Thursday 21 February 2013

DỰ ÁN BAUXITE: SA LẦY VÌ KHÔNG NGHE PHẢN BIỆN CỦA GIỚI TRÍ THỨC (Nguyễn Xuân Diện-Blog)




Thứ năm, ngày 21 tháng hai năm 2013


Dự án bôxít Tây Nguyên:
“CẢNH BÁO CỦA GIỚI KHOA HỌC DẦN ĐÚNG!
Thứ Năm, 21/02/2013 - 19:03

(Dân trí) - “Cảnh báo của các nhà khoa học về dự án Bôxít ở Tây Nguyên đang dần đúng. Dự án vẫn được thải bằng công nghệ rẻ tiền, nhiều rủi ro... Nếu làm đến cùng thì bôxít sẽ trở thành gánh nặng kinh tế!”.


Đó là khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) về việc thử nghiệm 2 dự án Bôxít Tân Rai và Nhân Cơ. Tiến sĩ Sơn kiến nghị lãnh đạo Vinacomin xin Chính phủ cho dừng ngay dự án Nhân Cơ, chờ khi nào Tân Rai có hiệu quả sẽ làm tiếp.

“Thuận buồm xuôi gió” cũng lỗ?

Sau chuyến khảo sát thực tế hai dự án trên ở Tây Nguyên, Tiến sĩ Sơn cho biết, đến nay dự án chẳng có gì mới so với những điều đã được cảnh báo từ 4 năm trước. Bùn đỏ - vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm, vẫn được thải bằng công nghệ nghệ “ướt” rẻ tiền và nhiều rủi ro. Công nghệ lạc hậu thì ngày càng rõ, phân xưởng khí hóa than sử dụng công nghệ của những năm 1960, phải dùng than cục tốt của Hòn Gai loại 4A.


Khu vực sẽ trở thành hồ chứa bùn đỏ ở dự án bô-xít Nhôm (Lâm Đồng) (ảnh minh họa)


Về hiệu quả kinh tế của dự án Tân Rai, theo Tiến sĩ Sơn, dự án đã xong (nhưng chậm tiến độ gần 2 năm) điều đó có thể “nhẩm” được ra chậm tiến độ 1 năm, riêng lãi suất huy động vốn trong quá trình xây dựng đã làm tăng tổng mức đầu tư thêm gần 1100 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, giả sử trường hợp lý tưởng: tổng vốn đầu tư đã được điều chỉnh của Tân Rai chỉ dừng lại ở mức 15.600 tỷ đồng, lãi suất huy động vốn tạm tính 7%/năm, thời gian huy động vốn là 10 năm, trả vào cuối kỳ, riêng chi phí hoàn trả vốn đầu tư (cả gốc và lãi) đã lên tới 2220 tỷ đồng/năm.

Nếu giá nhôm kim loại trên thế giới năm 2013 sẽ đạt mức 2300USD/tấn, thì giá xuất khẩu alumina của Vinacomin ở ven biển tối đa khoảng 345USD/tấn. Như vậy, nếu tính chi phí tiêu thụ (vận chuyển, bốc-dỡ, hao hụt) khoảng 25 USD/tấn và thuế xuất khẩu theo qui định là 20%, theo Tiến sĩ Sơn mỗi tấn alumina sẽ lỗ khoảng 124 USD, Vinacomin lỗ 74,4 triệu USD/năm. Trong trường hợp “thuận buồm xuôi gió” nhất (được miễn cả thuế xuất khẩu - ngân sách tạm thời), mỗi tấn alumina sẽ lỗ ít nhất 55 USD, mỗi năm Vinacomin lỗ ít nhất 33 triệu USD.


Gánh nặng kinh tế

Tiến sĩ Sơn cho rằng, dự án gây nguy hại cho sinh thái, nhưng bây giờ chưa thể hiện. Còn đối với Vinacomin, nếu cứ quyết tâm để thử nghiệm đến cùng thì bôxít sẽ trở thành gánh nặng kinh tế đối với cả ngành công nghiệp than ở Quảng Ninh. Khoảng 99,36% lợi nhuận thu được để Vinacomin đầu tư vào các dự án kinh doanh đa ngành (trong đó có các dự án bôxít-alumina) có nguồn gốc từ ngành than. Nếu ngành than bị mất vốn đã đầu tư vào bôxít và trong tương lai vẫn phải tiếp tục “gánh” lỗ cho bauxite (74,4 triệu USD/năm như phân tích ở trên).

