Friday, 22 February 2013

SAO KHÔNG THỪA NHẬN QUYỀN LẬP HIẾN CỦA NHÂN DÂN ? (Lê Nhung - Vietnamnet)




Lê Nhung   -   VNN
Thứ 7, 23/2/2013, 0:12 GMT+7

Vietnamnet - Tại sao không quy định thủ tục nhân dân phúc quyết bắt buộc đối với dự thảo Hiến pháp để khẳng định xem nội dung của Hiến pháp có thực sự thể hiện ý chí chung của nhân dân hay không? - PGS.TS Nguyễn Minh Đoan, ĐH Luật Hà Nội nêu.

Ngày 22/2, tạp chí Nghiên cứu lập pháp (Văn phòng Quốc hội) cùng tạp chí Pháp luật và phát triển (TƯ Hội luật gia Việt Nam) đã tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, điều 4 như trong dự thảo thì Hiến pháp cần quy định rất rõ phương thức lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội của Đảng để tránh tình trạng mất cân đối hiện nay. Đó là, quyền và nghĩa vụ của nhân dân, của các cơ quan nhà nước được quy định rất cụ thể, trong khi đó, quyền và nghĩa vụ của lực lượng lãnh đạo cả nhân dân lẫn nhà nước là Đảng lại được quy định khá sơ sài.

Ông Thuyết góp ý, những nguyên tắc đang dẫn dắt đời sống chính trị nước nhà như Hiến pháp thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng (chứ không phải một khế ước xã hội), hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa các nghị quyết của Đảng hay những quyền lực thực tế của Đảng như xác định phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, bố trí nhân sự và lãnh đạo công tác của toàn bộ bộ máy nhà nước… cần được quy định trong Hiến pháp để đảm bảo “các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, và “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.

 “Không có những quy định này, rất có thể dẫn đến xung đột quyền lực hoặc quyền lực của nhiều chủ thể mang tính hình thức”, ông Thuyết nói.

Liên quan đến các chế định về nhà nước pháp quyền, TS Hoàng Văn Nghĩa (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người) cho rằng, nguyên tắc pháp quyền chưa thực rõ nét trong thiết kế sửa Hiến pháp lần này. Theo ông, cần chế định cụ thể việc chế ước quyền lực. Quyền lực nhà nước cần phải bị hạn chế và bị kiểm soát, làm rõ những giới hạn, thẩm quyền, chức năng của mỗi cơ quan nhà nước. Hiện dự thảo vẫn chưa có chế định cụ thể về kiểm soát trao cho cơ quan nào mà chức năng kiểm soát quyền lực vẫn đang nằm rải rác, chồng chéo, dẫn đến thiếu hiệu quả.

Toàn dân phúc quyết

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo chưa thể hiện được tinh thần quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, đặc biệt trong vấn đề lập hiến.

Như phân tích của TS Hoàng Văn Nghĩa, nguyên tắc tối thượng của nhà nước pháp quyền là quyền lực thuộc về nhân dân. Dự thảo cần xem xét bổ sung thêm một điều hoặc một khoản riêng rẽ về quyền phúc quyết của nhân dân cũng như về quyền của nhân dân được trưng cầu dân ý.

PGS.TS Nguyễn Minh Đoan - ĐH Luật Hà Nội nói rõ hơn, dự thảo Hiến pháp vẫn không xác định quyền lập hiến của nhân dân mà vẫn coi đó là của QH. Việc làm Hiến pháp và sửa Hiến pháp phải do nhân dân quyết định cuối cùng. Quyền giám sát tối cao việc thực hiện Hiến pháp cũng phải thuộc về nhân dân. QH chỉ thực hiện quyền giám sát việc thực hiện Hiến pháp nhưng không phải là giám sát tối cao.

Thủ tục nhân dân phúc quyết (bắt buộc) đối với dự thảo Hiến pháp sau khi được QH thông qua vẫn không được quy định.

“Một câu hỏi đặt ra là tại sao dự thảo Hiến pháp vẫn không thừa nhận quyền lập hiến của nhân dân. Tại sao không quy định thủ tục nhân dân phúc quyết bắt buộc đối với dự thảo Hiến pháp để khẳng định xem nội dung của Hiến pháp có thực sự thể hiện ý chí chung của nhân dân hay không? Do chưa có điều kiện hay do chưa tin tưởng vào sự sáng suốt của nhân dân? Đến bao giờ chúng ta mới thực hiện được việc nhân dân Việt Nam phúc quyết Hiến pháp?”, ông Đoan nêu vấn đề.

PGS.TS Ngô Huy Cương (ĐH Quốc gia HN) đánh giá, xét toàn bộ dự thảo, toàn bộ vấn đề lập hiến hay làm hiến pháp vẫn hoàn toàn thuộc về QH. Như vậy hầu như không có sự thay đổi nào đáng kể so với Hiến pháp hiện hành về tư tưởng lập hiến.

Ông Cương cho rằng, Hiến pháp hoặc Hiến pháp sửa đổi phải được toàn dân phúc quyết hoặc bởi hội nghị đại biểu nhân dân được bầu ra riêng cho mục đích đặc biệt này.

Nói như nguyên Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu, "nhân dân mong đợi Hiến pháp phải thể hiện cho được trên thực tế quyền lực thuộc về nhân dân cũng như thể hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam".

Do nhiều vấn đề được cho là chưa hoàn chỉnh, các đại biểu đề xuất nên kéo dài thời gian lấy ý kiến nhân dân để thực sự xây dựng được một bản hiến pháp “văn minh, dân chủ, tạo bước ngoặt cho đất nước cất cánh”.

Lê Nhung




No comments:

Post a Comment

View My Stats