Wednesday 13 February 2013

TÔI ĐÃ TRỞ THÀNH NGƯỜI MỸ NHƯ THẾ NÀO (Adriano Sack)




Adriano Sack

Phan Ba dịch
Tháng Hai 11, 2013

Khi biết chắc rằng tôi sẽ sang Mỹ sinh sống vào năm 39 tuổi, tôi đã mua cho mình bản nhạc “Young American” của David Bowie trên iTunes. “Ain’t there one damn song that can make me break down and cry?”, Bowie hát. Trong trường hợp của tôi thì chính lại là cái damn song này. Khi trở về từ những lần thăm viếng nước Đức và tiếp viên hàng không không chú ý, tôi nghe nó trong lúc đang bay đáp xuống, và chỉ những tai nghe của tôi đã ngăn cản người khách bối rối ngồi cạnh bên hỏi thăm nguyên do cho những giọt nước mắt của tôi. Đó hoàn toàn chỉ là niềm vui mừng, cuối cùng rồi cũng lại được phép đặt chân xuống đất Mỹ.

Giống như bất kỳ một người Đức chân thật nào khác sau chiến tranh, tôi đã lớn lên với một phần khá to của tinh thần chống Mỹ. Cuộc Chiến tranh Việt Nam là những gì đối với thế hệ của cha mẹ tôi thì quyết nghị đôi của khối NATO và lần bầu Ronald Reagan lên làm tổng thống Mỹ chính là những cái đấy cho thế hệ của tôi. Trong những năm 80, tôi tất nhiên không còn tin rằng một cuộc sống trong “Chủ nghĩa Xã hội Hiện thực” là điều còn có thể đáng để vươn tới, kiểm tra biên giới lúc sang thăm họ hàng sống ở CHDC Đức đã chỉ cho tôi thấy điều đấy. Nhưng trong con mắt của những thiếu niên tiến bộ như tôi, Hoa Kỳ là một đế quốc đang mờ ảo đe dọa, cái đã tạo ra “sự điên rồ trong tiêu thụ”, “phim Hollywood thương mại” và “thức ăn nhanh”, và ngoài ra còn thúc đẩy “cuộc chạy đua vũ trang”, tức ít nhất là một cuộc chiến tranh nguyên tử, nếu như không mang lại tận thế. Ngoài ra, người Mỹ còn được cho là vô học, vì Ronald Reagan cũng đã từng là một diễn viên, và người ta cho rằng còn không được tốt cho lắm nữa. Dĩ nhiên là không một ai trong số những người tôi quen biết đã từng xem một cuốn phim có Ronald Reagan đóng, nhưng sự thật này không thể làm giảm thiểu đánh giá thô bạo đó về sự nghiệp của ông ấy.

Ngay từ thời đấy, những thành kiến của tôi đã không phù hợp hoàn toàn với thực tế, vì gia đình tôi đã có những trải nghiệm khác. Vào giữa những năm 60 – anh tôi đã ra đời, tôi thì chưa – cha mẹ tôi sang Hoa Kỳ một năm. Cha mẹ tôi cho chiếc ô tô VW Käfer xuống tàu ở Đức, đầu tiên sống ở Columbus / Ohio, đi xuyên qua cả nước và rồi cuối cùng lưu lạc đến Berkeley, nơi cha tôi học đại học tại UCB. Năm ở Mỹ của cha mẹ tôi mang lại một chủ đề văn hóa quán xuyến trong đời sống gia đình tôi. Mãi cho đến ngày hôm nay, mẹ tôi vẫn tự hào kể lại những tài năng trong cuộc sống hằng ngày của anh tôi mà rõ ràng là đã thành hình ngay thời đấy. Dường như việc giật bồn cầu trong mỗi một khách sạn và trong mỗi một nhà hàng đều hoạt động khác nhau. Nhưng Manuel 2 tuổi lúc nào cũng nhanh như chớp trong việc chỉ với vài thao tác là biết được phải xoay hay ấn cái cần nào theo hướng nào. Nhiều thập niên sau đó, vào sáng chủ nhật cha tôi vẫn còn dọn ra cho chúng tôi món trứng rán với thịt lợn ướp muối và một nửa quả bưởi mà ông đã lạn ra một cách rất tỉ mỉ như đã học được từ những buổi ăn tối ở bên Mỹ. Và những gì mà cha mẹ tôi đã nhìn thấy trong chuyến đi bao giờ cũng được kể lại với ánh mắt long lanh. Grand Canyon, Muir Woods, Death Valley ngay từ đầu đã là những nơi kỳ bí trong tai tôi. Đó là những nơi mà gia đình tôi đã trải qua những chuyến phiêu lưu mạo hiểm và đã hạnh phúc.

