Trà
Mi -
VOA
12.09.2014
Tác giả Lan Cao trong ngày ra mắt sách
Một tác phẩm mới của một nhà văn gốc Việt vừa được
phát hành tại Mỹ, trình bày với thế giới góc nhìn khác với những gì trước nay
các ấn phẩm viết bằng Anh ngữ thường thể hiện về chiến tranh Việt Nam.
Tiểu thuyết ‘Hoa sen và Bão tố’ của nhà văn Lan Cao,
con gái cố đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam Cộng
hòa, phảng phất một lời trách móc về chính sách quân sự-chính trị của Hoa Kỳ
trong cuộc chiến Việt Nam và những dư âm để lại cho nhiều thế hệ.
Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay có cuộc trao đổi với
tác giả về nội dung quyển sách, cuộc chiến Việt Nam, mối quan hệ Việt-Mỹ quá
khứ và hiện tại.
Mời quý vị cùng gặp gỡ Giáo sư Luật Kinh tế Quốc tế
thuộc đại học Chapman, bang California (Hoa Kỳ), một trong số ít nhà văn gốc
Việt có sáng tác bằng Anh Ngữ được các nhà xuất bản uy tín của Mỹ phát hành.
Lan
Cao: Mình kể về
câu chuyện của một gia đình người lính và vợ người lính mà người phụ nữ Việt
Nam đó, dù câu chuyện về bà nhưng bà không có tiếng nói riêng. Bà ta là hình
ảnh ví von của một nước Việt Nam nghèo, bị người ta quản lý ở ngoài, không có
tiếng nói riêng. Đó là hình ảnh Việt Nam và Mỹ trong cuộc chiến. Chiến tranh
xảy ra trên đất nước Việt Nam, cả triệu người chết, nhưng những quyết định lớn
trong chiến tranh đó thường mình phải có phép Mỹ mới có thể làm được. Khi Mỹ
vào Việt Nam và đi ra hoàn toàn là quyết định của Mỹ, còn những ảnh hưởng gì
với Việt Nam, một nước nghèo, thì Việt Nam không có quyền nói. Tất cả các nhân
vật trong ‘Hoa sen và Bão tố’ tượng trưng những mối quan hệ Việt-Mỹ.
Trà
Mi: Với tác phẩm
bằng Anh ngữ này, chị muốn thể hiện với độc giả quốc tế về cuộc chiến Việt Nam
như thế nào?
Lan
Cao: ‘Bão tố’
là chiến tranh và tất cả những chuyện rất quan trọng trong cuộc chiến đó từ lúc
Tổng thống Diệm bị đảo chính, rồi Mỹ bắt đầu đem lính vô Việt Nam rất nhiều,
đến Mậu Thân 1968, Hiệp định Paris 1973, miền Nam sụp đổ 1975, và hàng triệu
người vượt biên 1978 ra hải ngoại. Thường người Mỹ trong dòng chính học về sử
chiến tranh Việt Nam, họ đọc các tiểu thuyết hay sách sử của người Mỹ viết. Lan
viết sách này cho thấy cách nhìn của một gia đình miền Nam về cuộc chiến khác
với cách nhìn của đa số người Mỹ thế nào. Người Mỹ cho rằng quyết định vào Việt
Nam lúc đó là sai, rằng ông Hồ Chí Minh là người theo lý tưởng không hề dính
líu gì đến Liên Xô hay Trung Quốc. Sự thật không phải như vậy. Họ cho là miền
Bắc Việt Nam không phải là cộng sản, chỉ là dân tộc chủ nghĩa thôi. Nhiều người
bên Mỹ tin rằng miền Nam Việt Nam không đáng cho Mỹ giúp vì miền Bắc có nhiều
lý tưởng hơn và rằng con đường chiến tranh của miền Bắc là đúng hơn. Đó là quan
điểm của những người Mỹ chống chiến tranh thời bấy giờ, toàn là học sinh-sinh
viên. Quan điểm của tiểu thuyết này là một khi đã bước vào thì cách đi ra cũng
rất quan trọng, không thể ‘vắt chanh bỏ vỏ’, và đừng nên dùng các nước nhỏ như
một con cờ. Các nước nhỏ khác hiện nay nhìn vào cuộc chiến Việt Nam cũng suy
nghĩ rằng làm đồng minh với Mỹ rồi sẽ có lúc bị bỏ rơi, sẽ bị kẻ thù còn lại
ngay trong nước đánh.
