13-2-2013
Chúng ta chẳng hiểu rằng mình đã
lập ra và đang vận hành một phong trào dân chủ mới, dân chủ trên mạng, trực
tuyến và trực tiếp: e-dân chủ, e–democracy. Nhờ internet, những người đọc,
người đăng và người viết đã vận hành một nền e-dân chủ. Khi đăng lên mạng một
đoạn video tường thuật một vụ chống đối: e-thông tin. Khi người viết một cách
nhìn về thời cuộc: e-thảo luận. Khi người viết vạch một hướng đi cho tương lai:
e-đề nghị. Những người viết còm-men: e-tranh cãi. Khi số đông đồng ý về một vấn
đề: e-giao kèo. Chúng ta chưa có lãnh tụ, ừ phải, nó là một trở ngại, nhưng
lịch sử vẫn đi tiếp. Chỉ cần đủ điều kiện là nền dân chủ trực tiếp này sẽ tràn
ra lề đường, làm một nền dân chủ thật sự...
*
Ngoài những kêu gọi chống tham
nhũng, đảng cộng sản Việt Nam không có một sách lược nào có thể cứu được khủng
hoảng về kinh tế, hành chánh, giáo dục, y tế, đất đai... Ý chí duy nhất của nó
là tồn tại bất chấp tất cả, ngay cả nhân mạng nhân dân và đất nước.
Những người Việt Nam muốn sống, còn
nhà cửa, đất nước, quốc gia thì phải thay thế nó.
Một số trong "những người muốn
sống" này kêu gọi những đảng phái, cá nhân đoàn kết lại, tôn ra một vị
minh chủ, đặt tên, lập ra đường lối cho tất cả và chống cộng sản.
Nhưng khi các đoàn thể, cá nhân
chịu ngồi lại với nhau và tìm ra được các vị tổng thống, bộ trưởng, tỉnh trưởng
tương lai thì những người đang bị cầm tù vì chính trị, oan ức vì đất đai, dân
đen lẫn đỏ đã chết... nhăn răng.
Có ba sự cản trở lớn làm sự đấu
tranh theo phương pháp tổ chức những cuộc cách mạng kiểu cổ điển này không
thành công.
Một là những anh tài hào kiệt có lòng yêu nước thứ thiệt bị
hạn chế văn hóa để thành những vị lãnh đạo. Họ bị đào tạo bởi lý thuyết đạo đức
làm nô bộc của Trung quốc: trở thành trí thức để làm quan, tay sai phục vụ cho
vua chúa. Khi họ dám hy sinh cuộc đời cho lý tưởng mà họ cho là đúng, thì ít ai
dám đứng lên làm lãnh tụ.
Nho giáo dạy dỗ cách thức phục
tùng. Con phải nghe quyết định của cha mẹ, trò phải nghe theo sự uốn nắn của
thầy, dân phải tuân lịnh với quan lại, quan lại phải quỳ lạy vua chua bất kể bề
trên có đúng hay sai. Nếu không thì sẽ bất hiếu, bất nghĩa, bất trung...
Khổng tử chỉ dạy tỉ mỉ rằng muốn
cho đất nước yên bình thì ông vua phải có đạo đức hiền từ của vua. Quan lại
phải có cái cách thức cai trị phân minh của quan. Nếu không sẽ loạn. Nhưng loạn
làm sao? Loạn kiểu nào? Khổng Tử nín thinh.
Một cá nhân, dù tài giỏi và nhìn xa
trông rộng đến đâu cũng khó vượt được định kiến này. Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ
chém bảy nịnh thần không được thì treo ấn từ quan. Ông không dám khởi nghĩa.
Tiếc.
Nguyễn Tường Tộ, Petrus Ký đề nghị
cải cách không xong thì thôi các ông không dám đứng lên làm cách mạng, dựa vào
thực dân Pháp và nhân dân để làm nước Việt Nam hùng cường. Tiếc.
Trong biết bao nhiêu anh hùng, trí
thức Việt Nam dám đứng lên chống lại cộng sản nhưng không dám đứng lên, chịu
đứng mũi chịu sào, làm một cuộc khởi nghĩa.
Tình trạng này không chỉ có bây giờ
nhưng nó đã xảy ra theo chiều dài của lịch sử. Giới trí thức, có học ít khi là
những người cầm đầu cho những cuộc khởi nghĩa. Họ chỉ là nhân vật phụ trong
những vở kịch lịch sử. Tài như Khổng Minh vậy mà cũng phải nghe lời một ông vua
con nít Lưu Thiện. Giỏi như Nguyễn Trãi mà cũng chịu phò tá dân chài Lê Lợi.
Hai là những đoàn thể, cá nhân này cũng sẽ tranh cãi lý
thuyết, đường lối, cách thức... để chống cộng sản. Bản chất văn hóa của người
Việt Nam là hay... cãi. Cãi đủ thứ. Cãi nhau từ những nhân vật thật, chuyện có
thật như Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Thiệu, trận đánh Hoàng Sa, Ban Mê Thuột... Họ
còn cãi nhau đến cả những nhân vật hư cấu, chỉ có trong văn chương như nàng
Kiều, Từ Hải...
