Friday 1 February 2013

GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP (GS Đàm Thanh Sơn)




Giáo sư Đàm Thanh Sơn
Thứ Năm, 31/01/2013

Thư dưới đây đã được chuyển đến trang “Dự thảo online” (duthaoonline.quochoi.vn) của Văn phòng Quốc hội vào ngày 22/1/2013. Sau đó một đoạn ngắn (về Điều 42) được đăng trong phần “Ý kiến người dân” (xem ở đây), còn lại bị cắt bỏ đi. Tôi đã nhiều lần email hỏi những người quản trị trang mạng về phần còn lại của bức thư, nhưng tới nay tôi vẫn không nhận được trả lời.

Do không muốn góp ý của mình xuất hiện ở dạng đã bị cắt xén nên tôi đăng lại toàn bộ ở đây. Bức thư có phạm vi hạn chế, chỉ nói đến một số thay đổi trong bản Dự thảo mà tôi thấy làm cho chất lượng của Hiến pháp giảm đi rất nhiều.
Đàm Thanh Sơn.

*
*

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (22/1/2013)

Kính gửi ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Uỷ ban dự thảo, sửa đổi Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng kính gửi ông Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch Uỷ ban dự thảo, sửa đổi Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về việc: Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tôi, Đàm Thanh Sơn, xin bày tỏ sự trân trọng với công sức của các ông và các thành viên của Uỷ ban trong việc viết Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Tôi rất vui mừng khi thấy Điều 1 của bản này khẳng định Việt Nam là một nước dân chủ. Trên tinh thần đóng góp xây dựng, tôi có hai đề nghị sau về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp:

1) Điều 42 (sửa đổi, bổ sung điều 59): tôi đề nghị giữ nguyên nội dung điều 59 của Hiến pháp hiện hành (bản 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001).
Lý do: Điều 42 trong bản dự thảo chỉ quy định “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”, bỏ nhiều quy định có trong điều 59 của bản Hiến pháp hiện hành, đặc biệt là quy định “Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí”, một điều Việt Nam đã cam kết khi tham gia Công ước về quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc.

2) Điều 70 (sửa đổi, bổ sung điều 45): tôi đề nghị giới hạn đến mức tối thiểu những sửa đổi trong điều này. Cụ thể, tôi đề nghị:
“Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chế độ dân chủ, cùng toàn dân xây dựng đất nước”.

Tôi đề nghị như vậy vì những lý do chính sau đây:

a) Trong điều 70 của dự thảo có quy định “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân”. Còn điều 45 của Hiến pháp hiện hành quy định “Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân”. Theo tôi, các lực lượng vũ trang của Việt Nam phải tuyệt đối trung thành với đất nước và nhân dân Việt Nam, do đó quy định như trong Hiến pháp hiện hành là đủ. Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ là một bộ phận của nhân dân Việt Nam, do đó đặt cụm từ “Đảng cộng sản Việt Nam” lên trước hai từ “Tổ quốc” và “nhân dân” như trong dự thảo là không hợp lý.

b) Tương tự, điều 70 của dự thảo còn quy định một trong những nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang là “bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân”. Điểm này cũng không hợp lý vì các từ “Đảng” và “Nhà nước” được đặt lên trước “nhân dân”.

c) Ngoài ra, điều 70 của dự thảo đưa “thực hiện nghĩa vụ quốc tế” vào thành một nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang. Theo tôi, các lực lượng vũ trang Việt Nam chỉ có thể hoạt động ở nước ngoài trong những trường hợp rất hãn hữu, và chỉ khi các hoạt động đó phục vụ nhiệm vụ “bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”, đã quy định ở trước. Tôi e rằng việc đưa “thực hiện nghĩa vụ quốc tế” vào Hiến pháp sẽ làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, có thể gây hiểu nhầm là Việt Nam không tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

Cám ơn sự chú ý của các ông và của Uỷ ban.
Kính thư,
Đàm Thanh Sơn.
Chicago, Hoa Kỳ
_______________________________

Đàm Thanh Sơn (1969-) là một giáo sư, tiến sĩ vật lý người Việt. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow năm 1991 và nhận bằng tiến sỹ vật lý tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Moscow năm 1995.

Từ năm 1995-1999: Ông là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (postdoc) tại Đại học Washington, Seattle (1995-1997) và Viện công nghệ Massachusetts (MIT) (1997-1999) [1].

Từ năm 1999-2002: Ông được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại học Columbia, đồng thời là một học giả (Fellow) tại trung tâm nghiên cứu RIKEN, trực thuộc Phòng Thí Nghiệm Năng Lượng Quốc Gia Brookhaven (Mỹ). Từ năm 2002, ông quay lại Seattle, được bổ nhiềm chức giáo sư tại khoa vật lý của Đại học Washington, đồng thời trở thành học giả nghiên cứu cao cấp (Senior Fellow) tại Viện Vật Lý Hạt Nhân trực thuộc trường này.

Từ tháng 09 năm 2012, ông là Giáo sư Đại học (University Professor) tại Đại học Chicago, Hoa Kỳ.[2] Đàm Thanh Sơn nghiên cứu về vật lý lý thuyết, chủ yếu là vật lý hạt cơ bản, vật lý hạt nhân và các ứng dụng của lý thuyết dây.

Đàm Thanh Sơn sinh tại Hà Nội trong thời kì chiến tranh trong gia đình trí thức. Bố ông là giáo sư dược học Đàm Trung Bảo, mẹ là phó giáo sư, tiến sĩ sinh hoá Nguyễn Thị Hảo.

Năm 2008 tổ chức Olympic Vật lý quốc tế ở Việt Nam, ông là một trong ba giáo sư vật lý Việt Nam được mời tham gia Ban tổ chức.






No comments:

Post a Comment

View My Stats