Wednesday 17 September 2014

ĐỪNG BAO GIỜ TÁI DIỄN MỘT CUỘC CCRĐ (Nhà văn Hoàng Minh Tường / Văn Việt)




Nhà văn Hoàng Minh Tường/Văn Việt   
17-09-2014

Văn Việt: Lẽ ra bài phỏng vấn này đã xuất bản vào sáng 13/9/2014 trên một tờ báo lớn ở Hà Nội. Nhưng đến phút chót, báo đã thay đổi, vì theo lệnh của Ban Tuyên huấn Trung Ương, Triển lãm về CCRĐ ở Bảo tàng Lịch sử đã đóng cửa. Nay được sự đồng ý của tác giả Văn Việt giới thiệu cùng bạn đọc.

Tiểu thuyết về CCRĐ

 1. Với tư cách là nhà văn có tác phẩm hay về CCRĐ, xin ông cho biết ông có trải qua thời kỳ CCRĐ không?

 CCRĐ diễn ra ở quê tôi khi tôi còn là cậu bé 8 tuổi (tôi sinh tháng Giêng, 1948). Ở lứa tuổi ấy, những gì còn lại đều được lưu giữ rất kỹ. Tôi nhớ như in cảnh cùng mẹ tôi đi đấu tố bố tôi tại sân chùa. Cảnh xử bắn địa chủ bên cánh Dinh đầu đình. Cảnh đội thiếu niên nhi đồng (mà tôi bị cuốn vào, muốn ăn theo chứ chưa được đứng trong hàng ngũ) chiều nào cũng đi tuần hành đả đảo địa chủ. Tôi cũng như bị nhập đồng cùng hô đả đảo bố mình là địa chủ cường hà đại gian đại ác. Tôi nhớ rõ, có lần bố tôi đứng trước cổng nhà một địa chủ được dùng làm nhà giam các địa chủ, xem bọn tôi đi qua, râu ông mọc tua tủa, nhìn tôi đầy thương cảm và khó hiểu... Bố tôi hai vợ, mẹ tôi là vợ cả. Khi cải cách mẹ tôi và hai chị em tôi thuộc phe bị bóc lột... Rồi mẹ tôi thuộc thành phần bần nông, bố và dì tôi thành phần địa chủ. Mẹ tôi được chia một gian nhà trong dinh cơ đại địa chủ Hoành. Rồi sửa sai, bố tôi xuống trung nông. Mẹ con tôi lại về nhà cũ. Cuộc chia chác căn nhà tranh năm gian (bố tôi bị quy địa chủ nhưng chỉ có 1,2 mẫu ruộng và ngôi nhà tranh 5 gian) cho hai bà vợ diễn ra ngay sau những ngày sửa sai. Hai giai cấp đối kháng, hai mối hận thù hằng ngày cùng sống trong một ngôi nhà. Tôi và chị tôi vừa là nạn nhân, vừa là chiến lợi phẩm của hai bên... Những ký ức về CCRĐ của tôi sau này được tôi tái hiện trong tiểu thuyết Thời của Thánh Thần.Tất nhiên không thể bê hết hiện thực cay đắng, trớ trêu, nghiệt ngã ấy vào tác phẩm. Tôi chỉ tái hiện phần nào và có chọn lọc. Và không chỉ riêng ký ức. Tôi đưa nhiều cảnh ngộ, thân phận, chi tiết cuộc đời của nhiều người, nhiều nơi mà cuộc CCRĐ diễn ra. Rất nhiều độc giả thuộc thế hệ tôi sau này, đọc tác phẩm đã khóc, nhiều người viết thư, điện thoại cho tôi, cảm ơn đã cho họ được sống lại một quãng đời cay đắng...

 2.  Xin ông cho ý kiến (nhận xét) về triển lãm CCRĐ đang diễn ra tại Viện bảo tàng Lịch sử.

Khi biết tin Bảo tàng lịch sử mở triển lãm về CCRĐ, tôi nghĩ, đã đến lúc phải cho hậu thế biết về một thời kỳ nhiều ân oán này. ÂN, tức là những thành tựu như giám đốc Bảo tàng đã nói, các hãng thông tấn, báo chí chính thống đã đưa tin. Rằng đây là một cuộc đổi đời của hàng triệu nông dân miền Bắc, người cày có ruộng, một cuộc cách mạng nhân đạo ở nông thôn vv... Ai cũng biết một đất nước mà 98 phần trăm là nông dân khi đó, một cuộc cách mạng về ruộng đất, với khẩu hiệu Người cày có ruộng, là đúng đắn. Nhưng, có cảm giác, với hơn một trăm hình ảnh được tái hiện trên ba chủ đề, cuộc triển lãm còn quá sơ sài, phiến diện, quá vội vàng trong việc tìm kiếm tư liệu, tổ chức, chưa đạt được tính trung thực, thậm chí còn bị hiểu sai về CCRĐ. Điều này chính là phần OÁN của cuộc CCRĐ, mà triển lãm này còn chưa hội được lòng người. Có rất nhiều hình ảnh, số liệu chưa được bạch hoá. Ví như vụ đấu tố điển hình địa chủ Nguyễn Thị Năm. Ví như hàng loạt vụ xử tử những đảng viên cốt cán bị quy oan là Quốc dân đảng. Ví như sự làm mưa làm gió của Đội (cải cách), về vai trò của cố vấn Trung Quốc, về các cuộc họp hành mớm cung, bồi cung, tố điêu địa chủ (để xảy ra cảnh con tố cha, vợ tố chồng, anh tố em v.v.). Đã đến lúc phải bạch hoá các con số: Bao nhiêu đảng viên , bao nhiêu trung nông, phú nông ưu tú, bao nhiêu địa chủ kháng chiến,nhân sĩ yêu nước, những chủ nhân ông thực sự của đồng ruộng bị tố oan, giết oan? Đã gần 60 năm, mọi sai lầm dần được lãng quên. Nhưng sự thật không thể bị chôn vùi, giấu diếm. Có cảm giác ở triển lãm này chưa làm được điều đó. Nên chăng, Bảo tàng Lịch sử coi đây là bước đầu báo cáo với người xem về ý tưởng, về hoài bão một đề tài lớn, bắt đầu đươc chuẩn bị. Sẽ phải kỳ công hơn nữa, tâm huyết hơn nữa. Và đặc biệt có một tấm lòng nhân ái, dám nhìn thẳng vào sự thật để tái hiện lịch sử, trả lại lịch sử những gì không thể chối bỏ, lãng quên.

