Nguyễn Ðạt/Người Việt
Friday,
February 01, 2013 6:59:13 PM
SÀI GÒN (NV) - Nghe tin nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, trong buổi sáng ngày 27 tháng
1, nhưng bận công việc ở Gò Công nên trưa ngày 1 tháng 2 chúng tôi mới tới thắp
nén nhang vĩnh biệt nhạc sĩ.
Linh
cữu nhạc sĩ Phạm Duy được quàn tại nhà riêng, cư xá Lê Ðại Hành, Quận 11.
(Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)
Chúng
tôi rủ nhà thơ Phạm Thiên Thư cùng đi, nhưng ông bảo đã viếng nhạc sĩ Phạm Duy
ngay sau lễ nhập quan. Nhà thơ cho hay, ông gặp ca sĩ Ánh Tuyết và ca sĩ Ryo
người Mỹ hát nhạc Việt, ở đám tang cùng lúc đó.
Hỏi
về tang lễ nhạc sĩ Phạm Duy, nhà thơ Phạm Thiên Thư lắc đầu, nói: “Mình tưởng
Hội Âm Nhạc thành phố đứng ra tổ chức tang lễ cho ông Phạm Duy chứ, hóa ra
không. Ðài truyền hình thành phố cũng vậy, không hề loan báo tin một nhạc sĩ
lớn của dân tộc Việt Nam qua đời. Nhưng thôi, mình đã quá biết họ là như vậy.”
Ông
nói thêm, “Riêng mình, quá buồn thương khi nhạc sĩ như Phạm Duy mất đi; ấy là
mình chưa nói, rằng không có người nhạc sĩ đại tài như Phạm Duy, thơ mình đã
chẳng thể tới tâm hồn mọi người như vậy...”
Ca
sĩ Tuấn Ngọc (phải) bên linh cữu nhạc sĩ Phạm Duy. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người
Việt)
Nhà
thơ Phạm Thiên Thư giục tôi tới đám tang; rồi về quán Hoa Vàng của gia đình
ông, để cùng uống ly cà phê đậm nhất, nghe những nhạc phẩm của nhạc sĩ.
Tới
đám tang, ngó kim đồng hồ chỉ đúng 3 giờ 30; giấc trưa, thưa vắng người tới đám.
Chúng tôi thắp nén nhang trước linh cữu nhạc sĩ Phạm Duy; xong, ra rạp che
ngoài hàng hiên, uống trà, có ca sĩ Tuấn Ngọc - con rể nhạc sĩ Phạm Duy - ngồi
tiếp chuyện.
Tuấn
Ngọc cho biết, vài tháng trước khi nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, Duy Cường - thứ
nam của nhạc sĩ - đã đưa cha tới bệnh viện nhân dân 115 mấy lần, vì ông lên cơn
bệnh đau tim. Lần sau cùng vừa qua, cũng vẫn hy vọng cha vượt qua được cái
chết. Ðâu ngờ hôm ấy, 27 tháng 1, Duy Cường vào bệnh viện thăm cha, không thấy
dấu hiệu nào đáng ngại; nhưng khi anh về tới nhà, người giúp việc túc trực bên
bệnh nhân, báo tin nhạc sĩ Phạm Duy vừa tắt thở.
Vòng
hoa của nhạc sĩ Tô Hải viếng nhạc sĩ Phạm Duy. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)
Ở
đám tang, giữa những vòng hoa phúng điếu chia buồn, vĩnh biệt nhạc sĩ Phạm Duy,
chúng tôi nhận thấy có cả vòng hoa phúng điếu của nhạc sĩ Tô Hải, người từng
viết hồi ký về những nỗi cay đắng tủi nhục khi sống trong chế độ cộng sản.
Sau
khi đi đám nhạc sĩ Phạm Duy, thay vì trở lại quán Hoa Vàng của nhà thơ Phạm
Thiên Thư, tôi về nhà mở Internet xem tin tức bên ngoài về nhạc sĩ Phạm Duy qua
đời.
Người
Việt Online đã bị bức tường lửa ngăn chặn quyết liệt từ hơn một tuần nay; mở
mạng Tiền Vệ, đọc được bài cảm nhận của Nguyễn Hưng Quốc sau khi nghe tin nhạc
sĩ Phạm Duy mất.
Cáo
phó và chương trình tang lễ của nhạc sĩ Phạm Duy. (Hình: Nguyễn Thiện Cơ)
Chúng
tôi ghi lại trích đoạn bài cảm nhận của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc;
để thêm nén nhang nữa, tưởng niệm người nhạc sĩ.
“...Chính
quyền ở trong nước vẫn không quên những bài hát chống Cộng của ông trước đây
nên dù ông đã lớn tuổi và đã về nước sống hẳn, họ vẫn tìm mọi cách để ngăn chặn
những tác phẩm ấy. Giấy phép cho các tác phẩm của ông chỉ được cấp một cách dè
dặt.
Nhạc sĩ Phạm Duy từ trần tại bệnh viện nhân dân 115-Quận 10,
lúc 14g30 ngày 27 tháng 1, 2013, hưởng thọ 93 tuổi. Lễ nhập quan lúc 9 giờ
ngày 28 tháng 1, tại nhà riêng ở cư xá Lê Ðại Hành, khu Trường đua Phú
Thọ-Quận 11; lễ động quan sẽ diễn ra lúc 7g ngày 3 tháng 2; sau đó linh cữu
sẽ được đưa đi an táng tại Hoa viên Nghĩa trang tỉnh Bình Dương.
|
Trong
cộng đồng người Việt ở hải ngoại, quyết định về nước của Phạm Duy gây không ít
bất mãn. Từ cả hai phía, nơi nào cũng cảm thấy ít nhiều bị Phạm Duy phản bội. Ở
đây, tôi không bàn đến chuyện cảm giác ấy đúng hay sai. Tôi không kết án hay
bênh vực cho Phạm Duy. Tôi chỉ ghi nhận một sự kiện: chính những cảm giác ấy đã
ngăn cản việc người ta tiếp cận với nhạc Phạm Duy. Bây giờ Phạm Duy đã qua đời.
