Đức Tâm – RFI
Chủ nhật 24 Tháng Hai 2013
Một số nước có trữ lượng dầu khí lớn hơn, khả tín hơn và có cơ sở hạ tầng tốt hơn, thế nhưng, kể từ khi quốc tế bãi bỏ cấm vận và cùng với tiến trình cải tổ chính trị tại Miến Điện, quốc gia này lại có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các tập đoàn lớn trên thế giới, cho dù chưa ai biết rõ trữ lượng của nước này.
Hồi tháng Sáu năm ngoái, nhiều công ty lớn đã ký các hợp đồng thăm dò dầu khí với Miến Điện, như PTTEP (Thái Lan), EPI Holdings (Hồng Kông), Geopetro International
Holding (Thụy Sĩ), Petronas (Malaysia)…
Sang đến tháng 09/2012, hãng Total của Pháp mua lại 40% vốn trong một dự án thăm dò của công ty Thái Lan PTTEP và đây là khoản đầu tư ở nước ngoài lớn nhất của tập đoàn này, kể từ năm 1998. Sắp tới, công ty Úc Woodside cũng sẽ nhẩy vào Miến Điện. Còn tại
Rangoon, ai cũng nói đến sự hiện diện của các tập đoàn Mỹ trong vài tháng tới.
Tháng trước, chính quyền Miến Điện đã cho đấu thầu 18 lô thăm dò trên đất liền và tiếp đó là khoảng 5 chục lô ở ngoài khơi.
Trong tháng Ba tới, Miến Điện sẽ đón tiếp một hội nghị quốc tế về năng lượng, bằng chứng cho thấy sự quan tâm của giới đầu tư, mặc dù không có nhiều thông tin về trữ lượng dầu khí của nước này.
Theo giải thích của ông Rajiv Biswas, chuyên gia thuộc nhóm IHS Global Insight, thì do Miến Điện bị trừng phạt, có rất ít đầu tư ngoại quốc. Các trữ lượng đã không được thăm dò đầy đủ với các công nghệ hiện đại. Điều này khiến Miến Điện trở thành mục tiêu thăm dò đầy hứng khởi của các tập đoàn lớn.
Đại diện một tập đoàn dầu khí xin ẩn danh, nhận định là trên thế giới còn rất ít khu vực chưa được thăm dò. Do vậy, các tập đoàn chú ý tới những nơi còn chưa bị dòm ngó tới nhiều, như Miến Điện.
Cục tình báo trung ương Mỹ CIA đánh giá, Miến Điện có trữ lượng vào khoảng 50
triệu thùng dầu và 283,2 tỉ mét khối khí đốt. Theo thông tin của tập đoàn Nhà nước Miến Điện
Myanmar Oil and Gaz Enterprise (Moge), thì trữ lượng được thẩm định
trong năm 2006 là 226 triệu thùng dầu và 457 tỉ mét khối khí đốt.
Thế nhưng, các nguồn tin được AFP hỏi, đều thú nhận là họ không hề biết gì về trữ lượng của Miến Điện. Tất cả chỉ có cùng một nhận định là Miến Điện nhiều triển vọng về dầu khí, trong đất liền cũng như ở ngoài khơi.
Theo giới chuyên gia, Miến Điện hiện đang sốt ruột chờ đợi sự hiện diện của các tập đoàn lớn, với các phương pháp khai thác cực kỳ hiện đại và rất hy vọng sẽ được chuyển giao công nghệ. Bởi vì trong 20 năm qua, chỉ có các tập đoàn châu Á, đứng đầu là Trung Quốc, vào làm ăn tại một nước bị cộng đồng quốc tế lên án về các vụ vi phạm nhân quyền và bị trừng phạt.
Trước khi quốc tế áp dụng cấm vận đối với Miến Điện, một số tập đoàn như Total, Chevron đã có mặt tại nước này, nhưng bị chỉ trích mạnh mẽ là phục vụ lợi ích của tập đoàn quân sự độc tài và nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng lao động cưỡng bức.
Hình ảnh của Miến Điện đã thay đổi hẳn, kể từ tháng Ba năm 2011, khi một chính phủ dân sự được thành lập, đứng đầu là Tổng thống Thein Sein, nguyên là sĩ quan cấp tướng. Trong một thời gian ngắn, ông đã thực hiện nhiều cải cách ngoạn mục.
Trong năm 2012, chính phủ Miến Điện đã hoãn một đợt đầu thầu, nhằm cải thiện tính minh bạch.
Dầu khí chiếm 34%
trong tổng xuất khẩu của Miến Điện và lĩnh vực này đang ngày càng phát triển. Ông Chit Khaing, chủ tịch tập đoàn Eden hợp tác với
PetroVietnam để thành lập một liên doanh, nhấn mạnh : Sự phát triển của lĩnh vực dầu khí sẽ có lợi cho
toàn đất nước vì Miến Điện đang trên con đường xây dựng nền dân chủ.
No comments:
Post a Comment