Miến Điện khởi sắc với Lễ Hội Văn Học
dưới sự
bảo trợ của
Aung San Suu Kyi
Kate Hodal in
Rangoon
guardian.co.uk, Sunday 3 February
2013 14.30 EST
Phạm Toàn dịch
12-2-2013
Aung San Suu Kyi
phát biểu tại lễ hội
Ngày hội văn chương Irrawaddy
kéo dài ba ngày đã hội tụ được các nhà văn, nhà thơ, và các cựu tù chính trị
Miến Điện trong nước và nước ngoài.
Đây là một ngày hội văn chương
với một chút khác biệt. Trước hết, đối với nhiều người trong công chúng tới dự,
ngay cả tên tuổi một số ngôi sao trên tờ quảng cáo cũng vẫn còn là một điều bí
ẩn, chẳng biết rõ họ là ai. Thứ đến là, một số trong những tác giả cũng vẫn còn
sợ rằng tác phẩm của mình bị kiểm duyệt. Thứ ba là, cả nước Miến Điện xưa nay
chưa từng bao giờ được chứng kiến một ngày hội như thế này.
Những cuộc sinh hoạt tại Ngày
hội văn chương Irrawaddy kết thúc hôm Chủ nhật được thực hiện bằng hai thứ
tiếng, Miến Điện và Anh ngữ, và có nội dung đa dạng, từ những hội thảo về ảnh
tân văn sang những cuộc thảo luận về chuyện kiểm duyệt và hành hung tại những
cuộc đọc thơ hoặc chiếu phim.
Công chúng tới dự đều đứng để
nghe các tù nhân chính trị kể về chế độ quân nhân cai trị Miến Điện kéo dài năm
chục năm, hoặc để nêu ra các câu hỏi về việc làm cách nào cho đất nước sẽ lại
có được những ngày vui lớn hơn thế này. Những mái lều bán sách cũ trải khắp
trên những thảm cỏ khách sạn Hồ Inya, nhà tài trợ ngày hội này, trong lúc các
nhà thơ và nhà văn tụ tập đông đúc quanh các bàn ăn picnic và thảo luận về nghệ
thuật cùng văn chương.
Những câu chuyện quay đi quay
lại trong ngày hội kéo dài ba ngày này luôn luôn xoay quanh nhà lãnh đạo đối
lập và nhà Giải Nobel Aung San Suu Kyi — người đến ngày hội này trong vai nhà
bảo trợ — và bà đã nói với công chúng tới dự rằng sách đã giúp bà tránh được
nỗi cô đơn trong hai mươi năm bị quản chế tại gia, và bà nói đùa rằng, tuy
nhiều người thấy bà dũng cảm đấy, song bà vẫn không đủ can đảm để hành động như
cậu chàng Harry Potter.
“[Việc đọc sách] mang lại cho
ta cơ may hiểu biết được những con người khác với ta có suy nghĩ ra sao, và
những con người khác ta có những trải nghiệm gì,” bà nói. “Và đọc sách cũng
giúp ta đương đầu với chính cuộc đời mình.”
Với nhiều người Miến Điện, ngày
hội văn chương này là một sự thức tỉnh phi thường đối với một cung cách sống đã
lẩn trốn khỏi quốc gia này trong nhiều thập niên.
“Nay chúng ta được gặp gỡ những
nhà văn quốc tế, và nói lên điều gì chúng ta thực bụng nghĩ và chia sẻ những gì
chúng ta thực sự am tường,” – đó là lời Shwegu May Hnin, 74 tuổi, một nhà văn
chính trị can trường đã sống trong giam tù những năm đầu của thập niên 1990 –
“ngày hội này thật tốt cho chúng ta.”
Thế nhưng không phải tất cả
những vị khách mời quốc tế đều có tên tuổi trở thành quen thuộc ở Miến Điện, vì
đây là một quốc gia bị cách ly khỏi thế giới bên ngoài khiến cho chỉ những bản
văn đã được kiểm duyệt của các tác giả cổ điển lớn mới lọt được vào nhà trường.
