22/02/2013
Thông thường, mỗi báo cáo hoặc
bài viết trên báo
Đảng, hoặc trong các cuộc mít tinh, hoặc trên bất cứ một cuộc đại hội nào
câu cửa miệng thường có là: “Sự lựa chọn con đường cách mạng đó là sự lựa
chọn của chính lịch sử, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của đông đảo nhân dân
Việt Nam. Nhờ vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ
thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Thế rồi sau đó là hàng ha sa số những
thành tựu, thắng lợi, thành quả… được nêu ra. Còn khi nói đến những sai lầm,
những thất bại, những hậu quả, thì tất cả đều là những sai lầm và thất bại,
khuyết điểm tạm thời, do khách quan, do một số không nhỏ cá nhân mà thôi. Còn
“đảng ta” vẫn vĩ đại thật(!).
Bởi “đảng ta” là tất cả những điều gì tốt đẹp nhất và
trên cả tốt đẹp nhất có thể dùng để xưng tặng cho “đảng ta” nào là đạo đức, là
văn minh, là vầng thái dương, là trí tuệ nhân loại. Thậm chí, tờ QĐND còn viết: “Đảng ta là con nòi…”. “Con
nòi” có thể được hiểu Đảng ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. “Con
nòi” cũng có thể được hiểu là kế thừa, kết tinh những gì tốt đẹp nhất, tinh túy
nhất của nhân dân”.
Vâng, chúng ta đã nghe đi, nghe lại, nghe mãi nghe hoài
mấy chục năm nay những câu, những từ đó với cách nhét vào tai, đập vào mắt ở
mọi nơi mọi lúc và không thiếu nhiều lớp người quá quen thuộc đến mức cứ tưởng
rằng đó là chân lý.
Từ một “Chủ trương lớn của Đảng” hơn hai năm trước
Khi dự án Boxit Tây Nguyên đưa ra, dư luận bàn tán ồn ào
và thậm chí nhiều người phản đối dữ dội vì nhiều lẽ. Trước hết vì đó là mái nhà
Tây Nguyên, nơi có vị trí cực kỳ quan trọng đối với an ninh đất nước, đối với
sự tồn vong của dân tộc lại để Trung Cộng dẫn quân vào đó khác gì giao Nỏ thần
cho Triệu Đà. Thứ đến là phá nát Tây Nguyên có nền văn hóa mang bản sắc lâu
đời, và cuối cùng là hiệu quả kinh tế của dự án sẽ là con số âm…
Nhiều phản ứng xã hội đã tạo nên một làm sóng phản đối
đối với dự án này. Hàng ngàn chữ ký đã được thu thập vào một bản Kiến nghị đưa
lên các cơ quan cao nhất của đất nước. Thậm chí, một Tiến sĩ đã từng đưa cả đơn kiện Thủ tướng (Nay đã
vào tù vì bị bắt bởi… hai bao cao su đã qua sử dụng).
Nhiều bài viết, nhiều tiếng kêu, tiếng phản biện trong nhiều diễn đàn, trong xã hội “Dự án bô-xít Tây Nguyên vừa lỗ nặng, vừa ô nhiễm”
đối với dự án này. Nhiều công dân từng giữ những chức vụ quan trọng trong bộ
máy đến các kiều bào ở nước ngoài đến các công dân Việt Nam nặng lòng với tiền
đồ dân tộc đã bày tỏ ý kiến lo ngại và phản đối dự án. Nhưng, tất cả những sự
cảnh báo, những kiến nghị, những ý kiến phản biện đều được cho vào sọt rác. Có
chăng chỉ có thêm vài cuộc họp, hội thảo lấy lệ cho qua quýt mà thôi.
Chỉ đơn giản là vì như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Đây là chủ
trương lớn của Đảng”. Còn báo chí thì cho biết “Giải trình trước Quốc
hội sáng nay, Thủ tướng cho biết, việc thăm dò khai thác, chế biến bô xít là
chủ trương nhất quán từ Đại hội Đảng 9 đến Đại hội Đảng 10”.
Nhiều người ký vào bản kiến nghị còn được lực lượng an
ninh, công an đưa vào vòng ngắm và gọi đến “làm việc” vì dám có ý kiến ngược
lại với “Chủ trương lớn của Đảng” – một tội tầy trời trong chế độ độc đảng hiện
nay.