Nhưng mặc dù vậy, quyển sách này sẽ không phải là một bài hát ca tụng mù quáng cho Hoa Kỳ. Đất nước này đầy những mâu thuẫn. Nó trẻ con và tàn bạo, nhà quê và cởi mở với cả thế giới, giàu ghê gớm và nghèo gây sốc, ích kỷ và tôn sùng Chúa Trời, không đếm xỉa đến người khác và thân thiện một cách không thể cưỡng lại được. Tôi cũng quen biết những người có hiểu biết, khước từ không sang Mỹ và tôi có thể hiểu được tại sao. Từ xa thì người ta dễ sống hơn với những thành kiến riêng của mình, ở bên này của Đại Tây Dương (theo cái nhìn của người Đức) thì người ta dễ thoát khỏi nét duyên dáng kỳ diệu và tàn bạo của đất nước này hơn.

Khi tôi đến Berkeley lần đầu tiên, tôi có cảm giác rất gần gũi với cha mẹ tôi. Cả hai người đều đã còn trải qua chiến tranh và lớn lên trong một nước Đức mà họ cảm thấy nó chật chội và bị giới hạn. Nước Mỹ đối với họ tuy không phải là đất nước của những khả năng vô biên. Cuối cùng thì họ cũng có một đứa con trai nhỏ và cũng hoàn toàn không muốn giàu có và nổi tiếng. Nhưng ở đây họ nhìn thấy không những một đất nước đang tiến hành một cuộc chiến tranh vô nghĩa mà còn cả những phong trào quần chúng chống lại nó nữa. Họ trải nghiệm một văn hóa mà trong đó họ hít thở dễ dàng hơn. Thế rồi tôi đi dạo qua sân của Đại học California và nhìn mặt trời tháng hai đang chiếu sáng từ Thái Bình Dương lên những ngọn đồi và kể từ khi anh tôi từ sân này chập choạng bước xuống dưới kia có lẽ đã không thay đổi nhiều lắm. Theo như tôi nhìn bao quát được từ Berkeley, Mỹ vẫn mãi còn là một trong những nước hùng vĩ nhất của thế giới. Những ai nhìn kỹ Hoa Kỳ, người ấy sẽ
a) bị chinh phục bởi vẻ đẹp của thiên nhiên và của những thành phố nào đó,
b) chắc chắn là sẽ yêu mến con người ở đây: tính khôi hài nhanh như chớp của họ, trí thông minh thực tế của họ, tính tò mò vô tận của họ.

Có một vài chướng ngại vật nho nhỏ mà người ta phải vượt qua khi nhập cảnh. Nhưng không có một rào cản ngôn ngữ. Phải công nhận: so với người Hà Lan, người Thụy Điển hay người Đức thì người Mỹ không giỏi về ngoại ngữ. Phần lớn họ chỉ nói tiếng Anh – và có thể là tiếng Nga hay tiếng Hoa Phổ thông, nhưng như vậy thì không phải là lúc nào cũng giúp được cho ai đấy. Nếu như bạn không muốn chỉ ở trong giới triển lãm tranh của New York, nơi bất kỳ ai cũng thông thạo ít nhất là hai thứ tiếng nữa, mà muốn chinh phục cả đất nước, thì bạn phải làm cho người dân bản xứ hiểu mình qua thành ngữ của họ. Nhưng tiếng Anh có tiếng là dễ học. Nếu như tin vào những người gìn giữ tiếng Đức, thì tiếng Đức của chúng ta cũng đã bị biến thể và Anh hóa một cách đáng ngại rồi. Và ai thì cũng nhặt nhạnh được một vài câu qua nhạc Pop, Internet hay học trong trường.

