Friday, 22 February 2013

VIỆT NAM & CƠ HỘI DÂN CHỦ ĐA ĐẢNG (LS Vũ Đức Khanh & Lê Quốc Tuấn)




Luật sư Vũ Đức Khanh và Lê Quốc Tuấn
Gửi tới BBC Tiếng Việt từ Canada
Cập nhật: 17:42 GMT - thứ sáu, 22 tháng 2, 2013

Quyết định của Quốc hội trong việc chính thức công bố Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân đang làm dấy lên những hy vọng về một thay đổi vốn có thể là một chuyển biến lớn thứ nhì sau cuộc cải tổ kinh tế "Đổi Mới" từ cuối thập niên 1980.

Nhiều người đang đặt ra câu hỏi, nếu việc mở cửa kinh tế từ hơn hai thập niên trước đã đưa Việt Nam trở thành một loại rồng nhỏ ở Châu Á, nhưng chính vì cơ chế chính trị không thích hợp đã khiến con rồng không thể cất cánh thì liệu cuộc thay đổi về chính trị lần này có thực sự tháo gỡ được những bế tắc về cơ chế của nhà nước Cộng sản Việt Nam hay không?

Ngay sau khi quyết định thu thập ý kiến công chúng, nhiều tầng lớp trí thức, chuyên gia và kể cả các cựu quan chức cao cấp trong đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam đã mạnh dạn đưa ra những đề nghị tích cực và táo bạo.

Nổi bật nhất là những đề nghị loại bỏ Điều 4 (Hiến pháp 1992) vốn nêu bật tính độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam và những đề nghị bổ sung nhằm duy trì, bảo vệ hiệu quả quyền con người tại Việt Nam.

Mở cửa một quá trình

Nếu được chấp thuận, tất cả những đề nghị này rõ ràng khai mở một quá trình dẫn đến tự do, dân chủ đồng thời có thể chuyển đổi một nhà nước độc đảng trở thành đa đảng tại Việt Nam.

Trước khi thảo luận về những hệ quả và tính khả thi của chương trình lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân để sửa đổi Hiến pháp này, thiết tưởng cần nhìn lại Điều 4, Hiến pháp hiện tại của Việt Nam:

Điều 4, Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam xác định:
"Ðảng Cộng Sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lương lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."

Điều Hiến luật này khẳng định đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo người dân. Do đó, đảng Cộng sản là một bộ phận không thể tách rời của Nhà nước.

Đáng lưu ý là tuy người dân có quyền lập hội (Chương 5 điều 69) nhưng trong cả Chương I (Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam: Chế độ Chính trị) không hề đề cập đến sự tồn tại của các tổ chức chính trị khác.

Trong thực tế, Việt Nam thường được xem như một quốc gia độc đảng nhưng trong quá khứ vẫn đã có những đảng chính trị khác, như Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam.
Mặc dù các đảng này chủ yếu phụ thuộc vào đảng Cộng sản và đã bị giải tán (sau đó một Đảng Dân chủ mới của Việt Nam đã được thành lập như một tổ chức bất đồng chính kiến) nhưng đấy vẫn là một bằng chứng cho thấy Việt Nam đã có nhiều tổ chức chính trị cùng hiện diện song song với đảng Cộng sản.

Lâu nay, việc khẳng định quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản, không nhắc đến các tổ chức chính trị khác nhưng vẫn nhìn nhận quyền lập hội và tham chính của công dân đã dẫn tới những hệ luỵ trong đời sống chính trị và xâm phạm các quyền của người dân.
Thành thử, không ngạc nhiên gì khi một làn sóng kiến nghị thay đổi đã tập trung vào việc loại bỏ Điều 4 Hiến pháp và đòi hỏi sự tôn trọng hơn nữa các quyền con người ngay khi chính phủ tiến hành thu thập ý kiến người dân để sửa đổi Hiến pháp.
Và rõ ràng, sắp tới, nếu Việt Nam tiến tới một hệ thống chính trị đa đảng, sẽ có rất nhiều thành phần chính trị quan trọng khác tham dự, không chỉ đơn thuần là những tổ chức ở trong nước (các tập hợp những nhà bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền, các cựu quan chức Đảng Cộng sản, các nhà lãnh đạo tôn giáo, văn hóa, xã hội, nghiệp đoàn, vv ...) mà còn cả những tổ chức từ bên ngoài vốn lâu nay đã và đang trực tiếp can dự vào sinh mệnh chính trị Việt Nam.

Trước hết, cần hiểu rằng đảng Cộng sản hiện nay là một khối đoàn kết. Sẽ là sai lầm để tin rằng lợi ích của các tầng lớp lãnh đạo đảng phù hợp với những tầng lớp dưới cơ sở, vốn các tiêu chuẩn sống có thể không cao như các nhà lãnh đạo của mình.
Và như ai cũng biết, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa chứ không còn là một con tàu chuyên chở ý thức hệ Cộng sản. Đảng đã phần lớn trở thành một phương tiện để giới lãnh đạo đảng duy trì vị thế của họ.

Nói trắng ra rằng ở một chừng mực nào đó, các chia rẽ giữa tầng lớp lãnh đạo và cơ sở cùng các nguyện vọng của họ sẽ trở nên quá rộng, khó hàn gắn, đảng Cộng sản sẽ phải bắt đầu rạn vỡ. Do đó, sự thay đổi là điều không thể tránh khỏi. Hơn ai hết, đảng ý thức sâu sắc được hiểm họa đổ vỡ này.

Từ một nền kinh tế hoạch định tập trung nhường bước cho một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các chính sách kinh tế tự do của Việt Nam trong những năm 1980 đã mang lại một số tăng trưởng kinh tế rất cần thiết cho một quốc gia đói khổ và bị cô lập khi đó.

Nếu Hiến pháp năm 1992 (đã được đưa ra sau các cải cách kinh tế), từng được thực hiện như một bản kinh Phúc âm thì rõ ràng là chủ nghĩa Mác-Lênin đã đi đến cuối đường, và từ lâu chính phủ đã buông bỏ các nguyên lý lỗi thời ấy vì niềm cám dỗ của chủ nghĩa tư bản.

Cuộc chuyển đổi kinh tế này đã phải thực hiện khi tình thế rõ ràng cho thấy rằng Việt Nam, nếu không thay đổi, sẽ phải sụp đổ. Do đó, thay đổi là sự cần thiết cho sự sống còn không chỉ của đất nước mà còn cho sự tồn tại của bản thân đảng Cộng sản.

Ngày nay, chính cuộc tăng trưởng kinh tế ì ạch của Việt Nam sau gần hai thập niên bùng nổ, đời sống dân chúng đi vào bế tắc cùng các vụ bê bối, tham nhũng, chia rẽ đấu đá của chính phủ ở tầng lớp cao nhất, đã khiến không chỉ chính phủ mà cả người dân cũng ý thức được nhu cầu phải thay đổi.

Hứa hẹn mỏng manh của Tự do và Dân chủ

Thế nhưng, một chuyển đổi từ độc đảng đến đa đảng có nhất thiết dẫn đến tự do và dân chủ không?

Dưới một hệ thống đa đảng, sự thử thách sẽ là liệu các quyền của phe thiểu số sẽ không bị phe đa số cai trị lạm dụng hoăc bỏ qua. Trong một hệ thống mà 51% người dân có thể chi phối tương lai của 49% người dân còn lại, điều quan trọng là phải nhớ rằng dân chủ, nếu thực sự là quyền làm chủ của người dân, bản thân nền dân chủ ấy phải được kiểm tra, để không rơi vào ách chuyên chế của phe đa số.

Bản thân nền dân chủ không là sự hứa hẹn của sự tự do hơn. Dù đa đảng sẽ cho phép những đại diện lớn hơn trong chính trị nhưng nếu đảng cầm quyền hoặc một liên minh của các phe đa số, khi nắm được phần lớn hỗ trợ của dân chúng lại quyết định theo đuổi một tiến trình trái ngược với phúc lợi của các nhóm thiểu số, thì tự do còn có ý nghĩa gì?

Thử nghĩ, nếu phe đa số cầm quyền quyết định giới hạn, ngăn cấm các hoạt động, tập tục hành xử văn hóa của một phe thiểu số, khi các hoạt động hành xử ấy không vi phạm pháp luật hiện hành của quốc gia và hạnh phúc của những người khác, thì một quyết định như thế của phe đa số lớn hơn dù được coi là dân chủ (nếu như được bàn thảo hợp pháp thông qua chính quyền và cơ quan lập pháp), nhưng thực sự không có giúp gì trong việc bảo vệ các quyền và sự tự do của các phe thiểu số.

Và ngay cả nếu có các biện pháp bảo vệ hữu hiệu được đặt để nhằm đảm bảo nguyên tắc đa số cai trị và các quyền của phe thiểu số, chắc chắn khung cảnh chính trị mới ở Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với một vấn đề khác: sự tham gia của cử tri.

