Saturday, 2 February 2013

NÊN SỬA LẠI MẤY KHÁI NIỆM CƠ BẢN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN (Phùng Hoài Ngọc)




Phùng Hoài Ngọc  (giangnamlangtu)
02-02-2013

Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Đảng 83 tuổi (3/2/1930 – 3/2/2013),

Nhân dịp năm 2013, Quốc hội triển khai sửa đổi Hiến pháp 1992 và lấy ý kiến toàn dân góp ý, Lãng tử cho rằng, một số khái niệm của Đảng chưa đúng chuẩn cũng nên bàn bạc sửa đổi luôn một thể vào năm nay, bởi vì Đảng có liên quan quá nặng với Hiến pháp.
GNLT

1. Trước hết bàn về chữ Đảng (party)
Châu Âu phát minh ra tổ chức “đảng” (theo nghĩa hiện đại). Đầu thế kỷ 20, cùng với những thành tựu văn minh khác, mô hình “đảng” lan mạnh sang châu Á.

(Thực ra Trung Quốc, Việt Nam cũng đã có khái niệm “đảng” () từ rất lâu trước khi có Đảng cộng sản, nhưng với nghĩa “làng xóm, họ hàng, môn phái, bang, hội”. Xem tiểu thuyết Kim Dung bạn đọc thấy cả một bộ sưu tập phức hợp các bang, hội, môn phái thiên về tôn giáo và võ hiệp, cũng có một ít các bang hội kinh tế như các “tiêu cục”).
Thời hiện đại, tổ chức đảng chính trị (party) hoạt động ở hầu khắp các nước tiến bộ theo nguyên tắc phổ biến như chúng ta đã biết. Tóm tắt khái niệm như Từ điển Cambridge Dictionaries Onlines ghi rõ “An organization of people with particular political beliefs which competes in elections to try to win positions in local or national government”. Tạm dịch: “Đảng là một tổ chức nhân dân có lý tưởng chính trị đặc biệt phải đua tranh trong bầu cử, cố gắng giành lấy vị trí trong chính quyền địa phương hoặc quốc gia”. Định nghĩa cho thấy đa đảng là một điều tự nhiên, tất yếu.
Thế nhưng hiếm hoi ở một số nước, như nước ta, bởi chỉ có một đảng nên Đảng không cần phải “cố gắng đua tranh” với ai, nghiễm nhiên lãnh đạo chính quyền mọi cấp.

2. Chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa cộng đồng ?
Nguyên tên gốc do ông Karl Marx đặt là “Kommunismus” (trong Tuyên ngôn đảng cộng sản, dịch đúng phải là “Tuyên ngôn đảng cộng đồng”). Danh từ này chuyển qua Pháp ngữ (communisme) và chuyển Anh ngữ là communism. Sự chuyển ngữ của ba ngôn ngữ ấy không sai biệt gì, chỉ phiên âm là xong. Khi lan tới Trung Quốc và Việt Nam mới nảy ra vấn đề dịch danh từ không chính xác.

Những người cộng sản TQ đầu tiên (chí ít là từ năm 1921 thành lập Đảng) đã dịch tiếng Đức Kommunismus” thành “chủ nghĩa cộng sản” (產主義).Sản chỉ có 3 nghĩa: sản xuất, tài sảnsản sinh. “Cộng sản” nghĩa là ba việc ấy đều là làm chung, chung tư liệu sản xuất, của cải hưởng chung, sinh đẻ chung”. Quan niệm của Đảng Trung Quốc như vậy khá thô thiển và mông muội ! Có lẽ, thời ấy (trước 1921) họ nghĩ dân trí còn thấp, nếu dùng chữ “cộng đồng” hay “công xã” thì trừu tượng khó hiểu, vậy nên họ dịch thành 3 cái “sản” cụ thể sinh động cho dân chúng dễ hiểu. “Cộng sản xuất” còn dễ hiểu, tức là cùng làm việc, “cộng tài sản” tức không còn tài sản cá nhân, còn “cộng sản sinh” tức là cùng đẻ con (!) thì quá thô thiển. Từ “cộng sản” chỉ có ba nghĩa ấy trong tiếng Hán cũng như tiếng Việt. Ngày nay hiện đại hóa, dân trí cao rồi, sao chúng ta không sửa đổi lại cho đúng ?