Tuy người Mỹ có thể không thông thạo thêm thứ tiếng nào khác nhưng họ cũng tạo điều kiện dễ dàng ngay cả cho người mới bắt đầu. Trong khi đấy thì người Pháp chỉ muốn dẫn khách đến cỗ máy chém (hay ít nhất là ra đến biên giới quốc gia) ngay khi người ta chỉ nhấn sai trọng âm tại từ croissant. Bạn cứ an tâm mà mang theo giọng tiếng Anh buồn cười học được từ trong trường, ở đây dường như ai cũng có một tiếng địa phương khác nhau. Và khi ví dụ như bạn đến Texas, thì hãy chuẩn bị tinh thần trước rằng bạn sẽ được nghe một thứ tiếng nhão như bột, ngân vang hay ho vô cùng và hoàn toàn không thể hiểu được. Hoặc là trước đấy bạn phải xem phim về các bang của miền Nam Hoa Kỳ có phụ đề, hoặc là bây giờ thì phải nhanh trí. Nhưng đừng sợ. Người Mỹ mang nhận thức trong máu, rằng mỗi một người đều là người từ phương xa đến, vì ngay chính họ cũng mới chỉ ở đây từ vài trăm năm nay thôi. Ít nhất là phần nhiều trong số họ. Gần như người Mỹ nào cũng hiểu rõ nguồn gốc của họ và biết rằng mình có 1/8 người Ireland ở trong người, bà ngoại xuất thân từ vùng Campania ở Ý hay tổ tiên đã lên đường từ một ngôi làng ở trung lưu sông Rhein.

Khi cha mẹ của Frank bạn tôi sang thăm chúng tôi ở New York, họ không biết nói đến một từ tiếng Anh. Một tuần sau đó, cha vợ tôi đã kết thân với người trông nom nhà đến từ Kosovo, và bà bán hàng người Trung Quốc ở Gracefully đã dành sẵn cho ông loại bánh vòng mà ông rất thích ăn vào mỗi buổi sáng. Để trả lời cho câu hỏi làm thế nào mà được như vậy, ông chỉ cười. “Khi chúng ta đến nước Mỹ, chúng ta sẽ trở thành người Mỹ”, Camilla Paglia đã viết. Thiếu một vài từ vựng thì có nghĩa lý gì?

Ngoài ra thì người Mỹ lịch sự đến mức gần như phát sợ. Tất nhiên là bồi bàn ở đây lệ thuộc vào tiền boa, tất nhiên là không phải lời khen nào cũng là một lời cầu hôn. Nhưng cuộc tranh cãi cũ, rằng thân thiện có phải là điều ngược lại của chân thật hay không, thì ở đây người ta có thể quên nó đi, vài ngày, vài tuần hay tốt hơn là trong phần còn lại của cuộc đời. Có thể học được nhanh chóng vài câu sáo rỗng, nhưng quan trọng hơn là quan điểm đúng đắn. Về cơ bản, để giao thiệp được tốt với người Mỹ có thể dùng cùng những quy tắc giống nhau như ở khắp nơi trên thế giới, tuy vậy, một chuyến thăm viếng Hoa Kỳ, nếu được sử dụng đúng đắn, là một khóa học cơ bản cho easy going: bạn hãy đến với người khác. Bạn hãy đặt câu hỏi. Bạn hãy vui mừng vì thành công của người khác. Bạn hãy trả tiền cho lần uống kế tiếp. Bạn hãy ca ngợi chiếc ví xách tay / đồng hồ / ô tô. Và trước khi bộc lộ những lời phê bình tất nhiên là hoàn toàn có lý do của bạn về chính sách ngoại giao, ổ gà hay thói quen trong ăn uống, bạn hãy suy nghĩ nhanh thêm một lần nữa xem điều đấy có thật sự là điều thích thú nhất mà bạn muốn nói ra hay không.
Ngay sau khi tôi sang Hoa Kỳ sinh sống, những cuộc gọi điện với bạn bè và đồng nghiệp ở Đức càng lúc càng trở nên kỳ lạ hơn. Hay ít nhất là tôi có cảm giác như vậy. Những lần nói chuyện bao giờ cũng bắt đầu với một bài ca về lo âu và phiền muộn. Thường bắt đầu một cách kinh điển với thời tiết xấu. Và thỉnh thoảng tôi còn được chia sẻ một cách gần như trách móc, rằng tôi lúc nào cũng tốt. Cái làn sóng của sự tiêu cực này – hoàn toàn không có ý xấu, đơn giản chỉ là nhập tâm – ngày càng đáng nghi ngờ hơn đối với tôi. Thú thật, việc cũng hay xảy ra cả ở nước Mỹ là tôi trả lời câu hỏi “How are you?” với một lời giải thích dài dòng về những thời hạn chót khác nhau của tôi, cơn cảm lạnh đang ập đến và vấn đề với căn hộ được sưởi quá nóng. Tại sao anh ta lại không kể những chuyện đó cho bác sĩ tâm lý của anh ta? Hay cho người trông nom nhà? Rồi tôi cho là có thể đọc được như thế trên gương mặt của người đối diện.