Trà
Mi: Có vẻ như qua tác phẩm này, chị muốn thể hiện một lời trách móc Hoa Kỳ từ
cái nhìn của một người xuất thân từ miền Nam Việt Nam, trách rằng Mỹ tham chiến
rồi bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa, không tròn 2 yếu tố chính trong mối quan hệ đồng
minh là đáng tin và trung thành. Tuy nhiên, có người cho rằng cũng nên cảm
thông với người Mỹ vì với họ, quyền lợi quốc gia là trên hết. Những thanh niên
trưởng thành trong điều kiện đầy đủ, êm ấm tại Mỹ vừa bước vào đời phải đi tới
những vùng lửa đạn khốc liệt kéo dài ở nước khác, nên họ phản chiến cũng có lý
của họ. Người ta nói rằng sự hỗ trợ nào cũng có giới hạn, mình phải tự lực và
có trách nhiệm hơn thì mới có thể tự cứu lấy mình. Chị suy nghĩ thế nào?
Lan
Cao: Lan cũng đồng ý việc đó. Mình hiểu một nước nào khi ủng hộ một nước thứ
nhì là vì quyền lợi phù hợp. Tới lúc họ không còn thấy hợp thì họ bỏ đi, nhưng
cái mình muốn nói là ví dụ như khi Mỹ bỏ đi, Mỹ cũng có hứa qua Hiệp định Paris
rằng nếu bên kia có điều gì không tuân thủ Hiệp định thì họ sẽ trở lại. Đó là
lời hứa của một đại cường quốc. Người Việt cũng đâu muốn lính ngoại quốc ở lại
suốt đời. Nhưng không phải là vấn đề binh lính không thôi. Một nước nghèo như
Việt Nam lúc đó cần một sự bảo trợ, nhưng Quốc hội Mỹ đã cắt viện trợ một cách
tàn nhẫn, nhanh chừng nào tốt chừng đó trong khi mình thấy Mỹ hiện nay vẫn duy
trì sự bảo trợ đối với nhiều nước khác. Cái nữa, họ ra đi họ nên nói thẳng là
vì họ không còn quyền lợi ở đó nữa nên họ bỏ đi, chứ đừng có cho là vì ở đây
không còn cách nào để giúp nữa, vì công dân ở đó theo phía bên kia hết rồi, nếu
không có Mỹ thì ai cũng theo miền Bắc hết. Cái đó là không đúng. Cứ nói thật
đi, đừng nói là vì miền Nam tệ quá không làm được gì hết, dân chúng thích chế
độ của miền Bắc. Hoàn toàn không đúng. Bằng cớ là sau chiến tranh, cả triệu
người đã vượt biên bỏ nước ra đi. Những điều những người Mỹ phản chiến nói là
không đúng.
Trà
Mi: Sự sụp đổ của miền Nam không chỉ là lỗi của Mỹ bỏ ngang giữa chừng mà
cũng có phần trách nhiệm của chế độ cộng hòa miền Nam thời bấy giờ, họ không đủ
tự lực và quá tin tưởng, quá phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Chị nghĩ sao về ý kiến này?
Lan
Cao:Nhân vật người lính tên
Minh trong tiểu thuyết này cũng suy nghĩ như vậy. Ông thấy mình cũng có trách
nhiệm, nhưng vì cuốn sách này Lan viết cho người Mỹ hiểu một khía cạnh khác với
những điều trong dòng chính mà họ đã hiểu về cách đối xử của Mỹ với Việt Nam.
Cho nên, Lan nói về Mỹ nhiều hơn. Ít sách bằng tiếng Anh khai thác khía cạnh
này. Đó là cái Lan chú tâm vào khi nói về quan hệ Mỹ-Việt trong cuốn sách này.
