Tuesday, 19 February 2013

TINH THẦN DÂN TỘC, KÍCH ĐỘNG HAY ĐÈ NÉN ? (Song Chi)




Song Chi/Người Việt
Friday, February 15, 2013 3:38:28 PM

Trong những năm gần đây, thế giới đang chứng kiến một đất nước Trung Quốc với tinh thần dân tộc dâng cao do “được” (hay “bị”) Bắc Kinh khéo léo kích động, qua các cuộc tranh chấp biển, đảo với các nước láng giềng Việt Nam, Philippines, Nhật Bản...

Một mặt, nhà cầm quyền Trung Quốc khơi dậy trong người dân niềm tự hào nước lớn, có nền văn minh, văn hóa lâu đời, phát triển thần kỳ, chỉ sau vài thập niên đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên toàn cầu. Họ bơm vào đầu óc nhân dân tư tưởng bá quyền nước lớn có từ thời Ðại Hán, và khát vọng soán ngôi Mỹ về mọi mặt, trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới.

Mặt khác, họ thường xuyên nhắc lại nỗi nhục bị phương Tây đánh bại tan tác trong quá khứ. Vẽ lên hình ảnh một Trung Quốc muốn chung sống một cách hòa bình và luôn luôn đối xử tốt với các nước láng giềng nhỏ bé hơn, nhưng lại bị các nước này vô ơn hoặc lấn lướt, lấy cắp dầu khí, tài nguyên trên biển...Chưa hết, lại còn bị bao vây, kềm chế bởi các nước phương Tây, nhất là Mỹ, do ganh tỵ và lo sợ trước sự trỗi dậy của TQ, v.v...

Sự cực đoan của tinh thần dân tộc đó đã bộc lộ ra qua những bài báo với lời lẽ hiếu chiến, đầy hận thù đăng trên báo chí truyền thông chính thức của TQ. Qua các cuộc biểu tình hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người Trung Quốc phản đối Nhật Bản trong vụ tranh chấp đảo Sensaku/Ðiếu Ngư, đốt xe, đốt phá các cửa hàng Nhật Bản trên đất TQ, tẩy chay hàng hóa Nhật và các tour du lịch đến Nhật...

Tinh thần tự tôn dân tộc ở một chừng mực nào đó là điều tốt, khiến người dân tự hào với đất nước và có tinh thần đoàn kết. Tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc giúp cho một quốc gia có được sức mạnh chống lại sự xâm lăng từ bên ngoài của các nước khác, bằng nhiều con đường khác nhau: Bằng văn hóa, kinh tế, quyền lực mềm cho đến dùng sức mạnh quân sự, gây chiến tranh.

Ngược lại, cũng không ít những ví dụ tiêu cực một khi lòng tự hào, tự tôn dân tộc được nhà cầm quyền lèo lái, sử dụng vào mục đích khác.

Các lãnh tụ hay các chế độ độc tài thường sử dụng tinh thần dân tộc để xây dựng tính chính danh cho họ, tạo nên sự gắn bó trung thành của nhân dân với chế độ trước những mối hiểm họa có thật hay tưởng tượng từ bên ngoài.
Nhìn vào Trung Quốc bây giờ, người ta thấy lại điều đó.

Trong những cuộc tranh chấp biển, đảo đang xảy ra giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, thế giới cũng nhìn thấy tinh thần dân tộc và lòng yêu nước được khơi dậy ở Nhật Bản hay Philippines, nhưng chỉ riêng với Trung Quốc điều đó lại trở nên đáng ngại.

Bởi TQ không chỉ là nước lớn, đang mạnh và sẽ mạnh hơn, nhưng còn vì cái cách phát triển bằng mọi giá bất chấp mọi quy ước, luật lệ quốc tế, đạo đức lương tri hay sự ô nhiễm môi trường, cũng như cách ứng xử với các nước khác đầy tính chất bắt nạt, đe dọa, của nước này.

Ðối lập với lòng tự tôn là lòng tự ti dân tộc. Lòng tự tôn hay tự ti dân tộc đều là những con dao hai lưỡi, có thể đem lại lợi hay hại tùy theo những người đứng đầu đất nước trong một giai đoạn nào đó có biết cách sử dụng hay không.

Nhật Bản chẳng hạn, là một quốc gia mà những người đứng đầu rất ý thức về điều này.

Ngay từ khi còn bé, trẻ em/học sinh Nhật Bản đã được dạy rằng Nhật bị thua nặng trong chiến tranh, phải làm lại gần như từ đầu, là một quốc gia không có tài nguyên thiên nhiên, tất cả chỉ trông cậy vào Con Người. Tuy nhiên, khác với TQ, chính phủ Nhật Bản nhắc nhở người dân về quá khứ thất bại không phải để nuôi thù hận, mà để người Nhật phải làm sao cho thế giới kính trọng trở lại đất nước mình, dân tộc mình.

Và quả thật, thế giới đã nể trọng Nhật Bản không chỉ vì ý chí của dân Nhật, không chỉ vì họ đã hồi sinh nhanh chóng sau thất bại, trở thành một quốc gia giàu có.

Mà còn vì sự văn minh, trật tự, dân chủ trong xã hội Nhật Bản, vì chất lượng, giá trị của những thương hiệu hàng hóa sản phẩm made in Japan, tinh thần trọng chữ tín, trọng danh dự, lịch sự, lễ phép, chu đáo, tinh tế... của người Nhật trong làm ăn cũng như trong đời sống hàng ngày, quan hệ hòa bình, thân thiện, tin cậy, thật sự giúp đỡ các nước khác... của Nhật Bản. Tức là “quyền lực mềm” của Nhật. Là cái mà TQ chưa có.

