Tuesday, 19 February 2013

CHỦ QUYỀN DÂN TỘC VÀ NỖI NIỀM CON THUA CHA (Khánh Trâm)




KHÁNH TRÂM
Posted on 19.02.2013 by nguyentrongtao

Tôi viết những dòng này khi được tận mắt chứng kìến hình ảnh những dòng chữ “Tưởng nhớ những người con yêu của tổ quốc đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc tại biên giới phía Bắc, tại biên giới Tây Nam, tại Hoàng Sa và Trường Sa” bị hai công dân (đang phải thực thi nhiệm vụ) gỡ khỏi những vòng hoa do các nhân sỹ, trí thức, nhân dân TP HCM - Sài Gòn đem đặt trước tượng đài Trần Hưng Đạo, một dũng tướng của dân tộc Việt Nam TK 13.

Và, tôi phải tâm sự thêm với bạn đọc rằng, khi nhìn những hình ảnh ấy tôi thật bất ngờ (vì trước đó tôi không hề nghĩ đến). Buổi sáng ngày 17/2/2013 ấy, hai vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng và tôi, ba con người đứng nán lại nhìn những vòng hoa vài phút cuối để lưu luyến chia tay với những bông hoa đầu xuân mang nặng thông điệp đầy tình người kia. Ai cũng biết, tình cảm là một cái gì rất tự nhiên, con người ta khó mà điều khiển nó được. Những công dân chúng tôi làm tưởng niệm này là do lương tâm mình muốn thế, chứ có ai bắt chúng tôi đâu…

Hôm nay gần ba ngày đã trôi qua mà trong tôi vẫn còn văng vẳng mãi câu hỏi (hay chất vấn?) của nhà thơ Hoàng Hưng: “Tại sao lại lấy đi thế kia?”. Vâng, TẠI SAO? TẠI SAO? Và ai là người chịu trách nhiệm cho việc cấm đoán người dân tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, đồng bào vô tội đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc ấy? Những người đã ngã xuống để cho tổ quốc trường tồn, quyết không sợ cái kiểu dọa nạt: “Dậy cho Việt Nam một bài học” của người đứng đầu nhà cầm quyền Bắc Kinh mang trong mình dòng máu đại Hán ngàn đời nay.

Lịch sử vẫn còn đó. Hơn 30 năm trước, hàng ngàn “Lê Đình Chinh” đã lên đường để rồi vĩnh viễn nằm xuống vì tiếng gọi CỨU NƯỚC của ĐCSVN: “ Hỡi đồng bào và chiến sỹ cả nước! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông –Nam châu Á đang bị đe dọa. Dân tộc Việt nam ta đang phải ra sức chiến đấu để tự vệ. Cuộc kháng chiến chống bọn phản động Trung Quốc xâm lược đã diễn ra! Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai, hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc!

Và hôm nay, sau 34 năm kể từ 17/2/1979 ấy, những gì xẩy ra ở hai đầu đất nước, ở Bến Bạch Đằng Sài Gòn và ở đài tưởng niệm liệt sỹ Hà Nội đã là câu trả lời đầy đủ cho chủ quyền dân tộc và nỗi niềm khi con thua cha. ĐAU ĐỚN QUÁ!

Tôi lại cầm sách lịch sử.

Đọc Lý Thường Kiệt, dũng tướng của TK 11 khi quân Tống xâm lược nước ta ông đã mưu trí và đầy can đảm cho quân lính chủ động tấn công đánh phủ đầu quân Tống, đồng thời phá kho lương thực, vũ khí, đường xá và cầu cống nhằm ngăn cản chúng. Khi hạ được thành Ung Châu mới rút quân về nước. Thế là: “Nực cười châu chấu đá xe/ tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng

Đến thời Trần, TK 13 lịch sử lại khắc ghi một loạt dũng tướng mà tiêu biểu là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Thời Trần đã làm vẻ vang đất nước ta với 3 lần đánh tan quân Nguyên. Sở dĩ quân dân nhà Trần đạt được những chiến công đó ngoài sự can đảm, anh hùng của tướng lĩnh và binh sỹ còn là câu nói (mệnh lệnh) của người đứng đầu xã tắc, vua Trần Nhân Tôn, một vị vua luôn luôn cảnh giác với âm mưu xâm lược của kẻ thù phương Bắc: “Cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa” và “Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”.
Đến thời Lê, vua Lê Thánh Tông TK 15 nói với các tướng lĩnh: “Nếu ngươi đem một thước sông, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”. Bởi ông thấu hiểu nỗi gian truân của vua cha là Thái Tổ Lê Lợi phải “Nếm mật nằm gai” gian khổ ra sao mới có chiến công vang dội chống quân Minh.