Trà
Mi: Cái nhìn
của chị về cuộc chiến xuất phát từ nghiên cứu của riêng chị hay phần nào bị chi
phối bởi trải nghiệm gia đình trong vai trò là con gái đại tướng Cao Văn Viên,
Tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam Cộng hòa thời bấy giờ?
Lan
Cao: Những gì Lan viết trong
sách dựa trên sự nghiên cứu về cuộc chiến này ba mươi mấy năm, chứ không phải
những gì ba mẹ đưa cho mình thì mình nói một cách không suy nghĩ.
Trà
Mi: Quyển sách là 1 câu chuyện đau buồn về chiến tranh VN và âm hưởng của nó
gần 40 năm sau. Đau thương vì chiến tranh, mức độ của nó đối với mỗi người một
khác, nhưng một cách tóm tắt, tác giả Lan Cao có thể cho biết âm hưởng lớn nhất
của cuộc chiến này tới thời điểm hiện nay là gì?
Lan
Cao: Mất
mát. Sự mất mát quê hương là một chuyện rất lớn. Sự mất mát bắt nguồn từ chiến
tranh và chính trị. Nhưng ảnh hưởng của sự mất nước đó đối với tâm trí, cách
suy nghĩ, và trái tim cứ chuyền đi. Đó là một sự mất mát rất to lớn, khó mà
thoát ra được.
Trà
Mi: Trong suy nghĩ mỗi người nhìn về lịch sử có sự thể hiện riêng, cảm nhận
riêng, diễn giải riêng. Theo chị, làm thế nào để thế hệ trẻ Việt Nam nhìn lại
lịch sử bằng con mắt thực tế-công bằng, chứ không dựa qua sự diễn dịch hay trải
nghiệm của cá nhân này hay cá nhân khác?
Lan
Cao: Họ
nên đọc sách về tất cả khía cạnh. Đọc nhiều, suy nghĩ, rồi tự kết luận cho mình.
Chìa khóa đem tới tự do cá nhân của mỗi người là giáo dục. Những người trẻ bây
giờ có cách tìm hiểu qua internet, đi du lịch, nghe radio, coi báo. Khi người
trẻ tò mò muốn tìm hiểu thêm, mình nên có những cuốn sách và các chương trình
cho họ tự tìm đọc.
Trà
Mi: Thế 2 quyển sách chị viết, kể cả quyển đầu tay Cầu Khỉ và quyển lần này,
người trẻ Việt Nam có thể tiếp cận được qua mạng internet hay chăng?
Lan
Cao: Có
ebook, sách điện tử, họ có thể tải xuống.
Trà
Mi: Từ chủ đề quyển sách về chiến tranh Việt Nam mình mở
rộng một chút nói tới quan hệ Việt-Mỹ. Ngoài việc viết về lịch sử, tìm hiểu
chiến tranh Việt Nam, chị còn là Giáo sư Luật Kinh tế Quốc tế. Chị có suy nghĩ
gì về thương mại quốc tế và vấn đề nhân quyền của Việt Nam, một đề tài gây
tranh cãi mà Mỹ rất quan tâm giữa bối cảnh 2 nước cựu thù đang dần bình thường
hóa quan hệ?
Lan
Cao: Nhiều người muốn Việt Nam phát triển hơn, nhưng có
nhiều cách để đi tới mục đích đó. Là người làm luật, Lan nghĩ rule of law rất
quan trọng. Một xã hội có luật công bằng với các cá nhân và cả chính phủ thì
người Mỹ gọi là rule of law. Các nước nào trên thế giới đi theo con đường rule
of law sẽ tiến tới. Một nước nghèo phải làm sao cho tiền ngoại quốc vào. Mà để
nước ngoài đổ tiền vào, phải chứng minh với họ là mình có luật pháp đàng hoàng.
Luật pháp sẽ làm thay đổi xã hội.
Trà
Mi: Việt Nam cần phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về
mọi mặt thì mới có thể bước vào các sân chơi quốc tế. Chính vì yêu cầu đó mà có
người phản đối bang giao làm ăn với Việt Nam thêm nữa giữa lúc Việt Nam chưa
cải thiện nhân quyền. Trong số phản đối đó, người Việt hải ngoại cũng chiếm
phần đông. Có người thắc mắc liệu chăng người Việt hải ngoại đã thật sự là cầu
nối để hai nước hàn gắn vết thương chiến tranh hay vẫn còn là một trở ngại để
Việt-Mỹ có thể xích lại gần nhau. Nhận xét của chị thế nào?
Lan
Cao: Mỗi
người đều yêu nước. Không phải chạy qua Mỹ mà không suy nghĩ đến Việt Nam. Lan
tin mỗi người ở đây đều nhìn về Việt Nam với một trái tim rất thương nước, rất
thương quê hương, rất thương dân chúng Việt Nam, rất muốn dân chúng Việt Nam có
cuộc sống tốt hơn. Trong gia đình, các thành viên vẫn có nhiều điều chưa đồng ý
với nhau thì trong gia đình lớn, mọi người không nhất đồng quan điểm là chuyện
thường. Mỗi người trong gia đình, trong cộng đồng khác nhau càng tốt. Người Mỹ
gọi là ‘market of ideas’, như là triệu hoa đua nở sẽ tạo thành một khu vườn
đẹp.
Trà
Mi:Trên bàn cờ chính trị quốc tế hiện nay, nhiều người
cổ súy mối quan hệ đồng minh Việt-Mỹ giữa bối cảnh Trung Quốc ngày càng lấn áp
Việt Nam và cả Châu Á. Trong khi có sự khuyến khích càng đồng minh, càng xích
lại gần Mỹ càng tốt để giữ chủ quyền, đối trọng với Trung Quốc, thì cũng có ý
kiến cho rằng chơi với Mỹ nguy hiểm không kém, dựa vào quá khứ lịch sử như
những gì chị đã thể hiện trong cuốn sách ‘Hoa sen và Bão tố.’ Giữa ý kiến ủng
hộ viễn cảnh quan hệ đồng minh Việt-Mỹ và sự ý kiến cảnh giác con dao hai lưỡi,
chị ủng hộ bên nào?
Lan
Cao: Là
nước nghèo và nhỏ thì khi nào đối diện với một nước lớn hơn cũng là con dao hai
lưỡi. Mình không thể đứng một mình, độc lập làm một mình, không đủ khả năng thì
phải cần một người giúp. Tại sao họ giúp mình, cũng phải coi chừng. Sự giúp đỡ
đó bao giờ cũng có điều kiện. Mình cũng đừng nên dựa vào một nước thôi, chuyện
đó rất nguy hiểm. Nhìn vào kinh nghiệm Mỹ đối với miền Nam Việt Nam ‘vắt chanh
bỏ vỏ,’ mình không thể nào chỉ làm bạn với một nước thôi.
Trà
Mi: Trà Mi đang trò chuyện với một trong số ít nhà văn
gốc Việt sáng tác bằng Anh ngữ được các nhà xuất bản có tiếng của Mỹ phát hành
sách và là một niềm tự hào của người Việt về thành tích khoa bảng. Tốt nghiệp
từ trường luật Yale và hiện là Giáo sư luật của đại học Chapman, chị muốn chia
sẻ điều gì với giới trẻ Việt Nam về câu chuyện thành công của mình?
Lan
Cao:Lan nghĩ để thành công
trên nước Mỹ, quan trọng nhất phải chú ý học tập. Nếu mình học tập chăm chú rồi
dùng sự giáo dục đó, thì mình sẽ có tương lai tốt. Rồi mình nên tự nhìn vào
trái tim của mình để xem mình muốn làm gì, muốn đóng góp như thế nào cho xã hội
Mỹ và xã hội Việt Nam.
Trà
Mi: Cảm ơn chị rất nhiều về thời gian dành cho chương
trình.
Bấm
vào nghe toàn bộ cuộc trao đổi với tác giả Lan Cao
---------------------------------
Hà
Giang/Người Việt
Aug 18, 2014
VIDEO
:
NGƯỜI VIỆT
ONLINE Aug 20, 2014
No comments:
Post a Comment