(Còn tiếp)



Adriano Sack

Phan Ba dịch
Tháng Hai 13, 2013

Câu trả lời phù hợp cho “How are you?” (hay “How you doin’?” hay “What’s up?”) là cả một khoa học cho người mới đến. Khi nó được một người láng giềng đưa ra trên đường phố, tôi vẫn còn suy nghĩ thật ra thì tình trạng của tôi như thế nào khi người ấy đã đi tiếp được 20 mét (60 feet) rồi. Điều quyết định là phải hiểu rằng ở đây chẳng có câu hỏi nào được đặt ra cả. Trong trường hợp thông thường, người ta phản công ngắn gọn với “Good. How are you?”, cũng không chờ câu trả lời và đơn giản là chuyển sang chuyện hằng ngày: hỏi mua một bao thuốc lá, nói cho tài xế taxi biết địa chỉ, tiếp tục đi. Khi người ta muốn biểu lộ khác đi thì phải chú ý đến tính nhiệt tình bẩm sinh của người Mỹ. Các biến thể sau đây có thể được sử dụng tương ứng.

“Not bad” = Ông bác sĩ tâm thần của tôi cũng đã hết cách để cứu chữa cho tôi rồi.
“Couldn’t be better” = Thật ra thì tồi, nhưng thôi mặc kệ.
“I’m good” = Bình thường thôi.
“I’m great / very good” = Tốt.

Đến một lúc nào đó, tôi quyết định chấp nhận và thực hiện chiến lược Mỹ, rằng người ta đơn giản chỉ phải khẳng định là mình đang tốt. Rồi cũng thành công. Xu hướng Đức thiên về bi quan và trầm ngâm suy nghĩ trước sau gì thì cũng đã thấm sâu vào trong người đến mức tôi không thể nào mà đánh mất nó được.

Câu hỏi dằn vặt, liệu cuộc trao đổi với người đang trò chuyện, tức nói chuyện xã giao mà người ta thường hay e ngại, có trở thành một tình bạn suốt đời hay không, cần nên được quên đi ở Mỹ. Ngoại trừ người ta cho rằng đấy là sâu sắc khi tập trung nhìn trừng trừng vào kệ sách hay vào ngôi nhà chọc trời trong một buổi tiệc cocktail. Khi người ta giải tán sau 5 phút hay vài giờ và cảm thấy thoải mái trong thời gian cùng chung với nhau đấy thì đã đủ rồi. Điều chắc chắn giúp ích được cho việc đấy là khả năng đừng nhìn cuộc sống một cách quá khó nhọc và nếu nghi ngờ thì hãy cười to lên về điều đấy.

Người ta sẽ không bao giờ hiểu được người Mỹ, và đường lối chính trị của họ lại càng không, nếu như không chấp nhận nhu cầu cơ bản của họ về cái mà họ gọi là “to have a good time”. Vũ khí có lẽ mạnh nhất của Ronald Reagan hay cũng của George W. Bush là khả năng truyền đạt được một sự bằng lòng mà tự bản thân nó cũng không xem nó là hoàn toàn nghiêm chỉnh. Một câu nói tự mỉa mai trong lúc hoài nghi còn nặng hơn cả một xì căng đan khá to trong chính sách ngoại giao. Không phải bỗng dưng mà người Mỹ có được những hài kịch tầm thường nhất cũng như tinh tế nhất của thế giới.