Cách đây hơn 200 năm, vua Quang Trung đại phá quân Thanh trong dịp tết Kỷ Dậu 1789 để xác quân thù chất cao thành Gò Đống Đa ngày nay.

Gần đây nhất năm 1979, sau hơn 1 tháng phát động chiến tranh, quân bành trướng Trung Quốc đã phải tháo chạy vì bị quân dân ta đánh cho tan tác…

Suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt, có thể nói chưa bao giờ người Việt lại phải chứng kiến cái sự thật về mất chủ quyền, mất đất, mất đảo để đến nỗi một nhà thơ phải thốt lên: “Yêu nước bây giờ chỉ còn nghe ú ớ..!”

Ai đã đẩy người Việt vào thảm cảnh này? Một thảm cảnh mà bài ca dao đã lột tả: “Bắc thang lên hỏi ông Trời/ “Tầu bành”cướp đảo có đòi được không?/Ông Trời ổng bảo rằng: không!/Mồi vào mõm sói còn mong gì đòi/Vua Hùng sống lại mà coi/mất dần biển đảo mất toi đất liền/ Vua Hùng dựng nước là tiên/ Cháu con bán nước giữ tiền sướng hơn”. Đọc bài ca dao này, tôi cứ nghĩ nếu ai đó không có suy nghĩ gì thì có lẽ họ chẳng còn là người con của MẸ VIỆT NAM nữa.

Nghĩ mãi tôi tạm “đánh liều” ghi ra thế này:

1/ Có phải đó là khẩu hiệu “Tình hữu nghị Việt Trung đời đời bền vững”? (Có lẽ tính từ 1990 cho đến nay?)
2/ Có phải đó là “Tinh thần 4 tốt, 16 chữ vàng”?
3/ Có phải đó là “Hai dân tộc cùng chung ý thức hệ cộng sản, Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều, chúng ta phải mang ơn họ”?
4/ Có phải đó là “Yêu cho roi cho vọt”?
5/ Có phải đó là “Trung Quốc tuy bành trướng nhưng vẫn là nước XHCN”?
6/ Có phải đó là…..

Nói thật, khai bút đầu xuân tôi rất muốn viết những dòng chữ “VUI-NHỘN-SẢNG KHOÁI” nhưng làm sao viết được khi phải chứng kiến những việc làm đầu xuân vô đạo ấy? Cái triết lý sống của dân tộc ngàn đời nay đã dậy dỗ để chúng ta tự hào đó là bản sắc dân tộc Việt “Uống nước nhớ nguồn” nay còn đâu? Và, đến khổ, khi cứ băn khoăn với câu hỏi mãi râm ran trong dân chúng: “BAO GIỜ CHO HẾT HÈN TƯỚNG?”

------------------------------------------------



Thứ ba, ngày 19 tháng hai năm 2013

Thiên hạ chẳng được lấy một phút bình yên. Tư duy chưa kịp bắt kịp chuyện này, đã nhảy phắt ngay sang chuyện khác. Chuyện ông nghị Phước còn đang nóng dãy, lại đến chuyện đi đặt vòng hoa tưởng niệm những người đã mất, hy sinh trong các cuộc chiến tranh chống quân bành trướng Bắc Kinh, bị chính quyền tìm đủ cách ngăn chặn một cách kỳ quặc chẳng hạn...

Trước mỗi sự kiện, bao nhiêu là bài viết hay, đọc không tài nào xuể. Trên các blog văn viết còn tàm tạm, chứ trên facebook thì thôi rồi. Đồ rằng những người bị chửi mà nghe thấy, có họa là gỗ đá mới không lên cơn tăng xông mà tổn mất vài phần trăm tuổi thọ. Phàm là người, ai không muốn được tôn xưng ông này bà nọ, thì thực lòng cũng chẳng muốn bị gọi là “thằng”, là “con” ...

Thôi thì “dân chợ búa” chửi ngoa ngoắt còn bảo không chấp. Người được cho là “tử tế” cũng phải nổi đóa lên chửi thì khó có thể nói rằng: “tao ngồi xổm” lên cái sự chưởi bới đó! Cũng phải suy nghĩ ít nhiều đấy.

Có một blogger cũng được nhiều người khen là có tài, nhưng cách dùng từ của người này thì thật khiếp. Với người này, già trẻ lớn bé, đức cao vọng trọng hay vô danh tiểu tốt được cho vào một rọ hết. Đổi lại, chủ nhân nhận được cũng kha khá, thậm chí có phần “hào phóng” hơn cái mà đã ban ra. Vậy mới nói, gieo gió thì gặt bão là thế.

**
Hôm đọc cái thư trả lời của ông đại điện Ủy ban sửa đổi Hiến pháp của quốc hội, “phê” cái kiến nghị của các nhân sĩ trí thức là không đúng quy định, rằng họ chỉ tiếp nhận ý kiến sửa đổi qua các đại biểu quốc hội!