Từ điển Oxford online ghi mục từ “Communism”: “1. a political movement that believes in an economic system in which the state controls the means of producing everything on behalf of the people. It aims to create a society in which everyone is treated equally. (Một trào lưu chính trị tin tưởng rằng trong một hệ thống kinh tế nhà nước thay mặt nhân dân quản lý tư liệu sản xuất ra tất cả mọi thứ. Nó nhằm mục tiêu sáng tạo một xã hội trong đó mọi người được đối xử bình đẳng”.

Căn cứ định nghiã đó, chúng ta phải dịch lại là “chủ nghiã cộng đồng”.

Quan niệm “cộng sản” của người Trung và người Việt dùng lâu nay chỉ đúng nghĩa gốc 50% (cộng tư liệu sản xuất: the state controls the means of producing everything), mà không bao hàm “mọi người được đối xử bình đẳng” (everyone is treated equally). Còn nếu dịch là “công xã” (communism vốn gốc là commune tức công xã) thì cũng gần nghĩa hơn với từ gốc.

Nghĩ cũng lạ, những người cộng sản Việt Nam đầu tiên trong đó có lãnh tụ Hồ Chí Minh biết Hán văn và tiếng Tây đủ để hiểu người Tàu dịch ngô nghê, không chuẩn mà vẫn cứ dùng theo, và cứ bình thản nói viết theo cộng sản Trung Quốc cho tới bây giờ, mặc dù tiếng Việt có khả năng dịch chính xác chữ gốc Đức đó.

Vậy đề nghị sửa thành “chủ nghĩa cộng đồng” hoặc “chủ nghĩa công xã” để thay thế “chủ nghiã cộng sản” (*) Về ngôn ngữ như thế chính xác hơn, về thực tiễn, cũng cần làm mới một cái cũ từng dễ hiểu lầm (dễ bị xuyên tạc. Theo đó, ĐCSVN sẽ chỉnh lại cho đúng là “Đảng cộng đồng Việt Nam” hoặc “Đảng công xã Việt Nam“.

3. Lá cờ búa liềm dư cái liềm
Ai cũng biết, cây “búa” là biểu tượng của giai cấp công nhân, còn “liềm” thì trỏ giai cấp nông dân. Nhưng Điều lệ của Đảng lại xác định rõ “Đảng CSVN là đội tiên phong của giai cấp công nhân”. Vậy là khập khiễng, không nhất quán giữa ngôn ngữ và hình ảnh. Người nông dân từng bảo, Đảng chỉ đãi bôi vẽ cái liềm móc thêm vào cho nông dân khỏi mất lòng. Thế cũng là không chính danh. Vậy nên xóa cái liềm đi. Nếu không, giới trí thức, thành phần tinh hoa của đất nước, lại thắc mắc đòi hỏi vẽ “cây bút” vào nữa thì phiền phức hơn. Nếu giữ nguyên lá cờ búa liềm thì sửa đổi Điều lệ Đảng thành “Đảng của liên minh giai cấp công-nông”.

4. Secretary, thư ký hay bí thư ?
Chức danh “Thư ký đảng” xuất hiện đầu tiên ở châu Âu (secretary).
Đảng chính trị ở châu Âu hay châu Á cũng đều giống nhau ở chỗ: “đảng” có nghĩa “dân chủ”, mọi đảng viên có quyền biểu quyết, người đầu đảng không thể tự quyết mà phải thực hiện theo ý kiến đa số. Người đầu đảng chỉ là “thư ký”.

Phương Tây định nghiã “thư ký” là “A secretary: someone who works in an office, writing letters, making telephone calls and arranging meetings for a person or for an organization….” (Cambridge Dictionary online)
Dịch: Thư ký là người làm việc ở văn phòng, cơ quan, viết văn bản, trực điện thoại và sắp xếp cuộc họp, gặp gỡ cho một người hay một tổ chức”.