Vào lần tranh cử tay đôi của những người thuộc đảng Dân chủ trong năm 2008, Hillary Clinton cảm thấy bị giới báo chí đặt vào thế bất lợi khi so với đối thủ của bà là Barack Obama. Ngay đến những khiếu nại dữ dội nhất từ cộng tác viên của bà và những lần trực tiếp công kích giới nhà báo của Bill chồng bà đang tức đỏ mặt cũng không thể làm thay đổi được sự thật là Obama thường được giới nhà báo “vuốt ve âu yếm” nhiều hơn là “mang đi nướng”. Thế rồi một màn hài kịch ngắn được biểu diễn trong chương trình “Saturday Night Life”, biếm họa những lần đấu tay đôi trên truyền hình giữa hai người. Trong khi “Hillary” do nữ diễn viên hài Amy Poehler đóng bị hành hạ bởi những câu hỏi tàn bạo nhất có thể có được thì ở “Obama” đối thủ của bà, những người dẫn chương trình đặc biệt quan tâm đến việc người này ngồi có thật sự được thoải mái hay không. Màn hài kịch này hay không kém những phản ứng sau đó. Hillary Clinton thật, há miệng cười to như có thể, được đưa vào một trong các chương trình “Saturday Night Life” kế tiếp theo sau đó và cảm ơn về lần chế diễu tuyệt vời này. Rồi Amy Poehler đóng giả bà bước vào cảnh quay, tất nhiên là trong bộ quần áo màu nâu hạt dẻ giống y như nữ chính trị gia. Cả hai người đều khen ngợi bộ y phục hài hòa họ, và Poehler bắt chước nụ cười chiến đấu không kiềm chế của Clinton. “Tôi cười tệ như thế thật à?”, nữ chính trị gia cười, cam đoan “hôm nay không bàn về chính trị” và ngay trong khoảng khắc đấy đã quay sang khán giả theo tư thế muốn làm tổng thống để xin cử tri ủng hộ. Poehler nhăn nhó mặt mày ngọt xớt thêm vào đó. Nó không biết ngượng, nó buồn cười, và nó tuyệt vời.

Trong khi chính trị gia Đức chỉ vừa đạt đến mức thừa nhận thích ăn những món ăn bình thường trong các chương trình bàn luận êm ái thì Hillary Clinton, trước đây vài năm được Sabine Christiansen chuyên dẫn chương trình đàm luận gọi chỉ với một “thượng nghị sĩ” quỵ lụy, đã lao vào trong những cứng rắn của giới hài kịch. Và bà ấy đã hưởng lợi từ việc này. Người ta đã đối xử với Obama cứng rắn hơn một cách rõ ràng trong những tuần sau đấy. Những gì mà chồng của bà, cựu tổng thống, đã không thành công, thì một chương trình tiêu khiển đã đạt được trong vòng 5 phút. Người ta có thể cáo buộc người Mỹ đóng vai trò dẫn đầu trong việc trộn lẫn chính trị và kinh doanh giải trí, nhưng người ta phải thừa nhận rằng họ biết đánh giá cao một điểm gút tốt.

Nhưng khôi hài cũng giúp đỡ nhiều không kém cho đời sống tâm hồn cá nhân khi người ta tiếp cận đất nước này. Người ta còn phải nghĩ gì về một quốc gia dường như là nuôi nấng những người béo phì của nó bằng hamburger trong trường học và đồng thời lại dấy lên sự quan tâm đến hình dáng cơ thể đẹp một cách điên cuồng nhất ở ngoài Brazil? Một quốc gia nuôi trồng không đắn đo cây cối và bò đã được biến đổi gen và đồng thời ở đó ô tô hybrid thân thiện với môi trường lại là biểu tượng đẳng cấp mới nhất và không thể nào thiếu được? Trong một quốc gia mà một triệu phôi thai được đông lạnh đang chờ những người mẹ mang thai hộ và đồng thời thuyết tiến hóa và lịch sử sáng tạo Kinh Thánh được giảng dạy bình đẳng với nhau trong những ngôi trường nào đó? Trong một quốc gia mà các tác phẩm bậc thầy của kiến trúc châu Âu được bắt chước trong những khách sạn ở sa mạc và đồng thời đã sản xuất ra nghệ thuật, văn học và âm nhạc quan trọng nhất của 70 năm vừa qua? Trong một quốc gia mà cuộc cạnh tranh trên thị trường lao động gay gắt hơn ở bất cứ một nơi nào khác trong tư bản Phương Tây và đồng thời trong hồ sơ xin việc không được phép tiết lộ tuổi tác lẫn kèm theo một tấm ảnh để không một ai bị phân biệt đối xử? Trong god’s own country thì XXL không phải là cái tột bực mà là khổ tiêu chuẩn, phụ nữ to tiếng hơn, đàn ông nặng nề hơn, ô tô đồ sộ hơn, chương trình truyền hình chói tai hơn, nhật báo dầy hơn, miếng thịt rán còn máu nhiều hơn, luật lệ về vũ khí lỏng lẽo hơn, những con đường đi dạo đơn độc hơn, người giàu giàu hơn và người nghèo nghèo hơn. Người ta chỉ có thể cười để yêu đất nước này. Và với sự thán phục tính duy thực, tính ngây thơ và tình yêu tương lai của những cư dân của nó.

