Lê Phan
Saturday, February 09, 2013 1:47:26 PM
Ðầu năm đáng lẽ nói chuyện vui nhưng tôi xin phép
nói chuyện cách mạng và tranh đấu vì có vẻ đó sẽ là triển vọng của năm nay.
Hôm
nọ tôi được đọc một bài về một nhà tranh đấu ở Ai Cập. Nhỏ thó, Mohamed Mokbel,
một nghệ sĩ, trông không có vẻ gì là một nhà cách mạng hay một nhà tranh đấu.
Nhưng Mohamed Mokbel rất đặc biệt. Khi nhiều trăm người biểu tình rút lui trước
những thiết vận xa của cảnh sát chiến đấu, Mohamed chạy tới.
Một
“lão tướng” sau hai năm xuống đường biểu tình phản đối, Mohamed bình tĩnh rút
mặt nạ chống gas ra đeo lên mặt, rồi từ từ đeo vào tay đôi bao tay đã bị cháy
sém nhiều chỗ, chuẩn bị cho một đêm dài nữa “hành nghề.” Mà cái nghề của
Mohamed rất đặc biệt: ném trả những can chứa khí cay lại cho đám cảnh sát chống
biểu tình.
Chuyện
trò với một phóng viên của tờ New York Times trong một giây phút “chiến trường
lặng lẽ,” Mohamed giải thích: “Ở nơi nào dân chúng mất hết hy vọng, cuộc đụng
độ càng tệ hơn. Nhưng những người đang cầm quyền vẫn hành động như không có một
cuộc khủng hoảng, tiếp tục bắn khí cay. Thành ra tôi phải trở lại.” Câu chuyện
đó xảy ra ngay bên ngoài dinh tổng thống hôm Thứ Sáu tuần trước.
Hai
năm sau khi lật đổ nhà độc tài Hosni Mubarak, một làn sóng của xuống đường bạo
động đã làm tiêu tan kỹ nghệ du lịch, cắt giảm đầu tư ngoại quốc, gia tăng
nghèo đói và làm tiêu tan hy vọng ổn định có thể trở lại. Trong hai tuần vừa
qua, hơn 60 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ. Vị tướng cao cấp nhất
của quân đội Ai Cập đã khuyến cáo về một sự “sụp đổ của nhà nước” nếu các lãnh
tụ dân sự không tái lập được trật tự. Trong khi bộ trưởng nội vụ khuyến cáo là
các dân quân vũ trang sẽ chế ngự nếu lực lượng của ông chịu bó tay.
Nhưng
đằng sau sự rối loạn đang gây bối rối cho tân chính phủ là những nhà tranh đấu
như ông Mokbel. Họ là những người đã khám phá ra chính trị ở Quảng trường
Tahrir trong Mùa Xuân Ả Rập, cuộc nổi dậy đã lật đổ ông Mubarak. Và họ bảo họ
vẫn tiếp tục tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền. Cách biệt với các lãnh tụ Hồi
Giáo quá khích mới của Ai Cập cũng như các đối thủ chính trị của họ, những kẻ
xuống đường làm cách mạng này đã nhiều lần nổi dậy để ngăn chặn điều mà họ coi
như là một sự chiếm quyền, dầu kẻ chiếm quyền đó là chính quyền quân nhân lâm
thời hay vị tổng thống dân cử và các đồng minh Hồi Giáo quá khích của ông.
Trong
khi các chính trị gia tranh cãi về chủ thuyết, về các điều khoản của Hiến Pháp,
những nhà tranh đấu như ông Mokbel nói họ đang tiếp tục cuộc chiến vốn đã châm
ngòi cho cuộc nổi dậy lần trước, cuộc chiến chống lại lực lượng an ninh thậm tệ
của ông Mubarak, sẵn sàng đàn áp, không chịu trách nhiệm với ai cả. Họ chỉ ra
là hai năm sau lực lượng an ninh đó vẫn còn nguyên vẹn, và những tin tức về tra
tấn, bạo động và tống tiền vẫn tiếp tục.
