Friday, 1 February 2013

SÁU MƯƠI NĂM ĐỜI TÔI ĐỂ LẠI (Lê Văn Trinh)



Lê Văn Trinh
Chi tiết
Được đăng ngày Thứ sáu, 01 Tháng 2 2013 00:10

Nhân mùa tạ ơn, Giáng sinh và một năm mới, những dòng chữ còn lại trên trang giấy này hy vọng đến tận tay người thân, đồng đội, bạn hữu v.v… thay cho sự hiện diện đang bị cấm trở về quê hương VN, để tạ ơn Thượng đế, Tiền nhân đã hy sinh giành độc lập bảo vệ tổ quốc VN; để tỏ lòng biết ơn Ông bà cha mẹ Anh chị, kể cả người lính phi công Pháp cách đây 59 năm, và cô y tá trại tù Phan đăng Lưu 35 năm về trước.

Tôi cũng xin hết lòng cảm ơn bà con họ hàng, con cháu, đồng đội, bạn hữu đã và đang quan tâm, lo lắng cho tôi và vợ con tôi suốt những năm tháng tù đày, mặc dù chúng tôi đã gãy gánh sau khi ra tù lần thứ hai .Tôi cũng nhớ đến và thương cảm các bạn trẻ bị hành hạ vì đến với tôi. Tôi cũng không quên ơn nhân dân, chính phủ Hoa Kỳ đã cưu mang tôi những ngày còn lại trong đời [hoàn toàn xa lạ, đau bệnh không người thân v.v…] để có được một đời sống thật sự là con người.

Nhưng, tôi rất tiếc là không còn sức để tiếp tục đi trọn con đường mà tôi đã chọn suốt 45 năm theo đuổi kể từ sau biến cố Tết Mậu thân 1968 trong Hội bảo vệ nhân quyền và dân quyền VN, chi nhánh của Quốc tế nhân quyền tại Vietnam, trụ sở 480 Hồng thập Tự, Q3, Saigon, hoạt động theo mục tiêu của Liên hiệp Quốc "Hòa bình, Công lý, Bình đẳng, Hợp tác và Hữu nghị". Con đường mà tôi tin là sẽ bảo đảm cho Thế giới ổn định, nhân loại an bình.

Qua bài viết của công an đăng trên tờ báo Công an t/p HCM ngày 13 /10 /12 với tựa đề “Hành trình ….“ trong đó có đoạn gán ghép, quy chụp tôi với các cáo buộc hoàn toàn vô căn cứ, sai sự thật và đã làm cho nhiều người thân, đồng đội, bạn hữu v.v… băn khoăn lo lắng và thắc mắc. Tôi đã trả lời với ban điều tra Bộ công an suốt 05 tháng bị giam giữ tại Bộ công an đầu năm 2011 và đã nhiều lần khẳng định điều này.

Nay tôi viết lên bức thư này không nhằm để nói lên sự thù hận, phản đối hay biện minh mà chỉ muốn trình bày sự thật, một sự thật về thân phận làm người quá bi đát của tôi suốt một quảng đời đầy đau thương và nước mắt và cũng với tinh thần hoàn toàn tôn trọng sự thật, một quan niệm đúng đắn mà theo văn hào Nga Solzhenitsyn thì con người không thể giáo dục con cái trong tinh thần dối trá.

Là con út trong gia đình được sinh ra trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, tôi được Cha mẹ yêu thương nhất, chưa bao giờ rời khỏi vòng tay cha sau giờ làm việc. Đêm đến, cha tôi thường lau nước mắt và ngân nga bài thơ buồn để ru tôi ngủ.