“Tôi thấy buồn vì những cảnh báo của các nhà khoa học cách đây 3-4 năm đang dần đúng. Thực lòng mà nói, thâm tâm tôi cũng phải mong cho việc thử nghiệm thành công. Nhưng rất tiếc, việc thử nghiệm đến nay đã cho thấy rõ kết quả ban đầu là: chậm tiến độ, vốn đầu tư tăng, và chủ đầu tư ngày càng đuối”, Tiến sĩ Sơn cho hay.

Trước hàng loạt vấn đề, Tiến sĩ Sơn mong muốn Vinacomin 2 điều, thứ nhất, dũng cảm xin Chính phủ cho dừng dự án Nhân Cơ, chờ thử nghiệm Tân Rai “chót lọt”. Nếu có dự án Tân Rai hiệu quả mới triển khai tiếp Nhân Cơ. Thứ hai, hãy tập trung nguồn lực (vốn, thời gian, cán bộ) để phát triển ngành than ở Quảng Ninh.

“Trong tình cảnh của Vinacomin bây giờ, tiết kiệm được một đồng, giảm tổn thất được một đồng cũng quý (dừng Nhân Cơ cũng tiết kiệm được vài trăm triệu đô la). Còn trong tình cảnh chung không có alumina thì Tây Nguyên vẫn phát triển được, còn thiếu than thì cả nền kinh tế sẽ gay go”, Tiến sĩ Sơn quan ngại.

Quang Phong
Nguồn: Dân trí.
--------------------------


Nhà máy bauxite Tân Rai, Nhân Cơ:
TẠM DỪNG LÀ THƯỢNG SÁCH!
Thứ Năm, 21/02/2013 11:41

Hàng ngàn bạn đọc đã bức xúc trước thông tin Nhà máy bauxite Tân Rai sẽ bị lỗ nặng. Bức xúc vì đây là điều đã được các nhà kinh tế, khoa học… dự báo và phản biện quyết liệt trước khi thực hiện nhưng không được tiếp thu, để dẫn đến hậu quả ngày hôm nay.

“Đình chỉ 2 dự án này ngay dù chỉ là thí điểm. Không khai thác thì tài nguyên vẫn còn đó, sau này con cháu chúng ta có đủ điều kiện sẽ khai thác hiệu quả hơn. Hiện nay dù có "cố đấm thì chẳng có xôi để ăn", chỉ có nợ và nợ mà thôi”. Đây là ý kiến của bạn đọc Năm Kim về hai dự án bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) và cũng là ý kiến của số đông bạn đọc về tính khả thi của dự án. Sau khi kiên quyết thực hiện, nay các lãnh đạo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tuyên bố: lỗ, càng làm càng lỗ.


Đụng gì cũng bán, con cháu lấy gì mà sống

Bạn đọc Trần Minh Quân, nói thẳng: “Tôi còn nhớ bao nhiêu lời cảnh báo, can ngăn từ các nhà khoa hoc, kinh tế, những người có tâm huyết, lương tri với đất nước vẫn còn như mới hôm qua....! Rồi cũng như Vinasin, vinalines thôi. Trách nhiệm là.... của chung! Thật tàn nhẫn”.

Chỉ rõ hơn về bản chất của vụ việc, bạn đọc Bình Minh, bày tỏ: “Nhiều người cố quyết để dự án bauxite Nhân Cơ và Tân Rai thành hiện thực, mặc cho bao nhiêu bài báo với bao nhiêu lý do chính đáng rằng không nên có cái dự án này. Theo phân tích thì việc hạch toán lỗ lãi quá đơn giản, chỉ là vài phép tính cộng trừ như một học sinh lớp năm vậy mà bao nhiêu chuyên gia của nhà đầu tư lại không tiên liệu được. Hay là biết lỗ mà vẫn làm? Có phải vì dự án thì chắc chắn lỗ nhưng có những cá nhân lại "lãi lớn" khi thực hiện dự án nên người ta mới cố làm?”.