Ba là đảng cộng sản Việt Nam sẽ đánh phá, cầm tù, cấm đoán,
những cá nhân và đoàn thể muốn hợp thành liên minh. Về kinh tế, chống tham
nhũng thì họ bất lực nhưng về đấu tranh với các đoàn thể khác thì họ lại rất
tinh khôn, bài bản.
Đây là truyền thống... cách mạng.
Trong quá khứ, họ đã giành giựt
chính quyền nhanh chóng vào 1945, bôi nhọ VNCH, nói láo như kêu đi cải tạo 10
ngày, lập Mặt trận giải phóng Miền Nam như một tổ chức chính trị mà ngay cả thế
giới cũng nghĩ là độc lập,... Nếu nói về những mưu mô chính trị, không có thể
ai ở trên đất nước Việt Nam có thể đánh bại được được cộng sản.
Nếu ở Việt Nam thì sớm muộn gì thì
vị "minh chủ" đó cũng vào tù với những tội vu vơ. Còn ở hải ngoại
thì... không thể. Nếu có một triệu người ở hải ngoại thì sẽ có một triệu lẽ một
phần tử khác nhau. Nào là người Việt H.O, vượt biên, di dân lậu. Nào là chống
cộng triệt để, chống cộng ôn hòa, chống cộng mỗi weekend, chống cộng ở bàn
rượu... Trong mấy mấy mươi năm xa quê hương, chưa có ai hội tụ được thì làm sao
bây giờ có thể?
Vậy thì làm sao bây giờ?
Người đọc, người viết và những
người lập ra những blog đã hội nhập một mô hình dân chủ mà không phải ai cũng
nhận thức được: dân chủ điện tử (e-democracy).
Trên internet, ai muốn viết, ghi
hình, phát biểu, còm men gì thì cứ làm. Các blog đăng những gì những gì họ muốn
đăng. Người đọc thì đọc những gì họ muốn đọc.
Tác giả tự do viết, blog tự do đăng
và độc giả tự do đọc.
Những tự do viết-đăng-đọc của
truyền thông xã hội đã đánh bại báo chí lề đảng. Ai không tin thì hãy xem bài Trận địa thông
tin trong đó Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn than thở:
"Tại sao chúng ta có một hệ
thống hơn 700 tờ báo, 67 đài phát thanh truyền hình, hàng trăm trang tin, báo
điện tử, hàng ngàn trang tin của các bộ, ngành. Có tới 17.000 nhà báo, trong đó
có nhiều cây bút có đủ khả năng làm lay động bạn đọc mà "thông tin lưu
truyền trong xã hội lại là thông tin từ blog cá nhân".
"Lên tiếng một cách đồng loạt,
im lặng một cách đồng loạt", báo chí đang đánh mất niềm tin của bạn đọc.
Và, với việc né tránh những thông tin nhạy cảm, với việc không được cung cấp
thông tin đầy đủ kịp thời, báo chí đánh mất nốt thói quen tìm kiếm thông tin
của bạn đọc, khi giờ đây, họ "lên mạng", thay vì tìm đọc báo.
Chẳng có gì khó hiểu khi mọi người
dân, nhiều khi chỉ với chiếc điện thoại trên tay, đều có thể là
một "nhà báo", một
"tổng biên tập".
Để giải quyết vấn đề, thứ trưởng
kiến nghị:
Cần cung cấp thông tin kịp thời,
chính xác cho báo chí, dù cho đó là thông tin nhạy cảm. Thậm chí, báo chí có
quyền bình luận để định hướng xã hội.
Nhưng ai dám?
Đảng không dám.
Đảng biết rằng khi có tự do báo chí
thì nhân dân sẽ đòi hỏi những tự do khác. Mà tự do là kẻ thù của độc tài.
Nói về độc tài, Việt Nam cũng có
nhiều loại độc tài chồng chéo, nương tựa nhau mà sống:
Độc tài về chính trị: Chỉ có lý
thuyết cộng sản Mác-Lê Nin theo khuynh hướng thị trường (sic).
Độc tài về quyền: Chỉ có đảng cộng
sản Việt Nam mới được cầm quyền.
Độc tài thiểu số (oligarchy): Chỉ
có 14 ông vua trong bộ chính trị mới có quyền quyết định theo... quyết định của
Trung Quốc.
Độc tài kiểu địa chủ, phong kiến:
Thế hệ con ông cháu cha, cha truyền con nối của những trí thức đỏ. Đất đai là
của toàn dân, nhà nước muốn làm gì thì làm.
Khi vào lãnh vực kinh tế thì độc
tài đổi thành độc quyền nhưng vẫn là một loại độc. Độc quyền mua bán vàng,
điện, viễn thông...
Báo chí cũng không dám.
Dám hả? Kết quả: Nguyễn Việt Tiến,
Nguyễn Văn Hải hai năm với vụ PU 18. Nhưng sau này bản án càng nặng: Hoàng
Khương với 4 năm tù vì tội đưa vài ba triệu đồng... hối lộ.
