Phạm Tuấn Anh
(Potomac,
Maryland, USA)
by
Anh Gau Pham
on Tuesday, February 5, 2013 at 1:08am ·
Kính thưa các anh Ngô Bảo Châu và Đàm Thanh Sơn.
Vào thời điểm này (tháng Hai 2013), vấn đề có lẽ được
nhiều người Việt Nam quan tâm nhất chính là Hiến Pháp. Các tình cảm Hiến Pháp
của người Việt Nam chúng ta được đánh thức dậy nhân có sự kiện nhà nước Việt
Nam đưa ra bản dự thảo Hiến Pháp mới, sửa đổi trên cơ sở Hiến Pháp 1992, và kêu
gọi người dân tham gia đóng góp ý kiến cho các sửa đổi Hiến Pháp mà không phải
sợ các “vùng cấm.” Một nhóm các vị nhân sỹ, trí thức đã cùng đưa ra một bản dự
thảo Hiến Pháp khác, về gần như mọi phương diện khác biệt căn bản với bản dự
thảo của Nhà nước. Tới hôm nay 4/2/2013, bản dự thảo của nhóm này đã có khoảng
2000 người ký tên ủng hộ và họ đã chính thức chuyển bản này tới cho đại diện
của chính quyền. Cách đây một vài hôm, qua trang Facebook của một người bạn tôi
được biết hai anh Ngô Bảo Châu và Đàm Thanh Sơn có tham gia chủ trương làm
trang hienphap.net kêu gọi mọi người đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến Pháp từ nay
tới cuối tháng Ba chắc để kịp thời hạn gửi đóng góp cho cơ quan chuyên trách
việc sửa đổi Hiến Pháp của Quốc hội. Tôi tin là cuối cùng thì cũng sẽ có thêm
một bản dự thảo Hiến Pháp nữa ra đời qua trang hienphap.net. Để tiện cho việc
gọi tên, tôi xin phép gọi bản dự thảo Hiến Pháp của nhà nước là bản quốc doanh,
bản của các vị nhân sỹ là bản trí doanh, và bản sẽ ra đời qua trang của các anh
là bản dân doanh.
Kính thưa các anh!
Có rất ít lý do để tin rằng bản quốc doanh cuối cùng sẽ
bao gồm những ý kiến đóng góp từ các bản trí doanh và dân doanh cho dù những ý
kiến này tiến bộ và tích cực tới đâu. Nhưng đây theo tôi không phải là lý do để
chúng ta im lặng không đóng góp ý kiến cho Hiến Pháp. Tôi tin rằng dù biết
trước rằng ý kiến của mình sẽ không được sử dụng, những người cho ý kiến vẫn
làm vậy với một tâm thế là họ đang đóng góp cho một bản Hiến Pháp Việt Nam lý
tưởng. Và khi có đông người cùng có chung tâm thế đó thì tôi cho rằng chúng ta
đang được chứng kiến một thời điểm, một khoảnh khắc Hiến Pháp mà về sau nhìn
lại người ta sẽ đều coi là một thời khắc có tầm quan trọng lịch sử. Việc thời
khắc quan trọng này sẽ sản sinh ra những kết quả như thế nào, tốt xấu ra sao,
ảnh hưởng thế nào tới Hiến Pháp và qua đó tới hướng đi tương lai của đất nước
được quyết định bởi chính chúng ta hôm nay.
Và vì thế mỗi chúng ta đây, những người cảm thấy mình có
khả năng đóng góp hiểu biết và suy nghĩ của mình cho một bản dự thảo Hiến Pháp,
dù chỉ là một bản lý tưởng chưa có điều kiện được đưa vào thực hành, xin hãy
hành động với một tinh thần trách nhiệm cao cả vì tương lai chung của đất nước.
Kính thưa các anh!
Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam rồi được đi ra nước ngoài
học tập và làm việc rồi nhờ đó mà được quan sát, tìm hiểu thế giới, tôi nhận ra
rằng làm người Việt Nam sinh ra rồi lớn lên trong thế kỷ 20 không phải là việc
dễ dàng gì. Đất nước ta trong hơn một thế kỷ qua niềm vui thì ít còn lại thì
chỉ toàn ngập tràn là đau khổ: hết đau khổ vì chiến tranh tàn phá, chết chóc
lại đến đau khổ vì kinh tế suy tàn, đời sống nghèo khổ. Giờ đây, trong giai
đoạn đầu của thế kỷ 21 khi nền văn minh chung của nhân loại đang vươn lên đạt
tới những đỉnh cao đầy thăng hoa trong kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa,
khi mà các giá trị nhân bản trở nên phổ cập trên phạm vi phần lớn thế giới, khi
mà các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ người hèn người yếu trên thế giới lại
được lãnh đạo bởi chính những quốc gia xưa kia chúng ta coi như kẻ thù của tiến
bộ, thì đa số người dân chúng ta vẫn còn đang sống trong những điều kiện mà về
cơ bản là còn tồi và kém. Những cuộc đấu tranh của chúng ta nhằm giải phóng con
người khỏi cảnh nghèo đói và mất tự do mang đến những thành quả thấp hơn mặt
bằng chung của thế giới nơi người ta không phải hy sinh tính mạng trong những
cuộc đấu tranh đó. Người dân chúng ta hôm nay vẫn đói nghèo và sợ sệt, và điều
đáng phiền lòng nhất là những nguyên nhân của đói nghèo và sợ hãi nằm trong
chính chúng ta. Chúng ta sợ hãi chính những người đồng bào của mình, những
người dẫn dắt đất nước đi qua biết bao nhiêu sai lầm về quản lý, những người kể
công gọi kết quả của sửa sai là thành quả.
Thực tế chưa tối ưu trên cho thấy đã đến hay nếu chưa thì
sẽ sớm đến lúc mà chúng ta phải có một bản Hiến Pháp thực sự có hiệu lực giúp
phân định rạch ròi quyền, quyền lợi, và trách nhiệm của các bên quản lý và chịu
quản lý trong xã hội. Một bản Hiến Pháp như vậy, xuất phát từ ý chí chung của
người dân Việt Nam bình thường mong muốn được sống với tự trọng và nhân phẩm,
được sống an toàn, thanh thản đúng như con người, được tự hào về đất nước quê
hương và các truyền thống được bảo tồn, bao gồm cả các truyền thống về văn hóa
và lãnh thổ, hàm chứa trong nó những kỳ vọng của người dân đối với một nhà nước
thay mặt họ quản lý xã hội. Cái nhà nước quản lý xã hội theo Hiến Pháp đó phải
chịu trách nhiệm trước người dân, được tưởng thưởng cho tiếp tục giữ quyền quản
lý khi làm tốt, và chịu trừng phạt không cho tiếp tục quản lý xã hội khi không đáp
ứng được kỳ vọng của người dân.
Kính thưa các anh!
Bản Hiến Pháp lý tưởng đó hiện nay chúng ta chưa có trong
tay dù rằng hình dung về nó chúng ta có thể đã có. Một bản Hiến Pháp được soạn
thảo tốt có ảnh hưởng hàng nhiều chục, hàng trăm năm, giúp nâng cao mức sống và
nhân phẩm của người dân, giúp đảm bảo hòa bình, thịnh vượng và tiết kiệm nguồn
lực cho đất nước. Đối với một con người bình thường thì gia đình là tối cao,
đối với một người công dân thì đất nước là tối cao, còn đối với đất nước thì
không có gì cao hơn Hiến Pháp. Với suy nghĩ đó tôi đã tự bảo mình phải suy nghĩ
về Hiến Pháp như một điều thiêng liêng nhất và làm hết sức mình để đóng góp cho
việc hình thành một bản Hiến Pháp có giá trị trường tồn.
Tôi hết sức vui mừng được biết hai anh, hai nhà khoa học
tài năng người Việt, đã có một thái độ nhập thế rất tích cực khi chủ trương
trang mạng hienphap.net kêu gọi đóng góp ý kiến cho một bản dự thảo Hiến Pháp.
Trong hoàn cảnh đất nước hiện nay nghèo nàn về mọi mặt, thiếu vắng các tin vui,
các niềm tự hào thì hai anh thực sự là những viên ngọc sáng, những niềm tự hào
ít ỏi mà đa số người Việt Nam ta có thể cùng chia sẻ. Thực sự hiếm có ai phù
hợp hơn các anh, những người vừa có tài, có tâm, và có tầm, những người chắc
chắn không làm vì danh lợi, đứng ra làm hạt nhân cho những nỗ lực cổ võ cho một
điều thiêng liêng như Hiến Pháp. Theo tôi, một người khác nữa nếu tham gia với
các anh sẽ tạo thành một bộ ba hoàn hảo chính là Giáo sư Vũ Hà Văn. Tôi rất
mong thư ngỏ này của tôi sẽ được ai đó chuyển tới anh Vũ Hà Văn để anh xem xét
tham gia vào nhóm chủ trương hienphap.net.