Chưa kịp hồi tỉnh cơn sợ hãi dưới lằn đạn từ chiếc máy bay nhắm vào đàn bò đang gặm cỏ trên cánh rừng trơ trụi dọc theo bờ biển khiến hàng trăm con ngã gục. Tôi chứng kiến những con còn sống đáng lẽ phải chạy xa tránh né thì trái lại, vây quanh những con chết mà ngửa mặt lên trời kêu la [ rống ]. Vì vậy, chúng tiếp tục bị bắn chết nhiều hơn. Trong số đó có con Nu của gia đình tôi, thường ngày nó đưa tôi đi tắm biển. Chỉ thêm một lần nổ súng nữa chắc chắn tôi sẽ cùng số phận với chúng. Tình đồng loại đáng thương của những con vật mà con người thường hay nói "ngu như bò" đã đánh động lương tâm người lính Pháp và họ đã để lại cho đàn bò sự bình an, rừng hoang không còn loang máu, người nông dân nghèo khổ bớt đổ mồ hôi. Từ lòng nhân của người lính thực dân, đế quốc và tình đồng loại của những con vật ngu nhất đã để lại cho tôi niềm tin hy vọng vào con người dù bên này hay bên kia giới tuyến.

Đó là lý do tôi vâng lời mẹ dặn. Mẹ tôi, sau khi ngậm ngùi rơi nước mắt lòng tràn đầy uất hận nhìn cha tôi bị đánh đập hành hạ lôi kéo đi mất tích sau khi chỉ kịp để lại lời trăn trối thống thiết cuối cùng "tội tình gì các ông đối xử tôi như vậy hãy bắn giết tôi tại đây để vợ con thấy mặt", đã dặn tôi rằng: “Con đừng bao giờ nghĩ đến chuyện trả thù, họ cũng có ông bà cha mẹ vợ con, cũng sẽ đau khổ khi mất người thân, thù hận sẽ chồng chất hận thù“ .

Những người có mặt đêm hôm ấy không ai xa lạ, chính là người cùng chung sống trong làng, hằng ngày gặp mặt nhau nay lại trở thành những kẻ sát nhân giết hại dân làng vô tội. Không thể nào ngủ được tôi khóc mãi, mẹ vỗ về và trả lời câu sao cha lại khóc? Cha con quá thương nhớ anh của con [anh cả Lê Đảnh] đi kháng chiến chống Pháp bị Pháp bắt bỏ tù. Bài thơ ông thường ngâm là của anh con từ trong nhà tù. Thế mà có kẻ đưa tin rằng anh con làm quan cho Pháp.

Rồi những vết óc và máu loang trên tường không thể xóa sạch bởi của người chú ruột [Lê Ban] khi vào giữa đêm khuya, họ nhân danh kháng chiến cách mạng, gõ cửa, mời chú đi, và chú chỉ vì say ngủ và trả lời “khuya quá giờ này đi đâu", đã bị bắn chết ngay tại nhà mình. Hành động dã man chưa dừng ở đó! Còn có kẻ vu tin là căn nhà có chứa vũ khí thế là quân đội Pháp kéo đến đào bới và phá tan căn nhà. Rồi chiếc đầu khô tóp, hết máu nắm trên tay kẻ sát nhân đang hò hét đe dọa, khủng bố dân làng. Tôi vội vàng chạy theo sau kẻ sát nhân vừa hồi hộp lo sợ lẫn lộn với lời cầu xin không phải là đầu của cha mình, mặc dù chưa quên lời "Hãy giết tôi…” của cha . Đó là đầu của một dân làng [quên tên] đã bị cắt trên đường ray gần ga xe lửa Thạch Tuân, tỉnh Phú Yên. Họ chỉ là một dân lành đi sớm về khuya, kiếm sống bằng việc làm thuê cắt mướn, lặn lội ven sông rạch bắt từng con cá, tôm, cua v.v... vào mùa nước lụt, hoặc nắng lên khô cạn kéo lưới phụ ngư dân trên biển để được trả công bằng những con cá, con mực… hầu nuôi sống gia đình quá nghèo khổ không một tấc đất. Rồi đôi mắt vẫn còn mở trừng trừng của người em họ [Lê Đế] đã bị chôn sống sau khi bị bắt lúc đang trên đường đến thăm người yêu đang sống tại vùng quê trong tình trạng mất an ninh [ban đêm CS xuất hiện] v.v...

Họ, tất cả, đều là những người dân lành hiền hòa, vô tội bị CS địa phương chụp cho cái mũ "Việt gian" làm tay sai cho ngoại xâm cướp nước.

