Tú Anh - RFI
Thứ năm 11 Tháng Chín 2014
Như vũ bão, trong vòng một năm, lực lượng thánh
chiến Hồi giáo đã chiếm một phần rộng lớn lãnh thổ hai nước Irak và Syria. Thế
giới hoảng hốt, Hoa Kỳ lúng túng chiến lược. Cuối cùng « tiêu diệt khối u thánh
chiến », Washington quyết định thành lập một liên minh quân sự rộng lớn và kỳ
vọng vào sự hợp tác của các quốc gia khu vực. Một cuộc chiến lâu dài đang chờ
Tây phương vì đối thủ có tài chính dồi dào, nhân lực bất tận mà một phần là
công dân Tây phương.
Lá cờ đen của Nhà nước Hồi giáo phất phới trên hàng
loạt thành phố lớn nhỏ ở Irak và Syria từ hơn một năm. Nhưng phải chờ hình ảnh
hàng trăm ngàn tín đồ đạo Thiên chúa, đạo Hồi nhưng thuộc hệ phái Shi-a, rồi
người Kurdistan, người Yazidi chạy loạn trong cơn đói khát, kẻ bị chặt đầu,
người bị cưỡng hiếp bay đến Washington thì Nhà Trắng mới có phản ứng quan tâm
nhưng khẳng định là « không có chiến lược ». Phải chờ thêm hình ảnh hai phóng
viên Mỹ bị hành hình, Hành pháp Mỹ mới dứt khoát bắt đầu có phản ứng sử dụng vũ
lực.
Không những chủ động tại Irak, lực lượng thánh chiến
cực đoan theo hệ phái Su-ni cũng làm mưa làm gió trên chiến trường Syria nhưng
đa phần chiến tích là lấn áp phe đối lập võ trang, do Tây phương hậu thuẫn,
chống chính quyền Damas.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Hoa Kỳ do dự trong một thời
gian dài trước khi đích thân Tổng thống Mỹ tuyên bố chọn giải pháp can thiệp
trở lại tại Irak và ở Syria ? Tình thế cho cuộc chiến tại Irak có vẻ thuận lợi
nhưng ở Syria thì sao ?
Theo giới phân tích quốc tế thì Nhà nước Hồi giáo
chiến thắng không phải chỉ vì sức mạnh quân sự mà phần lớn là do sự rệu rã của
các chế độ mất nhân tâm trong khu vực và do những lỗi lầm của chính Tây phương.
Nhà
nước Hồi Giáo : thực lực và chiến lược
Nhà nước Hồi giáo là tên mới của tổ chức Nhà nước
Hồi giáo tại Irak và Trung Đông giờ đây kiểm soát một phần lớn miền bắc Syria
và tây bắc Irak. Lãnh đạo của tổ chức là Abu Bakr Al Baghdadi, một nhân vật bí
ẩn, sinh năm 1971, từng bị ngồi tù 4 năm trong một nhà giam của quân đội Mỹ ở
Irak. Nhân vật này tự xưng là « calif » hay người nối nghiệp của tiên tri
Mohamet và tuyên bố thành lập « califat » một chế độ chính trị hồi giáo.
Tuy xưng là « nhà nước » nhưng thực tế tổ chức này
không công nhận khái niệm biên giới và cũng không có một định chế chính trị,
kinh tế, quân sự nào. Ngược lại, Nhà nước Hồi giáo có một bản sắc rất rõ ràng
nhất là cội nguồn của tổ chức và thành phần nhân sự, tình nguyện đến từ bốn ngã
địa cầu.
Phong trào này hình thành tại Irak khi Hoa Kỳ đưa
quân lật đổ Saddam Hussein. Một nhóm chừng vài tay súng xuất thân từ hàng ngũ
thánh chiến Afghanistan tự xưng là thuộc mạng lưới Al Qaida ở Irak . Tuy nhiên,
ngay sau đó, nhóm này tách rời khỏi « học thuyết » của Ben Laden.