 3. Với tư cách là nhà văn, chúng ta rút ra được bài học gì qua CCRĐ để không còn sai lầm trong tương lai.

Tất nhiên, đất nước chúng ta sẽ chẳng bao giờ tái diễn một cuộc cách mạng nào như CCRĐ nữa. Bởi hệ luỵ của nó là quá đau đớn, vô nhân, nó như một cơn địa chấn trong chính trái tim mỗi người.

Có thể hiểu như thế này chăng: Khi chúng ta quá chú trọng đến tiếng sôi réo của cái dạ dày mà nỡ bóp vỡ trái tim và khối óc, thì chúng ta thậm chí không còn giữ được hình hài cho đúng nghĩa một con người. Huống chi, cuộc cải cách này lại được khởi dựng bởi lý thuyết đấu tranh giai cấp, bị dẫn dắt bởi những tay cố vấn muốn bá quyền cả một đại lục, muốn áp đặt lên đất nước chúng ta một thứ chủ nghĩa quái gở…

Người ta muốn nói nhiều về mục đích nhân văn của CCRĐ, là người cày có ruộng, là mang lại quyền lợi cho mấy chục triệu người. Nhưng kinh tế sẽ không thể là cứu cánh duy nhất, khi chính chúng ta bất chấp mọi quy luật xã hội, bất chấp logic của đời sống. Cải cách kinh tế, chính trị, nếu bất chấp những quy luật nhân sinh, quy luật phát triển của văn hoá, nhân văn, không tổng hoà các yếu tố lịch sử, truyền thống… thì mọi cải cách đều dẫn đến bế tăc, thậm chí phản quy luật phát triển…

Có thể nói, CCRĐ cho tới giờ, vẫn là nỗi ám ảnh, nhức nhối cho vài ba thế hệ. Từng gia đình, từng dòng họ, từng xóm thôn đều bị phơi nhiễm căn bệnh giả dối, ác độc, phi nhân tính. Hàng triệu nông dân được chia quả thực, có ruộng đất, nhà ở, Nhưng lại có hàng vạn người chết oan, hàng triệu người rơi vào cảnh cha con, vợ chồng, anh em, xóm giềng sống trong thù hận, nghi kỵ, phản phúc…

Cần nhớ rằng, cuộc cách mạng Tháng Tám, rồi cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm, có công lao rất lớn của tầng lớp địa chủ yêu nước, những tinh hoa của nông thôn, nông dân. Hàng vạn con em của họ, trong đó có những Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp,Trần Huy Liệu, Hoàng Minh Giám, Tạ Quang Bửu…, những trí thức con địa chủ quan lại đã tình nguyện đi kháng chiến. Vậy mà, khi cuộc đi săn vừa kết thúc, thì thịt luôn cả thỏ và chó nhà. CCRĐ phạm sai lầm lớn nhất là bóp chết lòng yêu nước, triệt tiêu tinh hoa và động lực của nông dân, nông thôn. Nhưng nguy hại hơn là nó triệt tiêu đạo lý, triệt bỏ tình người. Con tố cha, vợ bỏ chồng, anh em hận thù, xóm làng phiêu tán… Bao nhiêu giá trị văn hoá, đạo lý, nghìn đời mới tạo dựng được, phút chốc đã tiêu tan. 

Cho nên, văn chương, nếu thực sự làm được thiên chức ghi lại những khúc quanh của lịch sử, thì nhà văn may ra còn giúp cho các thế hệ hậu sinh nhận diện lại một thời mà cha anh chúng ta đã từng phải trả giá. Để không đi theo vết cũ. Phải thấm nhuần hơn nữa đạo nghĩa của Ức Trai. Thắng giặc rồi hãy cởi bỏ hận thù. Phải biết “lấy trí nhân để thay cường bạo”. Để chúng ta không bị lừa phỉnh bởi những thứ học thuyết ngoại lai, phi bản. Để chúng ta sống với nhau nhân ái hơn, biết gìn giữ những tinh hoa quá khứ, những truyền thống đạo lý, để xây dựng một Đất nước Việt Nam sánh vai với thế giới hiện đại.

Ngày 12/9/2014.
HMT




No comments:

Post a Comment

View My Stats