Mất cha, tôi đã mất tất cả! Tôi quyết định rời bỏ mái ấm, tình thương yêu của mẹ và nhà truyền giáo người Canada, Linh mục Olivier đang ở tại nhà tôi hướng dẫn tôi và mọi người về cuộc đời Chúa Jesus… để lên đường đi tìm cha. Bước dừng chân đầu tiên là căn nhà của người anh theo kháng chiến, đang dạy học tại các trường trung học tư thục ở tỉnh Bà rịa, mà tôi chưa hề gặp mặt biết tên để mong hiểu đươc sự thật và hy vọng có điều kiện cắp sách đến trường. Điều tôi kỳ vọng, chờ đợi đã được đáp trả bằng sự thất vọng hoàn toàn. Ông ta đã lạnh nhạt trước sự mất tích của cha, thờ ơ cuộc sống của mẹ và vợ con nơi quê nhà.

Rừng núi bao la, đường xa xứ lạ!

Trong khi chưa có tin cha, thỉ tại quê nhà thân mẫu chờ con, sức tàn hơi cạn, phều phào gọi tên con trước khi vĩnh biệt ra đi. Nước mắt tìm cha xa mẹ chưa vơi lại tiếp tục rơi dài theo bước chân lảo đảo tiễn mẹ như xác không hồn. Chiếc quan tài đã khép kín hình hài mẹ. Chẳng thiếu ai ngoài người anh cả. Tham vọng mù quáng của con người, lối sống ích kỷ của người anh đã gây ra cho tôi thảm cảnh đau thương này. Nắm cát cuối cùng tung trên quan tài tiễn đưa mẹ vào lòng đất. Gạt nước mắt, gát vầng khăn tang tiếp tục lang thang trên đường vắng.

Vết thương chưa kịp lành thì chiến tranh lại đến, Bắc Nam phân tranh lằn ranh Quốc Cộng. Chiến tranh nào mà không tàn ác. Nhưng khi cộng thêm với tham vọng mê lầm mù quáng, tham lam ích kỷ tỵ hiềm của con người thì chiến tranh lại càng tàn nhẫn, dã man hơn. Con người có thể nhân danh lòng yêu nước, chống ngoại xâm để tước đoạt quyền sống của người khác; nếu không theo phe phái, băng đảng của họ thì trở thành “phản động” chống phá nhà nước . Họ reo mừng chiến thắng, thăng quan tiến chức trên xác người.

Mùng 1 Tết Mậu thân 1968, xác người thay xác pháo. Cả thế giới bàng hoàng xúc động lên án cuộc chiến tranh man rợ và kêu gọi chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hòa bình tại VN. Hoà Bình cho VN cũng là niềm mơ ước của tôi để giúp hoàn thành một ước nguyện nhỏ nhoi trong cuộc đời vô vàn đau khổ trước khi nhắm mắt là tìm được cha đem về bên mẹ và hy vọng dân lành vô tội không còn bị giết hại một cách vô cớ.

Đường đến cha đang cày nát bỡi bom đạn. Tôi tạm gác chuyện tìm cha để chuyển sang tìm tiếng nói hòa bình. Dù ai thuộc phe phái nào, tôi vẫn tin là con người, loài khôn ngoan nhất sẽ vượt qua mê lầm, tham lam ích kỷ tỵ hiềm để thay vào bằng tình vị tha, xót xa và yêu thương.

