Ngô Thị
Hồng Lâm
16/02/2013
Năm
nào cũng vậy, ngày 30 tháng Chạp tôi thức dậy sớm dọn dẹp nhà, chưng bông hoa
bàn thờ để cúng tất niên đón ông bà về ăn Tết. Buổi chiều tôi dành để đi thăm
và chúc Tết các anh em bạn bè cùng chí hướng.
Tôi
đến chung cư 57 Phạm Ngọc Thạch, nhà chị Dương
Thị Tân vợ anh Điếu Cày, một người tù kiên cường vì tội yêu nước chống bá
quyền phương Bắc. Gõ cửa một hồi, chỉ nghe có tiếng con Ki sủa váng lên ở bên
trong. Có lẽ chị Tân và các cháu đi vắng? Tôi bèn gọi vào máy của chị Tân, thì
được chị cho biết chị và các con đang trên đường lên trại giam Xuyên Mộc để
thăm nuôi anh Điếu Cày. Lòng yêu nước của con dân đất Việt thật gian nan vất
vả, nó phải trả giá bằng những tháng năm giam cầm trong song sắt.
Chúc
Tết và động viên chị trên điện thoại và chạnh lòng thầm nghĩ không biết mấy giờ
thì chị về được đến nhà để kịp đón giao thừa và còn lo cho các cháu bé!
Còn
em gái Tạ Phong Tần, cũng vì lòng
yêu nước không chịu làm nô lệ phương Bắc mà em mắc vòng lao lý, em đang bị đày
đọa ở nơi nao? Sống chết ra sao?
Một
giờ đồng hồ sau tôi đến chung cư Miếu Nổi. Ngôi nhà của nhà lão tiền bối nhạc
sĩ Tô Hải với blog nhatsibaothu.
Những
năm trước đây tôi làm quen với Internet, tình cờ vào mạng tôi đọc bài viết được
đăng tải lại của nhatsibaothu về anh “Toán
Xồm”. Anh là một người yêu dòng nhạc bác học cổ điển và nhạc tiền chiến,
những buổi hòa nhạc tiền chiến thường được tổ chức tại nhà riêng của anh. Vì
thế mà anh bị nhà cầm quyền miền Bắc kết tội “Tuyên truyền văn hóa đồi trụy” và
bắt bỏ tù. Ra tù thì không nhà không cửa và chết vạ vật ngoài đường.
Anh
“Toán Xồm” là hàng xóm cũ của tôi. Nhà anh ở 96 phố Tô Hiến Thành Hà Nội (nhà
anh ở phía ngoài mặt tiền, phía bên trong là nhà của họa sĩ Tấn Dậu). Những năm
Hà Nội chưa bị Mỹ bắn phá, trong ngôi nhà của anh thỉnh thoảng vẫn thường phát
lên tiếng nhạc của nhiều cây vĩ cầm trong các buổi hòa nhạc do anh tự tổ chức.
Lúc đó tôi chừng 4 hay 5 tuổi vẫn được các anh tôi cõng sang nhà anh “Toán Xồm”
làm khán giả nhí nghe hòa nhạc. Sau đó
không lâu thì anh “Toán Xồm” bị bắt đi tù, nghe nói những 20 năm. Nếu việc
hòa nhạc những bản nhạc tiền chiến và những bản nhạc có những vũ điệu tango,
rumba, valse…. Của anh “Toán Xồm” (ngoài ra không hề có chuyện đĩ điếm, xì ke,
ma túy… thế mà bị quy kết là “tuyên truyền văn hóa đồi trụy”, thì những vũ
trường tai tiếng như Century ở thời nay với đầy đủ nam thanh nữ tú, một nốt
nhac bẻ đôi không biết, nhưng lại rất bốc lửa trong các điệu vũ điên cuồng với
thuốc lắc, với hồng phiến mà báo chí đã nêu thì phải định nghĩa đó là “loại văn
hóa gì ???”.
Ngược
thời gian thì việc tổ chức những buổi hòa nhạc của anh “Toán Xồm” là một hình
thức sinh hoạt văn hóa rất lành mạnh giữa cộng đồng. Liền sau khi anh bị còng
tay, căn nhà anh ở được thay vào một chủ nhân mới. Đó là vợ chồng của 1 viên
chức công an tại Công an khu Hai Bà Trưng số 92 Tô Hiến Thành, Hà Nội.
Chiến
tranh diễn ra trên miền Bắc, gia đình tôi đi sơ tán về nông thôn. Hết chiến
tranh tôi chuyển đi sinh sống ở nơi khác, nên không có dịp gặp lại anh “Toán
Xồm”. Cho mãi đến khi đọc được bài viết chia sẻ nỗi đau với người vô tội của
nhạc sĩ Tô Hải về anh “Toán Xồm” tôi mới được biết về đoạn cuối cuộc đời anh,
cái “kết thúc vận hạn” có giá trị như một thông báo cho bất kỳ ai được sống
trong một nền ”dân chủ gấp triệu lần tư bản”!
