Saturday, 9 February 2013

MẬU THÂN 1968, VÀ NHỮNG ĐIỀU MAN TRÁ (Huy Phương)





Huy Phương
Saturday, February 02, 2013 2:29:00 PM

... “Xin gọi trăng soi Khe Ðá Mài
Thời gian rêu phủ mảnh đầu ai
Bãi Dâu đau xót hồn Gia Hội
Phú Thứ tóc vương trảng cát dài...”
(Huế Oan Khiên)

Dù thời gian 45 năm đã trôi qua, mỗi lần nhắc đến Huế, tôi nghe như tiếng “Tết” và tiếng “Mậu Thân” đi liền theo sau đó. Tôi có mặt ở Huế từ ngày 28 Tháng Chạp và rời Huế vào chiều ngày 23 Tháng Giêng, năm Mậu Thân trên một chuyến tuần giang của Hải Quân Mỹ, từ bến tàu Tòa Khâm trước trường Trung Học Kiểu Mẫu Huế để vào Ðà Nẵng.

Trên “Chiếc Cầu Ðã Gãy”. Hình ảnh chạy loạn trong giai đoạn Mậu Thân 1968 tại Huế

Khi từ vùng Chợ Cống chạy về lánh nạn trong khuôn viên trường học, nhìn về phía thành nội, tôi đã thấy cảnh lửa cháy bốn góc thành trong đêm, cũng như nhận chịu hơi bom cay, theo gió thổi bạt về phía bên ngày tả ngạn sông Hương và chứng kiến những xác người được chôn vùi sơ sài trong khu vườn của ngôi trường học.

Nói tôi là nạn nhân là sống sót cũng có phần đúng. Khi chưa chạy về được nơi tạm cư lánh nạn thì Việt Cộng đã có lần đứng trước cửa nhà, nơi đền thờ của An Thường Công Chúa, chúng không vào nhà lục soát nhưng đứng ngoài sân quát nạt: “Tất cả ai trong nhà ra hết!” Gia đình ông chú già, đàn bà, trẻ con đều ra tập họp trước sân, trừ hai đứa chúng tôi, cậu em, một sĩ quan thuộc Trung Ðoàn I Bộ Binh và tôi, sau những ngày đói khát, lo sợ rã rời, đang nằm ngủ mê mệt dưới gầm giường, lọt giữa những bao cát chống pháo kích, không nghe, không biết gì cả. Nếu vào lúc ấy, chúng tôi thức giấc hay tỉnh táo, sẽ có phản ứng ra sao? Nếu vào lúc ấy, chỉ một tiếng gọi: “Ba ơi” của một trong những đứa con tôi, thì tôi đã không còn hạnh phúc, may mắn hôm nay, 45 năm sau, ngồi viết những dòng chữ này.

Tôi xin nói thêm, tuyệt vọng và sợ hãi nằm trong hầm trú ẩn, tôi ôm cái máy thu thanh nhỏ áp thẳng vào tai, vào khoảng ngày mồng năm Tết, nghe qua đài phát thanh quân đội Saigon, hai phóng viên Phạm Huấn và Dương Phục đang tường trình về mặt trận Chợ Lớn, để thấy mình chưa hoàn toàn tuyệt vọng, và may ra có thể sống sót.

Phải một thời gian dài sau khi Việt Cộng rút ra khỏi thành phố người ta mới tìm ra hầm chôn tập thể đầu tiên, rồi từ đó những hố chôn tập thể khác ở ngay trong thành phố, ra ngoại ô, rồi ở xa hơn như Khe Ðá Mài. Tất cả các nạn nhân đều bị trói khuỷu bằng tre lạt, dây điện thoại, nhiều người xương sọ bị vỡ, phần lớn nguyên vẹn, hay trong tư thế tuyệt vọng vì bị chôn sống. Nhân chứng Phan Văn Tuấn, năm Mậu Thân mới 16 tuổi là một học sinh trường Bồ Ðề Huế, về sau là sĩ quan Pháo Binh VNCH, hiện sống tại Sydney, Úc, người đã bị Việt Cộng bắt đưa đi làm công tác lấp đất chôn người, trong lần được ký giả Nam Dao tại Adelaide phỏng vấn, đã lên cơn hoảng loạn khóc nức nở vì những ấn tượng không phai mờ, ám ảnh anh trong nhiều năm.