Một nền dân chủ lành mạnh đòi hỏi sự tham dự của cử tri, đòi hỏi cử tri phải tham gia công khai trực tiếp và bỏ lá phiếu của mình. Nếu chỉ có một thiểu số cử tri đi bầu cho chính phủ mới của mình, nghĩa là phe cầm quyền chỉ nhận được ít hơn 50% của tất cả các phiếu đủ điều kiện, thì thực tế này có trở thành sự cai trị của thiểu số?

Đã có vô số những bài cãi đầy tính học thuật để so sánh về giá trị và hiệu quả của dân chủ và độc tài phi dân chủ hoặc những thể chế dân chủ giới hạn. Tuy nhiên, các bài học từ thế giới tiến bộ chung quanh đã cho thấy một hình thức dân chủ của chính phủ vẫn là hình thức tổ chức có hiệu quả hơn và duy nhất có thể được mô tả như là một chính phủ của người dân.

Một hệ thống chính trị đa đảng, cần thiết trong một nền dân chủ, cho phép những đại diện chính trị lớn hơn cùng sự đa dạng của niềm tin và tư tưởng triết học.

Dân chủ không phải là điều dễ dàng. Dân chủ đòi hỏi những nỗ lực và hy sinh. Với hơn 80 năm dưới nền cai trị độc đảng (trừ hơn 20 năm tương đối dân chủ hơn ở miền Nam), hơn ai hết, người dân Việt Nam chắc chắn ý thức được các cơ hội và phần thưởng của dân chủ.

Các chuyển động Dân chủ

Một hệ thống đa đảng không phải là viên thần dược để con rồng Việt Nam ốm yếu có thể chỗi dậy ngay, tuy nhiên, đấy là một bước đi cần thiết và đúng đắn.

Nhà cầm quyền có thể chủ quan hoài nghi về hiệu quả của dân chủ và đa đảng nhưng dân chúng Việt Nam thì không.

Những chuyển động trong các tầng lớp nhân sĩ, trí thức Việt Nam trong ngoài nước sau khi việc thăm dò ý kiến nhân dân để sửa đổi Hiến pháp được khởi động cho thấy người dân Việt Nam đã, đang sẵn sàng gánh vác trách nhiệm của mình, và nhanh chóng xem đây là một cơ hội để nắm bắt.

Cho đến nay, dù vẫn còn không ít những nghi ngại về thiện chí của chính quyền. Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều người, nhiều giới tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp dưới hình thức này hay hình thức khác.

Ở Hà Nội, 72 nhân sĩ trí thức trong, ngoài nước và các quan chức trong đảng Cộng sản, chính phủ Việt Nam đã công bố "Kiến nghị về Sửa đổi Hiến Pháp 1992" gồm 7 điểm chính, trong đó nhấn mạnh tới việc bỏ Điều 4 Hiến pháp, vốn đề cao một chiều vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Bản kiến nghị này đã thu thập được hơn 4500 chữ ký và con số sẽ còn gia tăng trong những ngày tới...

Thậm chí đã có những chuẩn bị cho một tình thế đa đảng ở Việt Nam như theo một nguồn tin chưa qua kiểm chứng tin rằng trong nước sẽ có cuộc ra mắt của một "Liên Minh Chính Trị Việt Nam đối lập với đảng Cộng sản" chậm nhất trong mùa hè năm nay và, đảng Dân Chủ Việt Nam sẵn sàng giới thiệu chương trình của mình với quốc dân đồng bào ở Việt Nam nếu thời cơ cho phép.

Nhưng hiện vẫn còn mối nghi hoặc rất lớn về thiện chí của chính quyền, liệu họ có thực tâm bước vào cuộc thanh tẩy về chính trị bằng cách chủ động xóa bỏ độc quyền lãnh đạo của đảng hay chỉ dàn dựng một vở tuồng nhằm khai sinh một loại dân chủ trá hình?

Tuy nhiên, thực tế cho thấy ván cờ đã động và những cơ hội đã ló dạng, phong trào đóng góp ý kiến cho Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992 đang dần vuột khỏi tầm kiểm soát của chính phủ và trở thành một phong trào đòi hỏi Tự do, Dân chủ.

Liệu những nhà hoạt động Dân chủ Việt Nam có đủ sẵn sàng, tận dụng được cơ hội này để mở ra một vận hội mới cho đất nước?

Câu trả lời dường như vẫn còn ở phía trước và cũng đang ở trong tay tất cả mọi người.

Bài viết thể hiện quan điểm của các ông Lê Quốc Tuấn và Vũ Đức Khanh từ Canada.






No comments:

Post a Comment

View My Stats