Thậm chí nhiều nhà khoa học, nhiều trí thức cổ thụ hàng
đầu đất nước có tâm huyết với non sông còn bị đám báo chí, đám phóng viên, ở
lứa trẻ con (cả về tuổi đời, trí tuệ khả năng và lòng yêu nước) đưa lên bêu xấu
và chế giễu trên hệ thống báo chí nhà nước, coi họ như những người bị chứng tâm
thần. Điều này đã góp phần to lớn vào sự nghiệp làm suy đồi nền đạo đức và văn
hóa ngàn năm qua đất nước này đã xây dựng.
Có thể đám người ngộ độc thông tin đó nghĩ rằng, khi mà
mọi tốt đẹp nhất đã dồn kết tinh vào “đảng ta”, thì đám quần chúng nhân dân bên
ngoài có chi là đáng kể, có gì đáng phải quan tâm, phải chú ý? Đã là chủ trương
của Đảng, thì cứ thế mà thực hiện, miễn ý kiến. Nếu có ý kiến thì khác chi lội
ngược dòng nước lũ. Thậm chí, một số cái gọi là “nhà khoa học” cũng đã được
trưng dụng, để lên tiếng, để giải thích, để trấn an nhân dân hãy “tuyệt đối tin
tưởng” vào chủ trương của đảng và nhà nước.
Và cứ thế, mặc mọi ý kiến, mặc mọi kêu gào, dự án Bôxit
Tây Nguyên vẫn cứ tuần tự như tiến.
Đến hậu quả nhãn tiền hôm nay của các “chủ trương lớn”
Mấy hôm nay, báo chí loan tin ngưng xây dựng cảng Kê Gà sau mấy năm đầu tư để
vận chuyển Boxit xuất khẩu. Thủ tướng giao cho UBND Tỉnh Bình Thuận giải quyết
đền bù thiệt hại cho 12 nhà đầu tư bị thu hồi đất đai làm cảng Kê Gà. Như vậy,
một đống tiền của dân đã bỏ ra nay chìm xuống biển như không. Hậu quả tiếp theo
là những công trình ăn theo dự án này, cũng là tiền của của xã hội, của nhân
dân bổng dưng thành cát bụi. Điều lạ là thoát được dự án Cảng Kê Gà nằm trong
“Chủ trương lớn của Đảng” này, Tỉnh Bình Thuận thở phào nhẹ nhõm như trút được
gánh nợ dù cả ngàn tỉ đồng đã bay đi.
Rồi đến hôm nay, báo chí tiếp tục đưa tin về Dự án Bôxit
Tây Nguyên thuộc “Chủ trương lớn của Đảng” với những thông tin màu xám.
Dù mới cách đây 29 tháng: “Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội
khóa XII, một số ĐBQH đã có ý kiến về các dự án bô xít Tây Nguyên – Thủ tướng
Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện
việc kiểm tra, tính toán, đánh giá lại hiệu quả kinh tế và tác động môi trường
đối với các dự án, đặc biệt chú ý thẩm định thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ, bảo
đảm an toàn lâu dài đối với môi trường. Việc thẩm định được tiến hành nghiêm
túc, thận trọng và đã khẳng định: các dự án có hiệu quả KTXH, bảo đảm an toàn
về môi trường và an ninh, quốc phòng” – Thủ tướng nói.
Lời hứa của Thủ tướng trước Quốc Hội đến đâu? Thì đây đã có
câu trả lời: “Cảng Kê Gà gây nhiều hệ lụy!” “Dự án bauxite: Không hiệu quả thì nên dừng”. “Trật một li, đi ngàn tỉ”.
Bởi những con số đưa ra đã là con số thật, không còn là
“chủ trương” không còn là những lời hứa đẹp đẽ, lẻo mép. Rằng: “Giá xuất
khẩu thấp hơn giá thành, chi phí vận tải tốn kém, nhất là khi phương án xây
dựng cảng Kê Gà bị loại bỏ, lại thêm những hệ lụy lớn về môi trường…”.
Rằng: “Chấp nhận loại bỏ dự án bauxite ra khỏi Tây Nguyên là việc cần làm,
càng sớm càng tốt”.