Những
người bạn của Tổng Thống Mohamed Morsi thì giải thích là ông ta chưa nắm được
Bộ Nội Vụ. Quả là những sĩ quan chỉ huy của công an không che giấu gì sự thù
nghịch của họ với Huynh Ðệ Hồi Giáo, những người mà họ đã truy lùng. Chính ông
Morsi đã bị họ bỏ tù thời còn ông Mubarak. Phe của tổng thống thì giải thích là
ông đang cố dành sự tin tưởng của Bộ Nội Vụ để có thể kiểm soát họ.
Nhưng
nhiều người dân trong số xuống đường đã không còn tin ông Morsi nữa vì họ nghĩ
là ông nay đã về phe của công an. Những nhà tranh đấu như ông Mokbel nói họ sợ
là rồi cũng như các nhà độc tài dân sự khác, ông Morsi sẽ sử dụng bộ máy công
an để tấn công những đối thủ của ông như là một khí cụ giành quyền.
Ông
Mokbel than, “Họ đang cố gắng xây dựng một chế độ mới in hệt như chế độ cũ, với
tất cả những cái bất lợi của nó.” Ngoài giờ tranh đấu, ông Mokbel đang học hội
họa trong chương trình cao học của một trong những trường mỹ thuật nổi tiếng
nhất của Ai Cập.
Con
người có dáng dấp thư sinh đó giải thích là chính những người xuống đường mới
là kẻ đang bảo vệ chế độ pháp trị, đứng lên để bảo vệ quyền tự do phát biểu.
Không một chút vụ lợi, họ hy sinh tính mạng vì lý tưởng, vì lẫn nhau, và vì
những người bạn đã ngã xuống. Ông Mokbel giải thích, “Chúng tôi mắc nợ họ một
cái gì. Không những chỉ có tình hình kinh tế khá hơn, mà phải là một chính
quyền dám giao tiếp với dân, không phải độc tài hay đàn áp.”
Ông
Mokbel có lẽ là người đã có thể diễn tả rõ ràng hơn sự suy nghĩ của những người
xuống đường. Trong cuộc chiến với cảnh sát dã chiến gần Quảng trường Tahrir,
những chiến sĩ thường là đám thiếu niên, vốn có vẻ sống ở đường phố. Nhiều em
đã coi đó là một trò chơi lý thú, bất kể chính trị.
Nhưng
ông Mokbel, một phần của một hệ thống những nhà tranh đấu lớn tuổi hơn, vốn là
nền tảng của phong trào phản đối, ca ngợi các trẻ em bụi đời cho năng lực có vẻ
như bất tận của các em. Ông Mokbel giải thích, “Ðám trẻ bụi đời là những nạn
nhân tệ hại nhất của bạo hành của công an, và đòi hỏi của họ đâu có bao nhiêu -
một chút tư cách, một chút tôn trọng từ công an, một cuộc sống kinh tế khá hơn
một chút. Các em chỉ bộc lộ sự tức giận.”
Mặc
dầu công nhận một số trong đám biểu tình đã khiêu khích cảnh sát dã chiến với
gạch đá hay bom xăng, ông vẫn lý luận là chính sự hung hăng của công an đã tạo
nên các cuộc ẩu đả. Ông khẳng định, “Cảnh sát tấn công vào những người biểu
tình là điều đã tạo nên hỗn loạn.”
Cũng
phải nói là tuy một số cảnh sát đã bị bắn chết ở các thành phố khác, những
người biểu tình ở Cairo chưa bao giờ vũ trang. Khác với đạn cao su và baton của
cảnh sát dã chiến, ông Mokbel chỉ ra là những viên gạch đá của những người biểu
tình thực ra chẳng làm gì được cảnh sát có nón an toàn, áo giáp và khiên chống
biểu tình.
Ông
còn khẳng định, “Ngay cả với bom xăng, không một viên cảnh sát nào đã thiệt
mạng. Chúng tôi không muốn đốt sạch một nơi mà chúng tôi sẽ phải chi tiền để
tái thiết.”