Sau khi về Saigon và tên Việt Cộng cuối cùng ra khỏi Huế, tôi đã có dịp trở lại đây một đôi lần theo Ủy Ban Truy Tầm và Cải Táng Nạn Nhân Tết Mậu Thân để chứng kiến những chuyện có thật như trên. Bản thân tôi cũng được Tổng Cục CTCT giao công tác trở lại Huế để sưu tập tài liệu thảm sát Mậu Thân, để có thể hoàn thành một tập sách tương tự như Bạch Thư. Cách sắp xếp của tôi là tiếp xúc với những gia đình của nạn nhân điển hình, lấy hình ảnh lúc còn sống, tiểu sử nạn nhân, sau đó lấy đúng hình ảnh của nạn nhân đã bị thảm sát, thi thể đã đánh số sau khi được đào lên với giây trói hay sọ bị vỡ, ghi nhận chi tiết do Ủy Ban Truy Tầm cung cấp, ghi số thứ tự từ 1 đến 100. Tiếc thay, tập sách (hay tờ trình) với đầy đủ hình ảnh minh chứng, được đệ trình lên tổng cục trưởng, đã bị bỏ quên trong một xó xỉnh nào đó, mà với một sĩ quan thuộc cấp như tôi không có quyền thắc mắc.

Bốn mươi lăm năm sau, Việt Cộng còn ca tụng cái gọi là chiến thắng Mậu Thân, và đổ tội cho hơn 6,000 cái chết của dân Huế là do bom đạn, phi pháo của phía Việt Nam và Mỹ tàn sát. Chúng trả lời làm sao về những cái chết của các giáo sư y khoa Tây Ðức, những linh mục, sinh viên, học sinh, người buôn bán và ngay cả những viên chức chính phủ VNCH bị “bom đạn” Mỹ giết lại được người “cách mạng” chôn cất tử tế trong mấy mươi hầm tập thể trước khi rút lui.

Ủy Ban Truy Tầm và Cải Táng có sự chứng kiến của các phái đoàn ký giả quốc tế thường trực chẳng bao giờ tìm thấy trong các hầm tập thể này một đôi dép râu hay một cái nón cối, hoặc tai bèo!

Vậy mà 45 năm sau vụ thảm sát này, những tên đồ tể tắm máu đồng bào Huế còn can đảm dựng lên một cuốn phim 12 tập, phỏng vấn những nhân vật gian trá, để lừa dối lớp trẻ mới lên và cả lớp người nhẹ dạ, u mê dưới bóng tối của chế độ cộng sản rằng hoàn toàn không có vụ gọi là “thảm sát Mậu Thân”.

Cộng sản gian dối và luôn luôn lặp lại gian dối, ngay cả những điều mà chúng biết là gian dối vì nhu cầu tuyên truyền chính trị và ngay cả vì nhu cầu miếng ăn. Cuốn phim “Mậu Thân 1968” do bà Lê Phong Lan bỏ tiền túi ra thực hiện, nhưng khi làm xong thì đài truyền hình CSVN đã mua ngay để chiếu trong dịp Tết Quý Tỵ 2013.

Tết Mậu Thân, gia đình nào ở Huế lại không có tang chế. Bảy năm sau, xương mục nạn nhân chưa tan rã hết, Việt Cộng vào, nhưng đau buồn và nước mắt, đồng bào Huế đành phải nuốt ngược vào lòng.

Ăn ngang, nói ngược, “một lời nói là một đọi (bát) máu” như một thành ngữ của Huế, liệu cái chế độ vừa tàn ác vừa gian trá ấy còn sống bao lâu nữa giữa những lời nguyền rủa của người sống và nỗi oan khuất của người chết.

Hãy nghe bốn câu thơ này của Hoàng Phủ Ngọc Tường:
“Những chiều Bến Ngự giăng mưa
Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi
Tôi ra mở cửa đón người
Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang!
(Ðịa Chỉ Buồn)

Còn ai đó nữa, nếu không là những linh hồn oan khuất của Huế Mậu Thân đang kêu gào đòi nợ máu!





No comments:

Post a Comment

View My Stats