Thay vì chống Mỹ hay Israel « kẻ thù xa », họ đưa ra
phương châm hành động « diệt kẻ thù gần ». Thay vì chống lực lượng viễn chinh
Mỹ đang chiếm đóng Irak, nhóm này mở một cuộc chiến đẩm máu, đặt xe bom, khủng
bố tự sát giết người theo hệ phái Shi-a. Thái độ cực đoan của họ dẫn đến xung
đột tương tàn giữa những người cùng đạo . Hậu quả là tổ chức bị đánh trả tơi
bời, gần như tan rã, phải trốn sâu trong sa mạc.
Ngày
hôm nay, do đâu mà Nhà nước Hồi giáo quay trở lại với thế mạnh áp đảo ?
Trách nhiệm của Tây phương và các chính quyền vùng
Vịnh :
Theo phân tích của Peter Harling trên Le Monde
Diplomatique tháng 9/2014, đó là nhờ tất cả kẻ thù của phe thánh chiến đều suy
yếu, để cho Hồi giáo cực đoan một xa lộ thênh thang. Chính quyền Irak của thủ
tướng Nouri Maliki, chế độ Damas của nhà độc tài Syria Bachar Al-Assad đã huy
động mọi phương tiện trấn áp, kể cả vũ khí hóa học trong trường hợp Syria, để
nhân danh « chống khủng bố quốc tế » nhưng kỳ thực là tiêu diệt đối lập Su-ni.
Sau một thời gian tranh đấu bất bạo động trong làn gió « mùa xuân Ả rập » mà
không được cộng đồng quốc tế trợ lực, đối lập Su-ni bị thu hút vào con đường
tranh đấu bạo lực.
Cả Washington lẫn Matxcơva đều có trách nhiệm trong
diễn biến này nếu không muốn nói là đã cỗ vũ cho giải pháp chiến trường.Chính
quyền Hồi giáo Iran cũng không phải vô tội. Chính sách đối ngoại của Teheran
trong thời gian qua là bơm hơi cho phe Shi-a cực đoan, duy trì những « điểm
nóng » qua trung gian các tổ chức như Hezbollah ở Liban, đồng minh của chế độ
Damas ở Syria, đào thêm hố sâu chia rẽ hai hệ phái đạo Hồi .
Iran không phải là nhà nước duy nhất trong vùng đùa
với lửa. Các quốc gia dầu hỏa trong vùng Vịnh tung hàng tỷ đôla tài trợ cho
những nhóm hồi giáo quá khích để mua lấy bình yên. Thổ Nhĩ Kỳ, một thời gian
dài bỏ ngỏ biên giới cho các nhóm thánh chiến tình nguyện từ khắp năm châu, từ
Pháp, Đức, Anh, Ý cho đến tận nước Úc xâm nhập vào Syria.
Cuối cùng, Hoa Kỳ cũng đã gián tiếp góp gió nâng con
diều Nhà nước Hồi giáo lên cao : sau hai nhiệm kỳ gặp đâu đánh đấy của Tổng
thống George Bush junior, khi Barack Obama lên thay thì Mỹ thay đổi chinh sách
180° : phủi tay rút quân về nước. Trong khi đó thì tại Trung Đông, hai chế độ
Bagdad và Damas khánh tận biến thành môi trường mầu mỡ cho thánh chiến sinh
sôi.
Chỉ trong vòng hai năm 2013, 2014, thánh chiến Su-ni
không những ra khỏi bóng đêm mà còn kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn sau
khi đánh chiếm một loạt thành phố lớn như Rakka, Falluja, Mossul… và một khu
vực rộng lớn của Syria ở phía bắc.
Chiến lược của Nhà nước Hồi giáo rất đơn giản và
thực tế có thể tóm gọn vào hai chữ « củng cố thành quả ». Tuy tuyên truyền là
sẽ giải phóng thế giới, trên thực địa, phe này tập trung « củng cố thế lực »
trong khu vực kiểm soát.
Họ tập trung đánh chiếm và bảo vệ các giếng dầu, kho
tàng đô la trong sa mạc bảo đảm nguồn tài chính tự lập. Để bảo vệ thế độc tôn,
Nhà nước Hồi giáo không ngần ngại đánh diệt các lực lượng Su-ni cạnh tranh.
Tuy nhiên, khi trực tiếp đụng độ với các đối thủ
nặng ký hơn, thiệt hại đã làm cho phe thánh chiến bớt hăng hái. Do vậy họ ít
tấn công trực diện vào quân đội Syria, tránh né đụng độ với dân quân Shi-a ở
Irak và tỏ ra bớt hung hăng với lực lượng tự vệ Kurdistan.