Còn VN, cũng đang có tình trạng tranh chấp với TQ, thậm chí còn gay go hơn các nước khác vì vị trí địa lý và mối quan hệ lịch sử đặc biệt giữa hai quốc gia, nhưng tình hình lại khác.

Dưới sự kiểm soát, khống chế của nhà cầm quyền, chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam, lòng yêu nước và cả tinh thần dân tộc của người dân lại bị đè nén, bóp nghẹt bằng mọi cách như vậy.

Trước đây, trong cuộc chiến tranh với Pháp, với Mỹ, đảng cộng sản đã rất biết cách khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc trong người dân bằng nghệ thuật tuyên truyền, điều khiển thông tin, bằng sự lừa bịp, dối trá và mỵ dân.

Ðó là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến chiến thắng của đảng cộng sản VN trước hai “kẻ thù” lớn mạnh hơn gấp nhiều lần, ngoài những điều kiện khách quan thuận lợi bên ngoài và sự hỗ trợ của các nước đồng minh.

Trước đây, đặc biệt là giai đoạn sau khi chiến thắng cả hai nước Pháp, Mỹ, giành được quyền lãnh đạo duy nhất trên cả nước, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trở nên cực kỳ kiêu ngạo. Bất cứ cái gì do phe thắng cuộc nói hay làm đều hay, đều tuyệt đối đúng, và ngược lại.

Người dân Việt Nam từ trẻ đến già được nhồi nhét, tuyên truyền hàng ngày về sự vĩ đại của đảng, về thế đứng cao vòi vọi của quốc gia và dân tộc... Nhà cầm quyền tự tôn nhưng cũng biết cách bơm tinh thần tự tôn dân tộc cho người dân.

Tuy nhiên, hậu quả từ “sự lãnh đạo sáng suốt của đảng ta” ra sao, đã được chứng minh bằng thực tế nhãn tiền trên đất nước Việt Nam suốt gần 40 năm qua sau chiến thắng, và chắc chắn sẽ còn để lại hệ lụy lâu dài hàng chục, hàng trăm sau khi chế độ cộng sản chấm dứt.

Ði từ cực đoan này qua cực đoan khác. Một thời thì cực kỳ kiêu ngạo. Một thời thì kích động tối đa chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, coi kẻ thù như “cái đinh rỉ.” Còn bây giờ thì hoàn toàn trái ngược.

Mặc cho Trung Quốc công khai lấn lướt trên biển, đánh, bắt ngư dân Việt, “gặm” dần từ đất đai ông bà tổ tiên Việt Nam để lại cho đến đảo, biển ngày càng chật hẹp. Mặc cho TQ lũng đoạn kinh tế, làm cho kinh tế Việt Nam bị lệ thuộc ngày càng nặng nề. Mặc cho TQ đầu độc người dân Việt chết dần chết mòn bởi vô vàn sản phẩm độc hại tuồn qua biên giới bằng đường chính thức lẫn buôn lậu, v.v...

Nhà cầm quyền Việt Nam cứ một mực nhịn nhục, lâu lâu chỉ phản đối mồm yếu ớt, còn lại gần như tự buông súng đầu hàng trên mọi lĩnh vực. Họ sợ TQ. Họ còn khiến người dân phải sợ theo. Họ khuyên người dân không nên manh động, không nên biểu tình phản đối chọc giận TQ, phải giữ cho được hòa bình (dù đánh đổi bằng cái giá như thế nào).

Chẳng trách gì bây giờ một bộ phận người dân cũng đâm ra sợ TQ, sợ chiến tranh, tự ti dân tộc, bạc nhược, thậm chí vô cảm trước thời cuộc...

Rất nhiều người Việt Nam khi được hỏi nếu xảy ra chiến tranh với TQ thì sẽ thế nào, đều cho rằng TQ mạnh lắm, đánh làm sao nổi mà đánh!

Rất nhiều người cho đến giờ này vẫn không biết Việt Nam đã mất Hoàng Sa, mất một phần thác Bản Giốc, ải Nam Quan,... và xem những người đi biểu tình chống TQ là một lũ điên, dở hơi. Hoặc không có ý thức về tinh thần dân tộc như tiếp tục mua bán, tiêu thụ những sản phẩm hàng nhái hàng dỏm hàng độc hại từ TQ, tiếp tay TQ làm hại dân mình.

Không ai khác chính nhà cầm quyền phải chịu trách nhiệm về điều này. Không những thế, họ cũng đang lãnh hậu quả trái đắng do chính họ tạo ra. Nếu bây giờ chiến tranh xảy ra, Việt Nam thua không chỉ vì yếu thế hơn về mọi phương diện, vì không có bạn bè đồng minh chiến lược, mà còn vì tinh thần bạc nhược, chủ bại ngay từ đầu.

Mọi sự cực đoan đều không hay. Kích động tinh thần tự tôn dân tộc thái quá hay đàn áp, bóp nghẹt, làm cho dân tộc trở thành tự ti, bạc nhược. Ðặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam đang phải đối mặt với mối họa lệ thuộc lâu dài, thậm chí mất nước, thì việc tự tay tước bỏ hai vũ khí mạnh nhất - lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, là một việc làm vô cùng thiếu khôn ngoan của nhà cầm quyền.






No comments:

Post a Comment

View My Stats