Tất cả những nghi ngờ, bất đồng hay bất mãn sẽ dần dần chìm vào quên lãng. Con
người thật của Phạm Duy sẽ không còn án ngữ trước khối lượng tác phẩm đồ sộ và
nguy nga của Phạm Duy. Một lúc nào đó, nghĩ đến Phạm Duy, người ta sẽ không còn
nhớ đến những chuyện đi kháng chiến rồi dinh tê, chuyện vào miền Nam rồi vượt
biên hay chuyện sống ở Mỹ rồi quay về Việt Nam; người ta cũng không còn nhớ
những câu phát biểu nhiều khi rất tùy hứng và tùy tiện của ông. Lúc ấy, nghĩ
đến Phạm Duy, người ta chỉ nghĩ đến những bài hát do ông sáng tác. Lúc ấy, tôi
nghĩ, ông mới sống thật cuộc sống của ông. Một cuộc sống thật vĩ đại.”
Ngọc
Lan/Người Việt
Friday,
February 01, 2013 3:15:01 PM
WESTMINSTER
(NV) -
Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ chuẩn bị, nhưng đêm tưởng niệm cố nhạc sĩ
Phạm Duy do bằng hữu, những người từng quen biết và ngưỡng mộ các sáng tác bất
hủ của người nghệ sĩ tài hoa này, tổ chức vào đêm Thứ Tư vừa qua tại phòng sinh
hoạt Việt Báo, đã mang lại một không khí sinh hoạt văn nghệ vừa trang trọng,
vừa ấm cúng, thiêng liêng.
Không
có sân khấu lộng lẫy ánh đèn, không có khoảng cách giữa ca sĩ chuyên nghiệp hay
không chuyên, không có sự phân biệt giữa ngôi sao hay những nhân vật tên tuổi.
Chỉ vỏn vẹn một chiếc iPad dùng để chiếu lên màn hình chân dung người nhạc sĩ
lớn của âm nhạc Việt Nam, một chiếc dương cầm, chiếc vĩ cầm, và một cây guitar.
Thế thôi nhưng tiếng đàn của Hoàng Công Luận, Quốc Vũ, Mỹ Lệ, Doãn Quốc Hưng,
Diễm Uyên cùng tiếng hát Lê Uyên, Quỳnh Giao, Bá Thành, Phạm Hà, Mộng Thủy,
Phạm Ðăng Khoa, Lê Hồng Quang, Quỳnh Hương, Bích Liên, Doãn Hương, Phương Hà,
và đặc biệt là Bích Vân, cùng dàn hợp xướng Ngàn Khơi đã đưa người tham dự đến
những khoảng khắc lắng đọng, cùng bồi hồi nhớ lại, nhìn lại cuộc đời và sự
nghiệp của một tài năng âm nhạc mà “không biết 100 năm nữa dân tộc này có người
nào thay thế được hay không” như lời của nhạc sĩ Tuấn Khanh.
Nhạc
Phạm Duy là nhạc của mọi người mọi giới. Nhạc Phạm Duy vượt ra ngoài khuôn khổ
của thời gian và không gian. Ông viết về thân phận con người. Ông viết tình ca.
Ông viết về đất nước về quê hương. Và thế thái nhân tình với đủ những cung bậc
mà cuộc đời đa mang. Nhìn vào sáng tác của ông, người ta nhìn ra sự thăng trầm,
khốc liệt, và nỗi đau, bên cạnh nụ cười, hạnh phúc, và yêu thương của dân tộc
mình, từ bấy đến nay.
Nếu
có lúc cả khán phòng cùng có thể hát chung với nhau trường ca Con Ðường Cái
Quan, từ Tôi Ði Từ Ải Nam Quan, Ai Ði Trên Dặm Ðường Trường, Cửu Long Giang, Về
Miền Nam, Ðường Ði Ðã Tới, cùng vỗ tay ngân nga bài Xuân Ca, Bà Mẹ Quê, thì
cũng có lúc tất cả dường như bất động, chìm đắm nghe Mộng Thủy hát Hẹn Hò, nghe
Bích Liên hát Tình Ca, nghe Bích Vân thả hồn vào Nghìn Trùng Xa Cách...
Cũng
trong đêm này, mọi người cùng xem lại bộ phim “Phạm Duy, Người Tình Già,” được
làm vào năm 2002 để lại thêm một lần nữa hiểu về ông. Ở tuổi ngoài 80, khi sáng
tác những ca khúc khởi nguồn cảm hứng từ Truyện Kiều của Nguyễn Du, ông chiêm
nghiệm, “nàng Kiều đối với tôi là thân phận của người Việt Nam. Người Việt Nam
mình mới sinh ra đã thấy cái mả của mình rồi. Ðạm Tiên là thân phận của người
tài. Người Việt Nam mình có nhiều người tài lắm, mà càng tài hoa thì càng bạc
mệnh. Chi nên mình cứ vất vả quá đi.”
Ðêm
tưởng niệm “Phạm Duy, Ngàn Lời Ca” khép lại khi mọi người có mặt cùng đứng lên
cất cao giọng hát “Việt Nam, Việt Nam.”
“Việt
Nam Việt Nam nghe từ vào đời” và “Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời” đã
vận vào chính cuộc đời Phạm Duy.
Ông
ra đi nhưng “đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người” vẫn là thông điệp Phạm
Duy để lại cho tất cả.
––
Liên
lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment