Tháng Hai 13, 2013
Đáng buồn “trí thức trùm chăn”
có vẻ nhiều lên, hoặc không thì cũng là “số đông im lặng”, thụ động. Nguyên
nhân có cả ở tư cách “kẻ sĩ” của trí thức ngày nay yếu ớt và cả ở một xã hội dễ
trùm chăn ru ngủ trí thức
Tạo Hóa cho con người ta không ai giống ai, khác nhau cả
về hình dáng, tâm tính, suy nghĩ. Do vậy, trước mỗi sự kiện, hiện tượng, vấn đề
có những cách nhìn nhận khác nhau, có những ý kiến khác nhau là chuyện thường,
có thể nói đó là một bản tính tự nhiên. Tự nhiên mà giống nhau cả thì còn gì là
tự nhiên. Và khi con người hợp thành xã hội thì lại lẽ tự nhiên là không có một
vấn đề xã hội nào được đồng thuận tuyệt đối, được đồng thuận ngay từ đầu, mà
luôn phải chịu sự tranh luận, xem xét, xoay ngang đảo ngược, tóm lại là phải
chịu sự “phản biện” của mọi thành phần xã hội. Trí thức là thành phần xã hội có
tri thức và hiểu biết, có năng lực nhận thức và xét đoán khoa học, có tính cách
độc lập và tư cách phát ngôn. Hai chữ “phản biện” dùng cho trí thức là đúng
lắm. Phản biện đây là theo tinh thần hoài nghi khoa học trước mọi vấn đề, là
chỉ tin khi đã được thuyết phục bằng lý tính, là tranh luận bàn bạc trong không
khí tự do dân chủ thực sự để cùng nhau tìm ra sự thật và chân lý. Phản biện là
bác bỏ để chấp nhận, không phải là “nói ngược” cho sướng miệng, cho hả tức
giận, càng không phải là để tạo cớ nổi tiếng. Phản biện đúng là một vai trò
quan trọng, không thể thiếu của trí thức, cả trong lĩnh vực chuyên môn và cả
trong các vấn đề xã hội.
Tên gọi “trí thức trùm chăn” không phải bây giờ mới có.
Nó là để chỉ một bộ phận trí thức quay lưng lại thực tại xã hội, nhắm mắt bịt
tai trước những vấn đề bức xúc, cấp thiết của nhân quần, chỉ quẩn quanh trong
tháp ngà khoa học, cho rằng mình chỉ cần làm tốt công việc chuyên môn là đủ,
không cần dính dáng gì đến chính trị, thời sự. Loại trí thức này thường bộc lộ
vào những thời điểm lịch sử có nhiều biến động lớn, trong các phong trào cách
mạng xã hội sôi động, khi cần tiếng nói và hành động của tầng lớp trí thức như
những phần tử tinh hoa của xã hội thúc đẩy sự vận động của đời sống theo hướng
tích cực. Nhưng ngay cả vào những thời điểm quyết liệt, khủng hoảng nhất, bộ
phận “trí thức trùm chăn” vẫn không phải là tiêu biểu, vẫn có nhiều trí thức
dám dấn thân và xả thân cho đất nước. Thành công của cách mạng và kháng chiến ở
nước ta hơn nửa thế kỷ qua là có phần đóng góp quan trọng của các trí thức dấn
thân đó. Đáng buồn hiện nay “trí thức trùm chăn” như có vẻ nhiều lên, hoặc
không thì cũng là “số đông im lặng”, thụ động. Nguyên nhân có cả ở tư cách “kẻ
sĩ” của trí thức ngày nay yếu ớt và cả ở một xã hội dễ trùm chăn ru ngủ trí
thức.
Sự xuất hiện của hai từ “phản biện” không chỉ trong lời
lẽ thông thường mà cả trong các văn kiện chính trị cho thấy giới trí thức, ở
những đại diện dũng cảm của mình, đã không cam chịu đánh mất vai trò như đã nói
trên của mình. Họ lên tiếng tại nhiều diễn đàn công khai và chính thức, họ viết
các kiến nghị, các tâm thư, các yêu cầu gửi các cấp chính quyền, họ viết báo
viết mạng bày tỏ ý kiến chính kiến của mình, tất cả đều căn cứ vào một điều
hiến định là “tự do tư tưởng, tự do ngôn luận”. Xã hội đã quen dần và chính
quyền đã chịu dần sự phản biện của trí thức. Tuy nhiên, để nói tới một phong
trào phản biện sôi nổi, nghiêm túc, có người nói và người nghe, có phản và có
biện, nói thẳng và nói thật, tiếp thu và trao đổi, bình đẳng và khách quan, thì
quả thực những người trí thức dũng cảm vẫn đang là đơn độc. Trí thức thụ vốn tự
bản chất không hèn, nhưng có một cái sợ khiến họ phải hèn, hoặc tự làm hèn. Kể
ra trí thức bị hèn vì sợ thì không còn là trí thức đúng nghĩa nữa. Nhưng vậy
thì đội ngũ trí thức bao năm qua xây dựng mà không đúng nghĩa là trí thức thì
lỗi do đâu? Câu hỏi này tôi nghĩ cần phải được phản biện mạnh mẽ. Dịp này cả nước
đang thảo luận góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, một điều tôi muốn đề xuất
là: những gì đã được hiến định (như quyền biểu tình, quyền lập hội, quyền tự do
tư tưởng, ngôn luận) thì phải nhanh chóng cụ thể hóa thành luật để nhà nước và
nhân dân thi hành, và không ai được có quyền vi hiến. Khi đó tôi tin phản biện
xã hội của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là của giới trí thức, sẽ là một công cụ
đắc lực phát triển xã hội.
CÁC BÀI TRƯỚC :
Phạm Ngọc Cương
Tháng Hai 12, 2013 in Tổng hợp. 8
Comments
Trần Văn Thọ
Tháng Hai 11, 2013 in Phỏng vấn. 7
Comments
Nguyễn Quang Lập
Tháng Hai 10, 2013 in Phỏng vấn. 18 Comments
Phạm Bích San
Tháng Hai 9, 2013 in Phỏng vấn. 4 Comments
No comments:
Post a Comment