Cho đến gần đây, thánh chiến sử dụng con tin để làm
tiền các thủ đô phương tây. Sự kiện họ hành quyết hai nhà báo Mỹ chứng tỏ có
dấu hiệu thay đổi trong chiến lược.
Không
rõ Abu Bakr Al Baghdadi tự tin hơn hay đã linh cảm bất trắc ?
Sau khi chiếm được Mossul, thành phố trù phú với hơn
một triệu dân, Nhà nước Hồi giáo kiểm soát hàng loạt ngân hàng, thu cả nửa tỷ
đôla. Thế nhưng, Nhà nước Hồi giáo không có một biện pháp phân bố tài nguyên
phục vụ lợi ích chung, cũng không có một đường lối điều hành quốc gia mà chỉ
dựa vào cái gọi là « theo cách sống của nhà tiên tri Mohamet » và những lời kêu
gọi khuyến khích bạo lực vô giới hạn.
Cho đến nay, lực lượng thánh chiến đánh đâu được đấy
vì chấp nhận thiệt hại nhân mạng do có nguồn nhân sự vô tận.
Theo nhật báo Ý La Republica, chỉ riêng tại Syria,
lực lượng thánh chiến lên đến 50.000 tay súng mà gần 20.000 là thanh thiếu niên
tình nguyện đến từ 83 quốc gia trên thế giới.
Sự kiện kẻ hành quyết nhà báo Mỹ James Folley ngày
19/08 nói tiếng Anh giọng Luân Đôn đã làm Tây phương rúng động. Đoạn băng video
loan tải trên mạng càng làm tăng mối lo âu : Chúng tôi ở bên cạnh quý vị và đã
từ lâu nay rồi. Nhà nước Hồi giáo thu hút hàng ngàn thanh niên châu Âu, những
người Hồi giáo thuộc thế hệ thứ hai, sinh ra tại châu Âu nay là công dân hay
thường trú ở Pháp, Bỉ, Anh, Ý, Đức, Bắc Âu…
Nếu tính từ cuộc chiến tranh chống Liên Xô xâm lăng
Afghanistan trong thập niên 1980, Bosnia 1990, rồi ở Afghanistan bên cạnh
Taliban và Ben Laden đến giai đoạn khủng bố đẫm máu tại Irak do Al- Zarkaoui
chỉ huy thì đã qua 4 thế hệ thánh chiến. Ngày nay những tay súng bịt mặt cắm cờ
đen ở Irak, Syria ngày nay là thế hệ thứ năm nhưng thế hệ này điểm đặc biệt là
tất cả đều còn rất trẻ trong đó có nhiều thiếu nữ lớn lên tại châu Âu.
Như vậy, nguồn nhân lực của Nhà nước Hồi giáo không
phải là những kẻ cực đoan cuồng tín mặc dù thủ đoạn của họ tàn bạo không giới
hạn.
Theo giải thích của nhà bình luận chính trị Anh gốc
Ấn Mehdi Hasan, thì những ứng viên bỏ nhà sang Syria gia nhập hàng ngũ thánh
chiến không phải là những tín đồ cuồng nhiệt. Thật sự đây là thành phần « chán
đời, không công ăn việc làm vững chắc, có nghề nhưng không được trọng dụng ».
Nhà nước Hồi giáo là một « ông chủ » tốt, biết trọng nhân tài, cho họ đất dụng
võ…. Ngày nào mà Tây phương chưa có một chính sách hội nhập hiệu quả, những
người thanh niên gốc Ả Rập còn cảm thấy bị kỳ thị thì thánh chiến Hồi giáo còn
nguồn máu mới.
Đây cũng là cơn ác mộng của Tây phương khi những
thanh niên nam nữ này trở về với khả năng sử dụng vũ khí, đặt bom ? Mạn lưới an
ninh nào có thể kiểm soát những công dân của chính nước mình chưa một lần phạm
pháp ?