Sau khi tìm hiểu nhiều tổ chức, đoàn thể v.v... nơi tôi dừng chân là Hội bảo vệ Nhân Quyền và Dân Quyền VN. Hội thường xuyên sinh hoạt nội bộ, và tổ chức ngày Quốc tế nhân quyền 10/12 hằng năm với sự tham dự của đại diện văn phòng Liên hiệp quốc tại VN, đại diện các Tòa Đại sứ các nước trên thế giới tại VN, đại diện chính phủ VNCH, đại diện các Tôn giáo, Đảng phái, Nghiệp đoàn, Tổ chức, Đoàn thể, Nghị sĩ, Dân biểu, Nghị viên, truyền thông báo chí. Tiếng nói nhân quyền thể hiện qua tập san hằng tháng. Chi hội thường xuyên sinh hoạt trao đổi 30 điều trong bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, lên tiếng về quyền làm người trên các nhật báo, tập san của Hội. Các thành viên có quyền tham gia các tổ chức bên ngoài, riêng tôi nhận được giấy mời từ các Tôn giáo, Đoàn thể, tổ chức v.v... tôi đều tham dự. Tôi đã hoạt động 7 năm với Chi hội Thanh niên Sinh viên Học sinh nhân quyền VN thuộc Hội bảo vệ nhân quyền và đấu tranh cho Hòa bình công lý. Chi Hội được sự giúp đỡ của giáo sư Trần chánh Thành, nguyên Bộ trưởng thông tin dưới thời Tổng thống Ngô đình Diệm, nguyên Bộ trưởng ngoại giao thời Tổng thống Nguyễn văn Thiệu, Cố vấn cho phái đoàn VNCH hội nghi hòa bình Vietnam tại Paris, Chủ tịch Đảng Cộng hòa đại chúng. Tôi chưa quên những điều Gs Thành tâm tình về sự khó khăn của Tổng thống VNCH Nguyễn văn Thiệu đối với chính sách của Hoa kỳ và lần nói chuyện cuối cùng với ông trước 30/4/75, sau khi Gs Thành tiếp Ngoại trưởng Kissinger về chính sách của Hoa kỳ đối với VN. Gs Thành đã tự sát đêm 30/4/75.

Năm 1965, Kỷ sư Trương như Tảng, BS Dương quỳnh Hoa và tôi cùng sinh hoạt trong Hội Terre des Hommes VN [Hội Đất Lành VN] chi nhánh của Terre des Hommes Âu châu nhằm cứu giúp Cô nhi chiến tranh VN. Sau khi Kỷ sư Tảng, BS Hoa tham gia chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN, Ông Huỳnh Tấn Phát, Thủ tướng chính phủ CMLT cho người gặp tôi đề nghị làm phụ tá Thủ tướng. Tôi từ chối! Sau khi nghe trình bày về quan điểm của tôi, ông bày tỏ sự hoan nghinh cuộc đấu tranh cho Hòa bình của chúng tôi, và ông hứa sẵn sàng hỗ trợ và mong sẽ gặp lại tôi sau khi chấm dứt chiến tranh VN. Ông đề nghị tôi tìm đọc bài phỏng vấn của ký giả Mỹ Walter Lippmann với Ông Hồ Chí Minh ngày 3/12/1968 tại Hà nội được đăng trên tờ Newsweek về "Giải pháp hòa bình cho VN sau khi chiến tranh chấm dứt". Trong thời gian này ông Phạm Chánh Trực [5 Trực] phụ trách thành đoàn mời tôi tham gia ban thường vụ thành đoàn, nhưng tôi cũng từ chối. Ông Trực tỏ ra giận dữ và lên án tôi không đi với dân tộc và thích làm lãnh tụ. Tôi chỉ mong muốn tiếp tục công cuộc đấu tranh cho Hòa bình là để thực hiện lời nguyện tìm cha tôi và làm tròn bổn phận một công dân dưới chính thể VNCH.