Bức xúc với cách làm kinh tế của Vinacomin, bạn đọc Lê Thanh Sơn, bức xúc: “Khi mới lập dự án thì luôn khẳng định là lãi, dù có nhiều ý kiến phản đối nhưng vẫn "phải mạnh dạn và kiên quyết làm". Bây giờ xây dựng xong rồi thì bắt đầu kêu lỗ: “dự kiến năm tới mới có thể có lãi”, nếu năm tới vẫn lỗ thì phải chăng cứ thế mà kêu "năm tới nữa sẽ có lãi". Dự án cả tỉ USD tiền của dân mà các vị tính toán cứ như chuyện đùa”.
.

Nhà máy bauxite Tân Rai chuẩn bị sản xuất mẻ alumin đầu tiên  nhưng đã biết chắc là sẽ bị lỗ. Ảnh: Cao Nguyên


Cám cảnh hơn, bạn đọc tên Chinh, cho biết: “Nghe mà buồn quá. Thế hệ chúng ta chưa đủ trình độ thì để con cháu sau có cái mà dùng. Than, Titan, giờ đây là bauxite… sao cứ bán thô, bán non như vậy mà còn lỗ nữa chứ”. Bạn đọc này ví dụ: “Ở trong nhà không có tiền thì phải đi làm kiếm tiền mà xài chứ cứ nhìn quanh có cái gì bán được mang đem bán thì con cháu sau này biết lấy gì sống”. Cùng tâm trạng, bạn đọc Trương Hán Siêu, cảm thán: “Nghe điều này tôi muốn khóc cho quê hương quá. Khóc cho đất đai màu mỡ của Tây Nguyên, của cà phê, của cao su, tiêu... khóc cho người dân Tây Nguyên mất đất sản xuất...”.

Nhìn nhận lại hoạt động của các “ông” lớn kinh tế, bạn đọc Quang Hưng kết luận: “Hết “ông” Vinashin đến “ông” Vinaline, giờ thì đến Vinacomin. Cứ thua lỗ hoài thì sức dân sao chịu nổi”.


Ai chịu trách nhiệm ?

Trước ý kiến trả lời báo chí của ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacomin: “làm theo chỉ đạo của Chính phủ”… “không biết bao giờ hết lỗ”… nhiều bạn đọc cho rằng ông Hòa đang lẩn tránh trách nhiệm. Lập một dự án kinh tế mà không biết bao giờ có lãi, khi lỗ thì đổ trách nhiệm cho người khác thì cần gì phải ngồi vào cái ghế chủ tịch hội đồng thành viên của tổng công ty? Ở vị trí lãnh đạo một tổng công ty, hưởng lương cao từ tiền thuế của dân nhưng thiếu năng lực, gây lỗ lã mà vẫn an nhiên là điều không thể chấp nhận.

Dự án bauxite Nhân Cơ (tỉnh Đắk Nông). Ảnh: Cao Nguyên

Bạn đọc Phạm Ngọc Hùng đặt vấn đề: “Ai là người chịu trách nhiệm về vấn đề này?. Bây giớ mới thấy ý kiến của các chuyên gia kinh tế và đặc biệt là ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về việc khai thác bauxite thật là ý nghĩa. Đáng buồn là có nhiều người đã bất chấp mà thực hiện để bây giờ người dân gánh hậu quả”.

Bạn đọc Ya Lúp, phân tích: “Khách quan mà nói, nếu chúng ta làm dự án này chỉ bán cho Trung Quốc và Malaysia thì họ phải mua với giá mà chúng ta có lời và có tiền để khắc phục môi trường bị ảnh hưởng. Nếu họ mua với giá thấp thì nên dừng luôn dự án, bởi đã làm ăn thì hai bên cùng có lợi chứ không thể một bên vừa thiệt hại kinh tế vừa thiệt hại môi trường còn một bên thì mua giá thấp hưởng lợi. Người dân Tây Nguyên chúng tôi muốn được nghe lời nói thật bụng của người có trách nhiệm quyết định dự án này”.