Vì đồng hội đồng thuyền, độc đảng
phải bảo vệ những thứ độc khác.
Mới nhớ Tết năm nào, với vụ nổ súng
Đoàn Văn Vươn, nhiều tờ báo, blog còn đòi thủ tướng giải quyết. Cách giải quyết
của thủ tướng hay dở ra sao thì năm nay nhiều tời báo, blog lại đòi giải
quyết... thủ tướng. Mỗi lần đảng hé mở tự do báo chí một chút là uy tín của
đảng mất thêm một bậc.
Đã hết rồi thời dư luận được uốn
nắn để tôn kính bác Tôn, bác Duẫn, bác Hồ. Với những ngôn ngữ bình dân, dân cư
mạng biến những người cầm đầu thiên hạ thành những kẻ du thủ du thực, đầu đường
xó chợ, Bình Mụn, Đại Ca, Dũng Lì, Trọng Lú...
Những phe phái chính trị, cá nhân
đối lập thắng được trận địa thông tin. Đảng có kiểm soát kiểm soát thông tin
hay không thì đảng vẫn thua tiếp.
Đảng cộng sản Việt Nam chết đứng,
báo chí lề đảng chết chìm.
Nhiều đảng phái, đoàn thể cá nhân
đối lập muốn liên kết lại với nhau để trở thành một sức mạnh chung.
Và chúng ta đã thất bại.
Vì sự chống phá của cộng sản, chúng
ta không tìm ra lãnh đạo. Ở hải ngoại thì không thể. Trong nước thì những người
dám nói, dám làm và có khả năng thành những thủ tướng, bộ trưởng tương lai đều
đang ở tù hoặc đang bị quản thúc tại gia.
Hay đúng hơn, chúng ta cũng nghĩ là
đang thất bại. Chúng ta chẳng hiểu rằng mình đã lập ra và đang vận hành một
phong trào dân chủ mới, dân chủ trên mạng, trực tuyến và trực tiếp: e-dân chủ,
e–democracy.
Cũng như các mô hình dân chủ trực
tiếp, loại e-dân chủ này cũng không có người đại diện. Nhưng họ vẫn có những
nhân nhượng, giao kèo với nhau. Họ có những mục tiêu, nguyện vọng, lý tưởng,
quan niệm chung. Những cái chung chung đó được tạo thành cam kết ngầm, những
quy luật không viết ra mà ai ai cũng hài lòng. Họ có cách ban thưởng, xử phạt,
kết nạp thành viên, làm PR... riêng của họ.
Khi nữ nghệ sĩ Kim Chi lên tiếng
nói Không với thủ tướng thì dân cư mạng vỗ tay tán thưởng. Đó là một cách tặng
bằng khen cho bà. Nhiều người lại không vì bà tuyên bố là cộng sản chuyên
chính. Đó là cách phê phán bà. Lời khen tiếng chê làm cho bạn đọc hình dung ra
một nhân vật can đảm nhưng hiểu biết cạn hẹp về cộng sản.
Khi đồng bào họ bị cầm tù, cướp đất
thì họ phẫn nộ, chửi bới chính quyền và tìm cách cưu mang những nạn nhân. Bằng
sự chia sẻ, đùm bọc họ đã lấy sự công bằng về mặt tinh thần, lẫn vật chất cho
những người đó.
Nhờ internet, những người đọc,
người đăng và người viết đã vận hành một nền e-dân chủ. Khi đăng lên mạng một
đoạn video tường thuật một vụ chống đối: e-thông tin. Khi người viết một cách
nhìn về thời cuộc: e-thảo luận. Khi người viết vạch một hướng đi cho tương lai:
e-đề nghị. Những người viết còm-men: e-tranh cãi. Khi số đông đồng ý về một vấn
đề: e-giao kèo.
Chúng ta chưa có lãnh tụ, ừ phải,
nó là một trở ngại, nhưng lịch sử vẫn đi tiếp.
Chỉ cần đủ điều kiện là nền dân chủ
trực tiếp này sẽ tràn ra lề đường, làm một nền dân chủ thật sự.
Đủ điều kiện là gì? Chỉ vỏn vẹn là
thời gian. Cái gì phải đến sẽ đến.
Nước đã chảy, dao đã rớt. Dao không
không rớt thẳng thì sẽ rớt nghiêng. Chiếc thuyền cộng sản đã thủng, nước không
vào bằng lỗ này thì lỗ khác.
Cộng sản Việt Nam biết rõ điều này
nhưng bất lực. Vì muốn thắng nền e-dân chủ, cộng sản phải thắng Google, Apple,
Facebook, Skype, Smart phone... và những kỹ thuật thông tin sắp sửa tung ra thị
trường.
Với bài viết này, tôi xin đi xông
Tết với một e-cành hoa, e-flower đến nhà của tất cả những blogger, những người
lập blog và bạn đọc.
Hẹn gặp nhau ở Sài Gòn...
No comments:
Post a Comment