Thời
chúng tôi lớn lên không lạ với những bài hát “Nụ cười sơn cước”, “Tiếng hát
biên thùy” của lão tiền bối Tô Hải. Nay ông lại có một blog với những bài viết
trung thực, đấu tranh đanh thép, lời lẽ sắc bén nhưng cũng không kém phần lôi
cuốn hấp dẫn. Từ lúc nhỏ đến lớn lên, xung quanh mình tràn ngập sách báo tuyên
truyền “có nghề” của Đảng, Bác. Khi đi làm thì tôi làm trong ngành Tuyên huấn,
cũng không dễ dàng gì cho việc tiếp nhận những thông tin mang tính trung thực.
Lúc lấy chồng thì chồng tôi cũng lại là “con đẻ” của Đảng, Bác, những điều đó
vây bọc quanh tôi khiến tôi trở nên mù tin tức. Khi đọc được những thông tin
mới mẻ, lạ lẫm ấy, tôi đã tạm ngưng tất cả công việc, để tập trung đọc hết toàn
bộ các bài đã viết có trong blog của ông.
Sau
đó là cuốn “Hồi ký của một thằng hèn”
được ra mắt độc giả. Khi có được cuốn sách trong tay tôi cũng ngưng lại mọi
công việc thường ngày để đọc một mạch cho hết. Đây là một cuốn sách như một
biên niên sử của giới văn nghệ sĩ miền Bắc thời kháng chiến chống Pháp và là
một cuốn sách “cho những ai cần biết về chủ nghĩa cộng sản trong hiện thực.
Nó cần cho những ai chưa tỉnh giấc nồng của những vàng son mộng mị, được sơn
phết vàng son” (lời giới thiệu của nhà báo Lê Phú Khải).
Tô
Hải không chỉ là một nhạc sĩ mà còn là một văn sĩ bởi những câu chữ và văn
phong của ông vừa đậm chất riêng vừa mạch lạc, từ ngữ trau truốt, mượt mà. Đọc
xong, tôi phải tìm gặp cho được người nhạc sĩ tiền bối đáng kính đã từng một
thời phải sống “đại hèn” để vợ con có nồi cơm. “Blog này là của một nhân
chứng lịch sử đã 62 năm sống trong lừa dối và đi lừa dối mọi người…” (Slogan
nơi đầu Tô
Hải Library)
Nhà
ông ở chung cư Miếu Nổi, ông bà tiếp tôi trong căn nhà nhỏ nhưng rất ấm áp tình
người. Từ đó tôi trở thành một bạn trẻ yêu mến cách lập ngôn và lập trường của
ông, tôi luôn hiện diện diện cùng gia đình mỗi khi tết đến xuân về.
Ông
là một blogger già nhất nước, ở tuổi 87 ông vẫn rất minh mẫn tinh tường và uyên
bác với triết lý sống đầy tính nhân văn trong những bài viết của ông để các thế
hệ trẻ lớn lên sau ông hiểu được sự thật lịch sử của dân tộc diễn ra trong quá
khứ đầy đau thương của 2 cuộc chiến tranh tàn khốc. Ông vẫn là người đi tiên
phong trong việc đòi “quyền con người”, nói lên sự thật và sự thật với tuổi
trẻ, ngõ hầu đừng lặp lại những đau thương của một thời ác mộng đầy nước mắt.
Gõ
cửa một hồi không thấy bác gái ra mở. Tôi bèn bấm chuông, thì nghe tiếng dép
bước chân bên nặng, bên nhẹ. Tôi nhận ra tiếng của ông. Ông đón tôi bằng một nụ
cười và ánh mắt rạng rỡ, ngồi trò chuyện với ông một lúc thì bác gái đi chợ mua
bông hoa đã về tới. Cũng là lúc đông đảo các bạn trẻ ngưỡng mộ ông, biết ơn ông
rủ nhau tới chúc Tết, tặng quà, khiến ông mừng vui như ấm tình đồng đội trong
thời khắc giao thừa sắp đến. Những thao thức, ưu tư trước thời cuộc và vận mệnh
đất nước trình bày trên Blog mấy năm qua ít nhất cũng đã đem đến cho ông những
giây phút thật hạnh phúc bên các bạn trẻ.
Chiều
cuối năm Nhâm Thìn với Tô Lão bối. Ảnh: NTHL
Chúng
tôi cầu chúc ông năm mới có nhiều sức khỏe, mạnh tay để viết tiếp những bí ẩn
còn đang được giấu kín dưới những lớp “vàng son mộng mị”, viết tiếp sự thật
bằng ngòi bút thép “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, không chịu nghỉ cuộc chơi
vì quyền sống của con người.
N.T.H.L.
Tác
giả gửi trực tiếp cho BVN
No comments:
Post a Comment