Chỉ rõ hơn bản chất của vấn đề, bạn đọc Hoa Vinh, viết: “Lúc lập dự án và thực hiện các dự án Bauxite ở Tây Nguyên, các chuyên gia và ban quản lý dự án các cấp đều rất quyết tâm dù có biết bao ý kiến phản đối vì ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, cơ sở hạ tầng trong khi hiệu quả rất mù mờ. Nay kết quả bước đầu đã thấy rõ. Tương lai Nhà máy Tân Rai cứ phải sản xuất, lúc này Trung Quốc chỉ cần ngừng không mua khoảng dăm bảy tháng, sản phẩm ứ đọng, không đủ kho để chứa… thì Trung Quốc ra điều kiện 170USD/tấn cũng phải bán chứ biết làm sao”.

Càng chạy theo càng thiệt hại!

“Dù đã bỏ ra nhiều tiền của, công sức… nhưng việc tạm dừng triển khai các dự án bauxite vẫn là thượng sách. Càng chạy theo các dự án này thì càng thiệt hại và chỉ khổ cho dân thêm thôi” – bạn đọc Nguyễn Văn Trực.

“Khi dự án bauxit này đang còn trên giấy thì các nhà kinh tế đã biết là sẽ bị lỗ rồi. Sản xuất làm chi một mặt hàng mà chỉ có 2 người mua, một người mua cầm chừng còn một người thì sau này sẽ ra chiêu ém giá thì không “sụp tiệm” mới là lạ” – bạn đọc Thanh Hồng.

“Trước đây không nghe lời can gián của các nhà khoa học và những người có tâm với đất nước, nay cười đau khóc hận với bauxit. Tiền của nhân dân bay theo bụi đỏ Tây Nguyên mất rồi !” – bạn đọc Lê Uy Lực.

Phạm Hồ
Nguồn: Người Lao động.



-------------------------------------


Tính lại bài toán bauxite
Mai Hà - Quế Hà  (Thanh Nien)
21/02/2013 3:20

Nhà máy alumin Tân Rai sắp đi vào hoạt động chính thức, mà Tập đoàn than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vẫn chưa lên được phương án tối ưu cho con đường vận chuyển bauxite, trong khi hiệu quả kinh tế gần như là không có.



Không tính chi phí vận chuyển vào dự án là “thiếu sót"
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng ban Nhôm - Titan (Vinacomin) cho biết, hiện tại việc vận chuyển bauxite từ Nhà máy alumin Tân Rai vẫn dựa trên QL20, QL51, tỉnh lộ 769 về cảng Gò Dầu (Đồng Nai) do khối lượng vận chuyển còn thấp. Chi phí vận chuyển bauxite - alumin về cảng Gò Dầu theo tính toán cũng xấp xỉ nếu vận chuyển về cảng Vĩnh Tân.
Nhưng về lâu dài khi công nghiệp chế biến alumin - nhôm phát triển với quy mô gấp 10 - 20 lần hiện nay, với việc Nhà máy alumin Tân Rai chính thức hoạt động cũng như Nhà máy Nhân Cơ được xây dựng và đi vào hoạt động, việc tính toán con đường vận chuyển bauxite để giảm tải cho con đường hiện nay là đòi hỏi thiết yếu. Tuy nhiên, với việc đã chọn “sai” một lần với cảng Kê Gà, việc lựa chọn cảng nào thay thế cần phải được tính toán cẩn thận.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Đường bộ VN cũng đã tính toán phương án vận chuyển bauxite qua cảng Vĩnh Tân để so sánh khi phương án Kê Gà gặp khó khăn. Phương án này có ưu điểm là cảng Vĩnh Tân đang trong quá trình xây dựng (dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014). Nhưng nhược điểm là chiều dài tuyến vận chuyển lớn, kinh phí đầu tư cao và tiến độ lập dự án chậm hơn do phải tiến hành lại các thủ tục từ đầu. Đáng kể nhất là kinh phí đầu tư nâng cấp các con đường để vận chuyển bauxite về cảng Vĩnh Tân (tỉnh lộ 714, giao cắt QL1, QL28) sẽ mất khoảng 2.840 tỉ đồng (so với kinh phí nâng cấp QL20, QL51, tỉnh lộ 769 là hơn 2.000 tỉ đồng theo dự kiến ban đầu).

