Phạm Thị Hoài
Tháng 2 .22, 2013
Từ khi tôi trở
thành công dân Đức, Hiến pháp Đức đã có 10 bổ sung, sửa đổi mà tôi không hề
được hỏi ý kiến. Nhưng không chỉ riêng tôi. Hàng xóm, bạn bè, người quen, đồng
nghiệp, tất cả đều như vậy. Nhân dân CHLB Đức chưa bao giờ được trưng cầu ý
kiến về văn bản tối thượng mang tên Grundgesetz (Luật Cơ bản) của mình.
Nó được soạn thảo
bởi 65 vị trong Parlamentarischer Rat (Hội đồng Nghị viện), dưới sự ủy
nhiệm và kèm cặp của chính quyền quân quản Anh, Pháp và Mỹ sau Thế chiến II.
Sau khi được thông qua với 53 phiếu thuận và 12 phiếu chống trong Hội đồng Nghị
viện, nó được trình cho ba chính quyền Đồng minh nêu trên xét duyệt. Sau khi
được các Thống đốc Quân sự Anh, Pháp, Mỹ chấp nhận, nó được gửi đến các nghị
viện tiểu bang để phê chuẩn. Sau khi được phê chuẩn, ngày 23-5-1949 nó được Hội
đồng Nghị viện chính thức tuyên bố là văn bản lập quốc. Nước Cộng hòa Liên bang
Đức (Tây Đức cũ) ra đời với bản Hiến pháp ấy. Người dân – bốn năm trước còn
sống trong Đế chế Quốc xã với Quốc trưởng Hitler – không trực tiếp, nếu không
muốn nói là không tham dự vào quy trình lập hiến đó. Bản hiến pháp được coi là
hoàn hảo nhất trong lịch sử nước Đức ấy không do ý nguyện dân chủ từ dưới lên
sinh ra, mà do ý chí chính trị từ trên xuống, thậm chí với áp đặt từ các thế
lực ngoại bang.
Năm 1990, trong
quy trình thống nhất nước Đức, nghị viện của các tiểu bang thuộc Đông Đức cũ
cũng phê chuẩn và gia nhập Hiến pháp này mà nhân dân Đức ở cả bên Đông lẫn bên
Tây đều không được trực tiếp biểu quyết.
Trong 64 năm từ
khi ra đời, Hiến pháp Đức có 59 bổ sung, sửa đổi, lần cuối cùng vào giữa năm
ngoái. Không một lần nào có trưng cầu ý dân[1]. Song điều đó không cản trở
nước Đức, không lâu sau sự ngự trị của cả hai chế độ toàn trị kinh hoàng của
thế kỉ 20 là chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản trên lãnh thổ của mình,
thành một trong những nền dân chủ trưởng thành và ổn định nhất trên thế giới.
Hiển nhiên mỗi
quốc gia có con đường lập hiến của riêng mình. Trong cuộc thảo luận về Dự thảo
Hiến pháp sửa đổi đang diễn ra ở Việt Nam, một trong những tiêu chí được nhấn
mạnh không chỉ ở giới cấp tiến là quyền lập hiến
của người dân. Báo chí Việt Nam, cả chính mạch lẫn ngoài luồng, tràn ngập những
lời đòi hỏi, xác nhận và xiển dương nguyên tắc mọi quyền lực nhà nước xuất phát
từ nhân dân và thuộc về nhân dân. Trên mặt chữ, chưa bao giờ nhân dân được kính
trọng, được gửi gắm nhiều tin cậy, được phó thác nhiều quyền lực như thế. Nhiều
đến mức không thể không nghi vấn. Trong thực tế, những khái niệm trừu tượng này
được thực hiện qua những hình thức và cấp độ khác nhau của trưng cầu ý dân (referendum).
Song trong những
điều kiện hiện có, tôi rất hoài nghi giá trị của một cuộc trưng cầu như thế tại
Việt Nam. Thậm chí tôi còn cho rằng thay vì thực hiện chức năng thúc đẩy tiến
trình dân chủ hóa xã hội lên phía trước, nó có nhiều nguy cơ kéo giật lùi tiến
trình ấy về phía sau. Một phát đạn ngược nòng. Điều này không liên quan gì đến
lập luận nhảm nhí rằng dân trí chưa cao thì chưa thể thi hành dân chủ, bởi lẽ
một cuộc trưng cầu ý dân tại Việt Nam, đặc biệt ở hình thức cao nhất là toàn
dân phúc quyết hiến pháp, có thể là tất cả mọi thứ, chỉ trừ là một hành động
thực thi dân chủ.
Ai nắm trong tay mọi phương tiện có thể khuynh loát vô giới hạn tất cả các
khâu trọng yếu của một cuộc trưng cầu ý dân trong thời điểm hiện tại, từ chuẩn bị nội dung cần đưa ra trưng cầu, tổ chức thông
tin và quảng bá, tổ chức và giám sát bỏ phiếu, tổ chức và giám sát kiểm phiếu,
đến đánh giá, công bố và thực thi kết quả? Ai có thể điều khiển, nhồi sọ và lừa
mị dư luận bằng bộ máy tuyên truyền khổng lồ của mình?
Ai có thể đe dọa
cử tri bằng guồng máy đàn áp khét tiếng của mình?
Ai có thể mua
những lá phiếu bằng đủ thứ hứa hẹn ban phát ưu đãi và thậm chí bằng đất tươi và
tiền mặt?
Ai có thể tùy tiện
chế biến, diễn giải và sử dụng kết quả bỏ phiếu theo ý mình?
Những người đưa ra kiến nghị trưng cầu ý dân đã không quên đòi
hỏi đi kèm, rằng nó phải được “tổ chức thật sự minh bạch và dân chủ với sự
giám sát của người dân và báo giới“. Nhưng chỉ cần đặt tiếp một số câu hỏi
đơn giản hơn – Báo giới nào? Người dân nào được chọn trên cơ sở tiêu chuẩn nào
vào vai giám sát? Minh bạch theo đánh giá của ai?… – là có thể thấy
rằng hiện tại, một cuộc trưng cầu đáp ứng được những đòi hỏi ấy là hoàn toàn
bất khả thi.
Thêm vào đó, đa số
dân chúng Việt Nam là những người đã có hơn một nửa thế kỉ để rèn luyện tinh
thần cầu an và thụ động như những kĩ năng sống căn bản. Hai chục năm gần đây họ
còn tích lũy thêm một kĩ năng đầy tinh thần thời đại khác: bàng quan với mọi
vấn đề không trực tiếp đụng chạm đến quyền lợi của mình và gia đình. Họ cũng dễ
bị tha hóa và đã bị tha hóa sâu sắc như chính những người cai trị họ. Tôi không có những con số cụ thể – tất
nhiên, không ai có cả – nhưng theo cảm nhận riêng thì ước chừng 20% cử tri Việt
Nam là những người từ trung thành đến trung thành tuyệt đối với chế độ hiện
tại; 30% là những người có thể không ưa mặt này hay mặt khác của chế độ đó, ít
hay nhiều có những bất mãn hoặc bất bình cục bộ, song hợp tác và gắn bó với chế
độ về nhiều phương diện – kể cả phương diện sổ hưu. Vâng, vì sao không? – và
không có nhu cầu thay thế nó bằng một chế độ nào khác mà họ chưa từng biết hay
chỉ nghe nói loáng thoáng; 40% là những người không biết và không cần biết mình
đang sống trong một thể chế nào, miễn sao cuộc sống thường nhật của mình được bảo
đảm; 8% là những người
mong muốn thay đổi thể chế chính trị bằng phép mầu từ lột xác của Đảng Cộng sản
và liều thuốc thần tự cải cách của chế độ. Những người chủ trương thay thế toàn bộ hệ thống Đảng trị
và công an trị hiện tại bằng mô hình dân chủ tự do phương Tây chiếm vỏn vẹn 2%
còn lại – tức trên dưới 1 triệu người, tính một cách hào phóng, con số
trong thực tế có thể khiêm tốn hơn rất nhiều.
Từ những hoàn cảnh
ấy, không cần phải là một nhà tiên tri cũng có thể biết trước kết quả của một
cuộc trưng cầu ý dân tại Việt Nam. Không có gì dễ dàng và khôn ngoan hơn cho
chính quyền Hà Nội, nếu nó cho diễn ngay lập tức một màn kịch như thế. Trong
khói lửa của cuộc nội chiến, đầu năm ngoái Tổng thống Syria Assad đã thành công
rực rỡ với nước cờ toàn dân phúc quyết hiến pháp, trong khi phe đối lập nỗ lực
ngăn cản sự kiện này. Gần 90% cử tri tán thành bản hiến pháp mới, trong đó thậm
chí nguyên tắc đa đảng được xác nhận. Nhà độc tài lại hoàn toàn chính danh.
Trước đó, chính quyền không thể gọi là dân chủ ở Maroc cũng nhanh chân thoát
khỏi áp lực của Mùa Xuân Ảrập bằng cách mở vài cái van phụ trong hiến pháp sửa
đổi và có thể hài lòng với 98 % số phiếu thuận. Trưng cầu ý dân ở Ai Cập thì
đem lại cho đất nước này một hiến pháp thần quyền, với nền tảng là Luật Hồi giáo
Sharia, bất chấp sự cự tuyệt của chính các thẩm phán và các nhóm đối lập. Xa
hơn một chút trong lịch sử, cuộc trưng cầu ý dân duy nhất trên lãnh thổ Việt
Nam năm 1955 phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng
thống đã không tặng cho người dân miền Nam một thể chế dân chủ đáng mơ ước. Xa
hơn chút nữa, cuộc biểu quyết của toàn dân (Volksabstimmung) năm 1934
tại Đức với gần 90% số phiếu thuận đã đặt một nhân vật lên bệ phóng, để đẩy cả
lịch sử đất nước này lẫn lịch sử thế giới vào một chương cực kì đen tối: Adolf
Hitler.
Bao nhiêu ý dân thì đủ đảm bảo một hiến
pháp tốt đẹp?
Tôi không ủng hộ đề nghị tổ chức toàn
dân phúc quyết hiến pháp tại Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay.
-------------------------------
[1] Thậm chí đa số dân chúng Đức
còn không biết rõ hay không quan tâm điều gì được bổ sung, điều gì được sửa
đổi. Thái độ đó có những cơ sở mà tôi sẽ đề cập trong một dịp khác
No comments:
Post a Comment