

Trong khi đó lúc này, phe chủ trương độc lập, Thủ tướng Scotland Alex Salomond đang rốt ráo các cuộc vận động cuối cùng cho cuộc trưng cầu dân ý. Giới truyền thông từ khắp nơi trên thế giới đang đổ xô về Edimbourg để đưa tin về một sự kiện có thế làm lên cơn chấn động địa chính trị lớn nhất Vương quốc Anh từ trước tới nay.

--------------------------------

Đăng ngày 15-09-2014 Sửa đổi ngày 15-09-2014 18:07

Tách rời khỏi Luân Đôn là một « cơ may » hay « rủi ro » về phương diện kinh tế ? Bài toán kinh tế là một yếu tố đè nặng lên lá phiếu của cử tri Scotland ngày 18/09/2014. Với 130 tỷ bảng Anh, Scotland chiếm 10 % GDP toàn vương quốc Anh.

Phe muốn ly khai do thủ tướng Scotland Alex Salmond lãnh đạo, giải thích với cư tri rằng một khi độc lập, Scotland sẽ tự mình định đoạt về mức thuế khóa, tự quyết định về chính sách kinh tế và quản lý các nguồn thu nhập từ dầu hỏa mà không cần phải chia sẻ với Luân Đôn. Về mặt xã hội thì các nhà cầm quyền ở Edimbourg thường tỏ ra hào phóng hơn so với các nhà lãnh đạo ở Luân Đôn.

Nhìn từ phía « bên kia » phe chống đối việc Scotland tách rời khỏi Anh Quốc nhấn mạnh đến những thua thiệt một khi Edimbourg không còn được hậu thuẫn của Luân Đôn. Từ hơn 300 năm qua, Scotland được hưởng chính sách thuế khóa, hải quan và tiền tệ ưu đãi. Nhờ vậy mà nhiều tập đoàn của vùng đất này mới nổi bật trên toàn cảnh thế giới như First Group trong lĩnh vực giao thông đường sắt và xe buýt ; SSE trong ngành phân phối điện lực hay Royal Bank of Scotland trong giới ngân hàng. 270.000 ngàn công việc làm của vùng Scotland trực thuộc vào các hoạt động xuất nhập khẩu giữa vùng lãnh thổ này với nước Anh.

Tách rời khỏi Luân Đôn là cơ may hay mối đe dọa đối với kinh tế Scotland ? Chưa thể trả lời câu hỏi này. Có một điều chắc chắn, nếu cử tri Scotland muốn chia tay với Anh Quốc thì Edimbourg và Luân Đôn sẽ phải bàn về « thủ tục ly dị ».

Thứ nhất là ngày 24/03/2016 bản tuyên ngôn chính thức sẽ được công bố về việc Scotland chia tay với vương quốc Anh. Thứ hai là đôi bên sẽ có 18 tháng để làm thủ tục « phân chia tài sản » với hai câu hỏi chính : Scotland sẽ thay thế đồng bảng Anh bằng gì và nợ công cũng như thu nhập từ dầu hỏa khai thác từ vùng Bắc Hải phải được chia sẻ ra sao cho cả đôi bên ?

Trong khi chờ đợi kết quả cuộc trưng cầu dân ý, khu tài chính City của Luân Đôn đang « ngồi trên lửa » : hai tập đoàn ngân hàng lớn là Royal Bank of Scotland và Lloyds dọa chuyển trụ sở chính khỏi Scotland trong trường hợp vùng đất này chia tay với Anh Quốc.

Scotland nằm ở phía bắc nước Anh, trải rộng trên một diện tích gần 79.000 cây số vuông. 80 % trên tổng số 5,3 triệu dân là người Scotland và gần 8 % là người Anh. Trong số các cộng đồng người « nước ngoài », đông nhất là người Ba Lan.

Về phương diện kinh tế, vùng đất này tới nay vẫn sử dụng đồng bảng Anh. Nhìn đến các định chế chính trị, nguyên thủ quốc gia là nước hoàng Elizabeth đệ Nhị. Trớ trêu thay là dù muốn độc lập với Luân Đôn nhưng người dân Scotland vẫn gắn bó với đồng bảng Anh và nhất là với nữ hoàng Elizabeth.
Ngoài thủ tướng Anh, David Cameron vùng đất này còn có một nghị viện riêng, với người đứng đầu là thủ tướng Alex Salmond. Nghị viện này hiện đã kiểm soát các lĩnh vực như y tế, tư pháp, giáo dục, nông nghiệp, môi trường và chính quyền địa phương. Trong trường hợp đa số cử tri Scotland vào ngày 18/09/2014 đòi độc lập thì các hồ sơ tài chính, quốc phòng, năng lượng, ngoại giao, an sinh xã hội … đang do Luân Đôn định đoạt được chuyển cả về Edimbourg.

REUTERS/Cathal McNaughton



No comments:

Post a Comment

View My Stats