Xe “khủng” dùng để chở nguyên liệu sản xuất bauxite tạo áp lực lớn lên hệ thống cầu đường - Ảnh: Kim Cương

Theo ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Nhôm - Titan của Vinacomin, để phát triển nền công nghiệp nhôm của VN không thể không đầu tư vào hạ tầng. Nhưng với điều kiện sản xuất còn nhỏ bé như hiện nay, gánh nặng đầu tư là rất lớn. Về cơ bản phải có tuyến đường sắt, vì đường bộ như hiện nay vận chuyển rất khó khăn, nhưng do chi phí đầu tư lớn nên tới nay Vinacomin cũng chưa đề cập gì tới việc xây dựng tuyến đường sắt riêng để vận chuyển bauxite. Từng chủ trì lập nghiên cứu khai thác dự án bauxite đầu tiên những năm 1998 - 2001, ông Ban cho hay, đã tính toán chi phí vận chuyển vào hiệu quả kinh tế dự án. Bộ GTVT khi đó yêu cầu dự án phải đầu tư nâng cấp tuyến đường, nếu không phải xin phép Chính phủ đầu tư. Nhưng phương án tính toán sau này của Vinacomin đã không tính thêm chi phí vận chuyển (gồm chi phí nâng cấp, bảo dưỡng đường) vào dự án. “Thiếu sót này lỗi một phần do người lập dự án, nhưng phần khác do cơ quan chịu trách nhiệm phê duyệt, ở đây là Bộ Công thương.”, ông Ban nói.



Xuất khẩu được cũng lỗ
Còn theo ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng (thuộc Vinacomin), việc Tân Rai không chạy đủ công suất (mới đạt khoảng 20 - 40% công suất) do chưa có đầu ra khiến chi phí khấu hao tăng, và lỗ cũng tăng tương ứng. Giá thành alumin xuất xưởng tại Tân Rai nếu đạt 100% công suất cũng phải xấp xỉ 375 USD/tấn. Nhưng thông tin mới đây từ Vinacomin cũng cho hay, dự kiến cả năm 2013 Tân Rai sẽ sản xuất được 300.000 tấn alumin (tức mới đạt 50% công suất thiết kế là 600.000 tấn/năm), chủ yếu dành cho xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia. Nhưng do giá xuất khẩu theo đàm phán chỉ đạt 340 USD/tấn nên dù xuất khẩu vẫn lỗ.
Theo ông Sơn, với việc phải điều chỉnh lại phương án vận chuyển bauxite, cần rà soát lại tổng thể hiệu quả của cả 2 dự án là Tân Rai và Nhân Cơ, đặc biệt là Nhân Cơ. “Phương án cảng Kê Gà theo tính toán là phương án rẻ nhất về vận chuyển đã không còn, thì hiệu quả chung của cả dây chuyền sản xuất bauxite càng khó đạt như tính toán ban đầu của Vinacomin”, ông Sơn nói.

Cảng nào thay Kê Gà ?
Ngày 14.6.2012, tại Văn bản số 216/TP-VPCP của Văn phòng Chính phủ, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc nghiên cứu bổ sung phương án vận chuyển alumin từ Nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) qua cảng Vĩnh Tân (H.Tuy Phong, Bình Thuận), khi cảng này đưa vào vận hành đầu năm 2014. Theo đó, đường vận chuyển bauxite sẽ từ TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) - QL55 (xã Đa Mi) - đường 714 (xã Thuận Hòa) - đường 711 - QL1 (xã Hàm Đức, đều thuộc H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận). Từ đây, bauxite theo QL1 ra cảng Vĩnh Tân (dài khoảng 80 km). Theo một cán bộ Phòng Quản lý hạ tầng giao thông (Sở GTVT Bình Thuận) thì phương án này khó khả thi. Chỉ tính từ QL55 ra đến QL1 đã có đến 12 cây cầu yếu, trọng tải chỉ dưới 10 tấn. Trong khi đó xe chở bauxite có tải trọng trên 30 tấn. "Nếu đi theo con đường này (với lưu lượng vận chuyển bauxite 30 phút/chuyến xe) thì sẽ làm hỏng nát hệ thống đường sá mà Bình Thuận đã đầu tư", cán bộ này nói.


