Thursday, 11 September 2014

CAN THIỆP QUÂN SỰ KHÔNG ĐÁNH BẠI MỘT HỆ TƯ TƯỞNG (Polska The Times)




Polska The Times  
Wed, 09/10/2014 - 20:10 — ledienduc

Nhà nước Hồi giáo (IS), tổ chức thánh chiến mạnh nhất và giàu nhất trên thế giới, trong những tháng gần đây đã chiếm lĩnh một khu vực rộng lớn của Iraq và Syria. Để ngăn chặn sự phát triển của triều đại Caliphate này cần phải có chiến lược dài hạn với sự tham gia của các nước láng giềng - Các chuyên gia nhận định.

Trong buổi tối ngày thứ Tư, 10 tháng 9, 2014, Tổng thống Barack Obama sẽ phát biểu về chiến lược của cuộc chiến chống lại các chiến binh thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo.

Nhà nước Hồi giáo mạnh về quân sự

"Họ đang ngày càng mạnh hơn về quân sự, và trở thành mối đe dọa rất nghiêm trọng.Không chỉ cho tiến trình xung đột trong tương lai giữa người Shia và người Sunni, mà là đối với tất cả các nước trong khu vực. Họ mạnh hơn về quân sự so với quân đội Iraq và Syria.." - Ông Michael Stephens Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hoàng gia về An ninh quốc phòng (RUSI - Royal United Services Institute for Defence and Security) nói.

Nhà nước Hồi giáo là một nhóm Hồi giáo cực đoan đã sát nhập vùng lớn lãnh thổ miền đông Syria và một bộ phận phía bắc và phía tây của Iraq. Đại diện của các nhóm hoạt động với một cách thức cực kỳ tàn bạo: họ giết người hàng loạt và bắt cóc các thành viên của các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc, chặt đầu những người lính và các nhà báo.

Phương pháp hoạt động Nhà nước Hồi giáo đã gây nên sự sợ hãi và phẫn nộ trên toàn thế giới. Mục tiêu của nhóm là tạo ra một triều đại Caliphate, một nhà nước cai trị bởi một nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo duy nhất theo các quy định của luật Hồi giáo Sharia.

Chiến binh thánh chiến của Caliphate là những người theo giáo phái Sunni. Họ có thể hơn 100.000 người. Chưa có dữ liệu rõ ràng về số lượng chiến binh chiến đấu dưới ngọn cờ của Caliphate.

"Rất có thể như thế, toàn bộ lực lượng phiến quân chủ yếu là người Iraq vượt quá 100 ngàn người có vũ khí. Tình báo phương Tây ước tính rằng Caliphate có khoảng 11-12.000 người nước ngoài chiến đấu ở cả Syria và Iraq. Nhóm này bao gồm chủ yếu tình nguyện viên từ các nước Ả Rập khác, Liên minh châu Âu và khu vực hậu Xô Viết, cũng có một số không nhiều tình nguyện viên từ Nam Á "- ông Marcin Andrzej Piotrowski chuyên gia phân tích Vùng Vịnh Ba Tư, Afghanistan và Pakistan của Viện Quan hệ Quốc tế Ba Lan, nói.

Nhóm này được thành lập trong giai đoạn can thiệp của Mỹ vào Iraq vào năm 2003 và là chi nhánh trên thực tế của Al-Qaeda ở Iraq. Khi Osama bin Laden còn lãnh đạo mạng lưới toàn cầu Al-Qaeda thì cả hai chính thức là một phong trào, tuy nhiên, bây giờ họ là đối thủ của nhau và chiến binh của Nhà nước Hồi Giáo chiến đấu cho quyền lãnh đạo của các chiến binh thánh chiến Sunni.

"Sự cạnh tranh thấy rất rõ trong các năm trước, khi Al-Qaeda tại Iraq do người Jordan Abu Musab al-Zarqawi lãnh đạo. Với cái chết của bin Laden và các cuộc cách mạng kế tiếp của mùa xuân Ả Rập," trung tâm" điều khiển của Al-Qaeda với lãnh đạo người Ai Cập Ayman al-Zawahiri đã ít lôi cuốn, bắt đầu đánh mất những cơ sở rất mạnh ở các nước Ả Rập "- Piotrowski nói.

Các nhà tài trợ giàu có từ vùng Vịnh

Chỉ huy của Nhà nước Hồi giáo là người  Iraq Abu Bakr al-Baghdadi, mà người ta ít biết đến. Cả hai Nhà nước Hồi giáo, cũng như "kiếp trước" của nó (Al-Qaeda tại Iraq, Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant) được ủng hộ bởi các nhà tài trợ giàu có từ các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh Ba Tư.