Khi Randolph William Hearst còn là một đứa bé, vào khoảng năm 1870, cha mẹ của ông ấy đã đi thuyền buồm trong những tháng mùa hè từ San Francisco xuống phía nam dọc theo bờ biển Thái Bình Dương và thả neo trước San Simeon, nơi họ sở hữu trang trại Pedras Blancas (vẫn còn chưa có con đường cạnh bờ biển Highway 1 ngày nay nổi tiếng). Trong những dịp nghỉ mát mùa hè, gia đình ở trên một ngọn đồi – với tầm nhìn tuyệt đẹp, nhưng ở trong lều. Sau khi Hearst xây dựng một đế quốc truyền thông với gia tài do cha mình để lại, ông kiến lập ở đây một tổ hợp gồm nhiều ngôi nhà mà đỉnh cao của nó là một lâu đài có mặt ngoài làm cho người ta liên tưởng đến một thánh đường Tây Ban Nha. Tất cả các ngôi nhà đều được nhét đầy bằng đồ cổ quý báu và nghệ thuật châu Âu, bể bơi được lát vàng, nhiều thú lạ nô đùa trong cơ ngơi rộng lớn. Nếu như có may mắn, ngày nay người ta còn nhìn thấy vài con ngựa vằn trong khi chiếc buýt chở khách tham quan lượn vòng vèo lên đồi. Cũng như ở lâu đài Neuschwanstein tại Đức, một lãnh chúa đã kiến tạo một thế giới tưởng tượng được gắn lại từ nhiều mảnh lịch sử. Nhưng trong khi lâu đài của vua Ludwig II tràn ngập sự điên khùng trốn chạy thế giới thì Hearst Castle lại hít thở toàn bộ tính hoang tưởng tự đại và lạc quan của Mỹ.

Một quyển sách mỏng như thế này tất nhiên là không thể nào bao gồm được toàn bộ một đất nước mà thật ra là cả một châu lục hay cả một thế giới. Nhưng để làm gì? Dù cho bạn đi xuồng trong Pennsylvania, nơi những con sông vẫn còn mang tên của người da đỏ, hay chạy snowcat qua những ngọn núi phủ tuyết của Colorado, hay lướt nhanh qua những gia đình cá sấu bằng chiếc airboat trong vùng Everglades của Florida, hay bạn say đắm rượu vang đỏ California trong Napa Valley, hay ngạc nhiên về sự suy đồi của thị trường nghệ thuật trong khu phố của những phòng trưng bày tranh Chelsea ở New York, bạn sẽ nhận thấy nước Mỹ đang chinh phục bạn như thế nào.

Và tất nhiên là ngược lại. Sớm muộn gì thì trong chuyến đi của bạn, bạn sẽ có cảm giác giống như một người khám phá. Được thúc đẩy bởi niềm tin không gì lay chuyển được, rằng cái tốt đẹp nhất vẫn còn đang nằm ở phía trước bạn.

Xin chào mừng bạn đến với Tân Thế Giới.

Adriano Sack

Phan Ba dịch
Mời các bạn đón đọc phần kế tiếp: Học tiếng Mỹ như thế nào?




No comments:

Post a Comment

View My Stats