Can
thiệp quân sự
Sau khi gởi 400 « cố vấn quân sự » sang Irak và
nhiều tuần lễ dội bom, Tổng thống Obama cuối cùng phải hành động : thành lập
một liên minh quân sự với 40 nước tham chiến. Trong thông điệp gửi đến toàn dân
vào ngày 09/09, chủ nhân Nhà trắng thông báo sẽ oanh kich tại Irak lẫn Syria,
đưa thêm 475 cố vấn sang Irak hỗ trợ kỷ thuật, tác chiến, và tình báo cho quân
đội quốc gia và lực lượng Kurdistan.
Mỹ sẽ phối hợp với Ả rập Xê Út xây dựng lại lực
lượng kháng chiến ôn hòa tại Syria để đương cự với cả thánh chiến và chế độ
Damas bị xem là mất tính chính đáng. Tổng thống Obama cho biết là sẽ « tăng
viện » cho lực lượng đối lập võ trang tại Syria, còn Ả Rập Xê Út loan báo sẽ
cho mượn lãnh thổ để huấn luyện.
Thiên thời có vẻ thuận lợi vì đối thủ không có khả
năng leo thang chiến tranh, không có phương tiện trả đũa kinh tế và nhất là có
thêm yếu tố nhân hòa vì đại đa số công luận thế giới và công luận Mỹ ủng hộ.
Tại Irak, từ chính phủ cho đến hàng giáo sĩ hệ phái Shi-a, dân quân các sắc tộc
theo hệ phái Su-ni, người Kurdistan đều muốn tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo. Do
vậy, can thiệp quân sự vào Irak lần này sẽ không gây xung khắc ngoại giao.
Tuy nhiên, vấn đề đưa phi cơ vào không phận Syria để
oanh kích thánh chiến Hồi giáo sẽ tế nhị hơn vì tuy Damas và Washington có cùng
kẻ thù chung nhưng Mỹ không muốn chế độ Bachar Al Assad tồn tại.
Pháp
đã sẵn sàng
Trong số các đồng minh của Mỹ, Pháp là nước năng
động nhất. Sau những đợt thả dù vũ khí, quân đội Pháp chuẩn bị oanh kích các vị
trí của Nhà nước Hồi giáo tại Irak. Các cấp chỉ huy quân sự rất kín tiếng nhưng
các đường nét chính, mục tiêu của liên minh đã được phác họa. Paris đứng ra tổ
chức một cuộc hội nghị quốc tế vào ngày 15/09 quy tụ các nước tham gia chiến
dịch quân sự.
Tại sao Pháp tỏ ra hăng hái can thiệp vào Irak
?
Theo bà Patricia Adam, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và
Quân lực tại Hạ viện thì nếu Irak rơi vào bất ổn, hệ quả sẽ tác động trực tiếp
đến tận nước Pháp và châu Âu : Can thiệp để bảo vệ an ninh cho người dân Irak
nhưng cũng chính là bảo vệ an ninh của chúng ta. Nếu không chận đứng được phong
trào thánh chiến tại Irak, thì sẽ xuất hiện những phong trào tương tự tại nhiều
nơi khác trên thế giới. Do vậy có nhu cầu khẩn cấp phải can thiệp, can thiệp
bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia vì nếu quốc gia bị tan vỡ thì tương lai
thế giới đáng lo ngại ».
Trong giai đoạn can thiệp đầu tiên, không quân Pháp
sẽ theo kế hoạch mà không lực Mỹ đang tiến hành từ nhiều tuần qua, tức là chọn
lựa mục tiêu chính xác. Tướng Denis Mercier, Tham mưu trưởng Không quân Pháp
cho biết các phi công Pháp tham chiến sẽ tôn trọng « lịch trình » ấn định như
đã thực hiện trong quá khứ : chỉ cần vài ngày thậm chí vài giờ sau khi nhận
lệnh của tổng thống như ở Lybia và gần đây là Syria, các phi công đã lên máy
bay trước khi quyết định can thiệp bị hủy bỏ vào giờ chót.
NATO
điều hợp và kịch bản Libya ?