"Nhà nước Hồi giáo rất giàu có - tiềm năng của họ được xây dựng từ việc đánh thuế đất, bán dầu và luơng thực trồng trọt. Không chỉ nhận tiền từ các nhà tài trợ giàu có vùng Vịnh Ba Tư, mà họ còn thu lợi nhuận từ hoạt động tống tiền. Sự giàu có này gây khó khăn cho cuộc chiến đấu. Chúng ta đang đối phó với một mạng lưới có cội nguồn vững chắc và tổ chức tốt, được cung cấp tiền trên khắp trên thế giới "- Stephens nói.

Các chuyên gia lưu ý rằng sau Nhà nước Hồi giáo khi tiếp quản kiểm soát những nguồn dầu còn lại ở Syria và các khu vực giàu dầu mỏ của Iraq ở vùng Kurdistan, sẽ tăng nhanh thu nhập từ kinh doanh xăng dầu.

Không thể đánh bại một hệ tư tưởng bằng can thiệp quân sự

Từ ngày 08 tháng 8 Hoa Kỳ đã mở cuộc tấn công chống lại Nhà nước Hồi giáo tại Iraq. Mặc dù mục đích của nhiệm vụ này bước đầu được giới hạn chủ yếu cho hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ công dân Mỹ sống ở Iraq, Mỹ đã dần dần mở rộng các vụ đánh bom vào các cơ sở của Nhà nước Hồi giáo. Sau khi các chiến binh thánh chiến thực hiện hành chặt đầu hai nhà báo Mỹ, áp lực lên Tổng thống Obama tăng lên, các cuộc tấn công được tăng cường đáng kể.

"Can thiệp quân sự không phải là giải pháp. Không thể xem Nhà nước Hồi giáo chỉ như là một nhóm khủng bố, mà đây là một phong trào chính trị, thực sự là một loại phong trào quần chúng. Được tổ chức tốt. Chúng ta phải hiểu rằng không thể đánh bại một hệ tư tưởng bằng can thiệp quân sự..." - Các chuyên gia của think-tank Anh nhận định. Theo họ, cần phải thuyết phục những người đang chịu ảnh hưởng của Caliphate, rằng, có những phương pháp giải quyết và con đường tốt hơn cái mà Nhà nước Hồi giáo đưa ra.

Các chuyên gia cũng giải thích rằng không thể ngạc nhiên về sự ủng hộ Caliphate trong khu vực đó. "Chất lượng của chính phủ al-Assad tại Syria và al-Maliki tại Iraq, đã không mang lại cơ hội phát triển cho xã hội. Không tạo ra tuơng lai và hy vọng cho con người." - Stephens nói.

Theo ông, Mỹ nên tập trung vào ba khía cạnh của một chiến lược lâu dài các hành động chống lại sự phát triển của một nhà nước Hồi giáo: quân sự, khu vực và nhân đạo.

"Can thiệp quân sự nên được lên kế hoạch cho những năm tới, với thời gian phát triển chính xác và phạm vi tác chiến. Cần mở rộng một danh sách các đồng minh, các nước ở khu vực Trung Đông và xác định chuẩn xác vai trò của họ trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo. Điểm thứ ba là viện trợ nhân đạo - nhưng tập trung vào giáo dục giới trẻ và trẻ em. Với các chương trình phát triển giáo dục lâu dài cung cấp cơ hội cho sự phát triển của công dân. "- Stephens nói.

Được hỏi về hành động quân sự trong khu vực các chuyên gia giải thích rằng "vấn đề cơ bản trong khu vực là sự sụp đổ của các cấu trúc nhà nước độc tài ở Iraq và Syria, và sự kết hợp của xung đột tôn giáo ở cả hai nước. Ranh giới Syria-Iraq chỉ còn tồn tại trên bản đồ, do đó, trong dài hạn và chiến lược hiệu quả của người Mỹ chống lại Caliphate phải bao gồm sự can dự nghiêm túc của phe đối lập ôn hoà tại Syria".

Bản Việt ngữ © Lê Diễn Đức
-------------------------------------------------------------------------

Bản dịch từ tiếng Ba Lan, đăng trên nhật báo Ba Lan "Polska The Times", ngày 10 tháng 9 năm 2014 tại link:




No comments:

Post a Comment

View My Stats