Tìm đươc tờ báo Newsweek, tôi và sinh viên Nguyễn văn Thành nhờ ông Phạm văn Cang chủ sự phòng báo chí Bộ thông tin VNCH dịch ra tiếng Việt. Bài báo dài 13 đoạn trong đó có 2 đoạn nói về tình hình giữa VN với TQ, và chính quyền cách mạng sau khi chấm dứt chiến tranh. Nội dung tôi chỉ ghi đơn giản những gì đã đọc, nghe được và chứng kiến trong cuộc đời cho người thân, đồng đội, bạn hữu và không bình phẩm v.v… Trong hai đoạn quan trọng đó, ông HCM đã tiết lộ trước khi chết: Sau khi chấm dứt chiến tranh VN, chính quyền VN bang giao với các nước trên thế giới, nhất là với Trung cộng. Lãnh đạo CSTQ đề nghị hai nước CS sẽ không còn biên giới trên đất liền. Hai tỉnh Quảng Đông Quảng Tây của TQ nhập vào VN. Ông HCM nói vừa chấm dứt chiến tranh, VN còn rất nhiều khó khăn không thể nào đảm nhận thêm 2 tỉnh nói trên của TQ. Lãnh đạo CSTQ đáp lại rằng CSVN chỉ quản lý con người, mọi phương diện khác CSTQ sẽ đảm nhiệm tất cả. Các đảo của VN sẽ sát nhập vào đảo Hải Nam của TQ. Giải pháp cho miền Nam VN sau khi chiến tranh chấm dứt rất dài chỉ ghi lại việc chính quyền cách mạng sợ chống đối, lật đổ. Ông HCM nói: "Không lấy dân làm gốc, tham nhũng là tội phản quốc, phản đảng, phản bội dân tộc không tránh khỏi bị chống đối và lật đổ".

Ngay từ giai đoạn này, tôi đã thấy tham vọng bành trướng, bá quyền của CSTQ được tiến hành trước hết là qua đảng CSVN, đàn em của CSTQ, để tiến chiếm dần Miền nam VN [VNCH]. Đồng thời, CSTQ đánh chiếm đảo Hoàng Sa do VNCH quản lý. Sau đó, từng bước khống chế, áp lực gây khó khăn cho CSVN hầu thực hiện mộng bá quyền trên toàn cõi VN.

Tôi đã chuyển bản dịch bài phỏng vấn đến các sinh viên trong phong trào SVHS tranh đấu trước 1975 qua sv Phan công Trinh, sv Nguyễn ngọc Huỳnh , sv Võ Ba v.v... Năm 1989 ông Trần hữu Duyên và người bạn của ông đã đọc lại. Năm 1990 khi tôi bị bắt trở lại lần thứ 2, công an t/p HCM tịch thu các tài liệu, báo chí lưu trữ trong đó có bài phỏng vấn trên.

Lúc bấy giờ Chi hội TNSVHS Nhân Quyền lên tiếng về quyền tự quyết của Dân tộc.

Sau 30/4 /1975, sv Phan công Trinh, sv Nguyễn ngọc Huỳnh thuộc thành đoàn bắt tôi, chụp cho cái mũ "đầu hàng phản bội" và giam tôi tại nhà giam số 4 Phan đăng Lưu, và âm mưu giết tôi bằng liều thuốc độc. Tuy nhiên, tôi đã được may mắn cứu sống nhờ cô y tá trại giam nói là "hết thuốc rồi" nên chỉ chích cho tôi 1/3 liều thuốc. Dù vậy, tôi cũng bị vật vã ói ra máu, chết đi sống lại suốt 24 giờ. Từ trong nhà tù Z30 C Hàm Tân, Thuận Hải năm 1979-1980, qua đài, báo chí của trại giam, nghe tin CSTQ tiếp tục xua quân đánh chiếm các tỉnh biên giới phía bắc VN để "dạy cho VN một bài học", còn biên giới phía Nam thì lãnh đạo CS Campuchea, tay sai CSTQ, đánh phá. Quân Dân ta một lòng, được CS Nga yểm trợ, CSVN cương quyết đánh trả đẩy lùi cuộc xâm lăng từ phương Bắc, và tiến quân vào Campuchea tiêu diệt tập đoàn diệt chủng Khmer Đỏ Pônpot. Tôi sực nhớ lại trước đây ông Huỳnh tấn Phát cho biết, theo thăm dò 70% người tham gia kháng chiến, giải phóng quân, nếu phải lệ thuộc vào chủ nghĩa CS thì thà chấp nhận CS Liên Xô. Bởi lẽ đi với Liên Xô, VN sẽ có nhiều cơ hội hơn để được Độc lập, giữ vững chủ quyền, thành viên Liên hiệp Quốc, bang giao bình đẳng vời các nước trên Thế giới nhất là Trung Quốc trong tinh thần hòa bình công lý bình đẳng. Việt Nam không thể tiếp tục chiến thắng bằng con đường quân sự . Đó cũng chính là điều mà tôi đã trả lời với phái đoàn Bộ nội vụ.