Sau khi đã trình bày rất dài dòng các suy tư về Hiến
Pháp, tôi xin phép được nói thay mặt một số bạn bè thân hữu là chúng tôi đã cảm
thấy tự hào bao nhiêu và sẵn lòng tham gia bao nhiêu khi nghe tin hai anh chủ
trương làm hienphap.net thì chúng tôi cảm thấy thất vọng bấy nhiêu khi nhìn
thấy tên của ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu Tổng Biên Tập báo mạng Vietnamnet cùng
đứng trong nhóm chủ trương. Nhóm bạn chúng tôi, trong đó có người là bạn quen của
các anh, ngỡ ngàng hỏi nhau xem lý do tại sao ông Tuấn lại đứng trong cùng nhóm
với hai anh. Câu hỏi của chúng tôi là liệu ông Tuấn là người có ý tưởng rồi mời
hai anh tham gia, hay hai anh có ý tưởng rồi mời ông Tuấn tham gia. Chúng tôi
cho rằng ông Tuấn hoàn toàn không xứng đáng tham gia vào một nỗ lực cao thượng
và thiêng liêng như Hiến Pháp. Là người sống ở Mỹ giống như hai anh và ông
Nguyễn Anh Tuấn, tôi sẵn sàng cung cấp danh tính thật và chịu mọi trách nhiệm
trước pháp luật Mỹ khi nói rằng ông Nguyễn Anh Tuấn là một người cơ hội, giả
dối, và hám danh. Nhiều người khen ông Tuấn giỏi chính trị, giỏi quan hệ, có
lòng với đất nước. Bản thân tôi cho rằng người ta không thể dùng những chiêu
bài giả dối kể cả vì mục đích yêu nước. Ông Tuấn từ xưa đến nay luôn thổi phồng
những sự giáo dục ngắn hạn ông nhận được ở Harvard để lòe bịp người khác, thổi
phồng những thứ không quan trọng ông làm ở Harvard để lòe bịp người khác, lạm
dụng những thứ thiêng liêng để đánh bóng danh tiếng và lòe bịp người khác. Tôi
nói đơn cử vụ Đại học/Viện Trần Nhân Tông do chính ông Tuấn lập ra mà ông Tuấn
rêu rao theo những cách lập lờ kiểu như một viện trực thuộc đại học Harvard để
mời chào lôi kéo các vị trí thức trong nước, tạo tin giả trao giải hòa giải
mang tên Trần Nhân Tông cho lãnh tụ Miến Điện Aung San Suu Kyi và Tổng thống
Miến Điện Thein Sein. Tất cả những gì tôi biết về ông Tuấn, trực tiếp tìm hiểu
về ông Tuấn, và nếu cần có thể trình ra về ông Tuấn làm tôi cảm thấy không thể
đứng chung trong một căn phòng với ông Tuấn, chứ đừng nói đóng góp ý kiến về
một vấn đề thiêng liêng như Hiến Pháp cho một nhóm chủ trương trong đó có ông
Tuấn.
Kính thưa hai anh!
Tôi viết thư ngỏ này bày tỏ tấm lòng cảm phục và ngưỡng
mộ với ý thức của hai anh về vấn đề Hiến Pháp và xin phép được nói rõ lý do tại
sao, mặc dù được thuyết phục hoàn toàn bởi chủ trương, tài năng, và nhân cách
của hai anh, tôi lại không thể tham gia đóng góp ý kiến thông qua nhóm của các
anh. Nếu như ông Nguyễn Anh Tuấn rút lui khỏi nhóm, nhường chỗ cho một người
khác ví dụ như anh Vũ Hà Văn, thì tôi và các bạn sẽ xin hứa sẽ đi cùng với các
anh đến tận cuối con đường, đến tận đích của bản Hiến Pháp lý tưởng.
Xin cảm ơn và xin chúc các anh sức khỏe và thành công.
Phạm Tuấn Anh
Potomac, Maryland
------------------------------
No comments:
Post a Comment