Con
của một gia đình công chức trung lưu, ông Mokbel vẫn còn sống với cha mẹ vì
chưa lập gia đình. Trước cuộc cách mạng, ông cho biết, ông và gia đình bỏ chính
trị ra ngoài ta vì biết là vô ích. Nay chính trị làm ông thức suốt đêm. Ðôi khi
ông không ngủ được vì luôn check iPhone xem có tin thêm gì trên Twitter hay
message từ những người biểu tình đang cần ông giúp đỡ trong một cuộc đụng độ
với cảnh sát ở đâu đó.
Ở
bất cứ một “bãi chiến trường” nào, ông nói ông cũng gặp bạn bè. Ông kể là tình
bạn của họ rất thắm thiết vì họ đã cùng ăn, cùng ngủ, cùng chịu khổ và cùng qua
rất nhiều những cuộc khủng hoảng với nhau.
Cũng
như những người đang chiến đấu khác, ông Mokbel chẳng coi các chính trị gia đối
lập ra gì cả. Ông bảo họ không đại diện cho lập trường trên đường phố. Ông còn
bảo ai bắt đầu nói chuyện với báo chí rồi cũng đã bỏ đi. Và cũng như rất nhiều
người Ai Cập khác, ông không chống lại chủ thuyết Hồi Giáo quá khích của ông
Morsi hay của Huynh Ðệ Hồi Giáo. Khi ông Mursi và Huynh Ðệ nắm được quyền kiểm
soát ở Quốc Hội rồi chiếm luôn ghế tổng thống, ông Mokbel và bạn bè của ông đã
hy vọng là những người vốn đã là nạn nhân của công an thì phải tìm cách cải tổ
hệ thống đàn áp đó.
Nhưng
khi ông Mursi ra nghị định ngưng quyền của tòa án để họ khỏi thách thức những
quyết định của ông, bạo động bùng lên và leo thang. Ông Mokbel hỏi, “Khi một
chế độ đập tan ngành tư pháp, dùng cảnh sát làm dụng cụ đàn áp, thì ai sẽ tổ
chức bầu cử. Nếu chúng tôi chờ bầu cử liệu có bảo đảm gì là chúng tôi sẽ có bầu
cử không?”
Và
có lẽ ông Mokbel có lý. Hôm tuần rồi, sau cuộc đụng độ giữa cảnh sát và dân
chúng, vài chục người dân bị thiệt mạng, ông Mursi công khai cảm ơn lực lượng
an ninh đã đàn áp đám biểu tình và còn nới rộng quyền của cảnh sát ở một số
thành phố. Ông Mursi nói ông bắt đầu thấy có công lý nhưng ông Mokbel lại một
lần nữa bỏ cái mặt nạ chống hơi cay và đôi bao tay bảo vệ vào cái túi xách và
xuống đường.
\
Từ
một cuộc diễn hành đến một đụng độ dọc sông Nile, ông chạy từ nơi này sang nơi
khác. Khi ông đang tạm nghỉ uống một ly cà phê, một toán nhỏ quá khích trong
đám đông bên ngoài dinh Tổng thống ném một vài quả bom xăng qua tường, phóng
hỏa đốt một nhà gác. Cảnh sát phản ứng với hơi cay rồi đạn bắn chim. Ông Mokbel
tức giận, “Dĩ nhiên cảnh sát có quyền bảo vệ dinh tổng thống. Nhưng lựu đạn cay
không chỉ nhắm vào những người ném bom. Nó tấn công vào toàn thể đám đông.”
Sau
hai giờ xông qua đám khói để ném trả những lựu đạn cay, ông nhếch mép cười lạt,
“Nhiều lựu đạn cay lắm. Thành ra đủ cho mọi người.”
Nghe
xong câu chuyện của người họa sĩ Ai Cập, tôi bỗng nghĩ chẳng bao lâu nữa Việt
Nam cũng có những nhà tranh đấu như ông Mokbel. Những nhà tranh đấu bất đắc dĩ
chỉ vì chính quyền vô cảm.
No comments:
Post a Comment