Và đây là con số cụ thể: “nếu tính chi phí tiêu thụ
(vận chuyển, bốc dỡ, hao hụt) khoảng 25 USD/tấn và thuế xuất khẩu theo quy định
là 20% thì mỗi tấn alumin sẽ lỗ khoảng 124 USD nên tính ra, Vinacomin sẽ lỗ 74,4 triệu USD/năm”.
Những bài viết này đặt bên câu trả lời của Thủ tướng
trước Quốc Hội nói trên, khác chi dội những thùng nước lên đốm lửa?
Cũng tương tự, một dự án chủ trương lớn” là Dung Quất đã
có con kết quả là “Đầu Tư ở Dung Quất : Lỗ 120 triệu đô mỗi năm”.
Chỉ riêng hai dự án “chủ trương lớn” này, mỗi năm dân ta tha hồ nộp thuế để bù
vào đó 200 triệu đôla. Đọc những con số hiệu quả của các Dự án này, người ta có
cảm giác rằng Chính phủ Việt Nam ăn chơi còn gấp vạn lần câu chuyện Công tử Bạc
Liêu, đốt tiền dân còn hơn đốt vàng mã ở đền Bà Chúa Kho những ngày đầu năm.
Như vậy, chỉ nhìn vào vài dự án là “Chủ trương lớn của
Đảng” như Dung Quất, Bôxit Tây Nguyên, chúng ta có quyền nghi ngờ cái gọi là
“Trí tuệ của nhân dân” Việt Nam đã “kết tinh” trong Đảng Cộng sản và sản phẩm
của sự kết tinh đó là các “Chủ trương lớn”.
Mỗi năm, với quyền lực của mình, “đảng ta” phát minh ra
hàng hà sa số các chủ trương. Với các chủ trương đó, người dân cứ im lặng mà
thực hiện, nếu thất bại, thì lại có “chủ trương lớn” khác để bù vào đó. Tiền
thuế của nhân dân sẽ được huy động tối đa,các loại phí tha hồ được các chuyên
gia nghĩ cách để tận thu. Còn các loại khoáng sản, các nguồn lợi thiên nhiên
được khai thác cạn kiệt để bán lỗ.
Đó là hậu quả tất yếu của sự kiêu ngạo và bỏ ngoài tai
mọi lời góp ý, mọi sự đóng góp của nhân dân, mọi quyền lợi của người dân trên
đất nước này. Khi giành được quyền lực vào tay mình, những người cộng sản đã
nghiễm nhiên coi chỉ có mình là người chủ đất nước và mọi tiếng nói phản biện
của người dân đều bị coi khinh, thậm chí được xếp vào “thế lực thù địch”. Vậy họ
đang phục vụ điều gì?
Thật hài hước khi đọc những dòng này: “Chúng ta tự hào về Đảng Cộng
sản Việt Nam quang vinh, một đảng luôn giữ vững bản chất cách mạng và khoa học,
trung thành với giai cấp và lợi ích dân tộc, vững vàng trước mọi thách thức,
sáng suốt trong vai trò lãnh đạo của mình”. Thì nay đã phải đọc những thông
tin về các “chủ trương lớn” của đảng với những câu trả lời thật thảm hại. Cái
gọi là “cách mạng và khoa học” ở đâu? Cái gọi là “sáng suốt” ở đâu khi chủ
trương và lãnh đạo? Dù chỉ mới vài dự án được nêu tên ở đây?
Và nếu những câu tán tụng, tự sướng rằng “đảng ta” là kết
tinh mọi tinh hoa dân tộc, là trí tuệ nhân loại, là văn minh nhất, sáng suốt
nhất, thiên tài nhất… là sự thật, thì lẽ nào trí tuệ của đất nước này chỉ có
vậy thôi sao?
Tạm kết
Để an toàn cho bản thân, người dân ở trong đất nước Trung
Cộng thường trích ngữ lục của Mao Trạch Đông để biện dẫn cho các ý kiến của
mình. Trong chế độ Cộng sản Việt Nam, thay vì lời Mao Trạch Đông, người dân
dùng “ngữ lục” của Hồ Chí Minh như một cẩm nang, như Kinh Thánh. Chúng ta thử
xem những lời đó có gì? Ở đó có câu rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con
người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca
ngợi; nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá
nhân”.
Ở đây, câu nói trên của Hồ Chí Minh có đúng?
Hà Nội, Ngày 21/2/2013
J.B Nguyễn Hữu Vinh
No comments:
Post a Comment