“Miến Điện rõ ràng là rất yêu
văn chương, thế nhưng Miến Điện cũng thiếu hẳn điều kiện để đến được với văn
chương,” lời Jane Heyn, giám đốc điều hành ngày hội và là vợ đại sứ Anh quốc
tại Miến Điện. “Lúc lập kế hoạch tổ chức ngày hội này, khi nghe tôi nhắc tới
những tên tuổi như Jung Chang [tác giả cuốn sách “Những điều chưa biết về Mao
Trạch Đông”, “Mao, The Untold Story” – ND thêm] và [nhà sử học – ND
thêm] William Dalrymple, tôi bắt gặp những cặp mắt trố ra nhìn mình. Nhưng
đó là những cặp mắt của những con người khát khao hiểu biết.”
Sự kiện ngày hội văn chương này
khiến nhiều người nước ngoài lần đầu tiên mới được đọc hoặc được nghe về văn
chương hoặc thơ ca Miến Điện.
Giải nhất tại Ngày hội văn
chương được trao cho cậu học sinh Trung học 17 tuổi Aung Zin Phyo Thein, người
viết truyện ngắn Đổi đời về cuộc chiến sắc tộc kéo dài ở vùng Kachin,
trong đó có nói tới nạn mãi dâm, nạn rượu chè trong công việc khai thác mỏ.
“Tôi đã tận mắt thấy những điều
tàn bạo xảy ra [ở nơi đây]. Điều đó xảy ra hàng ngày,” lời Aung Zin khi được
hỏi vì sao anh chọn viết về chuyện xảy ra ở Kachin, một bang ở đó những người
nổi dậy suốt 50 năm qua đã chiến đầu đòi được nhiều quyền tự trị hơn. “Thông
thường khi chúng ta nghe đến chiến tranh, thì ta nghĩ tới Iraq và Afghanistan.
Nhưng giờ đây, chiến tranh quá gần nơi chúng ta đang ở. Bây giờ chiến tranh là
một thực tại của chúng ta. Và tôi đã chọn tập trung vào chuyện này, bởi vì
trong chiến tranh hai phe thì đánh nhau còn bị chết thì bao giờ cũng là phe thứ
ba.”
Trong khi Miến Điện mở cửa chậm
nhưng mà chắc, thì thế giới bên ngoài cũng cần hiểu biết về đất nước này. Một
tập thơ Miến Điện đương đại, Những khúc xương rồi sẽ reo mừng (Bones
Will Crow), mới được xuất bản tại Anh quốc, còn tại Miến Điện thì đã bãi bỏ cơ
quan kiểm duyệt hồi năm ngoái và đã giảm nhẹ một số trong những quy chế khắt
khe đã buộc những nhà văn được yêu quý nhất của đất nước này vẫn còn đang phải
sống sau song sắt nhà tù.
Song nhiều nhà văn và nhà thơ
thành danh hơn cả của quốc gia vẫn bày tỏ nỗi sợ tiềm ẩn trong họ đối với chính
phủ, trong đó có cả nỗi sợ rằng những quyền tự do mới có được sẽ vẫn có khả
năng bị tước đoạt bất kỳ lúc nào.
“Tôi không sợ viết ra những gì
tôi muốn lên tiếng, nhưng các vị biên tập và các nhà xuất bản vẫn sợ in thơ của
tôi,” lời Saw Wai, một trong những nhà thơ tiếng tăm của Miến Điện, người đã bị
bỏ tù năm 2008 vì đã chỉ trích chính phủ trong một bài thơ ám chỉ kín đáo nhân
Ngày Valentine. “Ông tổng thống đã nói rằng chúng tôi nên tự do biểu đạt, nhưng
việc thực thi quyền này thì vẫn còn rất kém. Nói cho thực lòng, tôi vẫn còn bị
quá khứ ám ảnh.”
Nói cho thật đúng thì thế hệ
trẻ của Miến Điện không chỉ cưỡi trên những ngọn sóng cải cách còn rất mới, mà
họ đang còn trông đợi được nhiều hơn nữa.
“Tôi không muốn làm cho to
chuyện, nhưng thực sự phải nói là không, tôi không sợ hãi,” lời Aung Zin khi
được hỏi xem anh còn lo lắng chuyện kiểm duyệt nữa không. “Tôi là người đầu
tiên được giải thưởng tại Hội văn chương Irrawaddy và … tôi muốn điều này trở
thành chất xúc tác cho các nhà văn trẻ khác đang muốn cầm bút viết văn.
“Đừng sợ. Viết thôi, cứ viết
đi.”
No comments:
Post a Comment