Trại giam lợi dụng tình hình khó khăn, hành hạ tù nhân suốt ngày, lao động cực khổ, hằng đêm phải ngồi nghe những bài báo Viêt Nam chửi mắng TQ, rồi bắt buộc tù nhân phải phát biểu, làm kiến nghị tình nguyện đi đánh TQ. Đúng là chuyện "ruồi bu" khi tù nhân đã bị mất hết quyền công dân, bị bao vây bằng hàng rào kẽm gai, bị canh gác lưỡi lê nòng súng, chó săn thì làm gì có chuyện đánh TQ. Tôi phát biểu như vậy và bị chuyển ra khỏi đội, bị đánh đập vô cớ. Tôi chuyền mảnh giấy ra ngoài cho người nhà với nội dung “vợ con hãy tìm đường ra đi, CSTQ sẽ chiếm Việt Nam. Nhà tan cửa nát, suốt đời làm dân nô lệ" và không may bị phát hiện. Vì vậy, tôi lại bị cùm chân kỷ luật vô thời hạn với tội “hành vi phản động nổi loạn trong nhà giam“. Bốn cán bộ điều tra của Bộ Nội vụ đã đến và liên tục điều tra thẩm vấn tôi với một câu hỏi duy nhất "động cơ nào"? Vì thái độ của tôi trước sự kiện đang xảy ra đã quyết định thời gian "kỷ luật vô thời hạn" kể trên.

Ra khỏi trại tập trung không án, hết quản chế. Năm 1986 căn cứ vào công ước quốc tế nhân quyền mà nhà nước CHXHCNVN đã ký kết năm 1982, tôi làm đơn khiếu nại gởi đảng CS và Nhà nước Việt Nam. Lúc đó ông Huỳnh tấn Phát là Phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng nước CHXHCNVN, ông Nguyễn văn Linh là Tổng bí thư đảng CSVN. Tôi gặp lại ông bà Huỳnh tấn Phát và ông bà đã nói "Anh chị cho người đi tìm em nhưng không gặp, anh chị cứ tưởng là em đã chết hoặc ra nước ngoài, tại sao không đến anh, ai bắt em …" và ông thốt lên rằng “Phũ phàng lắm em ơi! Người ta ăn chanh còn bỏ vỏ, chúng nó nuốt luôn“.

Nhận đươc giấy báo của Bộ nội vụ [còn giữ] gởi đến Ban giám đốc CA t/p HCM để giải quyết khiếu nại của tôi, tôi đến ban giám đốc công an t/p nhưng không ai tiếp. Bác sĩ Dương quỳnh Hoa, nguyên Bộ trưởng Y tế xã hội Chính phủ CMLTCHMNVN, và tôi gặp ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Ông TBT than rằng “Chú thông cảm, họ [CA] có quyền hơn tôi“.

Được tin Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ mà Chủ nhiệm là ông Nguyễn Hộ, nguyên Tổng thư ký Công đòan t/p HCM, nguyên Chủ tịch Mặt trận tổ quốc t/p HCM, đang giúp đỡ dân oan khiếu kiện v.v... tôi tìm đến Ban chủ nhiệm CLB và được nhận vào làm việc phụ giúp văn phòng trong ban thường trực và khâu in ấn thuộc bộ phận báo chí. Năm 1990 trước sự sụp đổ hàng loạt của các nước CS Đông âu, lãnh đạo CSVN lên án sự đổi mới toàn diện của CS Nga và mau chóng quên quá khứ thù nghịch với CSTQ, quan hệ trở lại với phương Bắc. Vì lãnh đạo CSVN đang lo sợ và cần sự bảo hộ của TQ để giữ đảng và quyền lực. Đổi ngược lại vì ở thế thượng phong với Việt Nam, đảng CSTQ cũng không quên điều kiện đã trình bày bên trên và từ đó nhiều hệ lụy xãy ra cho dân tộc VN đến ngày hôm nay.

CLB những người kháng chiến cũ của cụ Nguyễn Hộ bị đàn áp. Tôi lại bị bắt với bản cáo trạng của Viện kiểm sát và tòa án t/p HCM xử phạt 12 năm tù giam + 4 năm quản chế với tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền". Tôi bị lên án và bị sỉ nhục là thành phần bất lương của xã hội và bị đưa vào giam chung với đội tù hình sự cướp của giết người tại trại Z30 A Xuân lộc Đồng nai. Hai chân tôi lúc đó hết sức yếu khiến tôi không còn có thể đi lại nửa nên phải đi cấp cứu ở trung tâm chỉnh hình Saigon và nằm bệnh xá trại lâu dài.

Ra khỏi nhà tù năm 1998 với 4 năm quản chế, tôi sang Hoa kỳ năm 2000 theo diện tỵ nạn R10 449.
Năm 2003, tôi gởi thư đến Cao ủy nhân quyền Liên hiệp quốc để trình bày về số phận của những người hoạt động nhân quyền trước 75 và tình trạng nhân quyền sau 75 tại VN và đã nhận được thơ trả lời.

Năm 2004, tôi trở lại quê hương và thăm các em Sinh viên học sinh nghèo mà tôi đã trợ giúp, gặp lại các thành viên Hội nhân quyền, CLB những người kháng chiến cũ và gởi thư cho nhà nước CHXHCN VN để xin phục hoạt Hội Nhân Quyền và Dân Quyền VN. Tất cả những người gặp tôi đều bị mời điều tra xét hỏi.

Năm 2007, tôi về nước để tiếp tục khiếu kiện cùng với bà con dân oan tại 210 Võ thị Sáu, Q3, tp HCM nhưng cũng không tránh khỏi điều tra xét hỏi.

Cuối năm 2010, tôi lại về thăm quê hương và lần này chỉ nhằm giúp vài người bạn nghèo khổ mấy mươi năm chưa gặp, bà con cùng hoàn cảnh [khiếu kiện], thăm các em sinh viên, và tôi đã bị giam cầm 05 tháng. Trong thời gian tù tội này, nước mắt tôi lại rơi theo những tiếng kêu la than khóc thảm thiết của các bạn tù nữ giữa đêm khuya vắng vì bị tra khảo, đánh đập, chích điện của công an điều tra và bị buộc phải ký cung là nhận đô la "phản động". Thẳng từ trong nhà giam, tôi bị trục xuất khỏi VN ngày 23/3/2011 .

Đường đời quá dài nhưng chóng đến, con đường Hòa bình, Công lý… trông gần lại hóa xa bỡi lẽ con người có lẽ chỉ thường phấn đấu để mưu cầu hạnh phúc cho riêng bản thân, gia đình mà quên lãng hay im lặng hoặc cộng tác với một thiểu số cầm quyền tham ô, độc ác, ích kỷ, tỵ hiềm, chỉ biết xem lợi ích của cá nhân và bè đảng lớn hơn Tổ quốc và dân tộc.

Cuối đời, dẫu sao, tôi vẩn giữ niềm tin và hy vọng vào tiền đồ tươi sáng của dân tộc, vào lòng vị tha, hướng thượng của con người và vào lẽ phải, chính nghĩa. Tôi cùng chia sẻ niềm tin với mọi người trên quê hương thân yêu đã để lại cho tôi biết bao niềm đau nỗi nhớ. Sau cùng, với nắm tro tàn còn lại lênh đênh theo dòng nước Đại dương, tôi tin tưởng sẽ gặp lại được người Cha kính yêu, và bên cạnh Mẹ hiền thương mến.

Chúc bình an,
Lê văn Trinh
Sinh nhật 12/12/12

- Nguyên thành viên Ban quản trị trung ương Hội bảo vệ nhân quyền và dân quyền VN
- Chủ tịch Chi hội TNSVHS nhân quyền VN
- Thành viên Ban thường trực Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ VN








No comments:

Post a Comment

View My Stats