Trần Đức Tuấn, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao
Posted by basamvietnam
on 07/02/2013
Cuối cùng, tôi cũng đã góp “một viên gạch?”
vào một sự kiện hết sức có ý nghĩa đối với Quốc gia, đó là vừa gửi mail ký tên
ủng hộ Bản kiến nghị do 72 nhân sỹ, trí thức khởi xướng. Một việc làm ý nghĩa
nhất mà tôi làm được cho đất nước đến thời điểm hiện nay. Với nội dung bức thư như sau:
Trước tiên, tôi xin gửi lời cảm ơn tới các
nhân sỹ, trí thức đã nghĩ cho tương lai dân tộc, nhân dân, đứng lên khởi xướng
bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp đầy ý nghĩa. Qua nghiên cứu một cách kỹ lưỡng,
tôi đánh giá rất cao chất lượng của Bản kiến nghị và Bản hiến pháp mẫu do các
nhân sỹ, trí thức soạn thảo. Tôi thấy bản Hiến pháp mẫu này có giá trị không
thua kém gì những bản Hiến pháp của các nước dân chủ trên thế giới như Mỹ,
Pháp, Đức…
Vì vậy, tôi viết đơn này xin ký tên ủng hộ
Bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 do 72 nhân sĩ, trí thức khởi xướng. Mong
quý Ban biên tập ghi đầy đủ như sau:
“Trần Đức Tuấn, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, hiện đang
học Thạc sỹ Luật học tại Đại học Victoria, New Zealand.”
Tôi hy vọng rằng, mặc dù chỉ một chữ ký rất
nhỏ bé, nhưng nhờ những sự nhỏ bé đó, mới tạo nên được lớn lao, và điều đó cũng
thể hiện được trách nhiệm của một công dân nước Việt Nam. Theo đánh giá của
tôi, nếu bản Kiến nghị được chấp thuận, chúng ta có quyền hy vọng vào một tương
lai Việt Nam tốt đẹp.
Ngoài ra, tôi nghĩ rằng đó là nghĩa vụ mà
tôi phải làm. Tôi không muốn sau này, khi tôi 80 tuổi, con cháu tôi hỏi tôi:
“Trước đây, các trí thức của Việt Nam mình có một bản Kiến nghị sửa đổi Hiến
pháp, thế cụ có ký không?”
Nếu tôi trả lời “Không”. Chúng tiếp tục hỏi
tôi: “Tại sao?” Tôi biết trả lời thế nào?
Giả sử tôi trả lời:
1. Vì ông không biết?
Chúng bảo là các trang mạng đưa tin, đến
các bác nông dân, công nhân, sinh viên, các cụ già ở quê không có internet còn
biết, chả lẽ cụ lại vô dụng thế sao? Đến bản Hiến pháp là văn bản quan trọng
nhất của quốc gia, mà cụ cũng không quan tâm thì cụ quan tâm cái gì?
2. Vì ông thấy chất lượng của bản kiến nghị không cao.
Chúng bảo là, đến người nông dân đọc còn
biết được Bản kiến nghị có chất lượng rất cao, huống chi cụ là người đã học Đại
học luật trong nước, rồi cũng đi nước này nước khác học sau đại học. Chả lẽ cụ
đi học cho vui thế sao? Nghe bảo là cụ được đi học theo học bổng nhà nước, tiền
của dân đóng thuế đó cụ. Cụ có thấy mình đã “đốt” tiền oan của dân đó không?
3. Cụ biết nhưng sợ người ta trù dập, không cho thăng
tiến trong tương lai, biết đâu lại mất sổ hưu.
Chúng cười mỉa, tuy không nói vì sợ ông cụ
bảo hỗn nhưng ngẫm chả lẽ mình lại là cháu của một ông hèn đến thế sao, chỉ
biết nghĩ đến quyền lợi bản thân, không thèm nghĩ đến sự hưng thịnh quốc gia,
và hậu quả là bây giờ mình lại xin visa đi làm thuê cho các nước láng giềng,
bởi hồi đó có những người như cụ mình. Thế mà cụ cũng bày đặt dạy dỗ tôi thành
người tử tế? Rồi chúng viện dẫn một câu nói của ông Nguyễn Trường Tộ: ““Biết mà không nói là bất
nhân, nói mà không nói hết là bất nghĩa”.
Bọn trẻ tiếp tục dồn ông cụ vào chân tường
bằng câu nói nổi tiếng của Albert Einstein: “The world is a dangerous place to
live; not because of the people who are evil, but because of the people who
don’t do anything about it”.
Ông cụ bần thần… thì vì cái sổ hưu.
Wellington, 06/02/2013,
Written by Trần Đức Tuấn
No comments:
Post a Comment