Nên tạm dừng dự án
Phạm Chi Lan
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay và thực lực của một tập đoàn nhà nước như Vinacomin thì cách tốt nhất là tạm dừng dự án khai thác bauxite Tân Rai (Lâm Đồng).
Xét thuần túy về khía cạnh kinh tế, tôi nhận thấy rằng, Vinacomin không đủ nguồn lực để thực hiện dự án. Vinacomin đã không trung thực trong bài toán kinh tế bằng cách gạt một số hạng mục đầu tư ra ngoài để khẳng định, nếu làm sẽ có lãi. Nhưng lúc bắt tay vào triển khai, Vinacomin lại đòi hỏi nhà nước phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường sá để vận chuyển sản phẩm ra cảng phục vụ xuất khẩu. Đó là cách tính toán rất “cùn” trong kinh doanh, bởi khi đầu tư dự án, nhà đầu tư phải tính cả chi phí vận chuyển chứ không thể bỏ ra ngoài như Vinacomin. Chưa nói xuất khẩu sản phẩm của dự án lại phụ thuộc vào một thị trường, thì hiệu quả kinh tế cũng rất bấp bênh. Tóm lại, dự án không thể đem lại hiệu quả kinh tế...
Cho nên, tạm dừng triển khai dự án cũng là cách hạn chế thiệt hại, bởi nếu tiếp tục làm, khả năng thiệt hại về kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều. Còn dừng lại đến bao giờ thì hãy để thời gian trả lời, khi thế hệ con cháu mai sau có khả năng về quản trị tốt hơn, cách thức tổ chức nền kinh tế tốt hơn hoặc thực lực của nền kinh tế mạnh hơn... sẽ tiến hành làm. Một khoản tiền đầu tư lớn của nhà nước đã đổ vào dự án. Có thể tính được những thiệt hại tiếp theo nếu vẫn cứ triển khai dự án theo phương án hiện nay. Mặt khác, tạm dừng để xem xét lại đồng nghĩa với lòng tin được củng cố. (Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN)

Cầu sập ai chịu trách nhiệm ?
Trước thông tin Chính phủ quyết định dừng xây dựng cảng Kê Gà, thì Đồng Nai lại càng thêm lo lắng trước áp lực vận chuyển bauxite khi hạ tầng giao thông xuống cấp nghiêm trọng.
Trước đây, trong khi chờ đợi xây dựng cảng Kê Gà, thì Vinacomin tính toán sẽ vận chuyển bauxite từ Tân Rai (Lâm Đồng) về cảng Gò Dầu (Đồng Nai) theo lộ trình dài 210 km: Từ tỉnh lộ 725 - QL 20 - tỉnh lộ 769 - QL51 ra cảng Gò Dầu.
Đầu tháng 1.2012, làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, Vinacomin thông báo, 6 tháng đầu năm 2013, khi nhà máy hoạt động hết công suất thì mỗi ngày có khoảng 300 chuyến xe (khoảng 40 tấn/xe - PV) vận chuyển sản phẩm từ Lâm Đồng xuống cảng Gò Dầu.
Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai lo ngại vì toàn tuyến có 16 chiếc cầu yếu, trong đó dài nhất là cầu La Ngà (ảnh http://www.thanhnien.com.vn/Pictures20132/CThang/p1a4.jpg ) và cầu này chỉ có tải trọng 25 tấn. Còn đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Phó giám đốc Công an Đồng Nai cho biết, CSGT đã lập biên bản một số xe chở than lên nhà máy bauxite do có trọng tải lên đến 43 tấn, gần gấp đôi sức chịu của cầu La Ngà. “Cầu La Ngà này đã đứt dây cáp một lần, nếu tiếp tục cho xe quá tải qua, sập cầu, ai chịu trách nhiệm?” - đại tá Mạnh nói.

Kim Cương







No comments:

Post a Comment

View My Stats