Theo quan niệm gốc, người đứng đầu Đảng mọi cấp (từ trung ương đến chi bộ) được gọi là thư ký (secretary), với nghĩa một đảng viên được bầu chọn làm công tác tổ chức, sắp xếp, giữ giấy tờ… Danh vị đó nói rõ tính dân chủ của tổ chức đảng, công việc không do một cá nhân quyết định, “thư ký” là người đại diện đứng đầu tổ chức nhưng không hoàn toàn là sếp (chief), bởi thư ký cần phải được sự nhất trí của đa số khi quyết định công việc.

Ngôn ngữ Trung Quốc cũng có khái niệm “thư ký” (書記 shu jì) từ lâu, là “người giữ số sách giấy tờ, làm văn phòng, trợ lực cho một người khác hay một tổ chức”. Định nghĩa như vậy khá chính xác, tương đối phù hợp với phương Tây tuy còn thiếu nội dung: đứng đầu một tổ chức. Còn “bí thư” ? Ngày xưa TQ và VN đều gọi một chức quan giữ các giấy tờ bí mật là “bí thư” (祕書) (Thiều Chửu từ điển và Từ điển Hán- Việt Đào Duy Anh đều ghi rõ).

So sánh như trên thì thấy riêng Việt Nam dùng “bí thư Đảng” để gọi chức danh người đứng đầu Đảng (từ trung ương tới chi bộ) là dùng sai chữ, sai chỗ. Cần phải dùng “thư ký” mới đúng.

Người Trung Quốc ngày nay vẫn dùng “thư ký” của Đảng, chẳng hạn như “Tổng thư ký Hồ Cẩm Đào” xuất hiện trên mọi truyền thông báo chí Trung Quốc. Còn Việt Nam thì vẫn nói “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Tại sao Việt Nam lại dùng “bí thư” một cách lập dị, chỉ dành riêng danh từ ấy cho đảng mình trong khi vẫn gọi người đứng đầu đảng khác là “thư ký” theo nguyên nghĩa (secretary/ shu jì), chẳng hạn như “Nguyễn Xiển Tổng thư ký Đảng xã hội Việt Nam (1944-1988 giải thể), Nghiêm Xuân Yêm Tổng thư ký Đảng dân chủ Việt Nam (1944-1988 giải thể)”. Chẳng lẽ ông Nguyễn Phú Trọng chỉ là người “giữ toàn bộ giấy tờ bí mật của đảng” (tổng bí thư)?

“Bí thư” có vẻ oai vệ, nặng ký hơn “thư ký” vốn nghe có vẻ tầm thường chăng?

(Tương tự, Bộ ngoại giao cũng dùng sai chức danh“ bí thư” ở đại sứ quán thay vì “ thư ký” (?))

Mặt khác, Đảng đã mặc nhiên giao cho “bí thư” quyền lực của thủ trưởng với một nguyên tắc mơ hồ gọi là “tập trung dân chủ” (?!), điều này trái với nguyên tắc dân chủ của một đảng chính trị. Hình như “đảng” được coi là một hệ thống chính quyền hơn là một đoàn thể chính trị.

Sẽ có người bảo: mấy cái chữ nhỏ nhặt lẻ tẻ đó cần gì phải máy móc quá, số phận của Đảng đang như lúc cháy nhà biết bao bối rối, ai mà bận tâm bàn bạc hai cái danh từ ấy. Nhưng tôi cho rằng không thể coi thường những chữ quan trọng như vậy. Vài con chữ chưa chuẩn mực nó cũng ám ảnh tâm trí con người và gây hậu quả khôn lường.

Đó là danh chính ngôn thuận.

Đề nghị Hội đồng lý luận trung ương tham mưu của Đảng xem và sửa lại mấy vấn đề trên cho chính danh, chính xác.

Phùng Hoài Ngọc

Chú thích: (*) Tôi đề nghị dùng”chủ nghiã cộng đồng”, ý kiến của TS.Vũ Thị Phương Anh là “chủ nghiã công xã”.








No comments:

Post a Comment

View My Stats