Cũng như trong chiến dịch Lybia, quân đội các nước
tham chiến sẽ đặt tin tưởng và NATO điều hợp kế hoạch. Trên đây là nhận định
của tướng Jean-Paul Palomeros trong bộ chỉ huy Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Còn theo nhà ngoại giao Michel Fourcher, chiến dịch
oanh kích phải rất chính xác từ mục tiêu quân sự đến cứu cánh chính trị. Không
nên xem Nhà nước Hồi giáo đơn thuần là « phong trào khủng bố » vì thành phần
nhân sự rất đa dạng : có các bộ tộc khác nhau, có cựu sĩ quan quân đội Irak
thời Saddam Husein, có những người bất bình chế độ độc đoán, thiên vị phe phái
của Bagdad và Damas…
Với một cơ cấu mang tính chất « nhà nước », thánh
chiến Hồi giáo lại có lực lượng vũ trang, có tài chính dồi dào, 2 tỷ đôla, Nhà
nước Hồi giáo có khả năng trở thành mô hình cho các nhóm cực đoan khác bắt
chước như đã xảy ra ở miền bắc Cameroun, miền bắc Nigeria. Do vậy, theo nhà
ngoại giáo Michel Fourcher, tình hình rất nguy hiểm cần phải ngăn chận nhưng
ông cảnh báo : một giải pháp thuần túy quân sự mà không có chiến lược chính trị
cho tương lai thì coi chừng tái lập kịch bản Lybia.
Marc Lynch, một chuyên gia Mỹ thuộc viện nghiên cứu
Center for a New Americain Security có cùng nhận định : Khác với tình hình Irak
nơi mà quân đội chính phủ và lực lượng tự vệ Kurdistan có khả năng tái chiếm
những thành phố rơi vào tay Nhà nước Hồi giáo, tại Syria, biện pháp oanh kích
của Mỹ khó có thể mở ra một con đường đưa đến chiến thắng chính trị hay quân sự
vì phe đối lập võ trang quá yếu.
Ngược lại, tình huống này có thể kéo Hoa Kỳ vào cuộc
nội chiến Syria.
--------------------------
Đức Tâm - RFI
Thứ năm 11 Tháng Chín 2014
Tổng
thống Barack Obama đã thông báo Hoa Kỳ chống lại Nhà nước Hồi giáo ở Irak cũng
như Syria và Washington đã có được sự ủng hộ của Ả Rập Xê Út. Vấn đề hiện nay
là thuyết phục các nước khác trong vùng tham gia cuộc chiến này. Đây là mục
tiêu cuộc họp ngày hôm nay, 11/09/2014, tại Djeddah, thành phố lớn thứ hai ở Ả
Rập Xê Út.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có kế hoạch
gặp các đồng nhiệm của các nước vùng Vịnh cũng như Jordanie, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ
và Liban. Việc thuyết phục được tất cả các nước này tham gia liên minh không
phải là đơn giản.
Từ
Riyad, thông tín viên Clarence Rodriguez tường trình :
« Khi chấp nhận cho Mỹ lập một căn cứ quân sự trên
lãnh thổ quốc gia, với mục đích huấn luyện các chiến binh nổi dậy Syria, Ả Rập
Xê Út còn phải thuyết phục các nước khác trong vùng Vịnh tham gia liên minh,
bất chấp bầu không khí căng thẳng giữa Qatar, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc
Ả Rập Thống nhất.
Thực vậy, các nước láng giềng cũng như phuơng Tây
nghi ngờ Qatar tài trợ cho các nhóm Hồi giáo cực đoan. Tổng thống Mỹ Barack
Obama đã nhắc tới điều này trong diễn văn ngày hôm qua của ông : Để liên minh
hoạt động có hiệu quả, chống lại Nhà nước Hồi giáo, Hoa Kỳ cần có sự hợp tác
của tất cả các nước vùng Vịnh, không ngoại trừ một quốc gia nào.
Do vậy, bây giờ không phải là lúc chia rẽ mà cần
phải đoàn kết, cho dù chỉ là bề mặt. bởi vì, chính đạo Hồi đang bị đe dọa. Lịch
sử thật trớ trêu : Cuộc họp bất thường chống khủng bố này được tổ chức tại Ả
Rập Xê Út đúng vào ngày 11/09. Cách nay 13 năm, vào ngày này, đã xẩy ra loạt
khủng bố tại Hoa Kỳ và trong số 19 thủ phạm thì có tới 15 người Ả Rập Xê Út ».
No comments:
Post a Comment