Nghĩa là dân có kiến nghị sửa đổi thì phải thông qua các ông nghị đấy.

Tôi xin thề là sống đến ngần này tuổi, tôi chưa bao giờ được tiếp xúc với một vị đại biểu quốc hội nào. Không biết họ tiếp xúc cử tri ở đâu? Bằng cách nào? Vậy làm sao tôi có ý kiến được với họ nhỉ? Chưa nói đến việc họ có chuyển ý kiến của cử tri đến quốc hội hay không? Chưa nói đến việc tôi nghi ngờ vai trò của các ông nghị bà nghị, vì quốc hội không phải cơ quan quyền lực cao nhất (nên chỉ gật theo chỉ đạo là chính?). Và nữa, là vì phần lớn họ là đảng viên nên làm sao mà tin được !!!

Có lần tôi đi biệt phái vào miền Trung. Cả phân ban tôi bị bỏ quên, không được đi bầu cử quốc hội (vì không được phát phiếu). Thế mà họ vẫn báo cáo là 100% cử tri đi bầu! Nói tóm lại, là tôi chả tin tý nào vào quốc hội của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

***
Mấy hôm trước, trên mạng có lời kêu gọi, hãy làm gì đó để kỷ niệm ngày 17/2/1979 - là ngày bè lũ bành trướng Bắc Kinh xua 600 ngàn quân tràn qua tất cả các tỉnh biên giới phía bắc, giết hại hàng trăm ngàn đồng bào và chiến sĩ của ta, mở màn cho cuộc chiến tranh xâm lược phản trắc nhất trong lịch sử “hữu nghị Việt- Trung”.

Mọi người rủ nhau lên đặt vòng hoa ở tượng đài Cảm tử trên Bờ Hồ. Người thì bảo phải giữ “bí mật”, kẻo bị phá. Người thì bảo: không sợ! Nếu chúng phá, sẽ càng lộ rõ bộ mặt khốn nạn của chúng. Rốt cuộc là lộ thật!

Vì bố tôi mệt, nên sáng tôi không ra Bờ Hồ tham gia cùng mọi người được. Chỉ ra chợ mua hoa, in mấy dòng chữ tưởng nhớ ... đặt lên bàn thờ, thắp hương bá cáo với thần linh và tổ tiên ông bà nội ngoại về lý do thắp hương. Tôi chả biết khấn gì, nhưng nghĩ về cảnh cuộc chiến đau thương năm nào, tự nhiên nước mắt cứ ròng ròng...



Buổi chiều, bác Phan Trọng Khang gọi điện hỏi, có ra thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ Nhổn không? Áng chừng đi hơn tiếng thôi, nên tôi vơ lấy cái máy ảnh, quáng quàng chạy xuống nhà...

Nghe nói nghĩa trang liệt sĩ ở Nhổn quy tập khá nhiều mộ liệt sĩ, hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Nghĩa trang vắng lặng. Ngoài anh quản trang và đôi ba người chúng tôi, có thêm một người mà được anh em nhận diện là an ninh, đã quen mặt trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.

Mới qua tết không lâu nên các ngôi mộ ở đây vẫn tràn ngập hoa. Chúng tôi đi tìm khu vực mộ liệt sĩ hy sinh năm 79 ở biên giới, đặt những bông cúc vàng lên mộ các anh, thắp hương và dán những bức ảnh hoa sim tím lên trên mộ. Phần lớn họ đều hy sinh ở tuổi mười chín đôi mươi. Chúng tôi chưa từng trải nghiệm tình đồng đội trong chiến tranh, nên nỗi xúc động không giống cựu chiến binh Phan Trọng Khang. Bác ấy luôn miệng nói, cảm thấy nhẹ cả lòng khi thắp cho họ được nén nhang.

Đây mới chỉ là số ít trong những ngôi mộ được gia đình tìm đưa về đây. Còn bao nhiêu ngôi mộ nữa vẫn hoang lạnh khói hương, vẫn còn lưu lạc nơi rừng xanh núi đỏ?

Cuối ngày lên mạng, mới biết không chỉ có mấy anh em biểu tình viên, mà cả các nhân sĩ trí thức cũng đi đặt vòng hoa tưởng niệm...mới biết đến chuyện họ bị ngăn cản như thế nào.

Thế mới biết, khó nói được đâu là tận cùng của sự đớn hèn, sự vô ơn bạc nghĩa. Thiên hạ “chửi” nhiều rồi, tôi chả “chửi” thêm nữa.

Chùa chiền mà làm gì? Cầu khấn lễ bái mà làm gì? Trời Phật nào phù hộ?

XEM HÌNH NƠI TRANG CHÍNH :







No comments:

Post a Comment

View My Stats